Matt Mahan

ads header

Breaking News

Hỏi và Trả Lời Về Buổi Vinh Danh và Tri Ân Ngày 19 tháng 6


Hỏi và Trả Lời Về Buổi Vinh Danh và Tri Ân Ngày 19 tháng 6

Ngày 19 tháng 5, 2015

LTS: Trong thời gian qua, Mạch Sống, cơ quan ngôn luận của BPSOS, nhận được nhiều câu hỏi của giới truyền thông báo chí về việc tổ chức Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center vào ngày 19 tháng 6 tới đây. Các câu hỏi này đã được Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc và Chủ Tịch BPSOS và là Trưởng Ban Tổ Chức chương trình ở Kennedy Center, trả lời trên một số chương trình truyền thanh và truyền hình. Tuy nhiên vì có người theo dõi, có người không, chúng tôi tổng hợp các câu trả lời này dưới đây để phổ biến đến quý độc giả.

(1) Tại sao chọn ngày 19/6 để kỷ niệm 40 năm đến Hoa Kỳ?

Chúng tôi tổ chức buổi Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center trùng với ngày mà cộng đồng người Việt ở khắp nơi sẽ tổ chức Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà là vì chúng tôi muốn công chúng Hoa Kỳ, đặc biệt là chính giới và các cựu chiến binh Hoa Kỳ, nhân ngày ấy sẽ cùng chúng ta vinh danh sự cống hiến của quân cán chính VNCH cho lý tưởng tự do.

Còn để đánh dấu 40 năm người Việt đi tị nạn cộng sản, chúng tôi tổ chức một chuỗi sinh hoạt ở nhiều thành phố và kéo dài đến cuối năm. Chúng tôi mệnh danh chuỗi sinh hoạt này là “Hành Trình Đến Tự Do Của Chúng Tôi” (hay Của Chúng Ta), tiếng Anh là Our Journey To Freedom. Chương trình "Vinh Danh và Tri Ân" ở Kennedy Center ngày 19 tháng 6 nằm trong chuỗi sinh hoạt trong đó.

(2) BPSOS tổ chức Ngày Quân Lực VNCH hay ngày kỷ niệm 40 năm mất nước?

Chúng tôi không tổ chức “Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà” mà tổ chức buổi "Vinh Danh và Tri Ân", thuộc chuỗi sinh hoạt “Hành Trình Đến Tự Do Của Chúng Tôi” như kể trên, nhưng muốn nó gắn bó và ăn khớp với Ngày Quân Lực VNCH sẽ được tổ chức quy mô trong các cộng đồng Việt ở khắp nơi. Do đó chúng tôi chọn ngày 19 tháng 6.

Việc tổ chức Ngày Quân Lực VNCH là trách nhiệm của các tổ chức cựu quân nhân; họ đã làm bao năm qua và còn tiếp tục làm trong nhiều năm tới. Riêng năm nay, nhân dịp 40 năm kỷ niệm, chúng tôi tin rằng Ngày Quân Lực VNCH sẽ được tổ chức đặc biệt quy mô trong cộng đồng người Việt khắp Hoa Kỳ, nhất là ở Hoa Thịnh Đốn. Chúng tôi hoan nghênh điều này.

Đối tượng chính của chương trình Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center là công chúng Hoa Kỳ, vốn mang nhiều ngộ nhận hay thiếu hiểu biết về cuộc chiến Việt Nam. Chẳng hạn, người Việt tị nạn chúng ta hầu như ai cũng biết và cảm phục các vị tướng, tá và binh sĩ VNCH tuẫn tiết ngày 30 tháng 4, 1975, nhưng phần lớn người Mỹ không biết đến họ. Nay chúng tôi muốn nhiều thành phần ngưỡi Mỹ bắt đầu cùng chúng ta vinh danh những tấm gương anh hùng ấy ở nơi chốn trang trọng và uy nghi nhất quốc gia Hoa Kỳ. Và không gì bằng chọn đúng ngày 19 tháng 6 để thực hiện việc ấy.

