Matt Mahan

ads header

Breaking News

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ "NGÀY EM HAI MƯƠI TUỔI"

 THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ "NGÀY EM HAI MƯƠI TUỔI"

Bài gửi VVV viết về Nhất Hạnh
Sau cái chết của thầy Nhất Hạnh, nhiều tranh cãi đã rộ lên trên các trang  mạng xã hội. Tranh luận để tìm ra một sự thật là điều tốt và nó  chỉ có thể thực hiên được tại các xứ sở tự do cho nên Thầy Nhất Hạnh bên binh bên chống là chuyện bình thường không có gì đáng trách. Bài viết dưới đây dựa vào tài liệu do chính thầy Nhất Hạnh đưa ra giúp chúng ta có một nhận định chính xác hơn về vai trò của nhà sư này. Xin mời bạn đọc theo dõi.
Việt Vùng Vịnh

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VÀ "NGÀY EM HAI MƯƠI TUỔI"


Xin thưa ngay rằng "Ngày Em Hai mươi tuổi" (The day I turn twenty) là tựa đề một bài viết của thiền sư Nhất Hạnh nhưng đây không phải nói về "Sư Cô Chân Không vừa tròn hai mươi tuổi" mà nói về "Làng Mai (tức Làng Hồng) đã được hai mươi năm" kể từ ngày thành lập!

Kỷ giả Vũ Ánh, trên tờ Việt Mercury số 166 ngày 29/3/2002, khi nói về thiền sư Nhất Hạnh đã viết rằng : "dù có thời gian một đài phát thanh Nam Cali mở chiến dịch chỉ trích, nhưng dường như ảnh hưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh không sút giảm trong cả cộng đồng Mỹ lẫn Việt". Hai chữ "dường như" mà Vũ Ánh dùng chứng tỏ rằng điều mà ông đưa ra không lấy gì làm chắc chắn.

Tại hội chợ Tài Nguyên (Resources Fair 2002) ngày 9/6/2002 ở San Jose Bắc Cali, gian hàng bán sách "Lá Bối" của thầy Nhất Hạnh đã phải đóng cửa dẹp bỏ ra về vì sự chống đối của những người tham dự hội chợ . Nhóm ủng hộ sách của thầy Nhất Hạnh trong đó có cặp vợ chồng giáo sư dạy đại học Berkeley mà cũng phải thốt lên: "..thật là cay đắng!"

Không cần tìm đâu cho xa, ngay chính trong đặc san "Lá Thư Làng Mai", của thầy, kỷ niệm năm đạo tràng Mai Thôn đầy hai mươi tuổi, phát hành ngày 12/2/2002 (tức là sau ngày khủng bố 11/9/2001 - 5 tháng), với tựa đề "Đi Như Một Giòng Sông" mở đầu cho tờ đặc san này, qua phần kể lại buổi thuyểt giảng tại nhà thờ Riverside New York, Lá Thư Làng Mai cũng đã thú nhận rằng "Có một số những vị nhân sĩ trong giới lãnh đạo, chính trị, doanh nghiệp, trí thức đã tỏ ý yểm trợ Thầy (Nhất Hạnh) hứa sẽ có mặt để giới thiệu Thầy đêm đó, nhưng đã không đến được..." và theo sự giải thích của Làng Mai thì "lý do sâu xa không phải họ bận rộn mà vì họ biết tiếng nói ‘nhân bản’ của Thầy sẽ làm họ mất quần chúng mà quần chúng đang sôi sục hận thù, ai nấy đều muốn yểm trợ chiến tranh"  (trang 8)
Nếu những "phật tử" này mà là anh em Daniel và Philipp của dòng họ Berrigan, là Dave Dellinger hay phổ thông hơn là Tom Hayden, John Kerry, là vợ chồng cựu TT Bill Clinton thì số tiền 40 ngàn đô đăng báo cộng với phương tiện chuyên chở cho thầy là chiếc máy bay chỉ có 4 chỗ ngồi dành cho thầy và 3 phụ tá đi New York cùng chiếc limousine đưa thầy từ cư xá của đại chủng viện Union Theological Seminary sát đại học Columbia đến nhà thờ Riverside để thầy đi "Ôm ấp và chuyển hóa hận thù" thì quả thật những chi phí đó không nhằm nhò gì so với hậu quả to lớn mà thầy gặt hái được sau buổi thuyết giảng, cũng với đề tài này tại đại học Berkeley ngày 13/11/2001, ngay sau hôm khủng bố hai ngày: đó là cuộc xuống đường rầm rộ của sinh viên Berkeley vào ngày 20/9/2001 với khẩu hiệu "let us end the violence" và "no violence for violence", đến nỗi ông David Horowitz, một tên tuổi lớn của phong trào phản chiến trong chiến tranh Việt Nam cũng đã lên tiếng kêu gọi sinh viên “hãy suy nghĩ hai lần để đừng lập lại những sai lầm mà thế hệ của ông đã phạm phải, kết quả là đã đưa đến sự chiến thắng của bạo lực, và làm Việt Nam mất vào tay Cộng Sản."(Làng Văn số 219 – 11/2001).


