Matt Mahan

ads header

Breaking News

NV Vs. SG Nhỏ: Bà Hoàng Dược Thảo nói chỉ đăng tin đồn kỳ4

LTS Nguoi-Viet - Sự kiện công ty Người Việt được tòa xử thắng bà Hoàng Dược Thảo và hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ trong vụ kiện phỉ báng là đề tài được dư luận đặc biệt chú ý trong những ngày qua. Ngay sau khi kết quả vụ kiện được công bố, hàng loạt ý kiến, bình phẩm, bình luận, ở nhiều hình thức khác nhau, được dư luận luân chuyển khắp nơi. Người Việt thực hiện loạt bài viết này nhằm trình bày các phương diện luật pháp đáng chú ý của hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau: Quyền tự do ngôn luận và quyền được bảo vệ trước những lời vu khống làm tổn hại uy tín. Xin mời độc giả theo dõi.

Trang đầu của tài liệu tòa (court transcripts) về lời khai của bà Hoàng Dược Thảo tại phiên xử. (Hình: Người Việt)
Tương tự như đoạn phim tại buổi tiệc của Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa (exhibit 8), nhân chứng Hoàng Dược Thảo, qua lời khai trước tòa, công nhận hình ảnh và những lời phát biểu trong đoạn phim tại buổi họp báo do ông Nguyễn Xuân Nghĩa tổ chức (exhibit 9) chính là của mình. Ðoạn phim này, trong phần hỏi cung bà Hoàng Dược Thảo, sau đó, được luật sư đại diện cho Người Việt chiếu lại trong phiên xử, để chứng minh ác ý của bà đối với công ty Người Việt.

Trang đầu của tài liệu tòa (court transcripts) về lời khai của bà Hoàng Dược Thảo tại phiên xử. (Hình: Người Việt)

Thế nhưng, ngoài hai đoạn video nói trên, luật sư đại diện Người Việt, Hoyt Hart, còn có một vũ khí khác, nặng ký hơn, đó là vật chứng 5 (exhibit 5), để chứng minh cho bồi thẩm đoàn thấy rằng, bà Hoàng Dược Thảo, hoặc vì “coi thường sự thật một cách liều lĩnh” (reckless disregard of the truth), hoặc vì cố tình phỉ báng công ty và nhân viên Người Việt, đã từ chối đáp ứng khi nhận thư yêu cầu đính chính của ông Phan Huy Ðạt (exhibit 3) và của bà Hoàng Vĩnh (exhibit 4), gửi đến tòa soạn Saigon Nhỏ ngày 8 Tháng Tám, 2012.

Vật chứng 5 (exhibit 5) là bài viết “Báo Saigon Nhỏ trả lời thư yêu cầu cải chánh của ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh,” đăng trên nhật báo Saigon Nhỏ, ngày 11 Tháng Tám, 2012.

Không đính chính

Thư yêu cầu đính chính của bà Hoàng Vĩnh viết:

“Tôi khám phá ra là trong số báo ngày 28 Tháng Bảy, 2012, trong cột
‘Những điều nên nói’ của tác giả Ðào Nương, quý báo phỉ báng tôi khi nói rằng 'bà Hoàng Vĩnh không phải là người có khả năng trí tuệ. Bà lại là một người có nhiều tai tiếng về tình ái.' Những câu nói này không đúng sự thật, làm tổn hại danh dự tôi, và tôi yêu cầu quý báo phải lập tức rút lại và đính chính những câu viết sai này.”

Thư yêu cầu đính chính của ông Phan Huy Ðạt viết:

“Tôi khám phá ra là trong số báo ngày 28 Tháng Bảy, 2012, trong cột ‘Những điều nên nói’ của tác giả Ðào Nương, quý báo phỉ báng tôi và nhật báo Người Việt, khi nói rằng: 1. '...báo Người Việt là một cơ sở thương mại tư nhân (a sole proprietor) và chủ nhân là ông Phan Huy Ðạt...; và 2. '... nếu không phải 'thằng' Sơn Hào thì cũng là 'thằng' Hải Vị, Made in VC mua tờ Người Việt rồi ông đứng tên giùm cho chúng...' Những câu nói này không đúng sự thật, làm tổn hại danh dự tôi, và tôi yêu cầu quý báo phải lập tức rút lại và đính chính những câu viết sai này.”