Lý do nữa để chọn ngày 19 tháng 6 là vì sẽ có nhiều sinh hoạt trong các ngày 18-20 tháng 6 mà chúng tôi đã hoạch định từ trước; như thế đồng hương ở xa về vùng thủ đô Hoa Kỳ sẽ có thể thuận tiện tham gia nhiều sinh hoạt khác nhau trong cùng một chuyến đi.

(3) Sao không chọn ngày 26 tháng 10 để tổ chức Ngày Quân Lực VNCH?

Câu hỏi này hãy dành cho những ai tổ chức ngày Quân Lực VNCH để trả lời. Chúng tôi tổ chức buổi Vinh Danh và Tri Ân chứ không tổ chức Ngày Quân Lực VNCH. Chúng tôi chọn ngày này cho ăn khớp với sinh hoạt Ngày Quân Lực VNCH sẽ diễn ra ở khắp nơi.

 (4) Nội dung của chương trình?

Chủ đề của chương trình ở Kennedy Center là vinh danh những ai đấu tranh cho tự do và tri ân những ai đã cho chúng ta tự do: Đất nước và nhân dân Hoa Kỳ, các người Mỹ phục vụ ở miền Nam Việt Nam trước 1975 và các quân cán chính VNCH.

Chúng tôi sẽ chính thức vinh danh và tri ân 7 cá nhân và tổ chức, cả Việt lẫn Mỹ. Xen kẽ là các tiết mục trình diễn nghệ thuật thật đặc sắc.

Còn chương trình chi tiết, chúng tôi đang làm việc với Kennedy Center để hoàn tất. Hy vọng chúng tôi có thể công bố trong vài ngày tới đây.

(5) Sẽ gặt hái được gì sau ngày đó?

Qua buổi Vinh Danh và Tri Ân, chúng tôi muốn tranh thủ cảm tình và sự ủng hộ của chính giới và một số thành phần trong công chúng Hoa Kỳ cho công cuộc tranh đấu cho dân tộc Việt Nam được tự do và dân chủ. Đại thể, thông điệp lồng trong chương trình Kennedy Center là: “Đất nước và nhân dân Hoa Kỳ đã cưu mang và cho người Việt tị nạn chúng tôi tự do; nhưng chúng tôi ra đi không vì tự do cá nhân mà là để mưu cầu tự do cho cả dân tộc Việt Nam. Chúng tôi cảm ơn quý vị đã cho chúng tôi tự do ngày hôm qua và nay kêu gọi quý vị hãy cùng chúng tôi đưa dân tộc Việt Nam đến tự do vào ngày mai.”

Chúng tôi tin rằng, nếu tổ chức thành công chương trình ở Kennedy Center, nhiều chính khách Hoa Kỳ sẽ thấy rằng cộng đồng Mỹ gốc Việt có thuỷ có chung, có đạo nghĩa và chỉ trong 40 năm đã vươn lên ngang hàng với mọi sắc dân khác. Chúng tôi có báo trước với một số dân cử liên bang Hoa Kỳ về chương trình Kennedy Center; họ rất ngạc nhiên và cảm phục. Nay đã có trên 40 vị dân biểu và thượng nghị sĩ Liên Bang Hoa Kỳ đồng ý đứng tên làm Đồng Chủ Tịch Danh Dự cho chương trình Vinh Danh và Tri Ân.

Thành phần thứ hai mà chúng tôi muốn tranh thủ là các người Mỹ đã từng phục vụ hay tham chiến ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Trong tâm khảm, họ lúc nào cũng là đồng minh trong lý tưởng tự do của chúng ta. Vinh danh họ chính là cách để lôi kéo họ nhập cuộc với chúng ta. Điển hình, nhiều người trong số họ đã ghi danh tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam, 18 tháng 6. Sự góp sức của họ sẽ tăng hiệu quả rất nhiều cho cuộc tổng vận động của chúng ta sắp tới đây.

