Matt Mahan

ads header

Breaking News

Đầu Xuân Đi Thăm Bạn Tại Vùng Vịnh (III)

LS Đoàn Thanh Liêm (T)  và GS Bùi Văn Phú (P)
Bút ký nhiều kỷ của Đoàn Thanh Liêm

* * *

Tiếp theo hai bài đã được phổ biến gần đây, tôi xin tường thuật về những cuộc gặp gỡ thăm viếng các bạn hữu khác nữa tại vùng Vịnh nhân dịp Đầu Xuân Ất Mùi 2015.

VI – Thăm viếng tại gia với nhà giáo – nhà báo Bùi Văn Phú tại thị trấn Pinole ở phía Đông Vùng Vịnh (East Bay).

Tối ngày 25 tháng Hai, ngay sau khi kết thúc buổi giới thiệu bản dịch tiếng Anh của tác phẩm “Giải Khăn Sô Cho Huế” của nhà văn Nhã Ca tại Đại học UC Berkeley, tôi được anh Bùi Văn Phú chở về nhà anh cũng gần với Berkeley - để dùng cơm tối với gia đình và nghỉ qua đêm luôn. Chúng tôi đã có dịp chuyện trò tâm sự thật là thoải mái với nhau trong nhiều tiếng đồng hồ giữa bầu không khí ấm cúng của một gia đình người Việt mà đã có sự hội nhập khá thành công trên đất Mỹ - nhưng vẫn còn duy trì được cái phong cách đạo hạnh dễ thương của truyền thống dân tộc.

Bùi Văn Phú năm nay chưa đến 60 tuổi, nhưng đã nổi tiếng là một người trẻ có thành tích hoạt động khá đa dạng và bền bỉ từ trên 30 năm nay tại nước Mỹ cũng như tại nhiều nơi trên thế giới.

Qua Mỹ từ năm 1975, Phú đã theo học tại UC Berkeley rất sớm. Sau khi tốt nghiệp tại trường này, anh tình nguyện gia nhập Đoàn Thanh niên Chí nguyện Peace Corps từ đầu thập niên 1980. Sau thời gian thụ huấn sơ khởi, anh được bố trí đi dậy môn khoa học tại một trường trung học thuộc nước Togo ở Phi châu. Vì Togo trước đây là một thuộc địa của Pháp nên vẫn còn sử dụng tiếng Pháp trong các trường học, do đó mà thầy giáo Phú lại được học thêm về Pháp văn để có thể giảng bài cho các học sinh tại xứ này. Anh cho biết vì chỉ dậy môn Lý Hóa, nên việc sử dụng tiếng Pháp tương đối cũng không đòi hỏi phải nhuần nhuyễn thông thạo lắm như trường hợp của các vị giảng dậy về văn chương.

Sau mấy năm làm việc với Peace Corps, anh Phú lại tham gia với chương trình giáo dục của Liên Hiệp Quốc dành riêng cho người tỵ nạn tại Đông Nam Á. Nhờ vậy mà anh có cơ hội giúp đỡ các thuyền nhân Việt nam trong các trại tỵ nạn ở Indonesia, Hongkong, Philippines v.v...

Sau những năm tham gia hoạt động thiện nguyện quốc tế, Phú trở về Mỹ và nhận việc dậy phổ thông và cũng dạy toán xác xuất thống kê tại một trường đại học cộng đồng – community college – trong vùng Vịnh San Francisco. Đồng thời anh cũng tham gia viết bài cho các tờ báo ở địa phương cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Rồi anh lập gia đình và đã có 2 cháu đã đến tuổi vào đại học.

Phú cho biết hiện chỉ còn dậy chừng 10 giờ một tuần lễ tại đại học cộng đồng nên có nhiều thời gian dành cho việc nghiên cứu, viết lách.

Anh dành khá nhiều giờ để đọc sách báo và tìm kiếm tài liệu ở các thư viện trong vùng – đặc biệt tại thư viện của UC Berkeley là ngôi trường anh đã theo học từ 40 năm trước khi mới đặt chân lên xứ Mỹ. Vì chịu khó tham khảo tài liệu như vậy nên các bài viết của nhà báo Bùi Văn Phú luôn có giá trị và được người đọc đánh giá cao – vì tính chất vừa sáng sủa gọn ghẽ, vừa có sự thận trọng mực thước theo đúng với tiêu chuẩn của giới truyền thông báo chí trong dòng chính của xã hội Hoa kỳ.

