SỰ THẬT KHÓ NÓI MÀ PHẢI NÓI - Ngô Quốc Sĩ
Ngô Quốc Sĩ
Dân Việt tha hương, ai cũng thương nhớ quê cha đất tổ, ao ước trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng có một sự thật khó nói, nhưng phải nói ra, đó là hiện tượng một số người Việt tỵ nạn đã vội quên qúa khứ tủi hận của dân tộc, trở về không phải để thăm nhà, mà để vui chơi, rồi còn chụp hình những cảnh gọi là đổi mới phồn vinh, đem ra hải ngoại khoe khoang hãnh diện! Hiện tượng lố bịch đó đã làm cho Trần Văn Lương bực bội, thốt lên lời nhắn nhủ tha thiết nhưng không kém mỉa mai chua cay qua bài thơ “Đừng Khoe Tôi, hãy Chụp Giùm Tôi”.
Vào thơ, Trần Văn Lương đã thẳng thắn lên án thái độ vô ý thức của một số người, nhẫn tâm quay mặt đi trước những khổ đau chất ngất của dân tộc, về Việt Nam hưởng thụ, lại còn dám mang những hình ảnh phồn vinh giả tạo từ địa ngục ra khoe với bà con hải ngoại:
Đừng khoe tôi, hỡi người bạn tài hoa,
Những tấm ảnh mang ra từ địa ngục,
Nơi bạn mới về rong chơi hạnh phúc,
Dù bao người vẫn tủi nhục xót xa.
Nếu có ai hỏi khoe những gì, thì đây, tác giả đã liệt kê những cảnh tượng gọi là đổi mới, phố xá có vẻ huy hoàng mà thật sự rã rượi, tha hóa, mất vẻ thanh nhã nên thơ ngày nào:
Đừng khoe tôi hình ảnh một quê nhà,
Mà bạn nghĩ đang trên đà ‘’đổi mới’’,
Những thành thị xưa hiền như bông bưởi,
Nay bỗng dưng rã rượi nét giang hồ
Nói chung, tất cả chỉ là xô bồ với những cuộc vui chơi trụy lạc. Nếu Bùi Minh Quốc đã bất bình nhìn thấy “Chúng nó nhậu trên thân em trinh bạch.Trên lưng mẹ già còm cõi một đời bom” thì Trần Văn Lương cũng phẫn nộ không kém trước hiện tình trụy lạc vô phương cứu chữa hôm nay:
Đừng khoe tôi những cảnh tượng xô bồ,
Những trụy lạc giờ vô phương cứu chữa.
Đất nước đã từ lâu không khói lửa,
Sao rạc rài hơn cả thuở chiến chinh.
Thật mỉa mai lố bịch đến lợm giọng! Trong lúc đa số dân Việt đang vật lộn với chén cơm manh áo, nhà cửa ruộng vườn bị cướp đoạt, trẻ em bới rác trên vỉa hè, thì con cha cháu ông lại sống phè phỡn trong nhung lụa tại biệt phủ, vung tiền qua cửa sổ:
Đừng khoe tôi những yến tiệc linh đình,
Những phố xá ngập phồn vinh giả tạo,
Nơi thiểu số tung tiền như xác pháo,
Khi dân nghèo không muỗng cháo cầm hơi.
Qúa phẫn uất trước những chướng tai gai mắt của bọn người mất gốc, đánh mất luôn căn cước tỵ nạn của mình, Trần Văn Lương đã hỏi thẳng họ, sao chỉ nhìn ngoài mặt mà không chịu nhìn sâu vào những thối tha bên trong, sao chỉ thấy vẻ hào nhoáng ngụy tạo mà không thấy những rệu rã từ gốc rễ, những bất hạnh chất ngất của trên 90 triệu dân lành trong địa ngục đỏ?
Bạn thân ơi, sao không chụp giùm tôi,
Nỗi thống khổ của triệu người dân Việt,
Nửa thế kỷ trong ngục tù rên xiết,
Oán hờn kia dẫu chết chẳng hề tan.
Trong địa ngục tối tăm đó, dân Việt già trẻ lớn bé, trai cũng như gái, đều chung số phận hẩm hiu. Bao thiếu nữ phải bán thân làm nô lệ tình dục hay làm dâu xứ người, như những món hàng rẻ rúng:
Chụp giùm tôi đàn thiếu nữ Việt Nam,
Thân trần trụi xếp hàng chờ được lựa,
Hay bầy trẻ mặt chưa phai mùi sữa,
Bị bán làm nô lệ ở phương xa.
Nơi đó cũng có khóe mắt thâm đen của cha yếu mẹ già, lệ vẫn tiếp tục nhỏ thành máu vì thương cho số phận con cái một thuở trôi giạt giữa trùng khơi, nghẹn ngào nhắm mắt trong tay hải tặc:
Chụp giùm tôi đôi mắt mẹ, mắt cha,
Mà suối lệ chỉ còn là máu đỏ,
Khóc con cháu ra đi từ năm đó,
Biển dập vùi, đà tách ngõ u minh
Đó là chưa kể tới những cụ già bị bọn đầu nậu bắt ra đường làm hành khất, rồi chiều về đem hết tiền bạc nộp lại cho chúng, chỉ đổi lấy chén cơm chan nước mắt:
Chụp giùm tôi hình ảnh những cụ già,
Bọn đầu nậu gom ra đường hành khất,
Để đêm đến, nộp hết tiền góp nhặt,
Đổi chén cơm dầm nước mắt nuôi thân.
Ngoài ra, còn phải nói tới những thương phế binh đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương, nay bị lãng quên, sống bên lề cuộc đời như những rác rưởi thân tàn ma dại:
Chụp giùm tôi số phận những thương binh,
Đã vì nước quên mình trên chiến trận,
Mà giờ đây ôm hận,
Tấm thân tàn lận đận giữa phong ba.
Người sống đã thế, người chết cũng không yên thân. Nấm mộ bị cày nát, lấy đất làm sân chơi hay xây cao ốc biệt phủ cho bọn giạc cướp vô tâm:
Chụp giùm tôi những nghĩa địa buồn đau,
Chúng tàn phá, chẳng còn đâu bia mộ.
Kẻ sống sót đã đành cam chịu khổ,
Người chết sao cũng khốn khó trăm đường.
Kể sao cho hết những nỗi oan khiên đang đổ xuống đầu dân Việt như những vết chém của búa liềm mã tấu. Nhưng còn phải kể thêm tội bán nước của lũ Việt gian, nhẫn tâm đem gia tài của cha ông dâng hiến cho ngoại bang. Nào là cắt đất biên giới. Nào là bán đứng cao nguyên. Nào là hiến tặng biển đảo, nào là mời mọc đặc khu…
Chụp giùm tôi mốc biên giới Việt Hoa,
Lấn vào đất của ông cha để lại,
Hay lãnh thổ cao nguyên còn hoang dại,
Lũ sài lang hèn nhát lạy dâng Tàu.
Thế là Trần Văn Lương đã nhắn nhủ bọn người tha hóa mất gốc hãy mở mắt mở tâm mở trí mà nhìn sự thật cay đắng bị khuất lấp đàng sau những màn trình diễn đẹp mắt của chế độ phản dân hại nước hôm nay. Chỉ khi nào sự thật được phơi bày, mặt nạ cộng sản rơi xuống, thì thế giới nói chung và dân Việt nói riêng mới nhận rõ bản chất phi nhân của cộng sản, và quyết tâm loại bỏ “thứ cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, loài trùng độc sinh sôi nảy nở trên rác ruởi của cuộc đời” đúng như lời của Đức Dạt Lai Lạt Ma..