Hiểu như trên thì buổi Vinh Danh và Tri Ân nằm trong kế hoạch “Hoa Kỳ vận”. Đó là một lý do chúng tôi kéo dài chuỗi sinh hoạt “Hành Trình Đến Tự Do Của Chúng Tôi” đến tận cuối năm, khi mùa tổng tuyển cử 2016 ở Hoa Kỳ bắt đầu.

(6) Có vinh danh không?

Sẽ có cả vinh danh và tri ân. Những ai thọ ơn thì tri ân người mình thọ ơn; những ai không thọ ơn thì vinh danh người đó. Chẳng hạn, người Việt chúng ta với nhau thì tri ân các chiến sĩ VNCH đã bỏ mình cho quê hương. Tuy nhiên, chúng ta không thể bắt các giới chức và quan khách Hoa Kỳ có mặt cũng phải tri ân như mình; đúng quy cách thì họ có mặt là để vinh danh. Cũng vậy, Dân Biểu Christopher Smith, một người sẽ được vinh danh, đã có công cứu giúp cho vài chục nghìn cựu thuyền nhân, tù nhân “cải tạo” và nạn nhân buôn người. Những người này cần tri ân DB Smith như một ân nhân. Nhưng những người khác thì đâu thể tri ân mà chỉ có thể vinh danh ông ta về tấm gương nhân bản.

(7) Ai vinh danh ai?

Ban tổ chức cùng với quan khách, các nghệ sĩ trình diễn, các mạnh thường quân bảo trợ về tài chánh và truyền thông, một số tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ, và những vị dân cử Liên Bang nhận làm Đồng Chủ Tịch Danh Dự là thành phần đứng ra vinh danh.

Có hai thành phần được vinh danh. Thứ nhất là những người mà chúng tôi tuyển lựa để vinh danh trên sân khấu. Chúng tôi đã công bố danh sách thành phần này từ hơn tháng nay. Tuy rằng chúng tôi vinh danh cá nhân và tổ chức, sự tuyển lựa được sắp xếp để mang tính cách biểu tượng. Chẳng hạn, Binh Nhất Trần Văn Bảy biểu tượng cho tất cả những tử sĩ vô danh trong quân lực VNCH. Hoặc một gia đình người Mỹ từng bảo trợ (sponsor) cho rất nhiều người Việt di tản năm 1975 biểu tượng cho lòng nhân ái của nhân dân Hoa Kỳ nói chung.

Thứ hai là những người được các cá nhân ngoài ban tổ chức tự ý và tự túc vinh danh. Người đề xướng hoàn toàn đài thọ mọi chi phí và lo phương tiện để gởi người được vinh danh đến Kennedy Center. Ban tổ chức sẽ thay mặt những người đề xướng để vinh danh họ cùng một lúc và tại chỗ (thay vì lên sân khấu). Tên, hình và đôi dòng tiểu sử của họ sẽ được đăng trong quyển chương trình của buổi vinh danh.

Người được vinh danh gồm cả những người còn sống và người đã qua đời.

(8) BPSOS chỉ được tri ân, không được vinh danh. Muốn vinh danh Quân Lực VNCH thì phải là chính quyền Hoa Kỳ hay LHQ.

Lập luận như vậy là không đúng với phương thức tổ chức của chúng tôi. Như trình bày trong câu trả lời trước, ngoài BPSOS còn có nhiều người, giới chức và tổ chức cùng thực hiện sự vinh danh. Đối với những người do cá nhân ngoài ban tổ chức đề xướng, thì BPSOS chỉ thay mặt họ để vinh danh chung.

