Matt Mahan

ads header

Breaking News

Hãy tận dụng lá phiếu của mình. Đi bầu đông, cộng đồng mạnh

Đi bầu đông, cộng đồng mạnh
HÃY TẬN DỤNG LÁ PHIẾU CỦA MÌNH

Thời gian qua ta thấy có những lời kêu gọi bầu cho đảng Cộng Hòa, phải chăng vì nhiều người nhìn thấy nguy cơ cho đất nước Hoa Kỳ khi nhóm Socialist Democrat thiên tả đã nổi lên mạnh mẽ và rất hung hăng , khác với Dân chủ trung dung ôn hòa.  Một người mới nổi lên của nhóm Dân Chủ Xã Hội là cô nàng Alexandria Ocasio-Cortez ở New York, cùng với ông Nghị Bernie Sanders, cả hai ra sức vận động cho  Xã Hội Chủ Nghĩa. “Tất cả mọi thứ đều free, lấy của người giàu chia cho người nghèo”.

Ông Tom Perez, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân Chủ DNC đã tuyên bố rằng cô Ocasio-Cortez này là “Future of the Democracy Party”  là Tương lai của đảng Dân Chủ.

 Đáng sợ chưa, người tỵ nạn cộng sản chúng ta chạy bán sống bán chết qua Mỹ này đề rồi thấy cờ đỏ búa liềm trong các cuộc biểu tình chống Tổng Thống đương nhiệm  và ngày càng nghe nhắc nhiều đến xã hội chủ nghĩa là tiền thân của chủ nghĩa cộng sản.

Chúng ta phải đi bầu, phải tận dụng vũ khí lợi hại mà chúng ta có là lá phiếu không tốn tiền mà vô cùng hữu hiệu. Chúng ta thấy rằng mỗi kỳ bầu cử là Văn phòng Bầu cử tốn hao bao nhiêu tiền của để tổ chức, để in ấn tài liệu bầu cử, để trả lương cho các viên chức văn phòng bầu cử và các nhân viên phòng phiếu.

Những ai đã ghi danh đầu phiếu bằng thư được gửi tài liệu và phiếu bầu tận nhà, khi gửi lại cũng không tốn tiền tem. Có thể đến bầu tại phòng phiếu vào ngày bầu cử hay đi bầu sớm để tránh cảnh chờ đợi gọi là Early Voting. Mỗi khi có hội chợ hay festival đều có gian hàng của Văn phòng Bầu cử hoặc các hội đoàn sẵn sàng chờ đợi đón chào người đến ghi danh.  Được săn đón nhiều quá nên chúng ta đâm ra coi thường, như người Mỹ thường nói “take for granted” ,thấy không cần thiết phải đi bầu, nghĩ là ở đây cũng như ở VN, lá phiếu của mình chẳng có giá trị gì, không gây ảnh hưởng được bao nhiêu, ai lên cũng vậy.

Thực ra lá phiếu chúng ta quan trọng chứ, có thể phân thắng bại  như trong cuộc đếm phiếu lại ở Florida trong kỳ bầu Tổng Thống giữa ông Bush và ông Al Gore, những cuộc đếm phiếu tại các tiểu bang Wyoming cũng vào kỳ bầu Tổng Thống năm 2016 giữa ông Trump và bà Hillary. Những cuộc bầu cử cấp tiểu bang hoặc quận hạt hay thành phố và khu vực liên hệ đến đời sống hàng ngày của chúng ta hơn như tăng thuế nhà, thuế xăng,  trái phiếu để xây cầu đường, tu sửa trường học, thuốc men, thuế mua bán vv..vv..Có những luật lệ liên quan đến việc giáo dục con cái chúng ta, đến môi trường sống, hoặc các phương diện luân lý , đạo đức..

Ngoài các vị dân cử cấp liên bang, tiểu bang và quận hạt thì các Nghị viên khu vực là người đại diện gần gũi chúng ta nhất, biết rõ những nhu cầu và nguyện vọng của người dân mà họ đại diện nhất, là tiếng nói của người dân trong Hội Đồng Thành Phố. Tại sao các vị dân cử các cấp lại phải đóng bộ khăn đóng áo dài, khoác khăn cờ vàng, đeo cà vạt cờ vàng, rán học vài câu chào hỏi tiếng Việt để tham gia các lễ hội, các buổi họp mặt của người Việt chúng ta? Chính vì chúng ta có lá phiếu, vì người Việt chúng ta siêng năng đi bầu để có thể góp phần đưa các ứng cử viên đến thành công.

Mấy năm trở lại đây số người ghi danh đi bầu đã tăng lên và tỷ lệ người đi bầu trên tổng số cử tri ghi danh cũng tăng lên đáng kể. Tôi xin ghi lại số liệu gần nhất là cuộc bầu cử năm 2016  mà điển hình là Địa hạt 27 của tiểu bang California và khu vực 8  của thành phố San Jose.

So sánh những số liệu của địa hạt 27 (bầu Dân Biểu) và khu vực 8 (bầu Nghị Viên) người ta thấy rằng :

CHANGE COMPARISON:

                                                                2012                        2016                       Change             

AS   District 27 Registered                 179,754                 196,121                 +16,367             

                          Voted                           132,529                 150,953                 +18,424

                          %                                      73.80%                   77%                       +3.2%



D  8 San Jose    Registered                  46,731                   49,241                   +2,510

                           Voted                          36, 161                   40,014                   +3,853

                           %                                  77.37%                   81.26%                  +3.89%

Từ 2012 đến 2016 qua 4 năm, số cử tri ghi danh đã tăng và số phần trăm cử tri đi bầu cũng gia tăng.  Trong số cử tri mới ghi danh và đi bầu lần đầu có bao nhiêu người Việt chúng tôi không rõ, nhưng một điều rõ ràng là số phần trăm người đi bầu trên tổng số cử tri ghi danh đã lên khá cao ở khu 8 tới 81.26% vào năm 2016, hơn năm 2012 gần 4%.

