LỜI XIN LỖI ĐẮNG CAY - Ngô Quốc Sĩ
Ngô Quốc Sĩ
“Tổ Quốc Danh Dự và Trách Nhiệm” là lý tưởng của người chiến sĩ, thể hiện sứ mệnh và truyền thống của người cầm súng bảo vệ chủ quyền và tự do dân chủ của dân Việt. Thế nên, khi chủ quyền bị tước đoạt, dân chủ tự do bị chà đạp, thì người chiến sĩ cảm thấy mình có lỗi vì không làm tròn sứ mệnh bảo vệ tổ quốc. Tinh thần trách nhiệm đã làm nẩy sinh cảm thức tội lỗi, làm bao tâm hồn ray rứt, tiêu biểu như Linh Phương đã xót xa ngỏ lời xin lỗi hậu duệ Việt Nam Cộng Hoà, dù đã muộn màng sau 42 năm từ giã chiến y trong tức tưởi.
Bài thơ “Lời Xin Lỗi” cuả Linh Phương đã được phổ nhạc, với âm thanh và vần điệu xé lòng dân Việt năm châu, như thể lời trăn trối của người đi trước gửi lại cho các thế hệ đến sau.
Vào thơ, Linh Phương đã thốt lên lời trần tình đau xót của một chiến sĩ đã phải từ giã chiến y, chấp nhận làm kẻ thua cuộc khi tinh thần chiến đấu còn ngút ngàn. Nay có dịp khoác lại chiến y như gợi nhớ một thời xông pha nơi gió cát, tác giả bỗng cảm thấy tủi hận đến nghẹn lời, như thể khơi lại vết thương còn rỉ máu, khi quê hương rên xiết dưới dép râu và nón tai bèo của những kẻ xâm lăng từ miền Bắc:
Mặc chiến y ta buồn vời vợi
Bốn mươi hai năm biệt sa trường
Bốn mươi hai năm đau đáu nhớ
Quê nhà xa khuất bóng núi sông
Còn gì bi đát hơn khi người chiến sĩ nói riêng và dân Việt nói chung đã phải chít khăn trắng để tang cho tổ quốc khi tóc còn xanh, đời trai còn đầy hứa hẹn và quê hương còn ngất nghểu hiên ngang. Tự do đã chết một cách tức tưởi như một phi lý lịch sử mà đến nay, dân Việt trong nước cũng như ngoài nước vẫn chưa tìm lại được niềm vui. Nụ cười vẫn khô héo trên môi, và lắng sâu thành gịọt lệ trong đáy mắt:
Ta cười - ta cười chảy nước mắt
Sớm mai nào rời bỏ kinh thành
Sớm mai nào khăn tang trắng cột
Trên đầu ta tóc hãy còn xanh
Từ niềm đau mất nước chảy thành lệ nóng, tác giả đã ngậm ngùi thương cho phận mình, người trai thời chiến chưa thỏa chí tang bồng. Tác giả cảm thấy hối tiếc không được may mắn thể hiện chí trai xẻ núi lấp sông của Nguyễn Công Trứ, đành mang tâm trạng “đầu thai lầm thế kỷ” của Vũ Hoàng Chương, với cảm thức tội lỗi đã không tròn sứ mệnh tuổi trẻ, thầm trách chính mình như kẻ đi trước với danh nghĩa cha ông:
Trên đầu ta tóc giờ điểm bạc
Bốn mươi hai năm già lắm rồi
Xưa thủ đô lọt vào tay giặc
Lỗi cha ông không giữ được cơ đồ
Thực ra, đó không phải là lỗi của một mình tác giả, mà là của cả một thế hệ. Có người đã ngây thơ qúa tin vào thành ý của ngoại bang mà không biết rằng tinh thần nghĩa hiệp cũng có giới hạn, và ai cũng coi quyền lợi của quốc gia mình trên hết. Nhiều người bị đầu độc bởi tuyên truyền dối trá của cộng sản với chủ thuyết ngoại lai phản tiến hóa và những huyền thoại và mỹ từ lừa đảo. Thậm chí, có kẻ còn nuôi ong tay áo, nâng đỡ, nuôi nấng và bao che cho cộng sản nằm vùng, tiếp tay quay rối và phá nát miền Nam, như lời tự thú của Phan Huy:
Cảm tạ Miền Nam soi đường chỉ lối
Đưa tôi trở về tổ quốc thiêng liêng
Của Hùng Vương, quốc tổ giống Rồng Tiên
Chớ không phải Các Mác và Lê Nin ngoại tộc.