Vào thập niên 1960 thầy Nhất Hạnh đã tổ chức những cuộc diễn hành chống chiến tranh trên sân trường đại học Columbia ở Manhattan Nữu Ước trong suốt thời gian thầy du học ở Hoa Kỳ. Trở về Sài Gòn, và chỉ một thời gian sau, vào năm 1966, thầy lại trở ra hải ngoại với một sứ mạng là "kêu gọi hoà bình". Các linh mục, mục sư, giáo sư đại học , sinh viên học sinh, tất cả thầy đều đến gặp, kết thân và mời họ vào con đường vận động hoà bình. Mục sư Kloppenburg ở Đức, tận tụy giúp thầy in sách "Việt nam: Hoa Sen Trong Biển Lửa", giúp thầy tổ chức hội nghị hoà bình ở Paris và thầy còn cho biết trong văn phòng của vị mục sư này không treo ảnh Chúa mà chỉ treo ảnh thầy!!! Sư cô Chân Không ca tụng thầy như là một "đại sư", một nhà văn hóa", thậm chí có tác giả còn dùng chữ "Người" khi viết về thầy. Chẳng hạn như "Năng lực sáng tạo ngôn ngữ của Người rất thần kỳ. Người nặn nó ra rồi hà hơi vào cho nó lên đường đi vào nhịp sống văn hóa hiện tại"?!!! (Lá Thư Làng Mai-trang39).

Đệ tử, một số thương thầy đã cho rằng người tu hành luôn luôn tha thứ không hận thù nên ghét chiến tranh. Lập luận này không có gì sai trái cả. Ngay trên tuần báo L’ Express, Jean Sebastien Stehli cũng đã viết và được Làng Mai dịch ra rằng: " Ông (Nhất Hạnh ) không theo miền Bắc, cũng không theo miền Nam vì ông rất chán ngán chiến tranh". Sự thật không phải vây. Trong quyển " Việt Nam: Hoa Sen Trong Biển Lửa" (VietNam: Lotus In A Sea Of Fire), xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1967 ngoài những câu chuyện chống Mỹ, nói xấu VNCH, thầy Nhất Hạnh còn viết: "Hồ Chí Minh là người Anh Hùng dân tộc" (Ho Chi Minh, A National Hero- page 52) và Ngô Đình Diệm là "người Công Giáo Độc Tài" (Ngo Dinh Diem , A catholic Dictator - page 55).

Vì muốn đề cao Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc nên khi nhắc đến vua Bảo Đại và tổng thống Ngô Đình Diệm thầy Nhất Hạnh luôn luôn dùng kèm theo mấy chữ "bù nhìn vô hồn của Pháp", "bù nhìn vô hồn của Mỹ". Thầy đưa ra bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, toàn dân đứng lên thành lập các đoàn thể, tổ chức chống Pháp từ nam phụ lão ấu kể cả các tôn giáo, và trong sự suy nghĩ của họ lúc bấy giờ, theo thầy Nhất Hạnh, thì "Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc đã cầm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, chỉ trừ một nhóm rất nhỏ, còn thì không ai nghĩ rằng ông ta là cộng sản".

