Matt Mahan

ads header

Breaking News

Tiếng nói chính nghĩa đã vào được trong Đại học Hoa Kỳ

(Tâm Việt)  Sắp bốn mươi năm đã trôi qua để chúng ta lại kỷ-niệm một lần nữa ngày mất miền Nam. Song cách nhìn vào chiến-cuộc ở Việt-nam có thể nói là đã đổi thay một trời một vực. Ngày hôm nay, không chỉ “nhạc vàng” đã lên ngôi mà hai chữ “ngụy-quân, ngụy-quyền” mà người CS gán cho quân dân miền Nam như một cách biếm gọi cũng đã trở thành những từ vinh danh người “thua cuộc.” Hình ảnh Ngụy Văn Thà đi giữa Hà-nội như một gương anh-hùng và 72 chiến-sĩ Hải-quân bỏ mình tại Hoàng Sa đã trở thành những con yêu của dân-tộc, của đất nước trên toàn cõi chữ S.

Đó, theo ông Nguyễn Ngọc Bích mở đầu buổi “đàm-thoại về một vài phương-thức bảo vệ chính-nghĩa của chúng ta” được tổ-chức vào trưa Chủ-nhật vừa qua, 8 tháng 3, ở nhà hàng Harvest Moon (Falls Church, Virginia), là kết-quả của một quá-trình chiến đấu lâu dài không phải chỉ từ 1975 mà còn ít nhất từ năm 1945 khi người Cộng-sản lên “cướp chính-quyền” và quay ra giết đồng-bào ở một quy-mô chưa từng thấy--chỉ vì họ nghĩ khác hay thuộc một đảng phái, một tôn-giáo tín ngưỡng hay một giai-cấp khác.

Từ hội-nghị “Những tiếng nói từ miền Nam”

Sở dĩ có cuộc “đàm-thoại bỏ túi” do Nghị-hội đứng ra tổ-chức về đề-tài nói trên là nhân cơ-hội Viện Đại-học Cornell ở Ithaca, New York, nơi có một khoa danh tiếng vể Đông-Nam-Á-học và nhất là về sử Việt-nam, vừa mới in xong cuốn Voices from the Second Republic of (South) Vietnam (1967-1975) do GS Keith Taylor, Khoa Trưởng Phân Khoa Á Học biên tập. Nội dung sách gồm mười bài của mười viên-chức đã từng phục-vụ trong thời đệ nhị Cộng-hòa. Ba tác-giả có bài viết trong sách đã đến tham-dự buổi đàm-thoại. Và quyển sách là kỷ-yếu của một hội-nghị diễn ra vào tháng 6/2012 do Cornell đứng ra chủ-trì, mời 12 diễn-giả đến từ miền Nam (Đệ nhị Cộng-hòa) đến để nói lên “những tiếng nói từ miền Nam” (“Voices from the South”)*. Đây là lần đầu tiên mà một số đông đảo các cựu-viên-chức Việt-nam Cộng-hòa được mời đến một đại-học danh tiếng để chia sẽ kinh-nghiệm phục-vụ của mình. Theo báo-cáo của Cornell thì mục-đích chính-yếu của hội-nghị này là để tu sửa một thiếu sót lớn trong môn sử-học về chiến-tranh Việt-nam, đó là không có tiếng nói của miền Nam. Theo một diễn-giả có trách-nhiệm tiến cử và mời diễn-giả cho biết thì Cornell đòi hỏi một thành-phần diễn-giả đa dạng, gồm những “nhân-chứng” đã từng phục-vụ trong thời đệ nhị Cộng-hòa. Hội-nghi đã thu hút một cử tọa hết sức đặc-biệt, gồm toàn giáo-sư đại-học hay nghiên-cứu-gia chiến-tranh Việt-nam tại Mỷ cũng như Canada và Pháp.

Theo lời bình-luận của một giáo-sư đại-học Mỹ thì công-trình nghiên cứu về Nam Việt-nam hiện đang phát triển trong các đại-học Mỹ và hội-nghị “Những tiếng nói từ miền Nam Việt Nam” và sách Voices from the Second Republic of South Vietnam là bước tiên khới cho sự đóng góp của những người đã từng phục-vụ trong chế-độ miền Nam trong ngành sử-học Mỹ về chiến-tranh Việt-nam.

