Matt Mahan

ads header

Breaking News

XIN TRẢ LỜI CÔ GIÁO LAM - Ngô Quốc Sĩ


XIN TRẢ LỜI CÔ GIÁO LAM
Ngô Quốc Sĩ

Trước đây không lâu, bài thơ “Đất nước mình ngộ qúa phải không anh” của cô giáo Lam đã cuốn hút dư luận, đánh động bao con tim, tạo cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ, văn thi hữu sáng tác những dòng nhạc, những vần thơ để biểu tỏ mối đồng cảm và hưởng ứng. Hôm nay, đọc lại bài thơ của cô giáo Lam, Huyền Lâm vẫn thấy xúc động và gợi hứng, cảm tác bài “Chỉ Chấp Nhận Hy Sinh” để đáp ứng, cũng không phải là muộn màng…

Để trả lời câu hỏi của cô giáo Lam, tại sao “bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn. Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm?”, Huyền Lâm đã nhìn vào hiện thực bi đát hôm nay của đất nước và dân tộc, rồi dứt khoát trả lời, chẳng có gì khó hiểu, bởi lẽ cộng sản với bạo lực và dối trá, đã biến đa số dân Việt thành những con lừa bị thuần hóa, trở nên vô cảm vô tâm trước nỗi đau chất ngất của dân tộc. Thế nên muốn cứu nguy tổ quốc, chúng ta “phải chấp nhận hy sinh”, mở đường máu phá gông xiềng mới mong giải thoát dân Việt khỏi bị nhận chìm xuống vực thẳm.

Vào thơ, Huyền Lâm đã đồng cảm với cô giáo Lam, biểu tỏ nỗi lòng đau xót trước thái độ thờ ơ vô cảm của dân Việt đối với hiện tình bi đát của quê hương hôm nay. Thi thể Mẹ Việt Nam bị cứa nát. Trăm con Việt bị cộng sản lừa phỉnh đọa đày, mà nhiều người vẫn thản nhiên tỏ ra ngoan hiền, ngủ say trên máu và nước mắt dân tộc, thậm chí có người còn bị tha hóa, lột xác để hòa nhập vào chế độ mới phản dân hại nước:

Em hỏi anh, giờ biết trả lời sao
Mấy chục triệu dân vẫn nằm mơ chưa tỉnh
Cứ để mặc một nhóm người lừa phỉnh
Thay phiên nhau lột xác vẫn ngoan hiền

Theo tác giả, hỏi thì cứ hỏi, nhưng chẳng có gì đáng lấy làm lạ vì đã có sẵn câu trả lời, bởi lẽ một khi nhận thức được bản chất cộng sản là dối trá, độc ác, kiêu căng và phô trương, thì chuyện tượng đài nghìn tỷ, bánh chưng kỳ vĩ là chuyện dĩ nhiên. Một tô phở mà cũng phải hoành tráng thì nói chi đến những dự án lớn lao nhằm tô bóng chế độ để “con cháu bác”vỗ ngực hãnh diện:

Chẳng có gì gọi là lạ đâu em
Người ta thích tranh nhau làm hoành tráng
Từ tượng đài và biết bao dự án
Thì bánh chưng tô hủ tiếu lớn.. chuyện thường

Còn gì mỉa mai hơn khi đất nước bị cắt chia, biển đảo bị xâm chiếm, sóng nước đang gào lên tiếng khóc thảm thiết nhìn ngư dân chết thảm dưới tay ngoại thù, thì bọn thái thú vẫn vênh mặt tự hào với những mỹ từ phỉnh gạt “4 Tốt và 16 Chữ Vàng";, hãnh diện được quan thầy cho thắt chặt tình hữu nghị “liền sông liền núi”.