Một người xa nước ba mươi năm mà khi về quê hương, ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Pác Bó, tỉnh Cao Bằng (sát biên giới Việt Trung) lại đặt tên ngọn núi này là núi Karl Marx, con suối kia là suối Lenin, đến khi sắp chết mà lại trăn trối chỉ mơ ước được về với bác Lê, bác Mác, là những ông tây mắt xanh mũi lõ mà không nhắc nhở gì đến quê cha đất tổ của mình thì có thể gọi người đó là người có tinh thần dân tộc hay không?.

Bảo rằng Hồ Chí Minh là người yêu nước vì đã đánh đuổi ngoại xâm là quyền suy nghĩ của mỗi người, nhưng câu hỏi cần đặt ra là ông ta yêu đất nước nào? Ông ta đâu có yêu đất nước Việt Nam, đâu có yêu dân tộc VN, vì nếu yêu thì ông ta đã không thủ tiêu những người đứng lên chống ngoại xâm như ông ta, đã không giết hàng chục ngàn người kể cả những người đã từng theo ông ta đi kháng chiến chỉ vì gia đình họ có vài mẫu ruộng, dăm con bò, ba con trâu!? Đất nước của ông ta là thế giới đại đồng, trong đó Liên Xô là ông anh "vĩ đại", Trung Quốc là bà chị hiền "dấu yêu" đã dạy dỗ làm "gương sáng" cho ông ta noi theo, thành lập chuyên chính vô sản để "tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". Vì thế cho nên bồi bút Tố Hữu mới nịnh bợ một cách trơ trẽn rằng :

"Sta-lin ! Sta-lin !

Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin !"


Khi nghe tin ông Tổ cộng sản qua đời Tố Hưũ cùng Hồ Chí Minh và Đảng CSVN kêu gào thảm thiết:

"Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã? làm sao, mất rồi!
Ông Sta-Lin ơi ! Ông Sta-Lin ơi!"
Hỡi ôi Ông mất ! Đất trời có không ?
Thương cha thương mẹ thương chồng

Thương mình thương một, thương Ông thương mười"

Nếu cho rằng cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là nhà độc tài thì tại sao các vị tu sĩ phật giáo chống chính quyền lúc đó lại phải đợi đến sau năm 1975 mới bị đánh đập chết trong tù cộng sản (17/10/1975) như Thượng Tọa Thích Thiện Minh? mới bị CS tiêm thuốc độc cho chết (4/1984) như Hòa Thượng Thích Thanh Trí? mới bị giết (2/4/1984) như Hoà Thượng Thích Trí Thu? mới bị lưu đày quản thúc hiện nay như quí Thầy Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sĩ, Không Tánh v.v... và ngày hôm nay (8/10/2003) các vị lãnh đạo của Giáo Hội PGVN Thống Nhất đang bị trù dập, bị chận xe và vu cáo cho hai Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ lưu trữ "tài liệu bí mật quốc gia", đồng thời bắt ba vị Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý với cáo buộc "vi phạm luật lệ an ninh quốc gia"? Phật Giáo bị cộng sản đàn áp từ 1975 đến nay mà sao chưa bao giờ thấy thầy  Nhất Hạnh nói lên một lời công đạo? Phải chăng thầy đã "nhập nhằng" chen vào những cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo vào thời điểm 1963 để mưu đồ "chống Mỹ cứu nước"??? Không riêng gì Phật giáo mà kể cả bên công giáo như linh mục Nguyễn Ngọc Lan, linh mục Chân Tín, linh mục Nguyễn Văn Vàng cũng cùng chung số phận.Tại miền Nam, một số trí thức chống đối như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, thế mà con đường học vấn của họ đã không bị ngăn cản mà họ còn được đi du học và chỉ phải đợi đến khi sống dưới chế độ cộng sản họ mới bị "rũ tù"?!
 Thê thảm nhất là sinh viên Đoàn Văn Toại , vào thời đó đã xách động đám sinh viên biểu tình chống Mỹ gây rối loạn, cũng tưởng về sẽ được cộng sản thưởng công nào ngờ lại vào nằm nhà đá cũng chỉ vì không đồng quan điểm đánh tư sản của Đỗ Mười, đển nỗi người mẹ đau nặng phải chết vì phường khóm không cấp giấy phép cho bà vào nhà thương chữa bệnh, lý do bà có con ở tù với tội danh "bất đồng chủ trương của nhà nước"! Chính Lá Thư Làng Mai của thầy cũng công nhận rằng trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội do thầy Nhất Hạnh thành lập tại SàiGòn đã phát triển nhanh chóng. Năm 1966 thầy lại đi một vòng ra nước ngoài vận động chống chiến tranh lên án Mỹ và VNCH, chính quyền VNCH tuy không cho thầy về nước nhưng ngôi trường của thầy vẫn hoạt động và chỉ bị cấm đoán bởi CSVN sau năm 1975 mà thôi .

