Matt Mahan

ads header

Breaking News

NGƯỜI TÌNH CÔ ĐƠN - Ngô Quốc Sĩ

NGƯỜI TÌNH CÔ ĐƠN
Ngô Quốc Sĩ

Tình yêu là một giao cảm giữa 2 con tim. Nhưng mối giao cảm đó lắm khi đứt lìa và cuộc tình dang dở. Thế nhưng, thi ca tình yêu lại thường đậm nét với những dang dở đó, làm cho bao nhiêu con tim phải ngậm ngùi thổn thức như thể nhấp thú đau thương. Riêng Nguyễn Thị Hoàng được biết tới như một nhà văn đáng yêu trước 75 với nhiều tác phẩm nổi tiếng, đặc biệt là “Vòng Tay Học Trò”. Hôm nay, chúng ta đến với Nguyễn Thị Hoàng như một thi sĩ, với bài thơ khá lạ tai mang tên “Chi Lạ Rứa” với vần điệu và ngôn ngữ rất Huế, thổ lộ nỗi lòng của một người tình cô đơn, yêu mà câm nín lặng câm, một mình ấp ủ mối tình đơn phương buốt nhức..

Đây có thể là hình ảnh cuộc đời thực của chính tác giả, hay cũng có thể  chỉ là hư cấu, diễn tả một mối tình đơn phương nào đó. Chỉ biết rằng, Nguyễn Thị Hoàng có hai mối tình lớn, một mối tình giữa cô nữ sinh mang tên Hoàng với một giáo sư khả kính đáng tuổi cha chú, và một mối tình giữa cô giáo tên Hoàng với cậu học trò tên Minh đáng tuổi em út! Bài thơ “Chi Lạ Rứa” rất có thể liên hệ với mối tình thứ nhất, bởi lẽ ý thơ và lời thơ gắn liền với Huế và thể hiện một khoảng cách cao thấp nào đó giữa tác giả và ông thầy khả kính dòng dõi cung đình:

Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.

Hẳn có một ngăn cách nào đó không thể vượt qua, giữa tôi “hoa hèn” và người “tuyệt đích”, nên tình yêu dù có thực và da diết, có mến có yêu có ghét, nhưng vẫn chứa một chút mặc cảm bất cân, tạo nên hững hờ và vô duyên đến trơ trẽn:

Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn!

Tác giả tự thú nhận đã cố gắng vượt qua ngại ngùng trơ trẽn để mong được gần kề gắn bó với người thương dù biết không cân xứng. Nhưng hình như khoảng cách vẫn thăm thẳm như đôi bờ sông Ngân không thể vượt qua vì không có ô thước bắc cầu:

Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
Bởi vì răng, ai biết được người hè.
Nhưng màu chiều đã rũ bóng lê thê,
Ni với nớ, có chi mô gần gũi!

  Không thể vuợt qua bờ bên kia để thu ngắn cách biệt, tác giả đành dừng lại bên này với mối tình câm mà lòng hờn tủi và thương đau như thể con chim bị đạn. Rốt cuộc, đời cứ trôi đi mà tình cứ dừng lại một chỗ đơn độc như con đường một chiều, hay đúng hơn  2 con đường thẳng song song không bao giờ có thể gặp nhau:

Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi?
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau!
Khối tình câm nên không sắc, không màu,
Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái!

Trách người tàn nhẫn, không đoái hoài tới mối tình câm, tác giả đã trầm ngâm nghĩ về cuộc đời  như một triết gia đi tìm ý nghĩa nông sâu của lòng người. Biết rằng “Dò sông dò biển dễ dò.Nào ai lấy thước mà đo lòng người?” nên tác giả đành chấp nhận thương đau, tự lo cho thân mình, giữ thân trong trắng, không bị hoen lấm, mặc ai vô tình hờ hững:

Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời?
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể.

Điều mỉa mai bi đát, là trong nỗi cô đơn đứng bên này nhìn về bên kia mà trách móc và tủi hận, tác giả đã cố nén cơn đau để khỏi bật khóc, nhưng càng nén thì nước mắt lại càng tuôn trào! Qua giòng lệ tủi, tác giả không dấu nổi một chút ghen hờn, bởi lẽ một mình bên này đứng đợi như nàng Tô Thị mỗi ngày một tàn héo, mà bên kia cử dửng dưng lại còn ra vẻ lộng lẫy huy hoàng!

Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình.
Bên ni bờ hoa thắm bớt tươi xanh,
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy.

Đã bạo dạn tiến tới mà chẳng đến nơi. Thuyền tình vẫn chưa tới bến . Người tình cô đơn muốn đánh liều, làm một cuộc mạo hiểm mới, lên thuyền, sang đò, đi vào sóng cuồng nghiệt ngã may ra tìm thấy bến đỗ. Bến nào ai có biết! Nhưng oái oăm thay! Vừa nghĩ tới chuyện lên thuyền, thì tự nhiên tác giả cảm thấy đau nhói, có lẽ mối hận đã làm rách nát tim gan. Thôi đành dừng lại trên bờ vọng tưởng mà nhấp nỗi đau như mối sầu riêng:

Muốn lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy,
Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều.
Đau chi mô có lẽ hận cô liêu,
Mà chi lạ rứa hè, ai hiểu nổi!

Biết mình không thắng nổi hoàn cảnh, tác giả đành quay về với chính mình, chấp nhận phận hoa hèn cỏ mọn, để tự an ủi. Tự thú là “không điên” và “không bối rối” , thực ra đó chỉ là tự lừa dối mình để dấu đi niềm riêng đau xót không thốt nên lời:

Tui không điên cũng không hề bối rối,
Ngó làm chi thêm tủi nhục đau thương
Tui biết tui là hoa dại bên đường,
Không hương sắc, lạ rứa hè, người hỉ?

Chấp nhận phận mình, người tình cô đơn cũng đành chấp nhận cuộc đời như một dĩ nhiên như thể định mệnh. Vẫn biết ý người và ý trời không hẳn hợp nhau, nên tác giả chỉ còn biết vâng theo ý trời, và thổ lộ lòng mình bằng một tiếng kêu có thể nói là vô duyên như thể đùa chơi với số mệnh:

Tui cũng muốn có một người tri kỉ,
Nhưng đường đời như rứa biết mần răng!
Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng:
Chờ tui với! A, cười chi lạ rứa

Chờ tui với. Thật ra tiếng gọi vô duyên đến nực cười chỉ bay theo gió thoảng, bởi lẽ bên kia bờ tình ái, có ai chờ ai đợi đâu! Rốt cuộc, con người ở đời vẫn mò mẫm như người đi đêm, chẳng biết gì hiểu gì, nhất là trong tình yêu lại càng mờ mịt sương khói, yêu là mù quáng! Không phải con người luôn luôn may mắn, nắm bắt được tình yêu bên kia bờ ảo vọng! Thôi đành im lặng như mặt nước sông hồ mà đếm từng giọt nước mắt cô đơn, như thể “chết trong lòng một ít..”

Tui không buồn sao mắt mờ lệ ứa,
Bởi vì răng tui có hiểu chi mô!
Vì lòng tui là mặt nước sông hồ,
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc.

Hẳn không ai nén được mối cảm thương cho người tình cô đơn, dù có thực hay không có thực,  thì vẫn là một giọt nước mắt nhỏ xuống cuộc đời. Nếu thực sự “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” thì phải cám ơn Nguyễn Thị Hoàng, cô học trò Võ Tánh Nha Trang và cô giáo Trần Hưng Đạo Đà Lạt thuở nào….