Matt Mahan

ads header

Breaking News

Giải trừ hạt nhân nhưng canh tân vũ khí

Một đầu đạn nguyên tử SS-4 tầm trung thời kỳ xô-viết trưng bày tại La Habana, ngày 26/11/2009. REUTERS/Desmond Boylan/Files
(RFI) Các nước có trang bị hỏa tiễn và bom nguyên tử vẫn hiện đại hóa kho vũ khí của mình mặc dù quyết tâm của cộng đồng quốc tế là phi hạt nhân hóa. Theo nhận định của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế SIPRI ở Stockholm, Thụy Điển, cường quốc hạt nhân nào, lớn cũng như nhỏ, đều âm thầm cải tiến kho vũ khí sát hại hàng loạt, kể cả Mỹ, Nga đã chi phí rất nhiều để …giải trừ đầu đạn hạt nhân.

Bản báo cáo hàng năm của SIPRI công bố ngày 14/06 cho thấy trái đất vẫn đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh nguyên tử. Từ khi Hiệp định chống phổ biến vũ khí hạt nhân ra đời vào năm 1968 đến nay, và 25 năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, số đầu đạn hạt nhân có giảm nhưng vẫn tồn tại ở con số hàng chục ngàn.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế SIPRI ở Stockholm, vào đầu năm 2015 vẫn còn 15.850 trong số này 4.300 đầu đạn còn « hoạt động ». Nếu so với 5 năm trước thì số lượng này giảm khá nhiều khoảng 7.000 đơn vị.

Tuy nhiên, vận tốc phi hạt nhân hóa có phần trì trệ trong năm vừa qua so với nhịp độ của 10 năm trước .

Thực ra, chính sách phi hạt nhân hóa là do Mỹ và Nga thực hiện rõ nét nhất. Hai cường quốc này một mình kiểm soát gần 90% kho vũ khí thế giới : Mỹ có 7.260 và Nga 7.500 đầu đạn.

Nhưng phá hủy bớt lượng đầu đạn nguyên tử không có nghĩa là Nga Mỹ thực tình phi hạt nhân hóa. Theo SIPRI, hai nước này đã tiến hành một chương trình canh tân, hiện đại hóa kho vũ khí nhằm cải tiến hệ thống phóng tên lửa, độ chính xác của đầu đạn và phương thức sản xuất.

Những cường quốc hạt nhân bậc trung như Trung Quốc (260) , Anh (215), Pháp(300), tuy là thành viên của Hiệp định chống phổ biến vũ khí nguyên tử, cũng âm thầm trang bị giàn phóng mới hoặc tuyên bố sẽ tiến hành.

Trong số 5 thành viên Hội đồng Bảo an, Trung Quốc là nước duy nhất gia tăng số đầu đạn hạt nhân và chiều hướng này sẽ được tiếp tục thực hiện mặc dù với số lượng « khiêm tốn ».

Các nước hạt nhân còn lại như Pakistan, từ 100 đến 120, Ấn Độ từ 90 đến 110, đều chạy đua vũ trang trong khi Israel, tuy vẫn cãi chính không có bom nguyên tử, vẫn thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

SIPRI cũng nghi ngờ Bắc Triều Tiên đã chế tạo được từ 6 đến 8 quả bom nhưng nhìn nhận là không thể đánh giá được khả năng kỹ thuật của chế độ khép kín này tiến triển ra sao.

Ai che giấu, ai minh bạch thông tin ?

Theo viện SIPRI, Hoa Kỳ là nước minh bạch nhất về mặt thông tin. Pháp và Anh chỉ tiết lộ một phần nào. Trường hợp của Nga, khá đặc biệt. Matxcơva chỉ « minh bạch » cung cấp thông tin cho Mỹ nhưng không bao giờ báo cáo cho bất kỳ ai khác. Hoa Kỳ cũng bắt đầu bớt phổ biến thông tin liên quan đến vũ khí hạt nhân của Nga và của Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì hoàn toàn giữ bí mật trong khi Ấn Độ và Pakistan chỉ thông báo mỗi khi thử tên lửa.

Còn lâu lắm thế giới mới sạch bóng vũ khí hạt nhân. Theo nhận định của chuyên gia Shannon Kile, mặc dù cộng đồng quốc tế vẫn nhấn mạnh đến nhu cầu phi hạt nhân hóa nhưng các chương trình canh tân vũ khí đang được hiện tại các cường quốc hạt nhân cho phép kết luận không một nước nào sẵn sàng từ bỏ ưu thế này.

Tú Anh - RFI