Tập sách “Let’s Speak Vietnamese” nói gì với CĐNV TNCS?
Bìa “Let's Speak Vietnamese” (H: Ðỗ Dzũng/Người Việt) |
nói gì với Cộng Đồng Việt Tị Nạn Cộng Sản?
.Trần Phong Vũ
Sự kiện
Hôm Thứ Ba, 31-3, ngày cuối cùng trước khi bước vào Tháng Tư Đen, ghi dấu 30 năm Quốc Hận, ông Tạ Đức Trí, Thị Trưởng thành phố Westminster và phu nhân đã tiếp xúc với một số báo chí Việt ngữ tại nam California để cảnh báo về hành vi xâm nhập công khai của cộng sản Hànội vào Cộng Đồng người Việt qua ngả Giáo dục. Ông không đến với tư cách Thị Trưởng, nhưng với tư cách phụ huynh nhằm bảo vệ ái nữ của chính mình khỏi bị Hànội đầu độc bằng những tài liệu giáo khoa song ngữ Anh/Việt được giảng dạy trong hệ thống học đường Mỹ.
Được biết con gái ông Tạ Đức Trí hiện đang theo học lớp song ngữ của trường trung học Warner Middle School thuộc học khu Westminster. Tài liệu căn bản được giáo viên dùng trong lớp học này là cuốn “Let’s Speak Vietnamese”.
Sách được in tại nhà in Lê Nguyễn Press 9802 S. 45th Place, Phoenix, Arizona năm 2007. Tác giả là Lê Phạm Thúy Kim và Nguyễn Bích Thuận. Lê Phạm Mai Li (Cover Design); Lê Phạm Thúy Kim (Text Design); Illustration do Lê Phạm Thúy Kim, Nguyễn Phúc Nhật Khánh và Nguyễn Vivian, Hình ảnh do Lê Hùng. Nội dung sách chứa đựng những văn kiện được dùng trong chế độ cộng sản ở Việt Nam hiện nay. Thí du nơi trang 13 có mẫu hướng dẫn điền đơn (Filling out forms) trong đó có mẫu đề tên chủ hộ là Phạm Thu Trinh, giáo viên và các chi tiết cá nhân, bên dưới đóng dấu Công an Quận. Con dấu mang hình quốc huy CSVN với cờ đỏ sao vàng, ký tên Trưởng Công An Quận là Trần Thế Sơn. Trang 14 có mẫu Giấy Khai Đăng Ký Kết Hôn, phía trên cùng ghi dòng chữ “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.” Ngoài ra, sách còn có nhiều từ ngữ xuất hiện tại Việt Nam sau năm 1975 như “đăng ký” và danh xưng mới của thành phố Sàigòn mang tên họ Hồ.
Sau khi nhận được thư phàn nàn của ông TĐT, bà Trish Montgomery, phát ngôn viên học khu đã gửi ra một thông cáo cho hay “Học khu đã quyết định loại bỏ không dùng tập sách này nữa”. Trả lời câu hỏi của báo giới, bà nói:
“Sách được một số trung học khác trong vùng giới thiệu để sử dụng tại trường Warner với mục đích đồng nhất cách giảng dạy chương trình Việt ngữ trong học khu một thời gian trước khi ông Trí lên tiếng, và sách cũng được dùng tại Học Khu Huntington Beach, trường trung học Westminster, các đại học UCLA, Colombia và Yale University.”
Một cú sốc lớn đối với cộng đồng Việt tị nạn
Sau sự kiện mùa hè năm 2014 một Giảng viên Việt ngữ (Lectureur in Vietnamese) tại đại học UCLA miền nam California bị công luận đặt vấn đề, phát hiện trên quả là một cú sốc cực lớn. Nó không chỉ giới hạn tại vùng Tiểu Sàigòn mà cho tất cả các cộng đồng Việt Nam tị nạn CS tại Mỹ, nếu không muốn nói là trên toàn thế giới.