Nếu đề cập đến tư cách gì để xứng đáng thực hiện sự vinh danh thì thử hỏi, phải dựa vào tiêu chuẩn nào để xét định? Ngày 12 tháng 5 vừa rồi, Thị Trưởng của Morrow City, một thành phố nhỏ bé ở Georgia, đã hưởng ứng chương trình “Hành Trình Đến Tự Do Của Chúng Tôi” khi trao bằng vinh danh Quân Lực VNCH và các cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam. Liệu họ có đủ tầm vóc để thực hiện sự vinh danh hay không, hay là chúng ta sẽ phải phát động chiến dịch phản đối, yêu cầu họ rút lại sự vinh danh? Cũng vậy, nhân ngày 30 tháng 4 vừa rồi, nữ Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ - California) ra nghị quyết vinh danh Quân Lực VNCH và các chiến binh Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam. Đây là nghị quyết của riêng Bà Lofgren chứ không phải của Quốc Hội Hoa Kỳ như một số người hiểu sai. Liệu chúng ta có đặt vấn đề là, Bà Lofgren có đủ tầm vóc để vinh danh như vậy hay không, và từ chối sự vinh danh ấy?

Trong trường hợp của chương trình Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center, đến nay đã có 33 vị dân biểu, kể cả Bà Lofgren, và 8 thượng nghị sĩ Liên Bang Hoa Kỳ đã đứng tên, thì tại sao vấn đề tầm vóc lại được đặt ra?

Xin lưu ý là chúng tôi không ngưng ở số 41 vị dân cử này mà vẫn tiếp tục vận động thêm các dân cử Liên Bang Hoa Kỳ tham gia (xem danh sách cập nhật tại: http://www.ourjourneytofreedom.org/honorary-wall/).

(9) Đối tượng được mời tham dự là ai? Dân chúng, cựu quân nhân hay ai khác?

Quan khách tham dự sẽ gồm có trước hết những người và tổ chức được vinh danh/tri ân.

Kế đến là những người mua vé tham dự để cùng nhau bày tỏ lòng vinh danh hay tri ân. Ai cũng có thể mua vé để tham dự.

Ngoài ra, chúng tôi còn mời một số giới chức Hoa Kỳ, đại diện của các tổ chức nhân quyền quốc tế, các cựu chiến binh Hoa Kỳ -- họ là khách mời.

Cuối cùng là có những người mua vé trực tiếp của Kennedy Center thuần tuý vì muốn thưởng thức một chương trình nghệ thuật mang sắc thái Việt Nam.

(10) BPSOS dự trù VIP là những ai?

Các thượng khách và yếu nhân sẽ gồm những người được vinh danh/tri ân, những vị dân cử liên bang và tiểu bang, một số giới chức Hành Pháp, thành phần lãnh đạo của một số tổ chức nhân quyền quốc tế, và các mạnh thường quân bảo trợ về tài chánh và truyền thông. Chúng tôi sẽ có buổi tiếp tân “thảm đỏ” dành riêng cho họ ngay trong Kennedy Center, trước khi chương trình chính thức bắt đầu vào đúng 8 giờ chiều.

(11) Kennedy Center là thế nào?

Kennedy Center là trung tâm nghệ thuật trình diễn của quốc gia Hoa Kỳ, do Quốc Hội thông qua luật và Tổng Thống Eisenhower ký ban hành để thành lập năm 1958. Đây là một trong những trung tâm nghệ thuật nổi tiếng hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới. Riêng về tính cách trang trọng thì không nơi nào sánh bằng vì nó nguy nga, lại nằm ngay tại thủ đô Hoa Kỳ. Đó là nơi được dùng để vinh danh tổng thống Hoa Kỳ và các vĩ nhân thế giới.

(12) Ai mới vận động được thuê Kennedy Center? Giá thuê cho 1 ngày?

Ban Giám Đốc của Kennedy Center có thủ tục tuyển chọn kỹ lưỡng và lâu lắc, để bảo vệ thanh danh của trung tâm. Họ xét xem tổ chức đứng tên thuê có thành tích, có uy tín và có đủ khả năng thực hiện chương trình hay không. Thủ tục cứu xét mất khoảng 6 tháng.

