NV vs. SG Nhỏ: Yếu tố pháp lý trong kiện phỉ báng (kỳ 1)
LTS nguoi-viet - Sự kiện công ty Người Việt được tòa xử thắng bà Hoàng Dược Thảo và hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ trong vụ kiện phỉ báng là đề tài được dư luận đặc biệt chú ý trong những ngày qua. Ngay sau khi kết quả vụ kiện được công bố, hàng loạt ý kiến, bình phẩm, bình luận, ở nhiều hình thức khác nhau, được dư luận luân chuyển khắp nơi. Người Việt thực hiện loạt bài viết này nhằm trình bày các phương diện luật pháp đáng chú ý của hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau: Quyền tự do ngôn luận và quyền được bảo vệ trước những lời vu khống làm tổn hại uy tín. Xin mời độc giả theo dõi.
WESTMINSTER (NV) - Tại Hoa Kỳ, tự do ngôn luận là quyền bất khả xâm phạm, và cũng là niềm hãnh diện của người dân ở đất nước có tự do dân chủ. Tiếc thay, niềm hãnh diện này thường đi đôi với suy diễn sai lầm là bất cứ ai cũng có thể nói bất cứ điều gì họ muốn. Sự hiểu biết chưa tường tận này, trong giới ký giả hay người có cơ quan ngôn luận trong tay, đôi khi dẫn đến chỗ vô tình hoặc cố ý phỉ báng người khác, tạo hậu quả đáng tiếc.
Quyền tự do ngôn luận thật ra không phải là quyền tuyệt đối trong mọi tình huống. Một tuyên bố sai sự thật, được loan truyền vô tội vạ, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín của một người, làm cho đời sống của người đó trở nên khốn đốn. Vì thế, luật phỉ báng tại Hoa Kỳ nói chung, và California nói riêng, có những điều khoản tỉ mỉ, nhằm cân bằng hai nguyên tắc pháp lý căn bản. Nguyên tắc thứ nhất nằm trong khái niệm đạo đức: Mọi người phải được bảo vệ trước những lời vu khống làm tổn hại uy tín. Nguyên tắc thứ hai: Quyền tự do ngôn luận, được bảo vệ bởi Hiến Pháp.
Lý thuyết, một vụ kiện phỉ báng (vu khống) có thể xảy ra bất cứ khi nào một người loan truyền tin thất thiệt, làm hại đến thanh danh một người khác.
Thực tế, rất ít người bị phỉ báng đưa người vu khống mình ra tòa. Lý do, luật phỉ báng rất phức tạp và việc kiện tụng rất tốn kém.
Sự kiện công ty Người Việt được tòa xử thắng bà Hoàng Dược Thảo và hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ trong vụ kiện phỉ báng là đề tài được dư luận đặc biệt chú ý trong những ngày qua. Ngay sau khi kết quả vụ kiện được công bố, hàng loạt bài nhận định được phổ biến, những lời bình phẩm được chuyển qua nhiều nhóm email, diễn đàn Internet, bên cạnh đó là những bàn tán, hội luận ở các quán cà phê, tư gia, họp mặt. Thậm chí, có những cuộc hội luận được quay phim và cho lên Internet.
Bên hài lòng với kết quả vụ kiện cho rằng đây là một “vụ kiện điển hình,” một “phán quyết quan trọng,” một “bài học đích đáng,” có “tác dụng tốt” cho lối sống minh bạch và thượng tôn pháp luật trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Phía không đồng ý, ngược lại, cho rằng đây là phán quyết “phi lý,” “khó hiểu,” kết quả của một phiên xử “đầy thiên vị.” Cũng có những bài viết tường thuật không chính xác các dữ kiện và diễn tiến của phiên xử. Phiên xử vụ kiện của Người Việt đối với bà Hoàng Dược Thảo cùng Saigon Nhỏ kéo dài gần một tháng; ngoài nguyên đơn, bị đơn, các luật sư đại diện, một số nhân viên Người Việt, không một cá nhân hay cơ quan truyền thông nào, cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ, theo dõi trọn vẹn từ đầu đến cuối.
Loạt bài này có mục đích lấy vụ kiện này làm trường hợp cụ thể (case study) để chúng ta cùng chiêm nghiệm mà hiểu thấu đáo hơn ranh giới giữa phỉ báng và tự do ngôn luận; những yếu tố pháp lý trong một vụ kiện phỉ báng; thủ tục tố tụng, diễn tiến của một phiên xử; việc kháng án... Tài liệu được sử dụng cho loạt bài viết này là từ tài liệu của tòa án (court transcripts).
