Matt Mahan

ads header

Breaking News

Bốn Mươi Năm Bước Tới… Bước!


Ngày 17 tháng 4 năm 2015

H,

Sáng ngày 22/3/2015 đông đảo các tầng lớp người dân Hà Nội đã xuống đường tuần hành phản đối việc nhà cầm quyền Hà Nội chặt cây xanh dưới cái gọi là “thay thế”. Cuộc biểu tình diễn ra quanh hồ Thuyền Quang ôn hoà, trật tự. Nhưng cũng có nhiều xe tự chế mang danh thương binh đã lao vào đoàn biểu tình để phá rối. Được biết cuộc biểu tình xảy ra do sự phẫn nộ của người dân Hà Nội khi họ thấy tận mắt nhiều cây xanh tươi tốt bị đốn hàng loạt. Khác với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây, những người biểu tình mang theo các thông điệp tự tạo, rất phong phú, đa dạng. Liên quan tới chiến dịch chặt hạ cây xanh nầy. Nhiều nguồn tin cho biết Hà Nội đã chặt 2,000 cây trong dự kiến tổng số 6,700 cây. Trong số đó có nhiều cây cổ thụ lớn, đường kính tới cả mét. Các cây bị chặt đều đang xanh tốt, khỏe mạnh. Diễn biến mới nhất cho hay, cây trồng thay thế không phải là Vàng tâm như thành phố thông báo, mà có thể chỉ là cây gỗ Mỡ, một loại cây có giá trị thấp và không cho bóng mát.

Tuần sau, sáng Chủ nhật, 29 tháng 3 năm 2015, trên trên các phương tiện thông tin đại chúng mọi người nhìn thấy hàng ngàn con người đủ mọi lứa tuổi từ tóc bạc của người cao niên, tóc xanh của thanh niên, đến nhi đồng măng sữa, từ áo dài thướt tha, kề váy ngắn, quần jeans…; đủ mọi thành phần; nhiều nhà khoa học, nghệ sĩ… Có đến 1,000 hay hơn nữa, 1,500 người dân, thuộc mọi lứa tuổi, đã tham gia biểu tình. Tất cả đều tay giương cao những biểu ngữ bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, diễu hành quanh Hồ Gươm, giữa lòng Thủ đô Hà Nội; để phản đối nhà cầm quyền đã và đang tiến hành việc tàn sát 6,700 cây xanh, hủy diệt môi trường thành phố [xem hình: Người Hà Nội tuần hành vì cây xanh]. Có đến 80% hoặc hơn thế là những người dân lần đầu tiên chọn cách biểu thị xuống đường. Công an dày đặc quanh đoàn người biểu tình. Người đi đường thấy một người thiếu nữ biểu tình tặng đóa hoa cho công an, cô nhận lại nụ cười… gượng gạo của anh này.

Ghi nhận sự kiện này, đã có người không ngần ngại nói:

“70 năm qua rồi, kể từ năm 1945; đặc biệt là 40 năm nhìn lại, kể từ ngày Quốc Hận 30/4/1975, ngày Cộng sản Bắc Việt hoàn tất cuộc xâm lăng Miền Nam VN, người dân Hà Nội gần như hết sợ, bạo dạn, đồng loạt đứng lên thách đố mọi đàn áp của công an, của côn đồ “dư luận viên”, không như trong các lần biểu tình trước đây”.


Có điểm rất đáng nói là đoàn người biểu tình đã quỳ xuống mặc niệm những công nhân Hà Tĩnh thiệt mạng trong vụ sập giàn giáo tại khu công nghiệp Formosa, Hà Tĩnh, xảy ra tối ngày 25/3/2015, có ít nhứt 14 người chết theo tin ban đầu nhận được từ bệnh viên Đa khoa Kỳ Anh [xem hình đoàn biểu tình mặc niệm các công nhân Hà Tĩnh thiệt mạng trong vụ sập giàn giáo tại khu Formosa].”