Yêu cầu đính chính (retraction demand letter) là một cơ hội tốt để giới cầm bút sửa chữa sơ sót, nếu có, khi viết bài, vì thế những cơ quan ngôn luận đứng đắn thường xem xét kỹ lưỡng các sự kiện, có biện pháp thích hợp, để bảo đảm không xúc phạm đến uy tín, thanh danh của người khác, và để tránh bị cáo buộc tội phỉ báng.

Buổi sáng ngày 1 Tháng Mười Hai, 2012, trong bài diễn văn mở màn phiên xử, Luật Sư Hoyt Hart nói với bồi thẩm đoàn, ông sẽ chứng minh với họ rằng những dẫn chứng “không có gì để cải chính” của bà Hoàng Dược Thảo trong bài viết “Báo Saigon Nhỏ trả lời thư yêu cầu cải chánh của ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh” (exhibit 5) nói trên, là không đúng.

Buổi chiều cùng ngày, sau khi mời bà Hoàng Dược Thảo lên làm nhân chứng đầu tiên, ông bắt đầu thực hiện lời hứa của mình, bằng cách chất vấn về exhibit 5.

Tài liệu của tòa, lúc bà Hoàng Dược Thảo xác nhận trước tòa rằng, bà không có chứng cớ là những tin đồn bà viết về bà Hoàng Vĩnh có phải là sự thật không. (Hình: Người Việt)
Hãy đọc một đoạn trong tài liệu của tòa về lời khai hữu thệ của nhân chứng Hoàng Dược Thảo liên quan đến yêu cầu đính chính của bà Hoàng Vĩnh về câu “bà lại là một người nhiều tai tiếng về tình ái” (tài liệu tòa: Nhân chứng HDT, December 1, 2014, trang 51, line 16).

- “Và bà viết gì trong exhibit 5, về yêu cầu cải chính của bà Hoàng Vĩnh? Bà có nói với độc giả của bà là bà Hoàng Vĩnh nói điều bà viết không đúng, yêu cầu đính chính?” Luật sư đại diện Người Việt, Hoyt Hart, hỏi.

- “Tôi trả lời rằng, sau khi tôi phỏng vấn rất nhiều người trong cộng đồng, nhiều người đi cùng nhà thờ với bà, nhiều người trong tổ chức từ thiện mà bà sinh hoạt, thì tôi nghĩ những điều tôi viết là sự thật, và chẳng có gì phải cải chính.” Nhân chứng Hoàng Dược Thảo trả lời.

......

- “Và bà viết 'đó là nhận định của tôi về tư cách, về phương cách giao tiếp với người khác phái của bà Hoàng Vĩnh, một phụ nữ đang có chồng.' Bà viết như thế phải không?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.

- “Phải.” Hoàng Dược Thảo trả lời.

- “Bà nói với độc giả của bà rằng, dựa trên những cuộc phỏng vấn nhiều người đi cùng nhà thờ, nhiều người trong tổ chức từ thiện “Help The Poor,” và những người làm việc tại công ty Người Việt, bà có nhận định đó về cách cư xử với người đàn ông không có vợ của bà Hoàng Vĩnh, một người đàn bà đang có chồng, phải không?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.

- “Tôi nhắc lại cho ông nghe một lần nữa, là tôi phỏng vấn rất nhiều người. Những người này xác nhận rằng những lời đồn đó là sự thật...” Hoàng Dược Thảo trả lời.

Coi thường sự thật

Trong một đoạn khác, bà Hoàng Dược Thảo xác nhận không quan tâm về việc những điều mình đăng tải có là sự thật hay không, và cũng không quan tâm là những gì mình công bố có hại cho người khác hay không. (Tài liệu tòa: Nhân chứng HDT, December 1, 2014, trang 42, line 25).

- “Khi bà công bố trên hơn 70,000 số báo rằng bà Hoàng Vĩnh là một người đàn bà có nhiều tai tiếng về tình ái, bà có chút quan tâm nào là điều đó có thể làm hại cho bà Hoàng Vĩnh không? Bà có bao giờ cân nhắc những tai hại mà bà sẽ gây ra nếu những điều bà công bố là sai sự thật?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.

- “Nếu giờ đây tôi ngồi đây và ông hỏi rằng viết những điều xấu về đời tư của một người đàn bà thì điều đó không đúng, nhưng trường hợp này nó hoàn toàn khác. Bà Hoàng Vĩnh là phụ tá tổng giám đốc của tờ Người Việt, và người ta đã nói về tai tiếng của bà lâu rồi, trước khi bà trở thành phụ tá tổng giám đốc của tờ Người Việt.” Hoàng Dược Thảo trả lời.