Phỉ báng (Defamation)
Phỉ báng là hành động công bố tin sai sự thật, làm tổn hại danh tiếng người khác. Trong trường hợp nạn nhân là người của công chúng (public figure), phỉ báng được hiểu là do kết quả của sự “cẩu thả, coi thường sự thật” (reckless disregard of the truth).
Hành động công bố có hai hình thức, bằng lời nói (slander) hay bằng chữ viết (libel). Công bố có thể là viết rõ ra (explicit) hoặc ngụ ý (implied).
Muốn chứng minh người khác phỉ báng mình, bên nguyên đơn phải chứng minh được ba điều. Thứ nhất: Có lời tuyên bố mang tính phỉ báng. Thứ nhì: Tuyên bố đó được loan truyền, và thứ ba: Tuyên bố đó gây tổn hại cho mình.
Trong vụ kiện giữa Người Việt và Saigon Nhỏ, cả ba nguyên đơn, công ty Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Ðạt, và bà Hoàng Vĩnh, đều chứng minh được cả ba điều nói trên.
Trong một vụ kiện liên quan đến tội danh phỉ báng, chỉ có sự thật mới có khả năng bào chữa tuyệt đối cho bị cáo. Trong vụ kiện này, bà Hoàng Dược Thảo không thể bào chữa được, vì bà không đưa ra được chứng cớ hay lời khai của nhân chứng nào, để chứng minh những điều bà viết về ba nguyên đơn này là sự thật. Dù rằng bà Hoàng Dược Thảo chỉ cần chứng minh rằng “có nhiều phần” (more likely than not) là điều bà nói là “đúng phần lớn” (substantially true), cũng đã đủ để bào chữa. Thực tế, bà không đưa ra được chứng cớ hay lời khai của nhân chứng nào khả dĩ làm được điều đó.
Ngược lại, các nguyên đơn Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Ðạt, và bà Hoàng Vĩnh, đã chứng minh được một cách rõ ràng và thuyết phục (clear and convincing evidence) là những điều bà Hoàng Dược Thảo viết là sai, và, bà biết là sai mà vẫn viết.
Ý kiến (Opinion)
Bào chữa chính của bị cáo: Những điều viết ra chỉ là “ý kiến” (opinion). Tự do ngôn luận cho phép người ta tự do bày tỏ ý kiến mà không phạm tội phỉ báng.
Tuy nhiên, để bào chữa, bị cáo không thể chỉ đơn thuần nói rằng đó là “ý kiến của tôi.” Luật Hoa Kỳ phân biệt rõ giữa phát biểu về sự kiện (fact) và phát biểu ý kiến (opinion). Ý kiến là một câu nói không thể chứng minh đúng hay sai. Chẳng hạn, viết rằng một người “ngu xuẩn” thì đó là một ý kiến. Ngược lại, “sự kiện” là điều có thể chứng minh đúng hay sai. Chẳng hạn, viết rằng một người là Cộng Sản tức là đang nói về “sự kiện.”
Trong vụ kiện giữa Người Việt và Saigon Nhỏ, luật sư của bị cáo bào chữa rằng thân chủ của mình “chỉ phát biểu ý kiến.” Nhưng quan tòa phán rằng việc bà Hoàng Dược Thảo viết (hay hàm ý) rằng công ty Người Việt do Cộng Sản làm chủ, cũng như những điều viết về bà Hoàng Vĩnh, đều là sự kiện, vì những điều này có thể chứng minh được là đúng hay sai.
‘Người của công chúng’ và cá nhân
Trong một vụ kiện phỉ báng, việc xét xem nạn nhân là một người dân thường (private figure) hay “người của công chúng” (public figure) - tức một người nổi danh, giữ các địa vị quan trọng trong cộng đồng. Nguyên đơn, nếu là dân thường, để thắng kiện, chỉ cần chứng minh trước tòa là có lời phỉ báng do bị cáo loan truyền và bị cáo không chứng minh được lời đó đúng sự thật. Trong khi đó, một nguyên đơn là người của công chúng, muốn thắng kiện, không những phải chứng minh những lời phỉ báng sai sự thật, mà còn phải chứng minh là bị cáo có ác ý, vì biết là sai mà vẫn nói.
