Matt Mahan

ads header

Breaking News

Cách nào buộc Nga phải tôn trọng hỏa thuận ngưng bắn

Trụ sở tập đoàn Nga Gazprom.
• Trừng phạt nước Nga bằng những biện pháp chế tài về kinh tế sẽ làm nước Nga sợ hãi. Trong khi đó viện trợ quân sự cho Ukraine chống lại Nga chỉ giúp cho Putin có chính nghĩa, có lý do khơi dậy tinh thần ái quốc của dân Nga, và quân đội Ukraine không thể làm gì được so với ưu thế về quân sự của Nga.

Thoả thuận ngưng bắn ký kết hôm thứ Năm tạm ngưng chiến sự ở Ukraine, nhưng rồi đây thỏa thuận này sẽ gặp trở ngại giống như những thỏa ước tương tự, ký kết trước đây. Vấn đề đặt ra là làm sao buộc nước Nga phải chấp hành thỏa thuận này. Bực tức trước việc nước Nga vẫn tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho phe ly khai ở Ukraine, các chính khách Tây Phương bắt đầu thảo luận về việc trợ giúp quân sự cho chính phủ Ukraine ở Kiev. Nhưng trong nỗ lực tìm kiếm cái gì có thể thực sự ngăn chặn được sự hung hăng của Mạc Tư Khoa, có lẽ chúng ta nên lắng nghe chính miệng người Nga, những nhân vật cao cấp của nước Nga, nói cho chúng ta biết cái gì làm cho nước Nga sợ nhất hiện nay? Không phải là viện trợ quân sự cho chính phủ Ukraine ở Kiev đâu.

Khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev được hỏi nếu như phe Tây Phương áp dụng biện pháp trừng phạt gọi là SWIFT sanctions thì họ sẽ phản ứng ra sao. Đây là những biện pháp ngăn cấm nước Nga không được dùng hệ thống thanh toán quốc tế. Thủ tướng Medvedev vội vàng trợn mắt nói: “Không được đâu! Nguy hiểm lắm. Phản ứng của Mạc Tư Khoa sẽ vô cùng quyết liệt, không khoan nhượng. Tháng trước, ông Andrei Kostin, người đứng đầu ngân hàng lớn thứ hai của Nga nói tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới như sau: Nếu Tây Phương áp dụng biện pháp Swift Sanctions, ngay lập tức sẽ dẫn đến việc trục xuất đại sứ Mỹ ra khỏi Mạc Tư Khoa, và triệu hồi đại sứ Nga ở Hoa Thịnh Đốn về nước. Điều này cũng có nghĩa là hai nước đang đứng “bên bờ vực có chiến tranh, hay chắc chắn sẽ vĩnh viễn trở lại tình trạng chiến tranh lạnh.”. Trong lúc đó, hình như nước Nga thích thú tham dự vào cuộc chiến tranh đang xảy ra ở miền đông Ukraine với dụng đích làm kiệt quệ tài nguyên nước Ukraine. Cuộc chiến tranh này đối với nước Nga quá rẻ, và họ sẽ tiếp tục gây khốn đốn cho Ukraine, làm cho nước này bị bất ổn, lúc nào cũng phải lo phòng thủ đối với kẻ thù nằm ngay bên hông.

Kể ra thì cũng dễ hiểu khi thấy những phụ tá thân cận nhất của Putin sợ hãi trước nguy cơ phe Tây phương sẽ tăng thêm trừng phạt về kinh tế. Nền kinh tế nước Nga sẽ xuống dốc thê thảm, không thể kìm hãm nổi. Trong Bản Phúc Trình Hàng Tuần tổ chức International Energy Agency –hay Cơ Quan Nghiên Cứu Năng Lượng Quốc Tế- nói rằng nước Nga đang “phải đối phó với một trận bão tố kinh hoàng bao gồm ba yếu tố: hệ thống giá cả hoàn toàn sụp đổ, sự trừng phạt quốc tế,và đồng tiền mất giá”. Cựu Thứ Trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ, ông Roger Attman từng nói rằng: “Ở thời đại hiện nay, nếu đồng tiền của một nước quan trọng bị sụp đổ, hoặc nước đó không còn khả năng đi vay mượn, có nghĩa là chính phủ nước này không còn hoạt động được nữa.”.

Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) dự phóng rằng nền kinh tế nước Nga bị thu hẹp lại khoảng 3% trong năm nay. Và ông Putin cần rất nhiều lợi tức bằng dầu hỏa để duy trì quyền bính của ông ở nước Nga. Theo tạp chí The Economist khoảng thời gian từ 2008 đến 2009 khi lợi tức nhờ dầu hoả bị sụp đổ vì cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, chính phủ Nga đã phải tăng mức chi tiêu chính phủ khủng khiếp, lên đến 40% để duy trì sự ổn định về mặt xã hội. Trong ít năm gần đây, kinh phí chi tiêu quốc phòng của Nga tăng 30%, và mức trợ cấp của chính phủ về thực phẩm, nhà cửa cũng tăng rất nhiều. Những khoản chi phí trợ cấp lớn lao như vậy để duy trì sự ổn định không thể tiếp tục duy trì mãi. Qua thời gian, chính phủ sẽ không còn đủ tiền để tiếp tục chi ra nhiều như vậy.