Phú cho biết là mình không phải là một nhà báo chuyên nghiệp, mà nghề chính của anh là một nhà giáo. Chuyện anh tham gia viết báo chỉ có tính cách tự nguyện vô vụ lợi nhằm để phục vụ cộng đồng mà thôi. Tuy vậy, độc giả người Việt cũng như người Mỹ đều nhận ra được sự thẳng thắn quân bình và trong sáng của anh được biểu lộ rõ nét trong bất kỳ bài báo nào của anh – được đăng tải trên nhiều diễn đàn truyền thông có uy tín vững vàng, điển hình như của BBC, VOA và đủ loại báo chí Việt, Mỹ trong vùng Vịnh.

Phú cho biết kể từ ngày quan hệ ngọai giao Việt Mỹ được tái lập vào năm 1995, anh đã đề nghị với giới lãnh đạo Peace Corps để khai triển hoạt động của Đoàn này tại Việt nam, và với tư cách là một cựu thiện nguyện viên anh sẵn sàng góp phần với chương trình của Peace Corps tại quê hương bản quán của mình. Nhưng coi bộ Hà nội vẫn còn e ngại cái chuyện “Diễn biến Hòa bình”, nên cho đến nay thì việc này cũng chưa thể thực hiện được.

Nói chung, anh Phú có sự suy nghĩ và hành động theo sát với dòng chính của xã hội Mỹ - tức là có một tầm nhìn khoáng đạt ở mức toàn cầu (global vision) và cũng tham gia sinh hoạt có tầm vóc toàn cầu nữa (global action). Mà phạm vi sinh hoạt thiện nguyện của anh hoàn toàn nằm trong khu vực Xã hội Dân sự có tính cách vô vụ lợi, phi chính phủ (non-profit, non-governmental) - chứ không phải là của Nhà nước hay của lãnh vực thị trường kinh doanh.

Tại vùng Vịnh, phần đông giới trí thức Mỹ có khuynh hướng chính trị cấp tiến, nhiều người còn đi quá xa về phía tả phái nữa. Cụ thể như hồi thập niên 1960 – 70, họ là thành phần chống đối chiến tranh Việt Nam mạnh mẽ nhất. Nhưng Bùi Văn Phú dù học tập ở Berkeley, vốn xưa kia là một “cái ổ phản chiến”, anh không hề để cho mình bị lôi cuốn vào cái trào lưu cấp tiến cực đoan đó. Anh vẫn giữ vững được cái “căn cước tỵ nạn chính trị” của một người đã quyết tâm rời bỏ đất nước ra đi ngay sau ngày cộng sản chiếm đọat được miền Nam Việt Nam từ ngày 30/4/1975. Đó là một điểm son mà nhiều bạn người Việt cũng như người Mỹ ghi nhận được nơi một nhà giáo và cũng là một nhà báo thông thạo cả hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh như Bùi Văn Phú.

VII – Thăm viếng gia đình anh chị Nguyễn Kim & Thành tại San Jose.

Tại San Jose, tôi có rất nhiều bạn trong số đó phải kể đến số đông đồng nghiệp trong Luật sư Đoàn ở Sài Gòn, một số bạn trong quân ngũ hồi trước, hay bạn cùng ở tù sau năm 1975, các bạn nhà văn, nhà báo v.v…

Anh Nguyễn Kim là bạn cùng khóa 13 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức và cùng trong ngành hành chánh tài chánh với tôi từ năm 1962. Gia đình anh qua Mỹ theo diện HO năm 1991 và hầu hết các cháu đã trưởng thành và đều sinh sống quây quần ở vùng San Jose. Anh chị sống riêng tại một căn nhà nhỏ gần khu thương mại của người Việt trên đường Senter, nên việc đi lại rất thuận tiện. Đó cũng là lý do khiến tôi hay tìm đến tá túc ở nhà anh chị mỗi khi đến San Jose. Lần này, tôi đến sống với anh để ngủ qua đêm vào tối ngày Thứ Sáu 27 tháng Hai. Và mỗi khi thuận tiện anh còn hay chở tôi đi chỗ này chỗ nọ trong cái thành phố có tới trên 100 ngàn bà còn người Việt cư ngụ. Chị Thành mấy năm nay bị đau nặng về khớp xương, nên mỗi khi di chuyển đều phải vịn vào dụng cụ gọi là walker - tức là cái giá đỡ có hai bánh xe gắn dưới chân đáy.