Trong vụ kiện giữa Người Việt và Saigon Nhỏ, công ty Người Việt News được tòa cho là người của công chúng, trong khi ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh được cho là dân thường. Tuy nhiên, sự phân biệt này ở đây không quan trọng lắm, vì cả ba nguyên đơn đều chứng minh được rõ ràng và thuyết phục trước tòa rằng những điều bà Hoàng Dược Thảo viết là sai và có ác ý, vì biết sai mà vẫn viết.
Yêu cầu đính chính
Ðể bảo vệ người cầm bút, một số tiểu bang có điều khoản về yêu cầu đính chính (retraction demand). Tại California, một nguyên đơn không yêu cầu tác giả đính chính, sau này khi đi kiện, sẽ chỉ nhận được bồi thường cho “thiệt hại đặc biệt” (special damages), nghĩa là thiệt hại bằng tiền cụ thể đã phải chi ra (chẳng hạn tiền trả cho bác sĩ khám bệnh, tiền mua thuốc, tiền lương bị trừ vì phải nghỉ làm....)
Yêu cầu đính chính tạo thêm một cơ hội để giới cầm bút sửa chữa những sơ sót, nếu có, khi viết bài. Những cơ quan ngôn luận chuyên nghiệp xem xét rất kỹ lưỡng các yêu cầu đính chính, kiểm chứng lại mọi sự kiện, để bảo đảm không xúc phạm đến uy tín, thanh danh của người khác, và để tránh bị cáo buộc tội phỉ báng.
Trong vụ kiện Người Việt và Saigon Nhỏ, khi nhận được thư yêu cầu đính chính của công ty Người Việt, tuần báo Saigon Nhỏ đáp trả bằng cách đăng bài viết nói về những thư này, đồng thời đăng lại những tuyên bố bị cho là có phỉ báng, và đưa ra nhiều lập luận dẫn chứng rằng những lời phỉ báng này của mình là đúng, rồi kết luận “không có gì để đính chính.” Hành xử này là một trong những lý do khiến bồi thẩm đoàn kết luận là tác giả có ác ý.
Lời đồn
Theo luật của California, một tuyên bố sai sự thật được tòa xem là phỉ báng, dù lời tuyên bố này là sự lập lại của tin đồn. Nói cách khác, người lập lại và loan truyền tin đồn thất thiệt có tính phỉ báng cũng phải chịu trách nhiệm về sự phỉ báng, y như người đầu tiên tung ra tin đồn này.
Trong vụ kiện Người Việt và Saigon Nhỏ, luật sư biện hộ của bị cáo lập luận sai khi nói rằng việc nói về một tin đồn được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận. Kết cục là bà Hoàng Dược Thảo bị kết tội phỉ báng vì đã lập lại những tin đồn mà bà không thể chứng minh là có thật về đời tư của nguyên đơn Hoàng Vĩnh.
Bồi thường thiệt hại
Một khi đã chứng minh thành công là bị cáo phỉ báng mình, nguyên đơn có thể được bồi thường ba loại thiệt hại.
Loại thiệt hại thứ nhất là “thiệt hại đặc biệt” (special damage), còn gọi là thiệt hại kinh tế, nghĩa là thiệt hại bằng tiền cụ thể đã phải chi ra, thí dụ như tiền trả cho bác sĩ khám bệnh, tiền mua thuốc, tiền lương bị trừ vì phải nghỉ làm... Dù bị thiệt hại, các nguyên đơn trong vụ kiện Người Việt và Saigon Nhỏ đã không đòi thiệt hại đặc biệt nào vì con số không đáng kể.
Loại thiệt hại thứ nhì là “thiệt hại hiện thực” (actual damage) nhưng “tổng quát” (general damage), chẳng hạn nỗi đau tinh thần, tổn hại uy tín, vị trí trong cộng đồng... Các nguyên đơn phải chứng minh những thiệt hại này nhưng không nhất thiết phải đưa ra một con số cụ thể.
Loại thiệt hại thứ ba là “thiệt hại đương nhiên” (presumed damage). Theo luật hiện hành, mọi lời phỉ báng đương nhiên gây thiệt hại cho nạn nhân, dù rằng nguyên đơn không có chứng cớ cụ thể hoặc không biết là có bị những thiệt hại đó. Bồi thẩm đoàn có toàn quyền ấn định số thiệt hại này.
Trong trường hợp nguyên đơn có thể chứng minh được ác ý của bị cáo, bồi thẩm đoàn có thể ấn định thêm một loại bồi thường nữa, gọi là “phạt để làm gương” (punitive damage hay exemplary damage).