Nêu lên những bằng chứng cụ thể như vậy để thấy thầy Nhất Hạnh lúc đề cập đến chiến tranh VN thầy đã thiếu hẳn sự vô tư. Khi viết về Hồ Chí Minh thầy đã không nhắc nhở gì đến chuyện thủ tiêu những thành phần trong các đảng phải chống Pháp, nhất là giết người hàng loạt trong chiến dịch "cải cách ruộng đất" mà giới trí thức hồi đó gọi là cuộc "ám sát tập thể" Trong khi đó thầy lại đem câu chuyện thống nhất Nam Bắc qua lời của cộng sản rằng: "Tổng tuyển cử mà được tiến hành thì đất nước sẽ thống nhất trong hoà bình dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh, và sẽ không còn chiền tranh du kích nữa".

Thật ra hiệp định Geneva 54 chia đôi đất nước có phân định rõ ràng là mỗi bên theo thể chế của mình và phải tạo cho được một nền dân chủ thật sự để đi đến cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam Bắc. Miền Bắc dưới sự cai trị tàn bạo của Hồ Chí Minh cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất gây bao nhiêu hãi hùng cho người dân, thử hỏi nếu tổng tuyển cử thì có ai dám không bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh hay không?. Đã độc tài, không tự do dân chủ lại đông dân hơn, thì tổng tuyển cử chỉ là con đường ngắn nhất để Hồ Chí Minh thôn tính miền Nam mà thôi. Những gì thầy Nhất Hạnh mang ra vận động cho "hoà bình" tại hải ngoại lúc đó chỉ làm cho phong trào phản chiến lớn mạnh và đóng góp vào sự mất miền Nam VN !

Suy nghiệm , những điều thầy làm có thể người ta nghĩ rằng thầy không sống ở miền Bắc, lại không ở miền Nam sau 1975, và là một nhà tu hành cho nên quan niệm chống chiến tranh của thầy có thể tha thứ được. Thế nhưng sau năm 1975 nếu CSVN không hận thù độc ác qua nhiều chiến dịch liên tiếp như đánh tư sản mại bản, đánh tư sản dân tộc (tiểu thương), tập trung tù cải tạo theo nghị quyết 49NQ/TVQH ký dưới thời đại Hồ Chí Minh ngày 20/6/1961, tịch thu tài sản người dân, đẩy họ lên vùng "kinh tế mới" khủng bố bắt bớ tù đày thì người dân đâu có phải lựa chọn con đường nguy hiểm "thà vùi thân dưới lòng biển cả còn hơn sống dưới chế độ CS" mà chính thầy cũng đã cùng sư cô Chân Không, từ những năm 1975 đến 1982 đã thuê thuyền tổ chức những cuộc cứu vớt thuyền nhân trên biển cả mà trong cuốn sách "Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát" sư cô Chân Không đã kể lại rất rõ ràng. Điều này chứng tỏ rằng Thầy đã hiểu được cộng sản, đã thấy được sự dã man tàn bạo của chúng, cũng như các nước phương tây trước kia ủng hộ CS thì nay đã thức tỉnh. Ấy thế mà sau ngày 9/11/2001 thầy vẫn chưa tỉnh mộng, trong khi cả nước Mỹ bàng hoàng đau đớn về hành động dã man của quân khủng bố thì thầy lại cho nổ tiếp một "quả b,om" ngay trên tờ báo New York Times, một tờ báo lớn có nhiều độc giả nhất nước Mỹ rằng " Mỹ đã hủy hoại thị xã Bến Tre có số dân 300 ngàn người" . Rõ ràng là thầy đi ngược lại những gì thầy đã giảng, thầy trở nên ác độc bởi câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, để bênh vực cho kẻ ác, lại được phóng ra từ miệng của một nhà Sư vẫn thường đi thuyết pháp, giảng dạy cho người đời là "phải biết lắng nghe với cái tâm từ bi, đừng ôm ấp hận thù"!!! Phật tử và những ai từ trước đến nay vẫn bao che chống đỡ cho thầy giờ đây chắc phải công nhận ông David Horowitz là đúng khi, trong lá thư kêu gọi "những kẻ biểu tình phản chiến hãy suy nghĩ lại" đã viết rằng: "Tôi nói cái gọi là phong trào phản chiến" bởi vì trong lúc nhiều người Mỹ thành thật bận tâm tới nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ thì những kẻ tổ chức phong trào phản chiến lại là những kẻ theo chủ nghĩa Mác Xít, những kẻ cấp tiến, đã ủng hộ chiến thắng của cộng sản và sự thất trận của Hoa Kỳ. Ngày hôm nay cũng chính những kẻ đó và giới trẻ theo đuôi họ đang tổ chức những cuộc biểu tình nhằm ngăn trở nỗ lực của Hoa Kỳ bảo vệ công dân mình trước lòng thù hận chống Mỹ, trước những lực lượng khủng bố quốc tế đã gây ra vụ tấn công11 / 9/2001".

