Công lý Hoa Kỳ hà tỳ nặng
Nguyễn Du. Truyện Kiều
Glenn Ford is living proof of just how flawed our justice system truly is
(Vụ Glenn Ford là bằng chứng sống chứng tỏ hệ thống pháp lý của chúng ta thực ra hà tỳ nặng)
Thenjiwe Tameika McHarris, Amnesty International USA Senior Campaigner
Tôi có cảm tưởng một số không ít đồng bào Mỹ gốc Việt đánh giá nền công lý Hoa Kỳ là impeccable và quí vị này rất sẵn sàng viện dẫn The First Amendment.
Tôi quan niệm khác hẳn : tất cả các bộ luật, các đạo luật, các điều luật – không có một ngoại lệ nào hết – đều do con người soạn thảo, ban hành, áp dụng và giải thích. Mà con người thì có thể phạm sai lầm, dầu con người đó là công tố viên, thẩm phán, chánh án, biện lý, chưởng lý, lục sự, bồi thẩm, luật sư.
Glenn Ford là một người da đen sinh sống ở tiểu bang Louisiana. Năm 1984, một bồi thẩm đoàn gồm toàn người da trắng kết tội tử hình đương sự vì đã giết một người thợ kim hoàn mặc dầu anh luôn luôn bảo mình bị oan ức và không hề có mặt tại phạm trường khi án mạng xảy ra. Ngày thứ ba 11 tháng ba năm 2014, Ford được trả tự do vì có nhiều dữ kiện mới chứng minh anh vô tội. Lúc ra khỏi nhà tù, Ford 64 tuổi. Anh cho biết khi anh vào tù, các con anh còn đang bế; bây giờ họ đã trưởng thành và chính họ cũng có con còn đang bế. Anh cay đắng xót xa bổ túc suy tư : “Tôi đã mất ba mươi năm trong cuộc đời. Tôi không thể nào làm lại quá khứ.“
Năm 2013, Reginald Griffin, một phạm nhân thuộc tiểu bang Missouri, được miễn nghị sau hai mươi lăm năm câu thúc thân thể. Thống kê cho biết trọn năm 2013, trên toàn lãnh thổ Hoa kỳ có một trăm bốn mươi ba trường hợp bị kết án tử hình oan nhưng cuối cùng được tuyên bố vô tội. Trong 56% các trường hợp, công lý Mỹ phạm sai lầm vì chứng gian, chứng sai, chứng bậy; trong 46% các trường hợp, ngộ phán – phán quyết trái luật – là do các điều tra viên gây nên. Trong vòng hai mươi lăm năm trở lại đây, có một ngàn ba trăm tù nhân phạm tội đại hình được tuyên cáo vô tội; tuy thế, National Registry of Exonerations nhận định một cách bi quan rằng đây chẳng qua chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm.
Dựa vào các kết quả thử nghiệm ADN, ngày thứ ba 02.09.2014, hai anh em người da đen cùng cha khác mẹ – hoặc cùng mẹ khác cha – cư trú tại tiểu bang North Carolina tên Henry Lee McCollum, 50 tuổi và Leon Brown, 46 tuổi được một quan toà thuộc quận hạt Robeson trả tự do sau khi ngồi tù ba mươi năm vì bị xem là nghi can trong vụ hiếp dâm và cố sát Sabrina Buie năm 1983 nơi thành phố nhỏ Red Springs. Cả hai anh em đều mang những bất toàn tâm trí trầm trọng và được 19 và 15 tuổi khi bị bắt giữ. Họ bị kết tội tử hình năm 1984 chỉ vì những lời thú tội do cảnh sát ngụy tạo. Trước vành móng ngựa, cả hai người luôn luôn kêu oan. Về sau, án lệnh đối với Leon Brown được cải thành chung thân cấm cố. Thi hài nữ nạn nhân được phát hiện trong một cánh đồng. Một người sinh sống cách cánh đồng này chừng một trăm mét tên Roscoe Artis, 74 tuổi, mới chính là hung phạm đích thực, theo như kết quả ADN chứng minh. Roscoe Artis cũng là hung thủ đã sát hại một thiếu nữ khác tên Joann Brockmann, 18 tuổi. Luật sư Ken Rose biện hộ cho Henry Lee McCollum thuộc Center for Death Penalty Litigation ở Durham, bang North Carolina, nhận định : Thật kinh hoàng khi thấy rằng nền công lý của chúng ta đã đưa hai đứa bé tật nguyền tâm trí vào tù trong ba mươi năm vì một trọng tội mà chúng không hề phạm.
Tổ chức Innocence Project đã liệt kê được ba trăm mười bảy trường hợp miễn nghị do thành quả thử nghiệm ADN trong số có mười tám án tử hình. Lối bảy mươi phần trăm những nạn nhân oan khốc này thuộc chủng tộc da màu.
Kết luận : đối với tội đại hình, tội tử hình thì như vậy, chẳng rõ mức sáng suốt đáng tin của nền công lý Hợp chủng quốc trong những trường hợp thuộc dân luật, luật hộ thì ra sao?
Trần Văn Tích