Ngược lại, người Nga có thể dễ dàng đối phó với những cuộc đụng độ ở vùng phía Đông Ukraine. Mặc dù lá bài kinh tế của họ yếu kém, nhưng họ có lá bài quân sự rất mạnh, nhất là khi so với lực lượng quân sự yếu kém của Ukraine. Tuần này, tổ chức International Institute for Strategic Studies - Viện Nghiên Cứu Sách Lược Quân Sự Quốc Tế- công bố cho biết: Năm ngoái, ngân sách quốc phòng của Mạc Tư Khoa gần bằng 20 lần ngân sách quốc phòng của Kiev. Nước Nga có 771,000 binh lính sẵn sàng tác chiến, và 2 triệu quân nhân trừ bị, đấy là chưa kể 8,000 vũ khí nguyên tử đủ loại. Cũng theo phúc trình này, nước Ukraine ở ngay bên cạnh, và toàn vùng phía đông của Ukraine có đông dân gốc Nga, được Mạc Tư Khoa dùng sức mạnh, và mưu đồ xúi dục làm chuyện ngang ngược.

Lý luận đưa ra để chống lại việc gia tăng trừng phạt bằng kinh tế cho rằng bất kể Tây Phương có gia tăng trừng phạt đến đâu thì Putin vẫn bình tĩnh đối phó, và không thấy ông ta bị ảnh hưởng, hay quyền bính bị lay chuyển vì những trừng phạt này. Nhưng nếu nói như vậy thì gia tăng áp lực quân sự bằng cách viện trợ quân sự cho Ukraine cũng không làm cho Putin thay đổi. Không ai tin rằng Kiev có thể đối đầu nổi với Mạc Tư Khoa khi xảy ra cuộc tỷ thí về quân sự. Các cưụ nhân viên cao cấp trong chính phủ Mỹ, hiện đang làm việc cho Think Tank - Tổ chức tư vấn- , vừa đưa ra phúc trình nói rằng viện trợ quân sự cho Kiev giỏi lắm cũng chỉ khiến cho Nga phải bước vào bàn hội nghị thương lượng mà thôi. Nói cách khác, giữa các chuyên gia về vấn đề xung đột ở Ukraine, đều đồng ý rằng chiến lược hay nhất là làm cho Nga phải gánh chịu phí tổn nặng nề hơn. Vấn đề chính đặt ra ở đây là phải làm gì để khiến cho Putin cảm thấy nặng nề cho Nga.

Viện trợ quân sự sẽ giúp châm lửa cho chủ nghĩa quốc gia của Nga bùng lên, và giúp ông Putin khoác lên mình chiếc áo chiến binh oai hùng, kêu gọi “đồng bào Nga yêu nước” hãy theo ông, thực hiện chính nghĩa cho Mạc Tư Khoa. Đối với một chế độ đã từng kinh qua hai cuộc chiến đẫm máu, hao tốn tài nguyên nhân lực ở Chechnya, song họ vẫn làm như thường. Chechnya là một vùng đất theo sự tưởng tượng của Nga còn kém quan trọng hơn Ukraine. Vậy thì nướng đi một ít quân lính, vứt đi một số tiền nhỏ trong các chiến dịch quân sự, sẽ không làm cho Nga sờn lòng chút nào cả.

Tại sao phe Tây phương lại từ chối không dùng thế mạnh của mình là trừng phạt Nga bằng kinh tế, để buớc sang một lãnh vực mà ở đó phe Nga có ưu thế về binh lính cũng như vũ khí? Nếu nước Nga không tôn trọng thỏa thuận hoà bình mong manh hiện nay, chúng ta cần phải cứu xét đến việc tăng cường trừng phạt về kinh tế nặng nề hơn.

Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham, đảng Cộng Hoà South Carolina, nới đây vừa đưa ra một lý do nghe có vẻ trung thực nhất để giải thích việc ông ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo đó, ông cho rằng mặc dù viện trợ quân sự có thể không đem lại kết quả mong muốn, nhưng nó nói lên một điều là chúng ta có làm một hành động gì đó để đối phó với sự xâm lược của Nga. Tại Hội Nghị về An Ninh ở Munich mới đây, ông Graham nói: “Tôi không biết việc viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ kết thúc ra sao, liệu chúng ta có thể giúp Ukraine đủ khả năng tự vệ hay không? Song điều rõ ràng là tôi cảm thấy yên tâm, thoải mái khi nước tôi được nước khác xin trợ giúp, và chúng tôi sẵn sàng đáp lời kêu gọi đó, để đối phó với chuyện rác rưởi, và bảo vệ tự do. Tôi ủng hộ chính nghĩa bảo vệ tự do.”.

Nhưng mục đích của chính sách ngoại giao Mỹ không phải chỉ để giúp ông Lindsey Graham cảm thấy hài lòng. Chính sách đó phải đạt được mục đích cụ thể trên trận điạ, trên chiến trường. Điều này có nghĩa là chúng ta nên thận trọng chọn lựa mặt trận và vũ khí trước khi ra tay.

Bài phân tích của Fareed Zakaria trên Washington Post ngày 12/2/2015

Nguyễn Minh Tâm dịch