Sau đó, trả lời đài RFI Việt ngữ, ngày 30/03, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định về sự tham gia của người dân Hà Nội vào phong trào bảo vệ cây xanh như sau:

“Người dân tham gia rất là đông. Mọi người đi hai vòng quanh bờ hồ và có rất là nhiều bạn trẻ. Bất chấp lời khuyên răn của chính quyền suốt một tuần trước đó là đừng có tham gia, bất chấp những ngăn cản, cuộc diễu hành vẫn diễn ra một cách rất là trật tự và thành công. Việc chính quyền Hà Nội cho chặt, có nguồn nói là đã chặt 2,000 cây, có nguồn nói là mấy trăm cây, trong số 6,700 cây mà họ dự kiến sẽ chặt, đã thật sự đụng vào tình cảm yêu quý cây, cảnh, cũng như môi trường của người Hà Nội. Và nó đã làm cho rất nhiều giới phải lên tiếng, khởi đầu là anh Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, với bức thư ngỏ gởi Chủ tịch thành phố Hà Nội. Thư ngỏ sau đó được đưa lên mạng và đã được rất nhiều người hưởng ứng tích cực, từ ngoài nước như giáo sư Ngô Bảo Châu, cho đến khắp mọi miền trong nước. Mới chỉ là dư luận trên mạng thôi thì đã buộc chính quyền thành phố Hà Nội phải thông báo tạm dừng (chặt cây)… Sau cuộc diễu hành xung quanh Hồ Thuyền Quang ấy, thì đến cuộc diễu hành ngày 29/03 quanh Hồ Gươm. Cuộc diễu hành quanh Hồ Thuyền Quang đã diễn ra tốt đẹp, nhưng sau đó, nghe nói có lệnh từ cấp rất cao yêu cầu dẹp tất cả cái chuyện diễu hành ủng hộ cây xanh. Người ta cũng bắt đầu nhắc nhở các báo chí là đừng nhắc nhiều đến chuyện này nữa. Nhất là các nhà báo lên tiếng về vụ này thì phải cẩn trọng. Rồi Đoàn Thanh niên và các trường đại học cũng (tìm cách ngăn chận). Tiêu biểu là trường Đại học Lâm nghiệp, nơi có hai vị tiến sĩ có cho ý kiến về việc này. Trường đại học đó đã ra văn bản nói rằng họ làm như thế là không đúng với “quy chế phát ngôn của trường”. Vì sự can thiệp của PA 83, tức là bộ phận an ninh của thành phố Hà Nội, xuống đến trường, cho nên họ đã phải nhắc nhở như vậy. Rất may là công văn ấy đã được đăng lên trên mạng và càng làm cho dân chúng thấy bực với cách hành xử của chính quyền Hà Nội; và bất chấp những ngăn cản, cuộc diễu hành ngày 29/03 vẫn diễn ra khá đông đảo và trật tự, êm đẹp. Có thể nói là ý thức của người dân, nhất là của các bạn trẻ, là một nét rất đặc biệt, rất hay về sự phát triển chung về tinh thần cộng đồng của người dân và về sự phát triển của xã hội dân sự”.

Người dân Hà Nội đã xuống đường rầm rộ như vậy là vì hàng trăm hoặc có thể là hàng ngàn cây xanh, trong đó có cả những cây rất lâu đời và rất quý giá vẫn bị chặt một cách không thương tiếc, gây công phẫn dư luận địa phương cũng như cả nước. Là một kiến trúc sư cảnh quan rất gắn bó với Hà Nội, trả lời đài RFI Việt ngữ, ngày 01/04, bà Trần Thanh Vân cho biết cảm xúc của bà khi nghe được thông tin này:

“Đối với tôi, Hà Nội gắn bó không chỉ với tình cảm giữa con người với con người, mà đó còn là nơi mà tôi sống và làm việc nhiều năm. Đặc biệt, tôi là kiến trúc sư cảnh quan và một trong những điều tôi quan tâm nhất chính là cây xanh đường phố, của công viên, của vườn hoa, và từ trong từng căn nhà. Cho nên việc chặt đốn hàng nghìn cây đó đã khiến tôi hết sức hoảng hốt, bất ngờ và buồn vô hạn. Những hàng cây quý giá đang bị mất dần: Những cây xà cừ to, mấy vòng tay người, đường kính trên một mét, những cây muỗm trong đền Voi Phục, nơi thờ Thăng Long Tứ Trấn, tức là có bốn nơi để trấn cửa Thăng Long, mà đền Voi Phục là một. Có những cây muỗm hàng ngàn năm tuổi cũng bị chặt. Tôi chẳng hiểu tại sao, không hiểu ai chỉ đạo. Lệnh của ai mà họ làm hối hả như thế? Ở Hà Nội có rất nhiều chuyện bê trễ chậm chạp, thế mà chuyện này tôi thấy nó vội vã, nhanh chóng, như là có một sức mạnh gì lôi cuốn người ta. Sự việc đã xảy ra hơn một tuần rồi, nhưng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng và buồn đau.”

Dư luận chung nhận xét: “Cả nghìn cây xanh đã bị chặt, như thế thu hồi cũng được nhiều gỗ, hàng vạn mét khối gỗ chứ không ít. Tại sao chặt, gỗ đem đi đâu, xử lý ra sao?” Và hơn nữa, những loại cây nào được trồng thay thế là điều đang khiến người dân thủ đô thắc mắc: “Với giá thị trường hiện nay, mỗi cây xà cừ cổ thụ đó trị giá từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng (dân buôn gỗ mua cả những cành bằng bắp chân, thậm chí bằng bắp tay để làm đồ mộc). Và số tiền từ việc bán gỗ thôi cũng là con số tiền tỷ. Vậy, số tài sản này được quản lý ra sao?” Một bài viết được tác giả Bùi Văn Phú đưa lên mạng cho biết:

“Theo điều tra của báo Dân Trí, những hàng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh dự định sau khi chặt đi được thay bằng cây Vàng tâm. Nhưng thực tế, hàng trăm cây được trồng vào đó là cây gỗ Mỡ, giá 300,000 đồng một cây, còn Vàng tâm thứ thiệt giá đến 10 triệu đồng một cây, đắt gấp ba chục lần hơn. Khác biệt về giá cả tái trồng hơn trăm cây trên con đường này thôi đã lên đến bạc tỉ và số tiền đó chạy đi đâu nếu không phải là vào túi cán bộ, quan chức. Và loại cây gỗ Mỡ sẽ là những tổ sâu. Cứ tưởng tượng mai đây cây này lớn lên che phủ những con đường, dưới tàn cây xanh bóng mát, học sinh tung tăng đến trường, những cặp tình nhân thong thả bên nhau. Một cơn gió thoảng qua, từ trên cây những con sâu bằng ngón tay rớt xuống, đậu trên tóc, trên vai, trên nón, trên áo của nữ sinh, của thiếu nữ đang dung dăng thả bộ thì đường phố bỗng nhiên sẽ là những cảnh chạy hoảng loạn. Khi đó sẽ còn đâu hình ảnh thơ mộng, tình tứ như đã in đậm trong kí ức người dân Hà thành. BVP”

Phần T.S. Nguyễn Xuân Diện, trong bài viết “Vụ Tàn Sát Cây Xanh Hà Nội: Siêu Lừa Tầm Cỡ Thế Kỷ!” Rate This Theo Tễu blog, cho biết [xin trích nguyên văn]:

“Dưới đây là liệt kê các quả lừa trong vụ lừa khủng khiếp do đám quan chức Hà Nội đạo diễn:

1- Lừa họp báo: Lúc đầu lừa họp ở Sở Xây dựng (52 Lê Đại Hành), các nhà báo đến thì lại bảo sang bên ủy ban, khiến các nhà báo đến muộn cuộc họp và vất vả vì di chuyển. UBND thành phố mời báo chí đến họp, nhưng lại chỉ nghe 21 câu hỏi của các báo mà không trả lời hay thông báo, chia sẻ bất cứ điều gì. Cú này làm các nhà báo cảm thấy bị chính quyền thành phố làm nhục.