- “Có phải bà đang nói với chúng tôi rằng, nếu bà Hoàng Vĩnh chỉ là một người dân thường (private person), như thư ký của bà ấy chẳng hạn, thì việc đăng tin đồn là bà ấy có tai tiếng về tình ái là điều sai không?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.

- “Phải.” Hoàng Dược Thảo trả lời.

......

- “Việc những lời đồn này có phải là sự thật hay không, đối với bà có quan trọng chút nào không?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.

- “Ðó là lý do tại sao tôi dùng chữ tai tiếng, tai tiếng là tin đồn. Tin đồn thì có thể đúng có thể sai.” Hoàng Dược Thảo trả lời.

Tài liệu của tòa, lúc bà Hoàng Dược Thảo xác nhận trước tòa rằng, bà chỉ đăng tin đồn. (Hình: Người Việt)
Chỉ đăng tin đồn

Trong bài phát biểu mở màn phiên xử, Luật Sư Hoyt Hart, đại diện cho Người Việt trình bày rằng, “Một tờ báo không bao giờ được loan tin sai sự thật về một người khiến người đó bị xa lánh, khinh khi, hay làm tổn hại cho sự nghiệp và doanh thương của họ.”

Nói một cách rộng hơn, trọng trách hàng đầu của báo chí là phục vụ sự thật. Người viết báo không theo đuổi chân lý theo nghĩa tuyệt đối hay nghĩa triết học, nhưng có thể, và bắt buộc phải đạt được sự thật một cách thiết thực. Ðiều này được thực hiện, trước tiên, bằng một tinh thần kỷ luật trong việc ghi nhận và kiểm chứng tin tức, từ nhiều nguồn, và sau đó tường trình một cách minh bạch. Nền dân chủ của một đất nước tùy thuộc vào việc người dân có nguồn thông tin đáng tin cậy, với những sự kiện chính xác, được tường trình trong một bối cảnh có ý nghĩa.

Hãy cứ tưởng tượng, nếu lật một tờ báo ra, độc giả chỉ toàn đọc được những tin đồn, có tin đúng sự thật, có tin sai sự thật, thì nền báo chí và xã hội sẽ ra sao.

Trong vụ kiện giữa Người Việt và Saigon Nhỏ, qua tài hỏi cung của Luật Sư Hoyt Hart, bà Hoàng Dược Thảo đã xác nhận tại tòa rằng bà “chỉ đăng tin đồn.” (tài liệu tòa: Nhân chứng HDT, December 1, 2014, trang 50, line 6).

- “Bà không có chứng cớ gì để chứng minh những tin đồn này là sự thật. Có phải không?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.

- “Không, tôi không có chứng cớ gì cả.” Hoàng Dược Thảo trả lời.

- “Lý do mà bà dùng chữ ‘tin đồn’ là vì bà không biết những tai tiếng tình ái mà bà công bố là sai hay đúng, phải không?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.

- “Nó (tin đồn) có thể đúng mà cũng có thể không đúng.” Hoàng Dược Thảo trả lời.

- “Bà đã làm gì để xác nhận hay kiểm chứng rằng những tai tiếng tình ái này là sự thật?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.

- “Nếu tôi có sự thật, thì tôi đã viết xuống là bà ta ngoại tình với ai. Tôi sẽ có tên, có chi tiết về sự kiện, có tất cả, nhưng tôi nói là tin đồn, vì tôi không có chứng cớ gì trong tay cả...” Hoàng Dược Thảo trả lời.

- “Bà không có chứng cớ gì để chứng minh sự thật về những lời đồn này hết. Có đúng không?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.

- “Không, tôi không có chứng cớ gì... Tôi chỉ viết về tin đồn. Tôi không viết về sự thật.” Hoàng Dược Thảo trả lời.

- “Tôi muốn biết chắc là tôi không nghe nhầm. Bà vừa nói rằng không có lúc nào bà viết về sự thật?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.

- “Tôi viết về tin đồn!” Hoàng Dược Thảo trả lời.

Kỳ sau: Ác ý và gian dối trước tòa

Hà Giang/Người Việt
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com
––
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

Người Việt vs. Saigon Nhỏ: Yếu tố pháp lý trong kiện phỉ báng (kỳ 1)
Người Việt vs. Saigon Nhỏ: Trận đấu dài trước phiên xử chính (kỳ 2) 
Người Việt vs. Saigon Nhỏ: Trận đấu dài trước phiên xử chính (kỳ 3)