Matt Mahan

ads header

Breaking News

Điểm sách: :Chân dung H.O. và những cuộc đổi đời

Bìa sách "Chân dung H.O. và những cuộc đổi đời"
Điểm sách: :Chân dung H.O. và những cuộc đổi đời

 Tâm Việt

Trong những sách được in ra để đánh dấu 40 năm mất miền Nam, cuốn Chân dung H.O. và những cuộc đổi đời có lẽ là cuốn sách đáng đọc nhất để đem lại niềm tin cho chúng ta về một dân-tộc kiên cường trong thảm-nạn. Bởi nói gì thì nói, sự-kiện mất miền Nam vào ngày 30 tháng Tư 75 phải kể là một trong những nhát đâm lụi vào lưng đồng-minh đáng tủi hổ nhất của nước Mỹ cường-quốc.

Điều này có nhiều cách chứng-minh. Từ câu nói bất nhẫn của Kissinger về sức chiến-đấu của Quân-lực VNCH vào những ngày cuối, "Tại sao chúng không chết phứt đi cho rồi?" để rồi gần 40 năm sau, vào tháng 7 năm ngoái (2014), chính Kissinger cũng phải công-nhận là việc để mất miền Nam chủ-yếu là trách-nhiệm của Washington đã không giữ được những cam-kết đối với miền Nam sau Hiệp-định Paris 1973. Ta cũng có thể lấy những lời chứng như của Dương Thu Hương trước đây ("30/4 là chiến-thắng của mọi rợ trên văn-minh") hay của Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định và cựu-Đại-tá Bùi Tín trong những cuộc hội-luận hoặc bài viết mới đây trên BBC, VOA trong mấy ngày vừa qua.

Ấy vậy mà mới ngày hôm qua thôi (27/4/2015), Đài PBS vẫn còn có thể chiếu được một cuốn phim mang tên "The Draft" để trong đó mượn lời của một số người được phỏng vấn mạ-lỵ Quân-lực VNCH. Trong khi đó chỉ một ngày trước, tác-giả Du Hua (Hứa Thọ Du) của cuốn sách The Escapes and My Journey to Freedom ("Những cuộc trốn chạy và cuộc hành-trình tìm Tự do của tôi"), trong buổi ra mắt cuốn sách của anh ở Mason District Government Center (Annandale, Virginia), một người bạn Mỹ của anh, một cựu-chiến-binh Mỹ ở VN (1969-1970), đã đứng lên để khẳng-định là trong Mùa Hè Đỏ Lửa, lúc bấy giờ không còn lính Mỹ trực-tiếp tham-gia dưới đất bên cạnh người lính VNCH, Quân-lực VNCH vẫn đã anh-dũng đẩy lui một cuộc dốc quân toàn-lực của Miền Bắc vào miền Nam (với những chiến-công lừng danh quân-sử như trận An-lộc hay cuộc tái-chiếm cổ-thành Quảng-trị). Điều này, theo ông, chứng tỏ là nếu Mỹ đã giữ lời hứa thì làm gì có ngày thảm-kịch 30/4 với tất cả những hệ-lụy của nó.

Thành thử trong tất cả những người đã hy-sinh trong chiến-tranh VN, ít ai mà bị thử thách cho bằng các thành-phần H.O.

Dù như người Mỹ đã hy-sinh 58 nghìn sinh-mạng ở VN--một sự hy-sinh phi thường của một quốc gia cho một quốc gia khác--nhưng Quân-lực VNCH cũng đã mất ít nhất 250 nghìn người nằm xuống, khoảng 1/4 triệu người con ưu tú.

Người Mỹ mất 58 nghìn người song mỗi người lính Mỹ cũng chỉ bị gọi đi chiến-đấu một "tua 13 tháng" ở VN. Người lính VNCH hầu hết đi chiến-đấu cả một đời người.

Người Mỹ khi kết thúc chiến-tranh được trả về cho gia-đình hầu như đến người quân-nhân cuối cùng trong những người còn sống sót. Nhưng các sĩ-quan hay những người có trọng-trách trong chính-quyền miền Nam, không trừ những người có nghề độc-lập như các nhà báo hay các văn-nghệ-sĩ, thì bị đi "học tập cải tạo" để được xem là nằm trong "diện" H.O., ít nhất cũng phải 3 năm và có người tới 17 năm.