Với Nghị quyết 36 ra đời năm 2005, chuyện cán bộ CS thâm nhập hàng ngũ người tị nạn bằng những ngõ ngách khác nhau mọi người đều đã biết. Chủ trương trí vận của Hà nội qua việc họ cài đặt nhân sự vào các cơ quan truyền thông Việt ngữ, kể cả trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, các Trung Tâm giảng dạy Việt ngữ cũng đã từng được công luận lên tiếng báo động.
Nhưng bây giờ, với một tài liệu giáo khoa song ngữ Anh/Việt như tập “Let’s Speak Vietnamese” xuất bản tại Mỹ với nội dung mang hơi hướng sách vở được dùng ở Việt Nam lại được chấp nhận cho giảng dạy trong hệ thống học đường địa phương từ Đại Học đến Trung Học nhiều năm qua thì quả là một chuyện không bình thường. Điều cần lưu ý là sự kiện này không chỉ tác hại cho con em Việt Nam mà nó còn ảnh hưởng tới cách nhìn và suy nghĩ của học sinh Hoa Kỳ cùng các sắc dân khác đối với cộng đồng Việt tị nạn khi chúng ghi danh học tiếng Việt qua tập sách giáo khoa song ngữ kiểu này.
Với con em Việt Nam mà hầu hết ông bà, cha mẹ các cháu đều là những nạn nhân cộng sản, thì tính cách nguy hiểm của nó ra sao mọi người đều dễ dàng nhận ra.
Hệ quả khốc hại nhìn thấy
Hình dung một lớp trẻ thơ gốc Việt ra đời và lớn lên ở Mỹ, nói tiếng Mỹ, học trường Mỹ, tiêm nhiễm cái hồn nhiên, dễ tin những gì trong sách giáo khoa của giới trẻ địa phương. Khi có cơ hội bập bẹ tiếng mẹ đẻ chúng được thày cô giáo nhồi sọ bằng thứ ngôn ngữ lai căng kèm theo loại sách giáo khoa trong đó có những văn bản mẫu xuất xứ từ các cơ quan công an, hành chánh, hộ tịch của chế độ CSVN với cờ đỏ sao vàng, danh xưng Xã Hội Chủ Nghĩa… thì thử hỏi trong đầu chúng sẽ đặt ra biết bao câu hỏi trái nghịch với những gì chúng nhận được từ gia đình, cộng đồng? Ban đầu có thể chưa có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Nhưng ngày càng lớn, có dịp tiếp xúc với những du sinh viên, với internet, với những luận điệu tuyên truyền giảo hoạt của đám dư luận viên[1], những thiếu niên nam nữ này sẽ nghĩ gì về những điều cha mẹ chúng nói về ngày Quốc Hận 30-4-1975, về cuộc trốn chạy của mấy triệu đồng bào, và về lá cờ vàng ba sọc đỏ?
Bây giờ, sau khi phát hiện những loại sách giáo khoa song ngữ như tập “Let’s Speak Vietnamese” được dùng trong nhiều năm qua tại các trường trung học thuộc một số học khu ở vùng Tiểu Sàigòn và cả đại học UCLA, Colombia, Yale người ta không còn lạ khi nhớ lại lời phàn nàn pha lẫn âu lo của một số phụ huynh về những cuộc tranh cãi bất thường nổ ra trong gia đình giữa những bậc cha mẹ với đám con trai, con gái mới lớn chung quanh chuyện cờ quạt, chuyện biểu tình chống cộng, chuyện quê hương, dân tộc!
Những câu hỏi cần đặt ra.
Câu hỏi đầu tiên là ngoài các trường và học khu như bà Trish Montgomery chỉ danh còn có những nơi nào đang dùng tập sách song ngữ “Let’s Speak Vietnamese”?[2] Câu hỏi kế tiếp đặt ra cho các vị dân cử trong các Hội Đồng Giáo Dục thuộc các học khu tại các thành phố có đông học sinh Việt Nam như hai miền nam bắc bang California. Quý vị có biết gì về tập sách giáo khoa song ngữ trên đây không?