Chưa hết, sau vụ "Bến Tre" thầy vẫn tiếp tục con đường "chống Mỹ cứu nước" của mình. Nhiệm vụ của thầy không phải chỉ truyền bá đạo Phật thuần túy của một nhà sư mà thầy còn làm công tác của một ngươi phản chiến. Thầy "hướng dẫn thực tập kỹ càng cho những cựu chiến binh Hoa Kỳ để họ gia nhập vào những công tác của các hội bảo trợ những dự án hoà giải, giữa những cựu chiến binh trong cuộc chiến với người dân nạn nhân cuộc chiến, như xây cất trường học, bệnh xá v.v.. Chả thế mà một cựu chiến binh Hoa Kỳ đã nói rằng: "Tôi bắt đầu được nghe nói về thiền sư Thích Nhất Hạnh khi tôi trở về Hoa Kỳ và tôi cũng bắt đầu chống chiến tranh VN" (Lá Thư Làng Mai- trang 19)

Rõ ràng nhất là ở phần cuối của Lá Thư Làng Mai trong tiểu mục "Góp nhặt hoa lá" gom góp những mẫu chuyện vụn vặt do sư cô Chân Không ghi lại. Sư cô Chân Không tên là Cao Ngọc Phượng, em của nam ca sĩ Cao Thái (Pháp), nguyên là giáo sư đại học khoa học tại Việt Nam. Trong bài viết "Ngày Em Hai Mươi Tuổi" thầy Nhất Hạnh ca tụng  cô như sau

"Sư cô Chân Không, trước khi rời Việt Nam để qua giúp tôi, đã làm việc coi trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội rất đắc lực. Và sư cô Chân Không đã có mặt với tôi bắt đầu từ năm 1968 cho tới bây giờ, đã yểm trợ tất cả công tác về hoà bình, về xã hội của tôi một cách liên tục, không có một giây phút nào ngưng nghỉ, không có một giây phút nào thối chí và muốn bỏ cuộc. Cố nhiên là tôi có rất nhiều các bạn và các đệ tử khác nhưng có người đã bỏ cuộc nửa chừng bởi vì trên con đường tranh đấu cho hoà bình, nhân quyền và xây dựng tăng thân có rất nhiều hiểm nguy, khó khăn và trở ngại. Có thể là vì có những khó khăn nội tâm hay khó khăn ngoại cảnh mà nhiều người phải bỏ cuộc nhưng sư cô Chân Không đã đi bên tôi từ đầu đến cuối như một chiến hữu, chưa bao giờ có tư tưởng bỏ cuộc nửa chừng?"
Xem như thế vai trò của sư cô Chân Không rất quan trọng nếu không nói là nắm toàn bộ tài chánh cùng mọi sinh hoạt xã hội chính trị của Làng Mai.