Trong chương dẫn nhập mà ông viết để giới-thiệu quyển sách GS Keith Taylor mô-tả tiếng nói từ miền Nam là tiếng nói của những người đã nỗ lực xây dựng một nước không cộng-sản, với một thể-chế dân-chủ đại diện với tam quyền biệt lập trong khi phải chiến-đấu chống lại một chế-độ độc-tài xâm-lăng.

Đây không phải chỉ là tuyên-truyền, ông Bích nói. Ta còn có thể lấy ngay những lời thú nhận từ đối-phương hay ngay cả đồng-minh mà đã có lúc bỏ ta. “Ta tranh đấu là tranh đấu cho Liên-Xô, cho Trung-quốc,” đó là một câu nói để đời của Lê Duẩn được ghi ngay ở cửa đền thờ ông ta ở Quảng-trị. Vậy thì ta đâu cần phải tố-cáo ông ta đi làm tay sai cho ngoại-bang? Chính ông ta tự-nhận như thế rồi. Hay câu phát biểu của ông Henry Kissinger, nguyên-cố-vấn an-ninh quốc-gia của Tổng-thống Mỹ Nixon rồi sau lên làm Ngoại-trưởng của Hoa-kỳ, khi ông tuyên-bố ở ngay Bộ Ngoại-giao ở Washington năm ngoái: “Mất miền Nam là lỗi hoàn-toàn của Washington, của Hoa-thịnh-đốn!” Như người Mỹ nói, “it’s from the horse’s mouth”--muốn biết ngựa khỏe hay không thì banh miệng nó ra và nhìn vào răng của nó là thấy liền! Khỏi phải đi đâu xa!

Vì đâu có sự bất công trong dư-luận thế-giới về quân dân miền Nam?

Ngày nay, chúng ta sống trong một thế-giới thông-tin, trong đó “chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết.” Đó là tình-cảnh của miền Nam trong thời chiến-tranh khi không chỉ đồng-minh của chúng ta có những đánh giá bất công về ta mà đối-phương của ta, tức miền Bắc, còn được cả một bộ máy tuyên-truyền của CS quốc-tế hè vào giúp tạo nên một hình ảnh bôi bác về chúng ta. Rồi đến khi Mỹ “thua” và phải rút quân ra khỏi miền Nam (vì muốn đi với Trung-Cộng chống Liên-Xô) thì họ tìm cách đổ lỗi cho chế-độ VNCH. Nhưng rồi sự thực trước sau gì cũng lộ ra thôi, như người ta nói trong tiếng Anh, “The truth will out.” Đó là câu chuyện của cuộc chiến-đấu cho chính-nghĩa mà ta thấy đã bắt đầu ngay từ những ngày đầu chúng ta đi tỵ nạn cách đây 40 năm. Bắt đầu bằng những chứng-nhân hiểu biết sâu sắc về VN như nhà báo Pierre Darcourt trong cuốn Vietnam, qu’as tu fait de tes fils? (ra từ tháng 11/1975) mả cựu-Đại-tá Dương Hiếu Nghĩa đã dịch thành “Việt Nam, quê mẹ oan khiên” (Tiếng Quê Hương xb). Hay cuốn Cruel Avril của Olivier Todd cũng ra từ rất sớm và đã được Phạm Kim Vinh chuyển ngữ thành một tác-phẩm rút ngắn.