Đất nước mình còn lắm chuyện tang thương Xương sống trường sơn đã bán chia xẻ dọc Biển trùng khơi sóng gào hòa tiếng khóc Của ngư dân giặc bắn giết tan tành

Đau đớn nhất là dân Việt đang chết dần chết mòn vì mất đất, mất rừng mất biển và tài nguyên cạn kiệt, càng ngày càng đói nghèo xơ xác, mà vẫn phải lấy máu mình để xây ngai vàng bọn đao phủ đang ngự trị tại Ba Đình, vui chơi trên những mẹ già lưng còng còm cõi, tìm lạc thú trên những thân xác gái tơ trinh bạch! Dân Việt bị bó buộc phải “nuôi ong tay áo” nhưng đành ngậm miệng để được an thân. Phải chăng đó chính là “nỗi chết trong tâm hồn” mà Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã nói tới, hay thái độ khiếp nhược vô cảm mà cô giáo Lam đã than thở: “Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn. Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm.Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi..” Dưới mắt Huyền Lâm, đất nước Việt Nam đã mất cả màu xanh, màu xanh của hy vọng, màu xanh của sức sống, màu xanh của tương lai:

Đất nước mình dần mẩt cả màu xanh
Tài nguyên hết nợ nần càng chồng chất
Dân cứ mãi đói nghèo cùng bệnh tật
Vắt máu xương nuôi lũ quỷ ba đình

Câu hỏi căn bản nhất của cô giáo Lam là “Đất nước sẽ về đâu?” Huyền Lâm thẳng thắn trả lời với con tim đau nhói, là chắc chắn đất nước sẽ là chư hầu của Tàu cộng, người anh em “môi hở răng lạnh”. Tác giả cảm thấy thật sự vô vọng trước hiện thực đa số dân Việt vẫn còn mê ngủ, chưa tỉnh giấc để lo phận mình là người dân mất nước. Nếu Vicky Tuyen Nguyen đã không còn dám tin tưởng vào truyền thống bất khuất của con cháu Rồng Tiên và đành than thở: “Non nước giờ đây họa lớp lớp trùng trùng. Nhưng Hưng Đạo Vương, hai bà Trưng thì không còn nữa”, thì ở đây, Huyền Lâm cũng nghẹn ngào thổ lộ:

Em hỏi anh đất nước sẽ về đâu
Anh dám chắc sẽ chư hầu tàu cộng
Khi toàn dân không vùng lên đòi sự sống
Vẫn còn mê còn lo thủ phận mình

Câu trả lời có vẻ bi quan thật đó, nhưng đã phản ảnh hiện thực bi đát hôm nay của Việt Nam. Thử hỏi Việt Nam có còn không khi mật uớc Thành Đô sắp thực hiện, các khu tự trị người Hoa đang bành trướng, các đặc khu kinh tế đang thành hình? Nói làm sao khi biển đảo bị xâm lấn, Hoàng Sa Trường Sa đã mất, Bãi Tư Chính sắp bị Tàu nuốt chững mà đa số dân Việt vẫn “bình chân như vại” . Còn người yêu nước chân chính xuống đường cứu nguy tổ quốc thì bị bắt bớ, bỏ tù với những bản án bất công phi lý!

Điểm đáng mừng là sau khi xác nhận thảm họa mất nước gần kề, Huyền Lâm vẫn không tuyệt vọng. Tác giả nhìn thấy lóe lên một tia sáng cứu rỗi như ánh nến phục sinh sau cuộc khổ nạn. Một khi dân Việt nhận ra thân phận mất nước, vượt qua bức tường sợ hãi, thoát ra khỏi vỏ sò cầu an, can đảm “chấp nhận hy sinh” thì đất nước sẽ đổi mới:

Hãy vùng lên và chấp nhận hy sinh
Xóa lũ quỷ tạo đất nước mình cái mới
Chỉ có vậy khi một lòng tiến tới
Phá xiềng gông dựng lại nước non nhà .

Chấp nhận hy sinh thì xiềng xích sẽ bị bẻ gãy, thù trong giặc ngoài sẽ bị quét sạch. Bình minh sẽ thoáng hiện. Việt Nam Mới đang hé lộ bên kia bờ vực thẳm..