"Ngân hàng" lưu trữ các mẫu băng hà
Một mẫu băng hà. Ảnh : Viện địa cực Pháp/Institut polaire français (Grenoble) |
Theo giải thích của ông Jérôme Chappellaz, giám đốc nghiên cứu Phòng thí nghiệm Băng hà và Địa vật lý Grenoble, “ngân hàng” này cũng giống như ngân hàng được lập ra tại Spitzberg ( Bắc Cực ) để tích trữ các hạt giống trên toàn thế giới cho những thế kỷ tới.
Ngân hàng dành cho các mẫu băng hà theo dự kiến sẽ được xây dựng ở vùng Nam Cực, cụ thể là tại căn cứ Concordia của Pháp-Ý, nơi mà nhiệt độ lạnh tới -35°C.
Theo nhà nghiên cứu Chappelaz, với cái “tủ đá” nhân tạo này, các mẫu băng hà sẽ được an toàn vĩnh viễn, cho dù có nổ ra thế chiến thứ ba và cho dù đến cuối thế kỷ này nhiệt độ ở Nam Cực có tăng thêm 10°C, thì với nhiệt độ -43°C, các mẫu băng hà sẽ vẫn nguyên vẹn.
Ngay từ năm 2009, các nhà khoa học Pháp đã cùng với các đồng minh Nam Mỹ ra lời kêu gọi quốc tế về dự án nói trên, nhưng không được ai hưởng ứng.
Rút kinh nghiệm thất bại lần trước, nay họ tìm các nhà tài trợ để thực hiện các bước đầu tiên, nhờ tổ chức UNESCO bảo trợ cho dự án để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.
Ngay từ những thập niên 1960-1970, chính tổ chức UNESCO đã kêu gọi thế giới nên tích trữ các mẫu băng hà, vì đó là những dấu chỉ của biến đổi khí hậu.
Những nhà khoa học đề xứng dự án nói trên hy vọng sẽ mở chuyến đi đầu tiên vào mùa xuân năm 2016, với một êkíp làm việc trong khoảng 20 ngày, để lấy các mẫu băng hà tại vùng đèo Dôme, khu vực núi Mont-Blanc, ở độ cao 4.300 mét. Đây là một địa điểm tương đối dễ tiếp cận bằng trực thăng.
Họ cũng dự trù chuyến đi tiếp theo vào năm 2017 đến vùng núi Illimani, gần thủ đô La Paz của Bolivia, nhưng với độ cao 6.300 mét, địa thế vùng này hiểm trở hơn nhiều, phải huy động những người khuân vác, và phải mất 50 ngày làm việc.
Trong tương lai, các nhà khoa học Pháp muốn có sự tham gia của các đồng nghiệp Mỹ, Trung Quốc, Ý, Thụy Sĩ, Nam Mỹ, tức là những quốc gia mà băng hà có nguy cơ bị tan, trong khi các mẫu băng hà này rất cần thiết cho các nhà nghiên cứu khí hậu.