Họa mất nước & Con đường trước mặt
Mẹ Nấm - Nguồn: Dân Làm Báo
Những ngày tháng 6 năm 2018 tại trại giam số 5, Yên Định - Thanh Hóa, tôi thao thức trằn trọc mãi sau mỗi lần xem ti vi và tin tức trên báo Nhân Dân về những cuộc xuống đường biểu tình chống luật An Ninh mạng và Luật Đặc khu. Khi cảm giác vui mừng, hãnh diện biết rằng bên ngoài mọi người vẫn đang tiếp tục tranh đấu trôi qua thì tôi lo lắng. Lo lắng không biết sau khi biểu tình có anh chị em nào phải rơi vào cảnh tù đày hay không? Lo lắng hơn nữa là với âm mưu dùng luật để chính thức dâng 3 địa bàn chiến lược của Việt Nam cho Trung cộng, đảng và nhà nước cộng sản đã thực sự chấp nhận làm thân chư hầu cho thiên triều phương Bắc để mãi quốc cầu vinh. Tôi trằn trọc nhiều đêm với câu hỏi rồi chúng ta sẽ ra sao trên chính quê hương mình khi đất nước đang đối diện với nguy cơ trở thành một Tây Tạng, một Tân Cương?
Tôi vẫn nhớ trong bản kết luận điều tra vụ án “Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tuyên truyền chống nhà nước CHXNCN Việt Nam”, đại tá Trương Vinh Quang, Phó thủ trưởng thường trực cơ quan ANĐT CA tỉnh Khánh Hòa đã kết tội tôi “triệt để lợi dụng các sự kiện nóng, nhạy cảm đế chống phá” như “sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương (HD981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự kiện Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường... để phủ nhận các hoạt động đấu tranh giải quyết tình huống” của đảng và nhà nước. Bản kết tội này chỉ có một ý nghĩa: chống Tàu là có tội.
Tôi vẫn nhớ ông Trần Hữu Viên - chủ tọa phiên tòa sơ thẩm ngày 29/6/2017 - đã gằn giọng hỏi tôi “Bị cáo có biết người Trung Quốc đến Việt Nam để làm gì hay không?”. Tôi vẫn nhớ những nụ cười mỉa mai của họ khi cho rằng tôi ngây thơ, khờ khạo không hiểu gì về chính sách ngoại giao “khéo léo” của đảng. Nụ cười này mang hàm ý: Bất kỳ một công dân Việt Nam nào nếu dám đặt vấn đề với những chính sách của đảng và nhà nước trong mối bang giao Việt-Trung là có tội.
Có thể những người cộng sản bắt giữ và kết án tôi đã cố tình tỏ ra không biết tương lai của Việt Nam sẽ đi về đâu khi người Tàu tràn ngập khắp Việt Nam mà chính họ cũng không rõ mục đích.
Có thể họ cố tình bịt mắt che tai trước hiện tượng người Tàu từng bước xâm nhập Việt Nam qua con đường du lịch và bộ máy cầm quyền tại Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, Đà Nẵng... không thể kiểm soát được.
Có thể đối với họ là chuyện bình thường khi dân Tàu nghênh ngang mặc áo in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh, thoải mái sử dụng đồng nhân dân tệ và chuyển tiền kinh doanh trái phép qua POS về lại Trung Quốc.
Có thể họ xem chuyện người Tàu mua đất, làm nhà, kéo nhau đến các thành phố lớn tại Việt Nam ào ạt, để lại một đống hỗn loạn và ồn ào là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm bằng việc xây một nhà hát giao hưởng cao cấp tại Thủ Thiêm.
Có thể họ không tin rằng tin rằng từ kế hoạch khai thác tour du lịch tại quần đảo Hoàng Sa đến nay Trung Cộng đã bồi lấp đảo, xây dựng sân bay, đưa dân đến sống tại các đảo bị xâm chiếm của Việt Nam một cách công khai lại nằm trong chính sách "khéo léo" của đảng và nhà nước.
