Matt Mahan

ads header

Breaking News

Liên hiệp Châu Âu trước nguy cơ "Brexit "

David Cameron tại Bruxelles.  REUTERS/Francois Lenoir
(RFI) Sau chiến thắng bất ngờ của thủ tướng Bảo thủ David Cameron trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 07/05/2015 Liên Hiệp Châu Âu hiện đang đứng trước nguy cơ nước Anh ra khỏi khối này, một khả năng được báo chí mệnh danh là « Brexit ».

Sau khi chắc chắn là sẽ nắm quyền thêm nhiệm kỳ thứ hai, ông Cameron xác nhận là ông sẽ thực hiện lời hứa tổ chức từ đây đến năm 2017 một cuộc trưng cầu dân về việc nước Anh có tiếp tục ở trong Liên Hiệp Châu Âu hay không.

Thật ra thì theo lời của một quan chức cao cấp Uỷ ban Châu Âu nói với hãng tin AFP không chắc là đa số dân Anh bỏ phiếu cho việc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Vấn đề là xem ông David Cameron sẽ đòi thương lượng những gì để đổi lấy việc nước Anh tiếp tục là thành viên của Liên Hiệp.

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã nói trước là ông sẵn sàng chấp nhận những sửa đổi nhỏ trong các hiệp ước của châu Âu. Nhưng ông dứt khoát loại trừ mọi sửa đổi quan trọng, nhất là liên quan đến quyền tự do đi lại bên trong khối Liên Hiệp Châu Âu.

Một nhà ngoại giao châu Âu ở Bruxelles tuyên bố với AFP rằng : « Người Anh sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng các đối tác của họ sẵn sàng trả giá cao để giữ họ lại, nhất là nếu cái giá này làm mất đi ý nghĩa của dự án châu Âu hợp nhất ».

Một nhà ngoại giao châu Âu khác thì cho rằng nguy cơ « Brexit » đã giảm đi nhiều, bởi vì Cameron nay đã hoàn toàn được công nhận tính chính đáng và vị thế của ông trong đảng đã được củng cố. Nhưng nhà ngoại giao này cảnh báo rằng các đối tác của châu Âu sẽ phải tính toán cái giá phải trả để giữ nước Anh lại vì việc nước này ra đi sẽ là một tai họa.

Cũng theo nhà ngoại giao này, các đối tác châu Âu phải chấp nhận xét lại một số điều khoản trong các hiệp ước để thủ tướng Cameron có thể thuyết phục cử tri Anh bỏ phiếu thuận cho việc ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng sẽ không có chuyện sửa đổi những hiệp ước căn bản như hiệp ước Schengen liên quan đến quyền tự do đi lại của công dân châu Âu, hay hiệp ước về thị trường duy nhất.

Thật ra thì cho tới nay Anh quốc vẫn là một thành viên « cá biệt » trong Liên Hiệp Châu Âu. Thứ nhất, Anh quốc không phải là thành viên hiệp ước Schengen, bao gồm 22 nước Liên Hiệp và 4 nước không phải là thành viên ( Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein ). Thứ hai, nước này cũng không sử dụng đồng tiền chung euro, mà vẫn giữ đồng bảng Anh. Thứ ba, Anh Quốc được hưởng một số ngoại lệ trong các lĩnh vực hợp tác, như về cảnh sát và tư pháp.

Ông Cameron đã yêu cầu cải tổ toàn diện Liên Hiệp Châu Âu, trả lại cho các nước thành viên một số thẩm quyền, đặc biệt là về chính sách ngoại giao Châu Âu, chính sách nông nghiệp chung và chính sách năng lượng.

Nói chung, theo các nhà phân tích, hai năm tới đây sẽ là thời gian mặc cả gay go giữa các đối tác châu Âu với thủ tướng Cameron.