Trong vụ kiện Người Việt và Saigon Nhỏ, bồi thẩm đoàn ra phán quyết là bà Hoàng Dược Thảo phải bồi thường cho ba nguyên đơn $3,000,000 cho thiệt hại hiện thực tổng quát và thiệt hại đương nhiên và $1,500,000 tiền phạt vì ác ý khi phỉ báng.
Hà Giang/Người Việt
Người Việt vs. Saigon Nhỏ: Trận đấu dài trước phiên xử chính (kỳ 2)
Người Việt vs. Saigon Nhỏ: Nhân chứng Hoàng Dược Thảo (kỳ 3)
–-
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com
Một trang trong “verdict form,” tức bảng gồm các câu hỏi mà bồi thẩm đoàn phải tuần tự trả lời để cuối cùng đưa đến phán quyết cho nguyên đơn Người Viet Daily News, Inc. (Hình: Người Việt) |
Quyền tự do ngôn luận thật ra không phải là quyền tuyệt đối trong mọi tình huống. Một tuyên bố sai sự thật, được loan truyền vô tội vạ, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín của một người, làm cho đời sống của người đó trở nên khốn đốn. Vì thế, luật phỉ báng tại Hoa Kỳ nói chung, và California nói riêng, có những điều khoản tỉ mỉ, nhằm cân bằng hai nguyên tắc pháp lý căn bản. Nguyên tắc thứ nhất nằm trong khái niệm đạo đức: Mọi người phải được bảo vệ trước những lời vu khống làm tổn hại uy tín. Nguyên tắc thứ hai: Quyền tự do ngôn luận, được bảo vệ bởi Hiến Pháp.
Lý thuyết, một vụ kiện phỉ báng (vu khống) có thể xảy ra bất cứ khi nào một người loan truyền tin thất thiệt, làm hại đến thanh danh một người khác.
Thực tế, rất ít người bị phỉ báng đưa người vu khống mình ra tòa. Lý do, luật phỉ báng rất phức tạp và việc kiện tụng rất tốn kém.
Sự kiện công ty Người Việt được tòa xử thắng bà Hoàng Dược Thảo và hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ trong vụ kiện phỉ báng là đề tài được dư luận đặc biệt chú ý trong những ngày qua. Ngay sau khi kết quả vụ kiện được công bố, hàng loạt bài nhận định được phổ biến, những lời bình phẩm được chuyển qua nhiều nhóm email, diễn đàn Internet, bên cạnh đó là những bàn tán, hội luận ở các quán cà phê, tư gia, họp mặt. Thậm chí, có những cuộc hội luận được quay phim và cho lên Internet.
Bên hài lòng với kết quả vụ kiện cho rằng đây là một “vụ kiện điển hình,” một “phán quyết quan trọng,” một “bài học đích đáng,” có “tác dụng tốt” cho lối sống minh bạch và thượng tôn pháp luật trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Phía không đồng ý, ngược lại, cho rằng đây là phán quyết “phi lý,” “khó hiểu,” kết quả của một phiên xử “đầy thiên vị.” Cũng có những bài viết tường thuật không chính xác các dữ kiện và diễn tiến của phiên xử. Phiên xử vụ kiện của Người Việt đối với bà Hoàng Dược Thảo cùng Saigon Nhỏ kéo dài gần một tháng; ngoài nguyên đơn, bị đơn, các luật sư đại diện, một số nhân viên Người Việt, không một cá nhân hay cơ quan truyền thông nào, cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ, theo dõi trọn vẹn từ đầu đến cuối.
Loạt bài này có mục đích lấy vụ kiện này làm trường hợp cụ thể (case study) để chúng ta cùng chiêm nghiệm mà hiểu thấu đáo hơn ranh giới giữa phỉ báng và tự do ngôn luận; những yếu tố pháp lý trong một vụ kiện phỉ báng; thủ tục tố tụng, diễn tiến của một phiên xử; việc kháng án... Tài liệu được sử dụng cho loạt bài viết này là từ tài liệu của tòa án (court transcripts).
Phỉ báng (Defamation)
Phỉ báng là hành động công bố tin sai sự thật, làm tổn hại danh tiếng người khác. Trong trường hợp nạn nhân là người của công chúng (public figure), phỉ báng được hiểu là do kết quả của sự “cẩu thả, coi thường sự thật” (reckless disregard of the truth).
Hành động công bố có hai hình thức, bằng lời nói (slander) hay bằng chữ viết (libel). Công bố có thể là viết rõ ra (explicit) hoặc ngụ ý (implied).