Có thể họ cho rằng Formosa và hàng trăm công trình khác của Tàu đang trở thành những pháo đài với vũ khí sinh hóa tàn sát môi trường Việt Nam, làm cho dân tộc Việt Nam chết dần, chết mòn để Bắc Kinh dễ bề cai trị một dân tộc bạc nhược trong tương lai là nền tảng của "chính sách khéo léo" 16 vàng 4 tốt của lãnh đạo đảng mà đứng đầu là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Các chuyến bay thẳng từ Bắc Kinh, Côn Minh, Đại Liên, Hàng Châu, Nam Kinh, Nam Ninh, Ninh Ba, Quảng Châu, Quý Dương, Thành Đô, Thẩm Quyến, Thiên Tân, Thường Châu, Thượng Hải, Tịnh Châu, Trùng Khánh, Hồ Nam, Vô Tích... đến Nha Trang, Phú Quốc được mở liên tục. Mở đường cho xe tự lái từ Trung Quốc về Lạng Sơn, Quảng Ninh... Theo những chuyến bay, những dòng xe made in China là những tờ giấy bạc Nhân dân tệ của Tàu đã được chính thức công nhận sử dụng tại khắp 7 tỉnh biên giới. Và không còn nghi ngờ gì nữa Luật Đặc khu cũng như "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" của ông Nguyễn Phú Trọng chính là thỏa thuận cuối cùng nằm trong hoạt động biến toàn bộ Việt Nam từ đất liền ra đến biển đảo thành một đặc khu của Trung Cộng.
Đối chiếu bản án 10 năm tù của mình và những bản án nặng nề của chế độ dành cho những anh chị em khác, dựa vào nội dung kết tội, tôi thấy rõ viễn cảnh lệ thuộc và nô lệ cho Trung Cộng là hoàn toàn có thật. Điều đáng kinh sợ là viễn cảnh đó lại nằm trong "chính sách khéo léo" của đảng CSVN.
Tại Ba Đình, trung tâm quyền lực chính trị của Việt Nam, chúng ta đều thấy có bóng dáng của quan chức Bắc Kinh ở đằng sau. Trước mọi diễn biến, mọi quyết định thay đổi nhân sự, chức vụ quan trọng, ngay đến cái chết của Chủ tịch nước đều có mặt những lãnh đạo cao cấp đến từ phương Bắc. Sự việc ông Nguyễn Phú Trọng thống lĩnh cả 2 chức vụ cao nhất của đảng và của nhà nước cho thấy Bắc Kinh đã hoàn thành việc dựng lên một Lê Chiêu Thống tại Việt Nam.
Ai chống Trung Cộng thì phải vào tù?
Và tôi, một người đã từng tuyên bố “dù chỉ có một mình tôi vẫn chống Trung Quốc đến cùng”, một người lãnh bản 10 năm tù với đa số tội danh đều liên quan đến việc chống lại bá quyền phương Bắc có lẽ là câu trả lời, là bằng chứng xác thực nhất cho câu hỏi "Ai chống Trung Cộng thì phải vào tù?". Trong nhiều lần làm việc với cơ quan ANĐT họ cố thuyết phục tôi phải tin rằng tôi có cái nhìn bi quan khi cho rằng họa mất nước đang diễn ra. Họ khéo léo bịt miệng và che mắt những người dân thờ ơ với chính trị rằng đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng khi cất tiếng chống Trung Cộng. Họa Mất Nước không những chỉ đến từ ngoại xâm mà còn đến từ những kẻ đang cầm quyền trên đất nước chúng ta.