Ngân sách để thực hiện buổi Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center khoảng 300 nghìn Mỹ kim, gồm có:

Tiền trả cho Kennedy Center (mướn hí viện, ánh sáng, âm thanh, nhạc cụ, màn ảnh, nhân công soát vé và đóng/mở rạp, nhân viên bảo vệ, dọn dẹp...): $80,000

Chi phí tiếp tân (phòng tiếp tân, nước uống và thức ăn nhẹ) dành cho thượng khách: $25,000

Tiền mướn người quay video, chiếu video, máy chiếu và màn ảnh lớn: $20,000

Chi phí cho các người được vinh danh/tri ân và một thân nhân (vé máy bay, khách sạn, tiền ăn uống, đi lại, và vật lưu niệm): $20,000

Chi phí cho toán điều khiển nghệ thuật và phối hợp chương trình (soạn nhạc, giàn nhạc chuyên nghiệp, phòng tập, chuyên chở người và nhạc cụ, ẩm thực trong thời gian tập dợt, chi phí xin tác quyền, v.v.): $70,000

Chi phí cho nghệ sĩ, nhạc công, emcee (vé máy bay, khách sạn, tiền ăn uống, đi lại): $15,000

Ấn loát (quyển chương trình, bích chương, quảng cáo trên báo Mỹ...): $15,000

Chi phí hành chánh (bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, người chạy việc toàn thời trong 1 tháng): $35,000

Tổng cộng: $280,000

Chúng tôi ước lượng sẽ có những chi phí nẩy sinh ngoài dự tính, khoảng $20,000. Vị chi là $300,000 cho chương trình ngày 19 tháng 6.

Đó là chúng tôi may mắn có nhiều người tình nguyện. Các nghệ sĩ trình diễn và các emcee đều tình nguyện. Nhiều chuyên gia thực hiện video, thiết kế trang mạng, thiết kế bích chương... hoàn toàn miễn phí. Lại có những đồng hương mở tư gia ra cho toán đàn tranh và ban tù ca, tổng cộng mấy chục người, tạm trú và có người tình nguyện đưa đón họ. Nếu không có những tấm lòng vàng này, chi phí sẽ còn cao hơn nữa.

Một mặt chúng tôi đang kêu gọi sự đóng góp yểm trợ của các mạnh thường quân. Mặt khác chúng tôi cũng tìm mọi cách cắt giảm chi phí, nhưng không thể cắt giảm đến nỗi ảnh hưởng đến phẩm chất của chương trình.

(13) Tại sao chọn Kennedy Center cho tốn kém?

Sau 40 năm, cộng đồng chúng ta đã thành đạt, nhiều người hiển vinh và đóng góp đáng kể cho xã hội và đất nước Hoa Kỳ. Nay muốn vinh danh hay tri ân những người cho mình tự do và sự thành đạt ấy, thì không thể chọn một nhà hàng, một trung tâm cộng đồng, hay sân khấu của một trường đại học. Thể diện của cả tập thể người Mỹ gốc Việt không cho phép chúng ta làm vậy. Chúng ta không còn ở thời điểm 1980, 1990 hay 2000 nữa. Nếu muốn tạo sự nể vì của chính giới và công chúng Hoa Kỳ cũng như các cộng đồng bạn cho mục đích ảnh hưởng chính sách thì lại càng không thể làm vậy. Đó là chưa kể năm nay các toà đại sứ và tổng lãnh sự Cộng Hoà XHCN Việt Nam sẽ tổ chức hàng loạt các sinh hoạt đánh dấu 20 năm bình thường hoá quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam. Chúng ta nay đã có 1.6 triệu người Việt ở Hoa Kỳ và là công dân/chủ nhân của đất nước này mà tổ chức nhỏ hẹp, thiếu tầm vóc, thua kém họ thì sẽ là một thất bại trên phương diện quốc tế vận. Bằng mọi giá chúng tôi phải chọn Kennedy Center là vậy, dù có phần tốn kém.