Muốn chứng minh người khác phỉ báng mình, bên nguyên đơn phải chứng minh được ba điều. Thứ nhất: Có lời tuyên bố mang tính phỉ báng. Thứ nhì: Tuyên bố đó được loan truyền, và thứ ba: Tuyên bố đó gây tổn hại cho mình.
Trong vụ kiện giữa Người Việt và Saigon Nhỏ, cả ba nguyên đơn, công ty Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Ðạt, và bà Hoàng Vĩnh, đều chứng minh được cả ba điều nói trên.
Trong một vụ kiện liên quan đến tội danh phỉ báng, chỉ có sự thật mới có khả năng bào chữa tuyệt đối cho bị cáo. Trong vụ kiện này, bà Hoàng Dược Thảo không thể bào chữa được, vì bà không đưa ra được chứng cớ hay lời khai của nhân chứng nào, để chứng minh những điều bà viết về ba nguyên đơn này là sự thật. Dù rằng bà Hoàng Dược Thảo chỉ cần chứng minh rằng “có nhiều phần” (more likely than not) là điều bà nói là “đúng phần lớn” (substantially true), cũng đã đủ để bào chữa. Thực tế, bà không đưa ra được chứng cớ hay lời khai của nhân chứng nào khả dĩ làm được điều đó.
Ngược lại, các nguyên đơn Người Việt Daily News Inc., ông Phan Huy Ðạt, và bà Hoàng Vĩnh, đã chứng minh được một cách rõ ràng và thuyết phục (clear and convincing evidence) là những điều bà Hoàng Dược Thảo viết là sai, và, bà biết là sai mà vẫn viết.
Ý kiến (Opinion)
Bào chữa chính của bị cáo: Những điều viết ra chỉ là “ý kiến” (opinion). Tự do ngôn luận cho phép người ta tự do bày tỏ ý kiến mà không phạm tội phỉ báng.
Tuy nhiên, để bào chữa, bị cáo không thể chỉ đơn thuần nói rằng đó là “ý kiến của tôi.” Luật Hoa Kỳ phân biệt rõ giữa phát biểu về sự kiện (fact) và phát biểu ý kiến (opinion). Ý kiến là một câu nói không thể chứng minh đúng hay sai. Chẳng hạn, viết rằng một người “ngu xuẩn” thì đó là một ý kiến. Ngược lại, “sự kiện” là điều có thể chứng minh đúng hay sai. Chẳng hạn, viết rằng một người là Cộng Sản tức là đang nói về “sự kiện.”
Trong vụ kiện giữa Người Việt và Saigon Nhỏ, luật sư của bị cáo bào chữa rằng thân chủ của mình “chỉ phát biểu ý kiến.” Nhưng quan tòa phán rằng việc bà Hoàng Dược Thảo viết (hay hàm ý) rằng công ty Người Việt do Cộng Sản làm chủ, cũng như những điều viết về bà Hoàng Vĩnh, đều là sự kiện, vì những điều này có thể chứng minh được là đúng hay sai.
‘Người của công chúng’ và cá nhân
Trong một vụ kiện phỉ báng, việc xét xem nạn nhân là một người dân thường (private figure) hay “người của công chúng” (public figure) - tức một người nổi danh, giữ các địa vị quan trọng trong cộng đồng. Nguyên đơn, nếu là dân thường, để thắng kiện, chỉ cần chứng minh trước tòa là có lời phỉ báng do bị cáo loan truyền và bị cáo không chứng minh được lời đó đúng sự thật. Trong khi đó, một nguyên đơn là người của công chúng, muốn thắng kiện, không những phải chứng minh những lời phỉ báng sai sự thật, mà còn phải chứng minh là bị cáo có ác ý, vì biết là sai mà vẫn nói.
Trong vụ kiện giữa Người Việt và Saigon Nhỏ, công ty Người Việt News được tòa cho là người của công chúng, trong khi ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh được cho là dân thường. Tuy nhiên, sự phân biệt này ở đây không quan trọng lắm, vì cả ba nguyên đơn đều chứng minh được rõ ràng và thuyết phục trước tòa rằng những điều bà Hoàng Dược Thảo viết là sai và có ác ý, vì biết sai mà vẫn viết.