Trở lại phần cuối của Lá Thư Làng Mai: "Góp nhặt hoa lá" gồm nhiều mẫu chuyện ngắn có nội dung tương tự do sư cô Chân Không ghi lại. Tiêu biểu là câu chuyện "Cái thấy từ trên trực thăng cao với cây súng máy và sự thật trước một rừng xác người". Chuyện kể rằng: Tom sinh ra trong một gia đình Hoa Kỳ mà bố mẹ say sưa nghiện ngập rồi đổ vỡ, bị đánh đập đối xử tàn nhẫn. Lớn lên bị mẹ và bà ngoại sờ mó hãm hiếp, tìm đến cha thì bị hất hủi vì cha có vợ khác Tom tình nguyện vào lính. Ở trường Võ Bị Tom được huấn luyện rằng đàn bà (Việt Nam) còn giết Mỹ giỏi hơn cả đàn ông và trẻ con cũng là du kích, còn thầy tu, nhất là thầy tu Phật giáo (trọc đầu) cũng là việt cộng(?). Vì được huấn luyện như thế, lại là một tay thiện xa, Tom được phải đi hộ tống bằng trực thăng cho đoàn biệt động quân cho nên dưới họng súng của Tom thân người ngã quỵ hàng loa.t. Tom đã tàn sát suốt mấy mươi cây số trọn năm làng. Thây người nằm sát đất cái lủng bụng, cái lủng ngực, cái lòi óc, em bé vài tháng đang gục đầu vào ngực mẹ mà chết, gương mặt cậu bé mười bốn tuổi chết trong tư thế há mồm kinh ngạc v.v.. Nhảy xuống từ trực thăng Tom nhìn, chợt rùng mình hoảng hốt. Tom sống 24 năm trong sự sợ hãi cho đến ngày gặp sư ông (Nhất Hạnh) trong khoá tu tổ chức cho hơn 100 cựu chiến binh Hoa Kỳ. Tại Paris Tom được anh của sư cô Chân Không là Cao Thái đưa đi "tham quan" khắp nơi. Lúc đầu Tom tự hỏi tại sao mấy ông "thầy chùa việt cộng" này (vì được tuyên truyền như thế) lại tử tế với mình quá vậy? Có lẽ họ đưa mình ra toà án tội ác chiến tranh chăng ?. Nhưng sư cô Chân Không và Sư Nhất Hạnh đã đưa Tom trở về "con đường chính". Đó là phát nguyện đi từ thành phố này đến thành phố khác, họp mặt nói chuyện với các cựu chiến binh Hoa Kỳ giúp họ đỡ đau khổ! (theo nội dung của bài là vì họ đã gây quá nhiều tội lỗi ?) Ngoài câu chuyện của Tom, còn có chuyện của Betty, của Lewis, của Jack cũng bị bố bị mẹ hãm hiếp rồi gây tội ác, sau cùng quy y và được thầy và sư cô chỉ dạy cho để mà "chuộc tội".

Thầy Nhất Hạnh cũng như những tài liệu viết về thầy của những nhà báo ngoại quốc thường rêu rao rằng thầy muốn trở về quê hương nhưng chính quyền miền Nam kể cả miền Bẳc và ngay bây giờ cộng sản VN vẫn không cho thầy về. Sự thật VNCH mà không cho thầy về từ năm 1966 vì thầy đã chống miền Nam trong tất cả các diễn đàn mà thầy tham dự trên thế giới . Nhân chứng còn đây, giáo sư Trần Đức Thanh Phong, trên diễn đàn hội luận của đài Sống Trên Đất Mỹ, nhân câu nói của thầy về vụ Bến Tre, đã cho biết rằng "Tháng 12 năm 1970 tôi (gs Phong) được dự thính International Conference on Peace and Religion tại Tokyo Nhật Bản với đại diện 60 quốc gia. Nhà tu hành Thích Nhất Hạnh đã xử dụng diễn đàn để tấn công, mạt sát miền Nam và "đế quốc Mỹ xâm lăng. Ông ăn nói quá quắt đến nỗi đại diện của Thụy Sĩ đã phải lên diễn đàn đặt vấn đề: tại sao CS Bắc Việt xâm lăng miền Nam mà ông ta không nói tới ?Với CSVN thì làm sao Thầy về được  khi mà chúng có kể hoạch tiêu diệt Phật giáo ? 