Nhưng riêng người Việt chúng ta thì sớm sủa có lẽ phải kể cuốn Losers Are Pirates (“Thua Làm Giặc”) do James Banerian thâu tóm những nhận-định của các bạn VN của anh kể lại từ năm 1978. Song phải sang đến thập niên 1980 chúng ta mới thấy nhiều sách nói lên lập-trường chính-đáng của phe Quốc-gia, với những tác-phẩm như The Palace Files của Nguyễn Tiến Hưng (đã được dịch thành “Hồ sơ Dinh Độc Lập” bởi Cung Tiến và Nguyễn Cao Đàm) hay In the Jaws of History (sau được dịch thành “Trong gọng kềm lịch sử”) của cựu-Đại-sứ Bùi Diễm, cả hai cuốn đều đã được dùng khá phổ-biến trong các lớp dạy về chiến-tranh VN. Về phía Mỹ, nói lên cho quan-điểm cận nhân-tình của ta thì có những sách như Hearts of Sorrow (“Những trái tim buồn”) của James Freeman (1989) hay Tears Before the Rain (“Nước mắt trước cơn mưa”) của Larry Engelman (1990), được mô-tả là “Lịch-sử qua phỏng vấn về sự sụp đổ của miền Nam.” Riêng về mặt chính-sách và thất bại của Mỹ thì đến năm 2001 có cuốn No Peace, No Honor của Larry Burman mà ông Nguyễn Mạnh Hùng đã dịch sang tiếng Việt thành “Không Hòa bình, chẳng danh dự,” đạp đổ hoàn-toàn lập-trường chính-thức của Mỹ về việc kết thúc chiến-tranh VN.

Càng về sau này, chúng ta càng thấy sách Mỹ nói lên sự can trường của Quân-lực VNCH trong những trận như An Lộc, Kontum hay Quảng-trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa (tên một cuốn sách nổi tiếng của Phan Nhật Nam) 1972. Trở về trận Mậu-thân, nhất là ở Huế, chẳng hạn, chúng ta có cuốn Vietnam’s Forgotten Army (“Quân-đội bị lãng quên”) của Andrew Wiest nói vể cuộc chiến-đấu anh-dũng của Đại-úy Trần Ngọc Huê và đội Hắc-báo của ông. Nói về việc đánh xập cầu Đông-hà ngăn chặn được đoàn quân vũ bão của Bắc-Việt, có rất nhiều xe tăng yểm-trợ, tìm cách tràn sang vào năm 1972 thì có cuốn Ride the Thunder viết rất kỹ của Richard Botkin về hai sĩ-quan Mỹ và một sĩ-quan VN (Lê Bá Bình) là những anh-hùng trong vụ này (đang được dịch sang tiếng Việt bởi bốn người, trong đó có một phụ nữ, Trịnh Bình An, thành “Cưỡi ngọn sấm” đã in ra tập đầu, rất hay). Rồi viết về giai-đoạn cuối của chiến-tranh VN ta có cuốn Black April của George J. Veith mà Nguyễn Ngọc Anh đã dịch rất kỹ thành cuốn “Tháng Tư Đen” (do Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ xuất bản).

Trong các cựu tướng tá của Quân-lực VNCH cũng có một số vị đã bỏ thời giờ ra góp tiếng nói của mình vào lịch-sử của miền Nam, ngay cả trong tiếng Anh như Tướng Lâm Quang Thi với mấy cuốn sách của ông (Autopsy v.v.), cựu-Đại-tá Hải-quân Đỗ Kiểm, cựu-Đại-tá Thiết-giáp Hà Mai Việt (Blood and Steel viết về lịch-sử ngành Thiết-giáp VN). Một cuốn sách bởi một sĩ-quan VNCH được đón nhận khá nồng nhiệt gần đây là cuốn Nationalist in the Vietnam Wars của ông Nguyễn Công Luận.

Tham-gia vào cuộc phục-hồi danh-dự cho miền Nam còn có cả những tác-giả như nhà báo người Đức Uwe Siemon-Netto với cuốn ĐỨC, A Reporter’s Love for a Wounded People, mà đã được dịch thiện-nghệ sang tiếng Việt (“ĐỨC, Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương”) bởi hai dịch-giả Lý Văn Quý và Nguyễn Hiền. Hay đặc-biệt nhất, gần đây là bản dịch Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca bởi G.S. Olga Dror, một người Nga mà dịch thiện-nghệ từ tiếng Việt sang tiếng Anh (Mourning Headband for Hue) và còn kèm theo một chương dẫn nhập 50 trang rất giá trị về trận Mậu-thân 1968 ở Huế.