Nhìn lại giai đoạn người Việt Nam xuống đường chống bành trướng Bắc Kinh từ năm 2009 đến nay, nhìn những bản án nặng nề dành cho người yêu nước, nhìn những ống khói Formosa vẫn ngạo nghễ đe doạ môi trường... có lẽ nhiều người sẽ nhận ra đất nước chúng ta đang phải chịu sự xâm lấn từ bên ngoài và được tiếp tay cho sự xâm lược từ bên trong một cách trắng trợn.
Chúng ta đã từng chung vai sát cánh tranh đấu cho nhân quyền, cho dân chủ, cho môi trường, cho tự do. Nhưng chúng ta liệu có thể tìm thấy tự do, dân chủ, nhân quyền khi quê hương không còn? Tự do nào dành cho một công dân hạng hai trong một tổ quốc đã bị xoá tên. Giấc mơ dân chủ liệu có thật sự đến với 90 triệu người dân đã mất căn cước và không còn làm chủ được bản thân mình. Quyền con người có thật sự hiện hữu nếu con cái chúng ta đến trường không còn được học hành bằng tiếng mẹ đẻ.
Mối lo về Họa Mất Nước luôn luẩn quẩn và ám ảnh tôi trong nhiều đêm trằn trọc nghĩ về tương lai của đất nước mình.
Ngồi ngắm nhìn hai con chơi đùa trong một buổi chiều đầy nắng vàng tại nước Mỹ tôi nghĩ về Việt Nam, nghĩ về những người thân, bạn bè, anh em tranh đấu còn ở lại. Nước Mỹ đã cho tôi cơ hội chạm tay đến tự do mà tôi mơ ước, rồi nước Mỹ liệu có giữ được ngọn lửa khao khát trong tôi được nhìn thấy một Việt Nam cường thịnh - nơi mà mọi người dân đều được thụ hưởng quyền tự do thực sự như hàng triệu công dân tại các nước văn minh tiến bộ khác trên trái đất này?
Tôi buộc phải rời bỏ quê hương nhưng ước mơ vẫn còn ở lại trên đất nước lầm than. Việt Nam trong trái tim tôi vẫn còn có nhiều người dân cơ cực phải lầm lũi gánh chịu những chính sách bất công, những quyết định oan khiên. Formosa vẫn còn đó, dân oan ngày càng nhiều. Việt Nam nơi mà tôi tranh đấu vẫn còn đó những khát khao tự do cháy bỏng đang bị đàn áp, bị bịt mắt chặn miệng. Càng nghĩ về Việt Nam, nghĩ về hoàn cảnh hiện tại tôi tự nhủ với lòng: giấc mơ không bao giờ tàn lụi nếu ta dám sống, dám phấn đấu để biến nó thành sự thật.
Sự thay đổi vị trí địa lý sẽ không thể làm tàn lụi giấc mơ của tôi, bởi trước đây tôi đã từng có những người anh, người chị dù không ở Việt Nam nhưng luôn bên cạnh các thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam khác trong những lần xuống đường. Chúng tôi đã cùng nhau lên những kế hoạch cho nhiều chiến dịch, đã cùng nhau thảo luận về những phương cách đơn giản nhất để từng bước xoá bỏ sự sợ hãi của đám đông. Chúng tôi đã tranh đấu, bảo bọc nhau để giữ lửa, để nuôi dưỡng những ước mơ tươi xanh trong trái tim mình cho Việt Nam, vì Việt Nam. Vị trí và khoảng cách địa lý sẽ không bao giờ có thể thay đổi khao khát tự do và công bằng của tôi và hàng triệu người Việt Nam yêu quê hương khác đã bị bứng ra khỏi quê hương.
Mối họa mất nước mà tôi lo lắng sẽ bị dẹp bỏ khi bạn bè và anh em chúng ta biết nuôi dưỡng gìn giữ ngọn lửa đấu tranh trong lòng mình. Vì sự sống còn của dân tộc, vì một Việt Nam cường thịnh, vì tương lai của thế hệ mai sau, giấc mơ này sẽ trở thành sự thật - tôi tin là như vậy.
07.11.2018