Bên cạnh câu chuyện của Tom là bài viết "Tiếp xúc và tiếp Trợ". Sư cô Chân Không cho biết những gia đình trồng cà phê ở VN đã chết sững vì đổ nợ, cà phê xuống giá không ngờ, chủ vườn phá sản, nợ ngân hàng, nợ các chủ tiệm bán phân bón, thuốc trừ sâu .v.v. . nghèo khủng khiếp nhất là những người đi hái cà phê. Con cái họ ốm đói, không có trường học, chính vì thế mà sư ông (Nhất Hạnh) với "sứ mạng của một vị bồ tát đã khước từ Niết Bàn để ở lại độ người", hằng tháng đã gửi 50 ngàn đô la về giúp các vùng kinh tế mới.

Tại sao CS khuyến khích bằng cách cho vay để người dân trồng cà phê, nuôi cá basa sau khi có thương ước mậu dịch mà dân vẫn nghèo đói? Đó là do bàn tay cai trị của CS, chính vì CS muốn có "kinh tế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa" nên người dân tuy được tự do trồng cà phê, tự do mượn vốn nuôi cá basa nhưng lại phải bán sản phẩm cho các công ty thu mua của nhà nước và giá cả không theo thị trường mà theo sự chỉ định của các công ty này. Khi tư bản đỏ muốn chiếm lãnh thị trường cá basa ở Hoa Kỳ, chúng tự động bán phá giá trong khi đó lại dìm giá thu mua ở trong nước, giá cá basa đột ngột rớt xuống và giá cả nguyên liệu lại tăng lên, đã thế người dân lại phải chịu thêm thuế 5% trên số cá bán ra khiến họ phải cam kết với các công ty thu mua sẵn sàng bán với bất cứ giá nào! Nông dân, ngư dân phá sản, đổ nợ. Những người làm công đã phải kéo nhau lên vùng kinh tế mới kiếm sống qua ngày. Như vậy cái nghèo này đâu phải do thiên tai bão lụt như sư cô Chân Không đã đổ thừa?

Sư cô Chân Không quả thật không hổ danh là người con gái Bến Tre của chiến dịch "đồng khởi" và phải chăng vì "quê hương của chiến hữu mình cũng như của mình" nên nhà tu hành Thích Nhất Hạnh đã phạm tội "vọng ngữ", đó là một trong năm tội mà người phật tử phải tránh là: sát sanh, tà dâm, ẩm tửu (uống rượu), bất đạo (trộm cắp) và vọng ngữ (gian dối). Với một người bình thường nói dối để hại người đã là có tội huống chi là một vị tu hành, đã nói dối mà lại cứ đem trái tim từ bi của đức Phật ra để khuyên tín đồ mình phải tha thứ cho kẻ ác thì tội còn nặng gấp bội. Vẫn biết rằng tôn giáo nào cũng khuyên người ta đừng thù hận, phải biết tha thứ nhưng không phải vì thế mà tôn giáo không đặt ra “địa ngục, a tỳ” để trừng phạt, răn đe kẻ gian đối với mưu đồ hại người.

Qua những việc làm của thiền sư Nhất Hạnh, một phần nào chúng ta hiểu được vai trò của Thầy trong cuộc chiến VN. Dùng uy tín của một tu sĩ, đứng trong hàng ngũ phản chiến Mỹ (MỸ cộng) rao giảng những câu chuyện dối trá không ngoài mục đích đem chính nghĩa về cho CS .Tin vào công lao của mình giúp CSVN thành công, Thầy khăn gói vinh quang trở về với hy vọng sẽ trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo nhưng Thầy đã quá ngây thơ vì CS làm gì có tôn giáo. Sau vụ đập phá dẹp bỏ tu viện Bát Nhã tại Lâm Đồng, Nguyễn Minh Triết  có qua Mỹ họp tại New York Thầy lại không lên tiếng như đã làm trong vụ Mỹ thả bom Bến tre, mà chỉ viết lá thư ký tên là GS Nguyễn Châu chứ không phải Thích Nhất Hạnh! " Bi Trí Dũng " là ba đức tính của một vị tu hành nhưng Thầy đã đánh mất đi chữ Dũng. Hình phat đau đớn nhất cho Thầy là  phải câm lặng cho đến hơi thở cuối cùng !̣

Bắc Cali 2003 và 2021

Nhàn SF.