Người Cộng Sản Việt Nam tàn phá tiếng Việt
GS của csVN Hồ Ngọc Đại |
nguyenngocgia’s blog – RFA
Báo Tuổi Trẻ đưa tin ngày 3 tháng Giêng năm 2019, Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức đối thoại – về sách giáo khoa dạy theo “công nghệ giáo dục” – với ông Hồ Ngọc Đại, ông Nguyễn Kế Hào và các cộng sự của hai ông. Bài báo cho biết [1] “cuộc đối thoại có những lúc rơi vào cãi cọ, nặng lời, xúc phạm nhau” giữa “nhà nước” và “đối phương”.
Cho đến mãi sau này, người ta biết thêm, sách “công nghệ giáo dục” do ông Hồ Ngọc Đại “cầm đầu” đã được đưa vào sử dụng từ 40 năm trước và có chỉnh sửa nhiều lần, trước khi dẫn đến bộ sách mới nhất bị dư luận khen chê nhiều chiều, trong đó phần “chê” chiếm số đông.
Không ai gọi “tiếng cha đẻ”.
Tiếng Việt vốn đơn âm, vì vậy, khi dạy cho trẻ việc gọi là “tách tiếng” là việc làm phản khoa học. Ví dụ: chữ “cho anh”, “cho em” không được phép đọc thành “choanh” hay “choem”; Chữ “cái áo” không được phép đọc thành “cáo” hoặc chữ “thị tình” không được đọc thành “thịt tình” v.v…
Không chỉ người Việt Nam, bất kỳ dân tộc nào, trẻ em (nếu không mắc bệnh khiếm thính) đã biết nói trước khi biết chữ. Vì lẽ đó, khi tiếp xúc với chữ, trẻ con không cần phải hiểu có bao nhiêu âm (ví dụ: một câu có 6 âm, 8 âm v.v…). Điều này vô nghĩa.
Bước vào năm học đầu đời của trẻ, nhìn mặt chữ và làm quen chữ cái cũng như các âm (nguyên âm, phụ âm, nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, nguyên âm ba) được các nhà nghiên cứu giáo dục quan sát, phân tích rồi đúc kết để tạo ra lý thuyết phù hợp cho trẻ, theo cách giản dị: Từ dễ đến khó và từ đơn giản đến phức tạp.
Tiếng Việt cũng phát âm khác nhau theo vùng miền. Do đó, có những vùng miền này nói, vùng miền khác không hiểu. Đó là điều bình thường như đã và đang diễn ra trên xứ sở Việt Nam. Nhưng, chữ viết buộc phải giống nhau và phải hiểu đúng cùng một ý nghĩa.
Vì vậy, không thể nào chấp nhận cách dạy trẻ con đọc các chữ: C, K, Q cùng đọc là “cờ”. Cho đến nay, cuốn gọi là “sách” có tựa “Đường Kách Mệnh” của Hồ Chí Minh chủ biên là một bằng chứng khó chối cãi về sự bảo thủ cùng cực của người Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Đã thành “thánh nhân” như Hồ Chí Minh nhất quyết không bao giờ sai (!).
Cũng không thể chấp nhận cách dạy trẻ con đọc các chữ: D, G, R cùng đọc là “dờ”. Đây là bằng chứng cho thấy sự bảo thủ của ông Hồ Ngọc Đại bằng tư duy phiến diện với phát âm theo kiểu người Bắc. Ngay cả chữ D, GI, R người miền Bắc cũng phát âm giống nhau. Điều này cũng bình thường nốt. Nhưng không được phép viết “cây dù” (umbrella) trở thành “cây giù” hay “cây rù”.
Nói đến đây, có thể nhiều người sẽ nói rằng: Hãy gọi là “cái ô”. Không sai. Nhưng đó lại thêm bằng chứng xác nhận ngôn ngữ địa phương không phải là ngôn ngữ của một quốc gia. Không ai dám nói chữ “mẹ” hay chữ “má” (chữ “u”, chữ “đẻ”, chữ “bầm”…) hoặc chữ “ba”, chữ bố” (chữ “thầy, chữ “cha”, chữ “tía” …) chữ nào “đúng hơn”, “hay hơn”, “đẹp hơn” cả. Lý giải này, cho thấy rõ hơn tư tưởng đơn nguyên trong sách giáo khoa của người CSVN ngày càng làm cho tiếng Việt nghèo nàn.
Trong tiếng Việt, chữ P, Q đứng riêng hoàn toàn vô nghĩa. P phải luôn luôn đi cùng H để tạo ra “PH”. Q chỉ có nghĩa khi kết hợp với các nguyên âm đôi, nguyên âm ba (ví dụ: qua, quới v.v…).
Tiếng mẹ đẻ – không ai gọi là “tiếng cha đẻ” – dùng để nói lên mối liên hệ không gì thay thế được cho một đứa trẻ từ lúc lọt lòng mẹ. Người mẹ là người thầy đầu đời cho em bé, dù lúc đó nó chưa hiểu gì “chữ nghĩa”.
