Bầu cử Anh : Chiến thuật dồn phiếu giờ chót
Thủ tướng mãn nhiệm David Cameron và phu nhân đến phòng phiếu. Ảnh ngày 07/05/2015. REUTERS/Toby Melville |
Từ Luân Đôn,thông tín viên Lê Hải đã theo dõi ngày bầu cử từ sáng sớm và trong 100 ngày vừa qua của chiến dịch tranh cử.
Hôm nay nước Anh thức dậy sớm hơn và cũng sẽ đi ngủ muộn hơn bình thường. Trên 50.000 điểm bỏ phiếu mở cửa từ 7h sáng và cho đến tận 10h đêm mới đóng cửa. Bình thường người ta bắt đầu làm việc từ 9h sáng cho nên mở cửa sớm để cử tri có thể tạt qua phòng phiếu trên đường đi làm, và tương tự vậy, sau giờ tan tầm lúc 5h chiều vẫn còn rất nhiều thời gian để bỏ phiếu, mà trước đó vẫn kịp uống vài chén rượu với bạn đồng nghiệp trên đường về nhà.
Đó là một trong số các biện pháp mà giới chuyên gia ở Anh đã áp dụng để tăng tỷ lệ người đi bỏ phiếu, sau khi lượng người đi bỏ phiếu giảm đến mức kỷ lục dưới 60% hồi năm 2001. Người ta cũng cho phép bỏ phiếu qua đường bưu điện từ trước – trong số 50 triệu cử tri có đến 7 triệu người bỏ phiếu theo cách này trong cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ trước vào năm 2010. Mặc dù vậy tỷ lệ người đi bầu cử lần đó chỉ tăng đến con số 65%. Một phần lý do là vì thực sự cử tri không cảm thấy lá phiếu của mình là quá cần thiết trong bối cảnh sự khác biệt giữa các đảng phái không lớn, và số lượng các đảng ngày càng nhiều trong khi số phiếu cho hai đảng lớn không đủ quá bán.
Nhật báo Guardian nhận định cuộc bầu cử năm nay có thể sẽ có kết quả đặc biệt nhất trong lịch sử nước Anh, bởi vì chênh lệch phiếu giữa hai đảng Bảo Thủ và Công đảng có thể sẽ chỉ là một vài phiếu mà thôi. Có lẽ vì vậy mà các đảng đều tập trung vào bộ máy vận động hơn là tổ chức sự kiện cho đại chúng, và kiểm soát rất kỹ tất cả các kênh truyền thông, từ TV cho đến mạng xã hội. Hai đảng lớn tấn công nhau trực diện, còn các đảng nhỏ thì khai thác hết thế mạnh để tạo chỗ đứng. Đảng Tự do Dân chủ bàn chuyện sẽ làm gì nếu phải bầu cử lại vào tháng 12 này. Giới chuyên gia thì đánh giá cao bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng SNP, đã gây rất nhiều chú ý trên sân khấu chính trị trong vài tuần lễ vừa qua, với phong thái mà những người ủng hộ bà gọi là làm chính trị kiểu mới.
RFI : Tuy nhiên, kết quả bầu cử vẫn nằm trong tay các đảng lớn với các phương pháp vận động tranh cử truyền thống, vậy thì các chuyên gia đánh giá như thế nào về các chiến dịch tranh cử ?
Thời tiết nước Anh sáng nay trời âm u và sương mù như thường lệ, và sau đó thì nắng và nóng dần lên. Trời bắt đầu chuyển sang mùa hè cho nên ngày dài hơn bình thường, đến 8-9h tối vẫn còn sáng, và có lẽ đó sẽ thời điểm nóng nhất trong cuộc bầu cử năm nay. Với đảng viên và ủng hộ viên của các đảng lớn thì hôm nay là một ngày rất dài sau chiến dịch 100 ngày vận động cử tri.
Trước hết, cần phải hiểu là cơ chế đảng ở nước Anh không cứng nhắc như ở Việt Nam, và chỉ cần đóng đảng phí và tham gia các hoạt động ủng hộ đảng là được coi là đảng viên. Trên các trang mạng có sẵn mẫu đơn để tham gia làm đảng viên hay ủng hộ viên, và góp tiền cho đảng. Việc chọn lựa ứng viên cho đảng cũng được thông báo công khai trong nội bộ và lập hội đồng xét duyệt với cả chục đảng viên lâu năm ngồi đặt câu hỏi để xét khả năng ứng phó cũng như tố chất và kinh nghiệm của các đảng viên mới.