Nhiều phần chắc những thày cô giáo phụ trách các lớp học song ngữ Anh/Việt này, dù ở bậc trung học hay đại học, đều là người Việt. Và như vậy hẳn họ biết rất rõ về tài liệu giáo khoa được nhà trường chỉ định dùng để giảng dạy trong lớp. Câu hỏi đặt ra là tại sao những nhà giáo này lâu nay vẫn giữ thái độ thủ khẩu như bình không lên tiếng? Có hai cách lý giải cho câu hỏi này. Thứ nhất có thể chỉ vì miếng cơm manh áo, vì sợ mất việc làm nên dù biết cũng đành ngậm tăm im lặng không nói. Thứ hai là miễn cưỡng hoặc tệ hơn là tự nguyện cam tâm làm bàn tay nối dài cho Hànội trong việc thi hành NQ 36: dùng phương tiện văn hóa, giáo dục thâm nhập các cộng đồng Việt Nam tị nạn.
Về phần phụ huynh VN, quý vị đã quan tâm đủ tới những tài liệu giáo khoa đang được dùng để giảng dạy con em quý vị trong hệ thống học đường Mỹ chưa?
Không phải chuyện tình cờ mà là một chính sách
Có những chỉ dấu cụ thể cho thấy việc len lách vào tập thể người Việt tị nạn ở hải ngoại qua cửa ngõ giáo dục không phải là việc tình cờ, giai đoạn, mà là một chính sách lâu dài được Hànội nghiên cứu và chủ động thực hiện lâu nay. Nghị Quyết 36 chính thức ra đời từ năm 2005. Ngày 04-8-2009 website của Bộ Ngoại Giao VNCS công bố chương trình thử nghiệm dạy Việt ngữ cho người Việt ở nước ngoài do ông Phạm Gia Khiêm với tư cách Phó Thủ Tướng ký duyệt, theo đó sẽ được thực hiện tại Lào, Campuchia, Nga, Cộng Hòa Tiệp, Mỹ và Canada.
Bản tin của đài RFA ngày 21-8-2009 cho hay:
“Từ VN, Ts Nguyễn Ngọc Hùng, viên chức Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, giám đốc Trung Tâm Việt Ngữ Viện Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội cho biết: đây là một dự án lớn mà cả Bộ Giáo Dục, Bộ Ngoại Giao, ‘Ủy Ban Công Tác Người Việt Nam Ở Nước Ngoài’ phối hợp thực hiện”.
Trả lời câu hỏi của phái viên Thanh Trúc, ông Hùng cho hay:
“Đã in được các bộ sách giáo khoa và đã phân phát tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Hoa Kỳ... Hiện nay đã bắt đầu tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt đầu tiên…chúng tôi có các cơ sở giáo dục ở Los Angeles…”
Trong một bài viết dài công bố hôm 27-8-2009, Phạm Hải Bằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hoá, ‘Uỷ ban Nhà Nước Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài’ cho hay:
“Nhà nước Việt nam hiện đang có dự án lập trường Việt Ngữ và cử giáo viên từ trong nước ra giảng dậy tiếng Việt cho người Việt ở hải ngoại theo giáo trình được soạn riêng…”
(Người viết mong mỏi những vị quan tâm tiếp tay lên tiếng)
...................
[1] Với sinh viên bậc đại học, trong dịp hè lại còn được giảng viên đích thân dẫn về VN ‘tham quan’
[2] Theo bà Nancy Bùi thuộc Hội Bảo Tồn Văn Hóa Việt thì tập giáo khoa “Let’s Speak Vietnamese” chỉ là một trong bốn tập song ngữ cùng loại và hiện có mặt trong hơn 9000 thư viện Mỹ!
Niềm vui của những người không thờ ơ và không làm ngơ!!!