Trong cuộc chiến cho chính-nghĩa, ông Bích nói, một số người đã quay ra hình-thức phim ảnh để thu hút tuổi trẻ VN và người ngoại-quốc. Đó là những nỗ lực như của Vietnam Film Club khi ra phim Hồn Việt về quốc-ca và quốc-kỳ VN (với ấn-bản tiếng Anh mang tên The Soul of Vietnam).

Song với cuốn kỷ-yếu vừa mới ra lò của Cornell University, theo ông Bích, tiếng nói của chúng ta đã vào được ngay giữa môi-trường đại-học mà chủ-yếu là qua cuộc vận-động của các anh chị em trẻ trong giới đại-học. Như vậy, chúng ta có thể yên tâm là tiếng nói của chúng ta sẽ ngày càng được công-nhận như những tiếng nói cuối cùng về sự thật Việt-nam.

Phần thảo-luận

Sau phần trình bầy gợi ý của ông Bích, một số diễn-giả cũng đã được mời lên đóng góp ý-kiến về đề-tài làm cách nào để tiếp-tục chỉnh lại những quan-niệm sai lầm về VN và cuộc chiến chống Cộng của người Việt quốc-gia. Bình-luận-gia Đại Dương cho rằng ta không nên tìm cách quy lỗi mãi về ai mà cần phải nhìn ra thực-tế về các tương-quan lực-lượng trên thế-giới. Như trong lúc này, chúng ta, tức Việt-nam, rất cần đi với Mỹ thì mới có đủ đối-lực chống Trung-Cộng.

Trong phần thảo-luận, người ta được thấy sự tham-gia tích-cực của những thành-phần trẻ trong cử tọa như cô Nguyễn Thị Ngọc Giao của tổ-chức VVA (Voice of Vietnamese Americans, Tiếng Nói của Người Mỹ gốc Việt) nói về chương-trình dạy tiếng Việt trong các trường trung-học Fairfax bắt đầu từ mùa thu năm nay (2015), anh Bùi Sinh (nói về sự cần thiết phải có lịch-sử chính-xác), anh John Phan nói về sự hữu ích của những nỗ lực như cuốn sách ra mắt hôm nay, anh Nguyễn Hàm đến từ Delaware (đại diện cho B.S. Mã Xái thuộc Đảng Tân Đại Việt), và nhất là anh Đặng Thọ, phu-quân của khoa-học-gia Dương Nguyệt Ánh. Anh Thọ cho rằng người Cộng-sản rất quỷ quyệt và do đó, ta cần phải cảnh-giác cao-độ trước những nhân-vật hay sách báo mà họ tìm cách đưa len lỏi vào trong cộng-đồng hải-ngoại.

Nhà làm phim Chu Lynh cũng lên trình bầy về những nỗ lực của Vietnam Film Club nhắm đưa ra những phim tài-liệu chính-xác về lịch-sử cận-đại của Việt-nam lên trên Youtube. Theo ông VFC hiện đã có khoảng 20 sản-phẩm ở trên Youtube, một công-cụ rất thuận lợi để cho người trong nước có thể vào xem dễ dàng mà nhà cầm quyền CS không dễ gì ngăn cản. Một cuốn phim như Sự thực về Hồ Chí Minh đã có gần 2 triệu người vào coi mà phần lớn là người trong nước.

_____________________

* Tuy hội-nghị hồi tháng 6/2012 gồm 12 diễn-giả nhưng cuốn kỷ-yếu như được in ra chỉ có bài của 10 tác-giả: Bùi Diễm (viết về bang-giao Mỹ-VNCH), Phan Công Tâm (về TƯTB), Nguyễn Ngọc Bích (về thông tin quốc-ngoại), Trần Quang Minh (về phát triển nông-nghiệp và CT Người Cày Có Ruộng), Nguyễn Đức Cường (về phát triển kinh tế trong khung-cảnh chiến-tranh), Phan Quang Tuệ (về hai ngành tư pháp và lập pháp), Trần Văn Sơn (dân-biểu đối-lập), Mã Xái (về đảng Tân Đại Việt), Hồ Văn Kỳ Thoại (về trận Hoàng Sa), và Lữ Lan (về chiến-lược quân-sự).