2- Lừa nguồn vốn thực hiện: Lúc đầu nói Đại dự án chặt 6.700 cây là vốn ngân sách. Nhưng đến khi thấy động thì lại nói dối là nguồn vốn Xã hội hóa. Tàn sát cây quá thần tốc, dư luận chửi té tát, các nhà báo tấn công thì đổ vấy cho là chặt cây thần tốc như vậy là do các nhà tài trợ …ép tiến độ. Các nhà tài trợ lập tức lên tiếng sau chưa đầy 20 tiếng đồng hồ, thì bộ mặt gian trá của Phó chủ tịch TP Hà Nội bị vạch trần. Hóa ra UBND TP lừa các nhà tài trợ. Lừa hay Ép, các nhà báo nên tìm hiểu tiếp và cho dư luận biết. Các nhà tài trợ cho biết họ chỉ góp tiền TRỒNG CÂY, tức là trồng cây xanh cho những khu phố mới mở, những con đường mới mở ở ngoại thành v..v.. chứ họ không góp tiền để các bố chặt cây xanh cổ thụ. Thế mà Hùng – Phó chủ tịch đổ riệt cho họ là vì họ nôn nóng chặt phá nên mới ra sự thế. Ở đây, rõ ràng, UBND Tp Hà Nội đã lừa cả dân và doanh nghiệp (nhà tài trợ).


3- Lừa cây mới thay thế: Thành phố công bố trục đường Nguyễn Chí Thanh đã thay thế bằng cây Vàng tâm. Thực ra ở đây là một cú lừa loanh quanh lẫn nhau:

- Lừa 1: Chính quyền lừa dân: Dự án ghi trồng Vàng tâm (sau này lấy gỗ chia nhau đóng quan tài), tiền đầu tư là tiền cho chủng loại Vàng tâm. Nhưng khi trồng là cây Mỡ (rẻ tiền). Chính quyền lừa dân và chênh lệch này các bố chia nhau.

- Lừa 2: Nhà cung cấp cây lừa nhà tài trợ. Cây thì là cây Mỡ, nhưng nhà cung cấp (?) lừa Sở Công an giữa thanh thiên bạch nhật. Tướng Chung, GĐ Công an giỏi phá án nhưng không hiểu sâu về thực vật học được, nên khi họ đưa cho cây Mỡ và nói là cây Vàng tâm thì cũng không nghi ngờ gì, cứ tưởng đơn vị mình được trồng cây quý.

3- Lừa số cây đã đốn chỉ là 500 cây: Khi bị báo chí dồn dập tấn công, Hn chỉ khai ra là mới chặt 500 cây cổ thụ. Nhưng theo nguồn tin riêng, cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong (có bút danh là Như Thổ nữa) loan tin đã chặt 2.000 cây rồi.

4- Lừa là dân đồng thuận dự án chặt cây: Tuyên giáo thành ủy đã nói vậy. Nhưng là bịa thôi, lừa dư luận. Phó ban tuyên giáo thành ủy Phan Đăng Long lại còn rất láo với dân. Anh ta dám nói: Chặt cây không phải hỏi dân. Giờ chỉ hỏi anh ta một câu: Mỗi năm, cứ Tết đến Xuân về, thực hiện Tết trồng cây thì anh vận động cả xã hội phải đi trồng. Vậy mà đến lúc anh chặt cây, anh đếch hỏi dân, thì đếch ai mà chịu được. Anh láo quá vì anh ngu quá!

Tễu mới chỉ nghĩ được có vậy, các bác vạch thêm nữa để chúng ta cùng hiểu về lãnh đạo của thành phố thủ đô.”

Trong khi đó thì phóng viên Hải Ninh, qua bản tin đưa lên đài RFA ngày 11-04-2015, cho biết chuyện chặt cây ở Đồng Nai bị xử tù như sau:

“Trong phiên sơ thẩm hồi tháng 12 năm 2014, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 5 bị cáo mức án 5 tháng, bốn ngày tù. Số ngày này tương đương với thời gian tạm giam, vì thế họ được thả ngay lập tức tại tòa. Ba bị cáo khác thì bị tuyên phạt sáu tháng tù nhưng được hưởng án treo. Những bị cáo này bị tuyên án tù vì đã chặt 12 cây tràm, gây thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Vụ án này gây chú ý trong bối cảnh ở thủ đô Hà Nội nhiều cây xanh tốt tươi bị chặt…” [xem hình: Phiên xử phúc thẩm vụ án hôm 8/4/2015, chưa kết thúc][GG in đậm]…