(14) Có người cho rằng chương trình ở Kennedy Center là hình thức làm thương mại. Đúng, sai?

Tôi đoán rằng ai nghĩ như vậy là họ đang liên tưởng đến các “bầu show” tổ chức đại nhạc hội ở các sòng bài.

BPSOS là tổ chức phi lợi nhuận được công nhận và đặt dưới sự kiểm soát của Sở Thuế Liên Bang (IRS). Tài sản của một tổ chức phi lợi nhuận là thuộc về công chúng. Nếu thu vượt chi thì số tiền chênh lệch phải dùng để phục vụ công chúng chứ không ai được bỏ túi riêng. Đối với chương trình ở Kennedy Center, chúng tôi đã công bố ngay từ đầu là nếu thu vượt chi thì phần thặng dư sẽ được sung vào quỹ tài trợ các chương trình giải cứu nạn nhân buôn người, bảo vệ đồng bào tị nạn, giúp đỡ nạn nhân bạo hành gia đình, và yểm trợ cho một số hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam.

Nếu muốn so sánh cho chính xác thì nên liên tưởng đến các tổ chức phi lợi nhuận đã đứng ra thực hiện Bức Tường Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam, tượng đài tưởng niệm nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, hay các tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ…

IRS kiểm soát rất kỹ các tổ chức phi lợi nhuận được họ cấp quy chế miễn đóng thuế; chúng tôi phải qua kỳ kiểm toán và giải trình kéo dài khoảng 6 tuần mỗi năm; dù một xu cũng phải giải trình. Bản báo cáo với IRS được tổ chức kiểm toán độc lập công bố hàng năm tại: http://www.guidestar.org/.

Vả lại, nếu muốn có lợi nhuận thì một “bầu show” sẽ chọn tổ chức ở nơi nào ít tốn kém nhất, như các casino chẳng hạn, chứ không tìm chỗ mà chi phí cao như ở Kennedy Center.

(15) Tổ Chức Cộng Đồng VA, MD và DC cùng Liên Hội Cựu Chiến Sĩ có phối hợp với BPSOS không? Nếu không thì vì sao?

Cuối năm ngoái, tôi có một buổi họp không chính thức với vài nhân sự thuộc tổ chức cộng đồng nêu trên và một tổ chức cựu chiến sĩ mà tôi không chắc là tổ chức nào. Mọi bên đều đồng ý là giữ các sinh hoạt tách biệt với nhau nhưng sẽ cố gắng phối hợp để hỗ trợ cho nhau khi có thể. Sau buổi tiếp xúc ấy thì chúng tôi có trao đổi email qua lại trong thời gian ngắn. Sau đó thì tôi không còn nhận được thông tin của quý vị này nên cũng không biết gì thêm về các dự tính của các tổ chức liên quan. Dù vậy chúng tôi cũng đã giới thiệu họ với mạng lưới của các cựu cố vấn Hoa Kỳ để mạng lưới này yểm trợ cho các sinh hoạt ngày 30 tháng 4 vừa qua và Ngày Quân Lưc VNCH sắp đến. Tôi cầu chúc quý vị đó gặt hái được nhiều thành công trong những sinh hoạt của mình.

(16) Tổ chức ở Kennedy Center với giá vé đắt khiến cựu quân nhân khó tham gia.

Một mặt chúng tôi muốn tạo điều kiện cho mọi người tham dự, mặt khác chúng tôi phải làm sao để có đủ ngân sách trang trải chi phí. Với chi phí ước tính là $300,000 và có khoảng 800 vé bán (không kể 200 chỗ dành cho các thượng khách và yếu nhân, vốn là khách mời), thì mỗi vé đổ đồng là $375. Chúng tôi ấn định giá vé từ $75 đến $1,000 là để những ai có khả năng tài chánh thì san sẻ cho người ít khả năng tài chánh.