Với mặc cảm tội lỗi và ý thức nhận lỗi, Linh Phương đã thành khẩn xin các thế hệ mai sau tha lỗi cho lớp người đi trước đã không làm tròn vai trò trước lịch sử. Đây không những là lời nhắn nhủ, mà còn là lời trăn trối của bậc cha anh để lại cho con cháu. Tuy thành khẩn xin con cháu tha thứ, nhưng tác giả cũng không quên nhắc nhở con cháu nhận thức tôn vinh tinh thần chiến đấu của cha ông, thể hiện truyền thống bất khuất và giòng máu hào kiệt của dân Việt oai hùng:
Nhắn nhủ cháu con mai ta chết
Trăn trối sau cùng phút lâm chung…
Tha thứ cho cha ông ngày trước
Mười tám - hai mươi cầm súng lên đường
Mười tám - hai mươi vốn dòng hào kiệt
Thì tiếc gì xương máu với máu xương
Mỉa mai thay! Vốn giòng hào kiệt không tiếc máu xương, mà đành bó tay trước thời cuộc đảo điên. Bất lực thật đó, nhưng cho đến nay, vẫn không thể hiểu tính cách nghịch lý của cuộc chiến đầy chính nghĩa lại kết thúc một cách phi nghĩa. Cả một đ0àn quân từng chiến đấu kiên cường nay chẳng biết về đâu? Cả một dân tộc với truyền thống hào hùng nay cũng chẳng biết về đâu khi miền Nam lọt vào tay giặc. Hẳn nhiên kẻ xâm lăng từ miền Bắc cũng là người Việt Nam, nhưng thực chất họ đã đánh mất chất người và bản chất Việt Nam để trở thành lính đánh thuê cho cộng sản quốc tế đúng như Lê Duẫn đã xác nhận “chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô và Trung Quốc”. Cảm thức mất nước một cách phi lý đã làm cho tác giả bật khóc, bơ vơ như kẻ không nhà, vô tổ quốc!
Vậy mà. Trời ơi ! Đành bất lực
Sớm mai nào tạ tội đồng bào
Quỳ dưới lá quốc kỳ bật khóc
Cả đoàn quân chẳng biết về đâu ?
Cho đến nay, câu hỏi “biết về đâu? “ vẫn chưa tìm thấy câu trả lời, bởi lẽ sau 42 năm, đất nước vẫn điêu linh, dân tộc vẫn tan tác. Người tủi hận trong cuộc sống lưu vong. Người chết dần chết mòn trên chính quê hương mình. Đàng sau vẻ mặt phồn hoa giả tạo với cao ốc biệt phủ, với lối sống hưởng thụ của giai cấp mới là lớp tư bản đỏ, Việt Nam chỉ là ngục tối với những tiếng khóc nức nở của dân oan, tiếng kêu thảm thiết của tôn giáo bị trấn áp, tiếng than nhức nhối của tuổi trẻ vô hướng, nhất là tiếng thét gào ruột thắt của dân chủ bị bóp chết trong trứng nước. Quê hương hôm nay chỉ còn là “đồng lầy”, là “đêm giữa ban ngày”, là “thiên đường mù”. Dân Việt vẫn chưa yên giấc ngủ, còn thoi thóp dưới đáy vực thẳm, và đang âm ỉ một trận bão cát từ lòng giếng sâu. Thôi thì xin tạ lỗi với con cháu, lời tạ lỗi muộn màng, nhưng cũng là lời trăn trối, hãy tiếp tục con đường chiến đấu vì tổ quốc, danh dự và trách nhiệm của cha ông:
Về đâu - về đâu Sài Gòn thất thủ
Kẻ chốn lao tù - kẻ lưu vong
Bốn mươi hai năm chưa yên giấc ngủ
Gởi cháu con lời xin lỗi muộn màng
Mong rằng, lời tạ lỗi của Linh Phương sẽ vang vọng thành tiếng gọi lên đường cho các thế hệ mai sau. Tiếng sóng Bạch Đằng, tiếng khuấy nước kình ngư Đông hải, tiếng thét roi Phù Đỗng mãi là đuốc sáng làm làm rạng danh Việt tộc, chiếu sáng sử xanh…Tinh thần chiến đấu của “những hậu duệ kiên cường bất khuất, những chàng trai cô gái Việt Nam” sẽ làm ấm lòng cha anh, xóa tan mặc cảm tội lỗi của người đi trước đã “lỡ bước tang bồng”…