Tiếng Việt không phải là tiếng Anh, nó không mang tính phổ quát toàn cầu. Vì vậy, tham vọng của Hồ Ngọc Đại – khi ông ta cho rằng – trong tương lai có thể phiên âm tiếng Việt ra “bất cứ thứ tiếng nào cũng được” [2] là một phát ngôn hoang tưởng – điều không nên có ở một người làm khoa học, đặc biệt lại làm khoa học về giáo dục mà lại là giáo dục căn bản cho trẻ em!
Tiếng Việt không còn giản dị, đẹp và dễ hiểu
Người dân có thể không nhớ từ khi nào chữ “Y” và chữ “I” được “coi như một” – chỉ khi có nguyên âm đôi, chữ “Y” mới còn vai trò của nó – nhưng người ta biết chính Hồ Ngọc Đại đã tàn phá chữ “Y” trong cái cách ông ta gọi là “sáng tạo” (!)
Ban đầu nhiều bậc phu huynh vô cùng khó chịu khi phải nhìn thấy những chữ: kì lạ, kỉ niệm, kí sự, lí lẽ, mĩ từ, ma quỉ v.v…nhưng người đời không biết làm sao, hơn là tập quen dần.
Trong khi tập quen dần, sự xỏ xiên lại bắt đầu nở rộ, ví dụ: người ta bỡn cợt khi gọi chữ “thúy” thành ra chữ “thúi”, chữ “uy” thành ra chữ “ui” và nhiều người cũng phân vân không biết nên dùng chữ “quý” hay chữ “quí” để rồi cuối cùng chấp nhận “chữ nào cũng được” (!) Thế cho nên những người nào có tên hay chữ lót như : Đặng Đình Quý (Quí) – Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, Nguyễn Quý Hòa (Nguyễn Quí Hòa) – Nguyên tổng giám đốc Đài Truyền Hình Tp.HCM, nghệ sĩ hài Phú Quý (Quí) v.v… họ cũng mắc kẹt giữa mớ bòng bong do Hồ Ngọc Đại gây ra cảnh “nồi chữ xáo nghĩa” như thế!
Đó không thể là khoa học, bởi khoa học không được phép dung chứa “cái kiểu nào cũng được”.
Chính từ việc tàn phá chữ “Y”, sẽ rất kệch cỡm khi buộc phá bĩnh bằng nhưng chữ: iêu (thay vì yêu), thyểu não (thay vì thiểu não), phyền muộn (thay vì phiền muộn) v.v…
Không dừng lại ở hình thức “chữ”, tiếng Việt – về “nghĩa” – cũng mai một theo thời gian.
Hai chữ: “xin” và “cho” cần được dùng chính xác với ngữ cảnh đặt ra. Ví dụ rất nhiều, người viết xin phép dẫn ra bằng một vài nhạc phẩm để rộng đường dư luận:
– Xin cho tôi yên ngủ phận này (Xin Cho Tôi – Trịnh Công Sơn)
– Xin hát lên cho mặt trời tình yêu rọi sáng chốn âm u ngục tù (Lửa Tù – Đình Đại)
– Xin hỏi anh là ai, sao bắt tôi? Tôi làm điều gì sai? (Anh Là Ai – Việt Khang)
Nếu trong nhạc phẩm “Xin Cho Tôi” và “Lửa Tù”, chữ “xin” nói lên nỗi lòng thiết tha, khao khát về một điều gì đó thì nhạc phẩm “Anh Là Ai”, chữ “xin” là một sự mỉa mai nhưng rất lịch sự (tương tự với câu: Anh lấy tư cách gì bắt tôi?).
Ngày nay, người ta bắt gặp chữ “xin” và chữ “cho” đầy dẫy trong đời: Đơn xin tố cáo (tố cáo mà cũng phải xin!); Đơn xin cứu xét (người ta cứ ngỡ “cứu” là cứu giúp” nhưng “cứu xét” nghĩa là nghiên cứu-xem xét); Xin mời (đầy trong các hội nghị, diễn văn của quan chức từ cấp cao nhất); Đơn xin phong tặng (các loại) nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, thầy giáo ưu tú, thầy giáo nhân dân, thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân và tất cả các loại danh hiệu (anh hùng, liệt sĩ, huân chương này, huy chương nọ v.v…)
Không biết có phải do nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN” tạo cảnh lá lai với “chữ nghĩa ăn mày” đầy nhóc như thế không nữa?! Chỉ biết người CSVN vốn luôn luôn thích thú sự “ban ơn bố thí” cho toàn dân, nên “cứ mở ti-vi” lên là nghe thấy… Thật não nề và ê chề cho dân tộc Việt Nam!
Kết Luận
Không thể nhìn giáo dục như một “trào lưu thời trang” để thay đổi xoành xoạch như Hồ Ngọc Đại và cộng sự của ông ta làm, rồi gọi tên “công nghệ” – một loại giống như “công nghệ tiệc cưới” vốn vô hồn trong các đám cưới ngày nay!
Không thể cải cách giáo dục trên vũng lầy “vô văn hóa – vô giáo dục” – nguồn gốc xuất thân của người Cộng Sản.
____________________
Nguyễn Ngọc Già
[1] https://tuoitre.vn/doi-thoai-gay-gat-giua-hoi-dong-tham-dinh-sach-va-gia…
[2] https://vnexpress.net/giao-duc/40-nam-thang-tram-cua-sach-tieng-viet-con…