Matt Mahan

ads header

Breaking News

Mỹ và Iran cố đạt thỏa thuận về hạt nhân

Hội kiến giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerrey (T) và đồng nhiệm Iran Mohammad Jawad Zarif, Montreux, Thụy Sĩ, 02/03/2015.  REUTERS/Evan Vucci/Pool
(RFI) Hôm qua, 02/02/2015, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp lại nhau tại Montreux, Thụy Sĩ, với hy vọng thúc đẩy các đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.

Thời gian rất gấp rút, bởi vì nhóm 5+1 ( Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp cộng với Đức ) đã đề ra mục tiêu là trước ngày 31/03 phải đạt được thỏa thuận bảo đảm chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran không nhằm mục đích chế tạo bom nguyên tử. Nếu không đạt được thoả thuận trước thời hạn nói trên, thương lượng giữa nhóm 5+1 với Teheran về chương trình hạt nhân của Iran có thể dừng lại ở đó.

Kể từ khi mở lại các cuộc đàm phán quốc tế cách đây 18 tháng và ký kết thỏa thuận tạm thời tháng 11/2013, Iran và nhóm 5+1 vẫn rất kín đáo về nội dung các cuộc thương lượng.

Vậy thì hiện nay đàm phán này đã đi đến đâu ?

Theo lời Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, hiện đang dự họp Liên hiệp quốc ở Genève và đã lần lượt gặp hai Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Iran, đàm phán giữa nhóm 5+1 với Iran đã đạt « những tiến bộ đáng kể ». Tuy nội dung đàm phán không được tiết lộ, nhưng có những dấu chỉ cho thấy một số điểm đã được khai thông và những điểm khác thì vẫn bế tắc.

Đổi lại những cam kết về hạt nhân, Teheran muốn quốc tế nhanh chóng bãi bỏ những biện pháp trừng phạt tài chính và dầu hỏa, đang gây tác hại nặng nề cho nền kinh tế Iran.

Vấn đề là, nếu như những biện pháp trừng phạt do Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ ban hành có thể được bãi bỏ nhanh chóng, những trừng phạt ban hành trong khuôn khổ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ thì không dễ gì xóa đi được, bởi vì những nghị quyết này được coi là các điều kiện bảo đảm để Iran tôn trọng các cam kết. Những biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc sẽ có thể được bãi bỏ theo từng giai đoạn, nhưng Teheran lại không chấp nhận điều này.

Một trong những điểm khác còn gây tranh cãi, đó là « breakout-time », thuật ngữ của giới chuyên gia, dùng để nói về khoảng thời gian mà Iran cần để sản xuất một quả bom nguyên tử.

Về mặt lý thuyết, Iran cần 12 tháng để sản xuất đủ chất uranium làm giàu cho việc sản xuất một quả bom nguyên tử. Như vậy là trong một năm, các cường quốc sẽ có đủ thời gian để phát hiện Teheran sản xuất bom nguyên tử và dùng các phương tiện quân sự để phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran.

Cho tới nay, Teheran vẫn khẳng định họ không hề có ý định trang bị vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn muốn phát triển khả năng làm giàu chất uranium làm nhiên liệu cung cấp cho các nhà máy điện nguyên tử. Nhưng Iran nay không loại trừ việc xem xét lại hoạt động của nhà máy Fordo, cơ sở làm giàm chất uranium lớn hàng thứ hai của nước này, sau Natanz. Teheran cũng tỏ vẻ sẵn sàng sửa đổi thiết kế của lò phản ứng hạt nhân đang xây dựng ở Arak, để lò phản ứng này sản xuất chất plutonium ít hơn dự kiến ban đầu. Cũng giống như uranium được làm giàu, chất plutonium có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Chính là nhằm chặn đứng con đường này mà Hoa Kỳ nói riêng và quốc tế nói chung đang cố đạt đến một thỏa thuận với Iran.