Trở lại vụ án cán bộ Nhà nước CSVN chặt cây ở Hà Nội chẳng những không bị tù mà có thể còn được chia nhiều tiền; tiếp theo các vụ biểu tình trước, lúc 9 giờ sáng ngày Chúa Nhựt, 12/4/2015, hơn 100 người dân Hà Nội tiếp tục tuần hành quanh khu vực Hồ Gươm để phản đối âm mưu chặt hạ cây xanh của nhà cầm quyền.

Cuộc biểu tình do nhóm “Vì một Hà Nội Xanh” tổ chức. Những người biểu tình giơ cao các khẩu hiệu như:

- Phản đối hành vi phá hoại, chặt cây, bán gỗ;

- Chúng tôi yêu cầu minh bạch việc chặt hạ cây xanh;

- Nhân dân có quyền bày tỏ ý kiến. Mọi hành vi ngăn cản là ngu dốt và phạm pháp;

- Nguyễn Thế Thảo, Phan Đăng Long, Phạm Quang Nghị, Lê Văn Dục hãy từ chức nếu có lòng tự trọng!...

Tham gia biểu tình có 5 thanh niên mặc áo đen, trên ngực in phù hiệu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Họ tuần hành ôn hòa, có phần hơi nghiêm nghị, và như những người tuần hành ôn hòa khác họ cũng bày tỏ một thông điệp rõ ràng với những khẩu hiệu trên tay vì cây xanh. Điểm khác biệt quan trọng nhất của họ đối với những người khác là họ cùng mặc áo thun đen với logo trên ngực trái hình chim ưng (ó) cách điệu khá nhỏ màu vàng, và sau lưng là hai dòng chữ tiếng Anh có nghĩa: “Nhân dân không nên sợ hãi chính quyền”, “Chính quyền cần phải sợ nhân dân”… [xem hình trên Dân Làm Báo và bài viết của Phạm Hồng Sơn đăng trên Diễn Đàn Đối Thoại].


Sau đó họ bị công an bắt giữ; nhưng hầu hết những thanh niên mặc áo đen có in phù hiệu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa này đều đã ra khỏi đồn công an sau 2 đêm bị giam giữ phi pháp. Riêng trường hợp thanh niên tên Nguyễn Viết Dũng, biệt danh Dũng Phi Hổ, sang ngày thứ 4 liên tiếp vẫn hoàn toàn không có tin tức.

Được biết, Nguyễn Viết Dũng [xem hình trên Dân Làm Báo], sinh ngày 19/6/1986, trùng với ngày thành lập Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Đây không phải là lần đầu tiên anh Nguyễn Viết Dũng bị rơi vào tay công an. Trước đó, người thanh niên 29 tuổi này từng công khai treo cao lá cờ vàng ba sọc đỏ ngay trước nhà mình tại Nghệ An. Hành động này đã khiến anh bị đe doạ, sách nhiễu nhiều lần. Dù vậy, trên facebook mang tên Dũng Phi Hổ, anh vẫn không sợ sệt, vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu mến đối với những biểu tượng của Việt Nam Cộng Hoà, đặc biệt là hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ.


Chỉ từ một số chuyển biến nêu trên, không nhìn chi xa, chỉ tính từ năm 2011 trở lại đây, sự sợ hãi đã mau lẹ chuyển đổi từ người dân sang “bạo quyền Xã hội Chủ nghĩa”. Nó cho thấy người dân đã hết sợ công an, đặc biệt là tuổi trẻ, thế hệ của 40 năm sau ngày Quốc Hận 30/4/1975, thế hệ của những Blogeer Việt Nam; đồng thời cũng cho thấy “cách sợ” của Nhà nước, từ các thành viên trong Bộ Chánh trị cho đến, công an, dư luận viên, côn đồ Xã hội Chủ nghĩa.. Nó cho thấy cách đối xử của lực lượng công an đối với người biểu tình đã khác rất nhiều, điển hình như:

 Đầu tiên công an thẳng tay bắt bớ họ, có thể tạm giữ hình sự, đem giam ở Hỏa Lò...; rồi dàn dựng những vụ án, với bản án tiền chế theo ý muốn của đảng và nhà nước…; nhưng phần lớn họ đâu có sợ, như những Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Trần, Đỗ Thị Minh Hằng… và vô số Người Tù Lương Tâm khác… xem thời gian ở từ như một giấc ngủ trưa [lời dân oan Trần Thị Hài]…

 Thời giam sau hình phạt giảm dần, công an bắt đưa về họ trại phục hồi nhân phẩm rồi trả tự do trong ngày…

 Sau nữa là cho côn đồ chơi trò đểu, ném mắm tôm vào nhà, vô cớ chận đường đánh dập, huy động dư luận viên gây hấn, phá rối…

 Và bây giờ thì… trơ trẽn phũ nhận sự liên can đến dư luận viên như Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết…; rồi cả bầy, cả lũ không biết phải làm sao cho ổn…

 Đặc biệt nhứt là nhà cầm quyền lo sợ bị người dân nương theo các cuộc biểu tình từ Bắc chí Nam đồng nhịp bước tới, từ phản đối chặt cây xanh ở Hà Nội cho đến hơn 90,000 công nhân đình công đòi quyền lợi ở Công ty giày Pou Yuen vốn 100% của Đài Loan, trong khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, Sài gòn, lan rộng sang các khu công nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang…; cho đến cuộc biểu tình bạo động chặn Quốc lộ 1A trong 30 giờ, từ chiều 14 đến đêm 15/4/2015, làm kẹt xe hàng 50km, ngang qua huyện Tuy Phong và Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, gây chấn động dư luận toàn quốc; tình hình dân oan tại Việt Nam ngày càng tồi tệ để khi người dân bị nhà cầm quyền ép đến đường cùng thì họ không còn sợ chết nữa mà mãnh liệt kháng cự bằng mọi phương tiện sẵn có, kể cả bom xăng, axít, khiến ít nhất 20 viên CA tỉnh Long An bị thương nặng v.v...; đưa đến việc “cướp chính quyền” của các nhà độc tài cộng sản Việt Nam mà chính các bậc tiền bối của họ đã nêu gương cách đây 70 năm [19/8/1945] cũng chính tại Hà Nội. Mối lo sợ càng gia tăng khủng khiếp sau các cuộc cách mạng lật đổ các chế độ cộng sản ở Đông Âu vào năm 1989 và “Mùa Xuân Ả Rập” lật đổ các chế độ độc tài ở Bắc Phi vào năm 2011…

Do vậy, sau 40 năm “đổi đời”, rất cần nhìn lại cái thời nhơ nhớp của cái gọi là “Đảng Lãnh Đạo, Nhà Nước Quản Lý, Nhân Dân Làm Chủ”, đang theo thời gian hiện thành hình ảnh trơ trẽn của thời được tác giả Tưởng Năng Tiến ghi lại trong bài viết “Một Lời Xin Lỗi” đăng trên DCVOline.net, ngày 15.4.2015; đó là:

“đây là thời chủ nhân ăn mày ăn nhặt

trong khi đầy tớ nhân dân ăn ngập mặt ngập mũi ăn hớt, ăn bẩn, ăn tục, ăn lận, ăn chận, ăn cướp, ăn gian, ăn tham, ăn lường, ăn bịp, ăn suông, ăn ké, ăn chia, ăn sống, ăn lạnh, ăn nóng, ăn theo, ăn chực, ăn vạ, ăn lẻ, ăn si, ăn tất tần tật

chỉ trừ ăn năn…

Phan Nhiên Hạo” [GG in đậm và gạch dưới]

Thôi! Song song với cái đau lòng nhìn lại 40 Miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng sản Bắc Việt, nhận diện những kinh nghiệm đau thương của dân tộc…; đừng mất thêm thời giờ… hãy nhìn về phía trước để… bắt đầu cuộc diễu hành đồng nhịp: 40 Năm Bước Tới… Bước!

Hẹn con thư sau,

Giáo Già
(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)