Tóm lại, một sự hy-sinh vô bờ bến: đem mạng sống của mình ra trước họng súng thù trong nhiều năm để đánh đổi lấy tự do, an-bình cho đồng-bào, để sau đó được trả bằng nhiều năm tù tội không có bản án (như Tiến-sĩ Cù Huy Hà Vũ đã từng phân-tích). Có lẽ thiệt thòi hơn thế thì may ra chỉ có một vài người như ông Nguyễn Hữu Cầu, người tù-nhân của thế-kỷ, hay một vài thành-phần thương-phế-binh còn ở lại VN.

Nhưng cái lạ, cái có thể nói được là nhiệm màu, cuốn sách Chân dung H.O. của hai tác-giả Huy Phương và Võ Hương An, hai tên tuổi nổi tiếng là viết kỹ càng và đứng đắn, cho thấy là vượt lên tất cả, 54 cuộc đời H.O. tiêu-biểu được giới-thiệu trong sách đã có thể đại diện cho tập-thể H.O. để chứng minh rằng:

Bị thiệt thòi như thế mà không một ai phản-bội quê hương hay lý-tưởng của mình dù như bị hành hạ nhiều năm trong tù tội, trong đói khát, trước những đòn thù, trong xà-lim tối, trong biệt-giam, trong conex. Làm tôi nhớ, ngay cả trước khi ông được trả tự do, tướng Nguyễn Hữu Có ở trại Nam-hà vẫn đã dõng dạc tuyên-bố với các nhà báo ngoại-quốc: "Trong suốt thời-gian tôi ở đây [nghĩa là trong các trại "học tập" của CS], tôi chưa thấy một người nào được 'cải tạo' cả." Một sức kiên cường như thế, phải có ý-chí mạnh như thế nào, lý-tưởng vững như thế nào thì mới có thể đương cự được!

Ra tù rồi, họ vẫn cắn răng chịu đựng những khủng-bố tinh-thần của đối-phương để dựng lại cuộc đời trong nhân-phẩm dù là phải đi làm đủ thứ nghề (đạp xích-lô, lượm ve chai, bán vé số...) để sống sót qua ngày, để cùng những người vợ H.O. trung trinh dạy và nuôi dưỡng cho con cái nên người.

Để rồi... cũng có một ngày, họ được cái tin (lúc đầu còn ngờ vực nhưng dần dà được biết là sự thật) là họ có cơ-hội "làm lại cuộc đời," nếu không phải là cho chính họ thì cũng cho con cháu họ. Nghĩa là, cuối cùng thì nước Mỹ cũng làm được một cử-chỉ xứng đáng với một cường-quốc, trả lại cái "nghĩa" cho người đồng-minh cũ!

Song cái nhiệm màu kia không phải tự-nhiên mà có nếu không có những bàn tay tiếp cứu của chính những người vợ, những người chị người em, những người mẹ của các tù-nhân kia trong Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam của bà Khúc Minh Thơ và các thành-viên làm việc âm thầm trong hội của bà--một nỗ lực dài ngày xứng đáng tên tuổi của phụ nữ VN!

Tiếng Pháp có câu, "Aide-toi et le ciel t'aidera!" ("Bạn hãy tự cứu thì ông Trời sẽ cứu bạn!"). Quả không sai! Có hội kia, có những hội khác phụ vào, cuối cùng thì cũng đã có những tấm lòng như các ông Shep Lowman, Robert Funseth (hai nhà ngoại-giao), John Vessey (tướng), Stephen Solarz, Frank Wolf, Tom Davis (dân-biểu), John McCain, và nhất là hai ông Bob Dole và John F. Kennedy (ba thượng-nghị-sĩ), cuối cùng lên đến tận Tổng-thống Ronald Reagan, người đã định nghĩa lại chiến-tranh VN là "một chính-nghĩa cao cả" ("a noble cause"). Có thế mới xoay chuyển được dư-luận để đón tiếp hơn 100 nghìn H.O. và gia-đình của họ, để cuối cùng đem sang Mỹ được gần 300 nghìn người.

Nhưng chưa hết. Câu chuyện H.O. đã không có hậu nếu như không chính những H.O. này, mà người sang sớm nhất cũng đã vào năm 1990, nghĩa là 15 năm sau khi chiến-cuộc kết thúc, nếu như chính họ đã không can đảm đứng lên dựng lại cuộc đời của họ ở tuổi muộn màng ở xứ người. Chính hai tác-giả Huy Phương và Võ Hương An đã là những H.O. như vậy và họ có quyền hãnh-diện là không những họ đã "làm lại cuộc đời," bằng nhận ra đi họ đã mở cánh cửa rộng cho sự thành công vượt bực của "các con H.O." (mà một điển-hình là G.S. Lê Nguyên Phương, con tác-giả HP), thể-hiện một lòng tin bất diệt vào tương-lai tươi sáng của dân-tộc.