Ông Cameron tái đắc cử Thủ tướng Anh
Thật là một thắng lợi sửng sốt cho ông Cameron và đảng Bảo thủ của ông, khi đảng trở thành đảng cầm quyền đầu tiên ở Anh từ nhiều thập niên giành được thêm ghế tại Quốc Hội trong một cuộc bầu cử. |
Thật là một thắng lợi sửng sốt cho ông Cameron và đảng Bảo thủ của ông, khi đảng trở thành đảng cầm quyền đầu tiên ở Anh từ nhiều thập niên giành được thêm ghế tại Quốc Hội trong một cuộc bầu cử. Thủ tướng Cameron đã đến điện Buckingham để chính thức nhận lệnh của Nữ hoàng Elizabeth thành lập chính phủ kế tiếp.
Ông nói: “Đối với tôi, cuộc tranh cử lần này luôn là về những quyết định khó khăn chúng ta phải đưa ra trong 5 năm vừa qua, cơ sở cho một nền kinh tế vững mạnh hơn mà chúng ta đã xây dựng cho đất nước và cơ hội vào lúc này để củng cố nền tảng đó.”
Cũng gây sửng sốt không kém là sự sa sút của liên minh đối tác của ông Cameron trong 5 năm vừa qua, đảng Dân chủ Cấp tiến, mất đi gần 50 ghế và sẽ chỉ còn lại chưa đầy 10 ghế. Lãnh tụ đảng và là phó thủ tướng Nick Clegg, đã từ chức sáng thứ năm.
Người đứng đầu đảng Lao Động đối lập, ông Ed Miliband, cũng từ chức sau khi đảng thắng ít ghế hơn so với 5 năm trước, thấp hơn nhiều so với dự đoán của những người thăm dò cho rằng hai đảng Lao Động và Bảo thủ sẽ ngang ngửa nhau.
Ông nói: “Đây là lúc một người nào khác sẽ tiếp nhận nhiệm vụ lãnh đạo đảng này, vì thế tôi xin từ chức. Tôi muốn từ chức ngay lập tức bởi vì đãng cần phải có môt cuộc tranh luận cởi mở và chân thành về hướng đi sắp tới.”
Thực là một thất vọng chua chát cho ông Miliband, người mới hôm trước đã có lý do để tin rằng mình sẽ trở thành thủ tướng, và đảo ngược phần lớn chính sách tiết kiệm của đảng Bảo thủ.
Nhưng giáo sư Peter Urwin của trường Đại học Westminster nói trong tình hình nền kinh tế vẫn đang bị đe dọa, cuối cùng cử tri sẽ vẫn theo đảng nào đem lại sự cải thiện trong mấy năm vừa qua.
Ông nói: “Tôi nghĩ câu châm ngôn là ‘bàn tay an toàn.’ 5 năm vừa qua phe Bảo thủ đã được coi là hướng dẫn nền kinh tế vượt qua cơn sóng gió khá gay go.”
Ông Urwin nói những cắt giảm chi tiếu từng là một phần chủ chốt trong chính sách của đảng Bảo thủ chủ yếu tác động đến các thành phần dù gì cũng không bỏ phiếu cho họ, kể cả những người nhận trợ cấp xã hội và giới trẻ.
Cựu ký giả và nay là giảng viên tại trung tâm nghiên cứu Chatham House, ông Quentin Peel, tập trung vào một yếu tố khác. Ông nói sự quan ngại rằng đảng Lao động sẽ cần đến sự trợ giúp của Đảng Dân tộc Scotland để thành lập một chính phủ đã lôi kéo nhiều cử tri về phía đảng Bảo thủ trong những ngảy chót của cuộc vận động tranh cử.
Ông nói: “Đó là đợt sóng đẩy tới nơi an toàn của cử tri Anh dồn phiếu cho kẻ ác mà họ biết, mặc dầu họ không sốt sắng mấy về việc ấy.”
Đảng Dân tộc Scotland cấp tiến và đòi độc lập thắng ít nhất 56 trong số 59 ghế dành cho Scotland, và đã hy vọng sẽ là một thành phần trong một liên minh chống Bảo thủ. Nay, phái đoàn với thế mạnh vừa được tăng cường tại Quốc hội sẽ ngồi ở ghế đối lập, và kế hoạch của đảng đòi một cuộc trưng cầu dân ý mới về độc lập cho Scotland có phần chắc sẽ phải gác lại chưa biết đến bao giờ.
Cử tri Scotland đã bác bỏ độc lập trong một cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra năm ngoái.
Đảng Độc lập hữu khuynh UK chống Liên hiệp châu Âu chiếm được tỷ lệ 12 phần trăm chưa từng thấy trong cuộc tổng tuyển cử. Nhưng hậu thuẫn bị phân tán khắp nước và đảng chỉ chiếm được có 1 ghế tại quốc hội.
Thủ lãnh hay phô trương của đảng là ông Nigel Farrage đã thất cử, và từ chức lãnh đạo đảng, mặc dầu ông nói rằng ông có thể ra tranh cử lại chức này vào tháng 9.
Thủ tướng Cameron cam kết mở một cuộc trưng cầu ý kiến về tư cách thành viên EU của Anh vào năm 2017. Từ nay đến lúc đó, ông muốn thương lượng những thay đổi trong quan hệ để thuyết phục cử tri Anh ở lại Liên hiệp. Nhưng ông phải đối mặt với sự mặc cả gay go với những người lãnh đạo ở châu lục này.
Ông Quentin Peel nói mặc dầu là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, và là một thành viên của khối G-7, Anh Quốc sẽ vẫn tập trung phần lớn vào các vấn đề quốc nội trong những năm sắp tới.
Ông nói: “Trong tương lai có thể dự báo trước, Anh Quốc sẽ hoàn toàn thu mình, rất xa rời với thế giới bên ngoài. Họ không muốn tham gia thêm các cuộc mạo hiểm ở nước ngoài.”
Ngay lúc này, Thủ tướng Cameron sẽ tập trung vào việc chọn các vị bộ trưởng cho một chính phủ hoàn toàn Bảo thủ mà ông dự kiến sẽ trình diện trước quốc hội vào tuần tới, và bảo đảm sẽ được chấp thuận.