Thường ngày, anh chở chị đến nhà các con để phụ giúp trông coi mấy đứa cháu nội ngoại. Anh chị đều có lòng đạo đức sốt sáng, mỗi ngày đều đi lễ tại nhà thờ Maria Goretti gần nhà và tham gia sinh hoạt rất siêng năng với nhóm các người bạn lớn tuổi theo đạo công giáo như anh chị. Anh chị thật là thấm nhuần tinh thần “hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng” - mà thường được các bà mẹ ngoan đạo nhắc nhở cho con cháu trong mỗi gia đình.  Anh Kim hay tâm sự với tôi câu này mà tôi cứ nhớ hòai : “Tôi luôn theo đúng tôn chỉ của Phong trào Cursillo là “một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh em” – để cứ vậy mà đồng hành với tập thể các thành viên trong nhóm”.

Từ nhiều năm nay anh Kim còn là một thành viên rất tích cực năng nổ trong Hội Ái hữu Hành chánh Tài chánh tại miền Bắc California. Được ra khỏi nhà tù cộng sản tương đối sớm, anh Kim tìm mọi cách tương trợ giúp đỡ những chiến hữu gặp khó khăn vì bị giam giữ lâu ngày hơn mình. Anh là một “người khéo tay hay làm” nên tận tình gánh vác bất kỳ công việc nặng nhọc nào của hội mà anh em tín nhiệm trao phó cho mình. Vì thế mà các bạn trong ngành rất quí mến và tin tưởng nơi người bạn đồng đội có tấm lòng luôn gắn bó vững bền với tập thể như anh.

Gặp lại nhau vào dịp sau Tết Ất Mùi này, chúng tôi thường nhắc lại những kỷ niệm vui buồn chung với nhau đã trên 50 năm qua. Đặc biệt là nhắc đến những người bạn thân thiết, những huynh trưởng trong quân ngũ đã ra đi từ mấy chục năm qua – điển hình như anh Nguyễn Xuân Quỳnh mất ở Sài Gòn năm 1989, các anh Nguyễn Xuân Sơn, Đào Trần Lâm, Nguyễn Văn Phiên v.v... vừa mới mất ở Mỹ những năm gần đây.

Thế hệ chúng tôi đã trải qua nhiều truân chuyên sóng gió vì cuộc chiến kéo dài quá lâu, rồi còn bị đày đọa dưới chế độ độc tài khắc nghiệt tàn bạo của người cộng sản và hiện nay thì phải bỏ lại quê hương đất nước để ra đi định cư ở nước ngoài. Chúng tôi cùng có chung một nỗi niềm tâm sự của lớp người cao tuổi, chỉ còn trông mong sao cho thế hệ con, cháu có cơ hội thành đạt ở nước ngoài - nhưng vẫn lưu giữ được truyền thống nề nếp nhân bản, nhân ái của cha ông mình đã gây dựng vun đắp lên được từ ngàn xưa. Có thể nói anh chị Kim & Thành ở San Jose là một trong số những người bạn  rất tâm đắc của tôi. Anh chị quả thật là một tiêu biểu đáng quý trong lớp bạn của tôi cùng sinh ra trên đất Bắc, trưởng thành ở miền Nam và bây giờ thì định cư lập nghiệp ở nước ngoài.

Đại đa số lớp con, lớp cháu chúng tôi đều đã hội nhập vững chắc nơi xã hội Âu Mỹ và chúng chẳng còn nghĩ đến chuyện trở về sinh sống tại Việt Nam là quê hương của cha ông mình nữa. Vì thế mà chúng tôi phải cố gắng truyền lại cho các cháu ngọn lửa nồng ấm của tinh thần liên đới gắn bó trong nội bộ mỗi dòng tộc nhà mình - cũng như đối với đại khối dân tộc của con Hồng cháu Lạc trên đất nước Việt Nam thân yêu của tất cả chúng ta nữa vậy.

Costa Mesa California, tháng Ba 2015.

Ghi chú : Xin bạn đọc tiếp tục theo dõi bài 4 trong loạt Bút ký này.