Ngoài ra, ở nhiều nơi như Atlanta, Houston, Dallas-Fort Worth, Bắc Virginia, Bắc California, New Orleans… văn phòng BPSOS hoặc một số nhóm ở địa phương đã và đang gây quỹ để hỗ trợ thêm cho những người trẻ và các bác cao niên vẫn không thể mua vé dù ở giá $75 hay $100. Chẳng hạn một mạnh thường quân vừa cho biết sẽ tài trợ cho 45 người trẻ mỗi người $100 cho mỗi vé $150 – nghĩa là họ chỉ phải bỏ ra $50 để mua vé trị giá $150.

(17) Có ai ở hải ngoại này đủ sức mua vé với giá $500, $1000?

Chúng ta không nên đánh giá thấp về chính mình. Sau 40 năm cộng đồng Việt tị nạn đã phát triển rất nhanh và mạnh, với nhiều tấm gương thành công, hiển đạt làm cho các sắc dân bạn nể nang. Và trong số những người thành công không ít người có lòng. Vấn đề là có lôi kéo họ về với chúng ta được hay không. Qua chương trình Kennedy Center chúng tôi có ý muốn lôi kéo những người Việt trẻ và thành công bắt đầu tham gia các công việc của cộng đồng chúng ta.

(18) Thay vì tổ chức tốn kém ở Kennedy Center, tốt hơn nên dùng tiền ấy cho công tác nhân đạo hay để yểm trợ các tù nhân lương tâm và các nhà đấu tranh dân chủ ở trong nước.

Hoàn cảnh đất nước Việt Nam đòi hỏi cùng lúc các nỗ lực nhân đạo, nhân quyền và dân chủ. Chúng tôi rất quan tâm và đã hoạt động cùng lúc trong cả ba lĩnh vực từ mấy mươi năm nay. Về nhân đạo, chúng tôi đã giải cứu và giúp đỡ cho trên chục nghìn nạn nhân buôn người và vài chục nghìn đồng bào tị nạn. Về nhân quyền thì chúng tôi liên tục thực hiện các công tác quốc tế vận, kể cả các cuộc tổng vận động hàng năm ở quốc Hội Hoa Kỳ, và đã đạt được một số tiến triển cụ thể. Về dân chủ thì chúng tôi đã hỗ trợ nhiều tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng tôn giáo ở trong nước về xây dựng nội lực và kết nối họ với quốc tế. Chúng tôi đã hỗ trợ tổng cộng gần 400 nghìn Mỹ kim cho các tù nhân lương tâm và những nhà tranh đấu đang gặp nguy hiểm. Chúng tôi có toán luật sư thường trực ở Thái Lan để bảo vệ các nhà tranh đấu phải bỏ nước đi lánh nạn.

Chương trình ở Kennedy Center không những là việc đạo nghĩa thuỷ chung phải làm mà còn có tác dụng Hoa Kỳ vận cho nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam. Qua đó chúng tôi tranh thủ cảm tình và vận động sự yểm trợ của các chính giới Hoa Kỳ, thành phần cựu chiến binh Hoa Kỳ, và rộng hơn là công chúng Hoa Kỳ trong nỗ lực đưa cả dân tộc Việt Nam đến tự do. Và nếu như số tiền thu vào nhiều hơn chi phí thực hiện buổi Vinh Danh và Tri Ân, chúng tôi sẽ sung vào quỹ để thực hiện các công tác nhân đạo, nhân quyền và dân chủ như kể trên. Như thế, chương trình Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center hoàn toàn nằm trong chủ trương của chúng tôi là cùng lúc hoạt động trong cả ba lĩnh vực này.

(19) Chương trình ở Kennedy Center có tác dụng xoá sổ Ngày QLVNCH?

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe được điều này.

Tuy chúng tôi không tổ chức Ngày Quân Lực VNCH vì đó là việc của các tổ chức quân đội trong cộng đồng người Việt, nhưng chương trình của chúng tôi ở Kennedy Center sẽ làm nổi bật ý nghĩa Ngày Quân Lực VNCH trong ý thức của chính giới và công chúng Hoa Kỳ. Điều này hoàn toàn ngược với nỗi lo ngại về “xoá sổ”.

