Matt Mahan

ads header

Breaking News

MƠ TƯỞNG VÀ HIỆN THỰC - Ngô Quốc Sĩ

Thi sĩ Bùi Giáng
MƠ TƯỞNG VÀ HIỆN THỰC
  Ngô Quốc Sĩ

Cuộc đời không có sẵn một ý nghĩa khách quan, như thế này thế kia. Ý nghĩa cuộc đơi tùy thuộc vào cái nhìn của mỗi người. Ngay cả những triết gia nổi tiếng thế giới cũng không ai có thể đưa ra một định nghĩa khách quan về cuộc đời. Thi sĩ Bùi Giáng, vốn được tặng cho danh hiệu “nhà thơ điên” với lối sống, ý thơ và lời thơ phá lệ chẳng giống ai, đã xuất hiện như một triết gia với cái nhìn cuộc đời thật phong phú và sâu sắc. Bài thơ “Đừng Tưởng” của ông, tuy đã có những tranh cãi về tác quyền của Sỹ Liêm và Trần Văn Sỹ, qủa là một suy tư triết lý về đời người và đời người nói chung, đồng thời phản ảnh hiện thực xã hội đảo lộn tại Việt Nam, mà Hà Sĩ Phu đã gọi là hiện tượng “lọc ngược”.
Nhìn vào vũ trụ thiên nhiên, nhiều người có cảm tưởng có thể nắm bắt được thực tại khách quan. Thu phải có lá vàng. Đông phải có tuyết giá. Núi phải cao sông phải chảy.. Nhưng dưới cái nhìn của Bùi Giáng, ngoại hình của vạn vật trong nhiên giới chưa hẳn phản ảnh đúng thực tại. Núi chưa hẳn phải cao và sông chưa hẳn phải chảy, thu không chắc có lá vàng, hạ không hẳn có ve sầu:
Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy cứ ao là tù..
Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng qúa ai khe khẽ buồn
Từ cái nhìn về vũ trụ thiên nhiên, Bùi Giáng đã đi sâu ta vào vũ trụ nhân sinh, khám phá nhiều ẩn dấu phức tạp. Thực tại nhiên giới hiển lộ như thế mà con người không nắm bắt được, thì thực tại nhân giới với nội tâm sâu kín, làm sao có thể hiển lộ chân tướng ra bên ngoài?
Trước tiên, cuộc đời mãi vẫn là một bí ẩn và dù có dào sâu đến đâu cũng chỉ nhìn thấy lờ mờ những nghịch lý mâu thuẫn. Có khi êm đềm mà dậy sóng. Có khi ngọt ngào là hiểm độc, “mật ngọt chết người,” hay ngược lại, chọc cười là móc họng:
Đừng tưởng đời mãi êm đềm.. Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
Đừng tưởng cười nói ân cần.. Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
Đừng tưởng trong lưỡi có đường.. Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười... Nhiều khi nói móc biết cười làm sao
Cũng thế, nhiều khi gian lao mà đáng tự hào, “lửa thử vàng, gian nan thử đức” hay giỏi lại là đắng cay, “cây càng cao gió càng lay”:
Đừng tưởng khó nhọc gian lao.. Vượt qua thử thách tự hào lắm thay..
Đừng tưởng cứ giỏi là hay.. Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đời người phức tạp như thế thì người đời lại càng khó hiểu hơn. Thật khó mà đánh giá người khác qua dáng vẻ bên ngoài, thấy vậy mà không phải vậy! Đẹp không hẳn là tiên, và có tiền chưa chắc đã mua được mọi thứ, giải quyết được mọi vấn đề:
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
Lắm lúc, người ta chỉ lấy vẻ bề ngoài để che dấu những tâm trạng riêng tư thần kín, không muốn chia sẻ với ai, một mình mình biết, một mình mình hay. Không hẳn nhìn người mà bắt được hình dong. Người ta chẳng bảo “trong héo ngoài tươi” đó sao? Nhất là nhiều khi, người ta đóng kịch để che mắt thiên hạ, thấy vậy mà không phải vậy!
Đừng tưởng cứ khóc là sầu...
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nghèo là hèn..
Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong…
Cái nhìn triết lý của Bùi Giáng, dù không nói trắng ra, cũng có thể ngầm hiểu là nhà thơ đã muốn phản ảnh hiện thực “lọc ngược” của xã hội Việt Nam hôm nay. Thật vậy, chính quyền, chế độ, người dân, kể cả kẻ tu hành cũng đã được nhà thơ nhắc tới với những lời lẽ mỉa mai chua chát. Hẳn nhiên, trong đời không thiếu những vị chân tu khả kính như Thiền Sư Vạn Hạnh. Đức Thầy Hùynh Phú Sổ, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Nhưng hôm nay, Bùi Giáng đã phải chứng kiến những nhà tu hành giả tạo, khoác áo tu mà lòng dạ lang sói, đóng kịch  để đánh lừa thiên hạ “miệng Nam Mô, trong bụng cả bồ dao găm” tiêu biểu như những nhà lãnh đạo tôn giáo quốc doanh, cam tâm hạ mình làm công cụ cho chế độ để lũng đoạn và tiêu diệt tôn giáo chân chính:
Đừng tưởng cứ trọc là sư..
Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan..
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ cao là sáng cứ tu là hiền.
Còn chế độ thì dù có được tô bóng, điểm phấn tô son thành “đỉnh cao trí tuệ loài người”,  thực chất vẫn chỉ là ngu muội và lạc hậu chậm tiến, như mây đen che phủ quê hương. Tiến bộ thực chất chỉ là thoái hóa thụt lùi. Tưởng là trăng rằm, đâu biết chỉ là đêm tối ba mươi!
Đừng tưởng cứ tiến là lên..
Cứ lui là xuống, cứ yên là nằm
Đừng tưởng rằm sẽ có trăng..
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
Mỉa mai và tủi nhục nhất, là thái độ hãnh diện và ngạo mạn của chế độ hôm nay, tưởng mình là kẻ thắng cuộc, là thần thánh ưu việt, rồi tự tung tự tác, coi khinh kẻ thua cuộc. Tuyên truyền vẫn rêu rao là “bách chiến bách thắng”, mà dấu nhẹm những thất bại ê chề. Hôm nay, người ta sống bắng huyền thoại giả trá, bằng chiêu bài mị dân, mà cố tình che dấu và bóp méo sự thật:
Đừng tưởng cứ thấp là khinh..
Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to
Đừng tưởng cứ quyết là nên
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua
Lố bịch nhất nhất là tưởng mình khôn hóa ra dại, tưởng mình giàu sang thật ra chỉ là nghèo hèn. Cũng thế, cứ tưởng gian tham sẽ giàu, và giàu sẽ được thiên hạ xum xuê, vây cánh, nào hay có nhiều của lại càng cảm thấy cô đơn quạnh quẽ:
Đừng tưởng cứ lớn là khôn
Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng
Đừng tưởng giàu hết cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
Đó là chưa nói tới thái độ huênh hoang tự mãn của nhà cầm quyền, tự cho mình là “cha mẹ của dân”, sống như những ông hoàng ngự trị trên ngai vàng, trong biệt phủ, mà quên rằng, đó là xương máu và nước mắt của dân lành. Còn gì mỉa mai hơn! Tự hào là “lãnh tụ anh minh, cha già dân tộc”, mà thực chất chỉ là những thằng khốn nạn, như thể chó nhảy bàn độc, khỉ lên làm người…
Đừng tưởng vua là anh minh..
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng đời mãi êm đềm.
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
Đừng tưởng có của đã sang.
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây
Người dân biết rõ trắng đen thực giả. Họ đã im lặng không nói ra, nhưng đừng tưởng là dân ngu không hiểu, dân mù không thấy, dân câm không nói. Biết đâu sự im lặng hôm nay chẳng âm ỉ cả một hoả diệm sơn, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, sẽ thiêu rụi và cuốn trôi tất cả rác rưởi oan khiên của thế lực đỏ:
Đừng tưởng quan chức là rồng
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì…
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc không trông là mù
Để kết thúc suy tư của mình về đời, về người, về hiện thực xã hội, Bùi Giáng đã đưa ra lời khuyên nhủ mang tính triết lý của một triết nhân khoác áo thiền sư.
Đời người lúc thịnh, lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Nói chung, chỉ có một con đường giải thoát mê lầm và cứu vãn trần thế là con đường nhân nghĩa thủy chung. Nhưng mấy ai có được ý thức đạo đức nhân bản đó? Còn chế độ mang bản chất dối trá phỉnh gạt hôm nay thì thật là vô phương!
Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
Ai ơi nhớ lấy đừng quên…!
Ai bảo Bùi Giáng điên? Điên mà nhìn rõ Điểm sau cái Diện, cái Trái sau cái Phải, cái Ẩn sau cái Hiện thì qủa thực là điên tỉnh không sai!