Yêu cầu đính chính
Ðể bảo vệ người cầm bút, một số tiểu bang có điều khoản về yêu cầu đính chính (retraction demand). Tại California, một nguyên đơn không yêu cầu tác giả đính chính, sau này khi đi kiện, sẽ chỉ nhận được bồi thường cho “thiệt hại đặc biệt” (special damages), nghĩa là thiệt hại bằng tiền cụ thể đã phải chi ra (chẳng hạn tiền trả cho bác sĩ khám bệnh, tiền mua thuốc, tiền lương bị trừ vì phải nghỉ làm....)
Yêu cầu đính chính tạo thêm một cơ hội để giới cầm bút sửa chữa những sơ sót, nếu có, khi viết bài. Những cơ quan ngôn luận chuyên nghiệp xem xét rất kỹ lưỡng các yêu cầu đính chính, kiểm chứng lại mọi sự kiện, để bảo đảm không xúc phạm đến uy tín, thanh danh của người khác, và để tránh bị cáo buộc tội phỉ báng.
Trong vụ kiện Người Việt và Saigon Nhỏ, khi nhận được thư yêu cầu đính chính của công ty Người Việt, tuần báo Saigon Nhỏ đáp trả bằng cách đăng bài viết nói về những thư này, đồng thời đăng lại những tuyên bố bị cho là có phỉ báng, và đưa ra nhiều lập luận dẫn chứng rằng những lời phỉ báng này của mình là đúng, rồi kết luận “không có gì để đính chính.” Hành xử này là một trong những lý do khiến bồi thẩm đoàn kết luận là tác giả có ác ý.
Lời đồn
Theo luật của California, một tuyên bố sai sự thật được tòa xem là phỉ báng, dù lời tuyên bố này là sự lập lại của tin đồn. Nói cách khác, người lập lại và loan truyền tin đồn thất thiệt có tính phỉ báng cũng phải chịu trách nhiệm về sự phỉ báng, y như người đầu tiên tung ra tin đồn này.
Trong vụ kiện Người Việt và Saigon Nhỏ, luật sư biện hộ của bị cáo lập luận sai khi nói rằng việc nói về một tin đồn được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận. Kết cục là bà Hoàng Dược Thảo bị kết tội phỉ báng vì đã lập lại những tin đồn mà bà không thể chứng minh là có thật về đời tư của nguyên đơn Hoàng Vĩnh.
Bồi thường thiệt hại
Một khi đã chứng minh thành công là bị cáo phỉ báng mình, nguyên đơn có thể được bồi thường ba loại thiệt hại.
Loại thiệt hại thứ nhất là “thiệt hại đặc biệt” (special damage), còn gọi là thiệt hại kinh tế, nghĩa là thiệt hại bằng tiền cụ thể đã phải chi ra, thí dụ như tiền trả cho bác sĩ khám bệnh, tiền mua thuốc, tiền lương bị trừ vì phải nghỉ làm... Dù bị thiệt hại, các nguyên đơn trong vụ kiện Người Việt và Saigon Nhỏ đã không đòi thiệt hại đặc biệt nào vì con số không đáng kể.
Loại thiệt hại thứ nhì là “thiệt hại hiện thực” (actual damage) nhưng “tổng quát” (general damage), chẳng hạn nỗi đau tinh thần, tổn hại uy tín, vị trí trong cộng đồng... Các nguyên đơn phải chứng minh những thiệt hại này nhưng không nhất thiết phải đưa ra một con số cụ thể.
Loại thiệt hại thứ ba là “thiệt hại đương nhiên” (presumed damage). Theo luật hiện hành, mọi lời phỉ báng đương nhiên gây thiệt hại cho nạn nhân, dù rằng nguyên đơn không có chứng cớ cụ thể hoặc không biết là có bị những thiệt hại đó. Bồi thẩm đoàn có toàn quyền ấn định số thiệt hại này.
Trong trường hợp nguyên đơn có thể chứng minh được ác ý của bị cáo, bồi thẩm đoàn có thể ấn định thêm một loại bồi thường nữa, gọi là “phạt để làm gương” (punitive damage hay exemplary damage).
Trong vụ kiện Người Việt và Saigon Nhỏ, bồi thẩm đoàn ra phán quyết là bà Hoàng Dược Thảo phải bồi thường cho ba nguyên đơn $3,000,000 cho thiệt hại hiện thực tổng quát và thiệt hại đương nhiên và $1,500,000 tiền phạt vì ác ý khi phỉ báng.
Hà Giang/Người Việt
Người Việt vs. Saigon Nhỏ: Trận đấu dài trước phiên xử chính (kỳ 2)
Người Việt vs. Saigon Nhỏ: Nhân chứng Hoàng Dược Thảo (kỳ 3)
–-
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com