Mỗi địa phương thường tổ chức tiệc rượu gây quĩ hay họp tổ đảng trong quán rượu, và trong chiến dịch tranh cử thì đi phát tài liệu – gọi là delivery, hay đi vận động – gọi là canvas, và ngay trong ngày bỏ phiếu, tức là chiều nay, thì đi gọi các cử tri của mình hãy dồn phiếu cho đảng, gọi là calling. Tại phòng phiếu có người ngồi trực, vừa để nhắc nhở cử tri về sự hiện diện của mình, vừa lấy số liệu một cách khéo léo để chuyển về trung tâm điều phối để dồn lực vận động ở các điểm sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử.
Đảng Bảo thủ được nhận xét là sử dụng tối đa các kỹ thuật vận động hiện đại mà nhất là có tiền để in tài liệu phát tới từng hộ dân. Trong những ngày vừa qua báo chí cũng nhận thấy là họ tập trung tổ chức sự kiện cho đảng viên và người ủng hộ của mình, một động tác có thể hiểu là để động viên và mang tính phòng thủ để khỏi bị mất phiếu vào tay đối thủ.
Song song đó, Chủ tịch đảng là Thủ tướng David Cameron cũng tấn công trực diện vào chương trình kinh tế của đối thủ Ed Miliband, lãnh đạo Công đảng. Theo nhận định của tờ Guardian, thì ông Miliband dù không đủ kinh nghiệm và tài lực, nhưng đã khéo léo chèo chống trong những ngày qua. Ông đã chiếm được lòng tin của cử tri, rút ngắn khoảng cách giữa hai đảng, mà hiện có thể nói là ngang bằng nhau và kết quả bầu cử vào tối nay sẽ rất khó đoán nổi.
Tờ Times ước tính kết quả thắng thua sẽ phụ thuộc vào con số 4 triệu cử tri được huy động vào chương trình gọi là “bỏ phiếu chiến thuật”, mà đến sát giờ đóng cửa mới kéo tới phòng phiếu để lật ngược tình thế. Tờ Financial Times cho rằng Công đảng có thể chiếm được 25 ghế từ tay liên minh cầm quyền nhưng hiệu ứng tâm lý của người đi bỏ phiếu vào giờ chót có thể khiến người ta bầu cho đảng Bảo Thủ.
RFI : Kết quả bầu cử hôm nay ảnh hưởng đến Việt Nam và người Việt ở Liên Hiệp Châu Âu ?
Trước hết, hai nhân vật Ngoại trưởng và Bộ trưởng phụ trách Viện trợ quốc tế là hai vị trí có liên quan nhiều nhất với Việt Nam. Bà Bộ trưởng Viện trợ trong nội các của Thủ tướng Cameron chính là ứng viên của đảng Bảo thủ trong khu vực của tôi là Justine Greening, và trước đây từng là Bộ trưởng Giao thông. Công việc của Bộ Viện trợ và Phát triển là điều phối ngân sách mà chính phủ Anh dành cho các nước khác. Gần đây nhất là tiền cứu trợ cho động đất Nepal và thuê máy bay để đưa công dân Anh về nước. Cũng giống như Bộ trưởng Ngoại giao, hoạt động của họ phụ thuộc vào chủ trương và kỹ năng vận động của Việt Nam, mà cho đến thời điểm này hầu như không thấy có động thái gì rõ ràng.
Thứ hai, cơ quan được người Việt đặc biệt quan tâm là Bộ Nội vụ, nơi chuyên trách về vấn đề tị nạn và di dân, cũng như là qui trình cấp thị thực nhập cảnh. Bà Bộ trưởng nhiệm sắp mãn nhiệm Theresa May cũng là một nghị sĩ tay ngang trong đảng Bảo Thủ chứ không phải là chuyên gia về các vấn đề này, và bên phía Công đảng cũng không có nhân vật nào quá nổi bật. Các ý kiến mang tính cực đoan về vấn đề người nước ngoài ở Anh thuộc về các đảng nhỏ như UKIP, nhưng mà khả năng họ vào liên minh cầm quyền và giữ chức Bộ trưởng Nội vụ là rất thấp.
Vấn đề mà người Việt có quốc tịch ở các nước trong Liên Hiệp Châu Âu quan tâm nhất là chính sách của nước Anh về việc họ có quyền đi làm và đoàn tụ gia đình tự do như hiện nay hay không. Điều đó còn tùy thuộc vào cuộc trưng cầu dân ý về vị trí của nước Anh trong Liên Hiệp, như cam kết của Thủ tướng David Cameron. Nhưng đó là chuyện của một cuộc bỏ phiếu sau này, có thể là 2018, hay 2020 tùy thuộc vào chuyện ai sẽ lên làm Thủ tướng nước Anh.