Hơn nữa, cứ cho rằng ai đó muốn “xoá sổ” Ngày Quân Lực VNCH hay bất kỳ ngày nào khác thì cũng không thể được vì chúng ta đang sống ở đất nước tự do. Không cá nhân nào hay tổ chức nào có quyền bắt người khác phải tổ chức điều gì mà họ không muốn, hoặc phải gọi tên gì mà họ không thích. Như vậy, nếu một cá nhân hay hội đoàn đứng ra tổ chức ngày 19 tháng 6 và đặt cho nó một tên nào đó thì là quyền của họ, nhưng họ không có quyền bài bác hay ngăn cấm các cá nhân hay hội đoàn khác tổ chức Ngày Quân Lực VNCH. Chỉ khi nào ở chế độ độc tài, nhà nước ra lệnh cấm tổ chức Ngày Quân Lực VNCH thì mới lo bị "xoá sổ". “Xoá sổ” chỉ là lập luận gượng ép hay lo ra, không phù hợp với thực tế ở xã hội tự do này.

(20) Nội dung cho ngày 19/6, tại sao có trình diễn người mẫu?

Tôi không hiểu ở đâu ra tin đồn là sẽ có trình diễn người mẫu. Chúng tôi tuyển 12 cô người mẫu từ lớp người trẻ Việt trong vùng Hoa Thịnh Đốn. Đó là con em của chúng ta. Họ sẽ tham gia trong nghi thức đón chào quan khách và mở đầu chương trình vinh danh và tri ân. Họ sẽ mặc áo dài tượng trưng cho ba miền Bắc Trung Nam. Chúng tôi muốn quan khách phải trầm trồ trước hình ảnh của 12 tà áo dài rực rỡ ở ngay phần mở đầu chương trình vinh danh và tri ân. Cũng như khi chọn ca sĩ thì phải chọn đúng người, chúng tôi phải chọn người mẫu đúng tiêu chuẩn cho áo dài. Chọn người mẫu cho áo dài khác với trình diễn người mẫu hay trình diễn thời trang.

(21) Chương trình “Hành Trình Đến Tự Do Của Chúng Tôi” có liên quan gì đến đạo luật với tên tương tự vừa được Quốc Hội Canada thông qua?

Hoàn toàn không. Chúng tôi chọn tên cho chuỗi sinh hoạt “Hành Trình Đến Tự Do Của Chúng Tôi” từ tháng 6 năm ngoái, và đã đăng ký tên này với Kennedy Center liền sau đó. Vài tháng sau chúng tôi đọc tin tức thấy dự luật của TNS Ngô Thanh Hải đưa ra cũng mang tên na ná như vậy. Chúng tôi cho đó là một trùng hợp lý thú. Tuy nhiên nội dung rất khác nhau vì đạo luật bên Canada thể hiện quan điểm của chính quyền và người dân Canada, còn chương trình của chúng tôi là do chúng tôi chủ xướng để khẳng định quan điểm của chúng tôi rằng:

1. Quân dân miền Nam Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng tự do;

2. Chúng tôi bỏ nước ra đi không chỉ để tìm tự do cho riêng mình mà để hoàn thành sứ mạng lịch sử là đưa cả dân tộc Việt Nam đến tự do;

3. Chúng tôi mời đón những đồng minh năm xưa và tất cả những ai yêu chuộng tự do hãy nhập cuộc với chúng tôi trong công cuộc này.

(22) Liên Minh cho một Việt Nam Tự Do và Dân Chủ mà Ts. Nguyễn Đình Thắng là phát ngôn nhân có liên quan gì với Liên Minh Dân Chủ mà TNS Ngô Thanh Hải là thành viên?

Hoàn toàn không có sự liên quan nào.

Nguồn: http://www.machsongmedia.com/