Tuy nhiên theo chỗ tôi được biết kỳ bầu sơ bộ vừa qua ngày 5-6-2018 số cử tri gốc Việt trong khu 7 đi bầu  chỉ được 6000 trên tổng số 12000 người ghi danh, tức là chỉ được 50%. Một tỷ lệ còn thấp quá dù số ứng cử viên gốc Việt lên tới 4 người.

Có lẽ vì đồng hương chúng ta bận rộn việc mưu sinh quá chăng, hay vì chúng ta xem nhẹ quyền bầu cử, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Chúng ta hẳn chưa quên kỳ bầu cử khu 4 năm trước Nghị viên Nguyễn Mạnh thua UCV Diệp thế Lân chỉ 12 phiếu , hoặc Phó Thị Trưởng đương nhiệm Magdalena Carrasco mấy năm trước đây có lần thua đối thủ 20 phiếu, còn ở miền Nam Cali Nghị sĩ Janet Nguyễn đắc  cử chỉ hơn người kia 3 phiếu mà thôi.

 Nếu chúng ta biết rằng để có được quyền bầu cử người dân Mỹ gốc Phi Châu phải đấu tranh  gian khổ thế nào và phụ nữ Mỹ qua một thời kỳ đằng đẵng 72  năm mới chính thức được quyền cầm lá phiếu danh chính ngôn thuận đi vào các phòng bầu phiếu.

Từ khi Đạo Luật Quyền Bầu Cử  Voting Rights Act được Tổng Thống Lyndon B. Johnson ký  ban hành năm 1965 nhằm bỏ đi những rào cản luật pháp trên cấp độ tiểu bang và địa phương để ngăn cản người Mỹ gốc Phi African American đi bầu như đã được bảo đảm qua Tu Chính Án thứ 15 tức 15th Amendment to the US. Constitution. Họ (người Mỹ gốc Phi Châu) vẫn bị kỳ thị, sách nhiễu đủ điều, bị bác đơn , bị đòi hỏi nhiều điều vô lý và quá đáng như phải đọc thuộc lòng Bản Hiến Pháp hay phải giải thích một luật tiểu bang phức tạp và khó khăn khiến cho cả những người Mỹ đen có bằng đại học còn bị đi về không được bầu.

“ in Southern states, had been known to force black voters to “recite the entire Constitution or explain the most complex provisions of state laws,” a task most white voters would have been hard-pressed to accomplish. In some cases, even blacks with college degrees were turned away from the polls.” (trích tài liệu trên Internet)

Họ phải tranh đấu dưới nhiều hình thức như biểu tình tuần hành và bị đánh đập, xịt hơi gas, bỏ tù  v…v…

Từ ngày được thông qua năm 1965, Đạo Luật Quyền Bầu Phiếu được tu chính nhiều lần để bao gồm những sự bảo vệ quyền bầu cử của những công dân không nói tiếng Anh -Since its passage, the Voting Rights Act has been amended to include such features as the protection of voting rights for non-English speaking American citizens.

 Con đường đến tự do bầu cử của người phụ nữ Hoa Kỳ chông gai trắc trở hơn nhiều.  Bắt đầu từ năm 1848 đã có một nhóm người có viễn kiến đã bắt đầu đòi hỏi quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Những tên tuổi như Elizabeth Cady Stanton, Lucretia Mott, Charlott  Woodward và sau này là Suzan B. Anthony đã bỏ nhiều công sức, thời gian, và tâm huyết để vận động cho quyền được bỏ phiếu và nhiều quyền khác . Họ vừa vận động mạnh mẽ trong quần chúng vừa âm thầm vận động hành lang- lobby- với giới chức chính quyền

Đặc biệt bà Susan đã từng bị tù, bị ra tòa và bị phạt 100 Mỹ kim về tội cả gan đi bầu khi chưa được phép. Bà nói trước tòa rằng bà sẽ không nộp phạt và đã giữ lời. Bà đã mất năm 1906, 13 năm trước khi thấy được thành quả của cuộc tranh đấu.

Năm 1878 một Tu chính án được đưa ra tại Quốc hội Liên bang còn gọi là The Anthony Amendment.

Tuy nhiên các tiểu bang riêng lẻ  mãi sau này mới dần dần chấp nhận cho phụ nữ quyền bầu cử, California chuẩn thuận năm 1911.

Trải qua cuộc nội chiến, đến mùa hè năm 1919 Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật cho phụ nữ bầu cử với tỷ lệ hơn 2/3 nhưng  còn phải được chuẩn thuận bởi ¾  các tiểu bang.

Năm 1920 phụ nữ Hoa kỳ toàn quốc lần đầu tiên bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Tổng Thống . Trong số những người cử tri đầu tiên có bà Charlotte Woodward nay đã 91 tuổi, người duy nhất tham dự những cuộc vận động đầu tiên còn sống sót để thấy được thành quả sau 72 năm.

Vậy chúng ta được thừa hưởng công sức tranh đấu của bao nhiêu người qua gần 100 năm, tại sao chúng ta không tận dụng. Đây là vũ khí dân chủ duy nhất mà chúng ta không tốn tiền mua, không nhọc công tìm kiếm mà lại hữu hiệu. Chúng ta có thể dùng lá phiếu để đưa người chúng ta thấy  xứng đáng và có khả năng đại diện cho mình. Chúng ta cần bảo vệ tiếng nói của cộng đồng người Việt trong các cơ chế địa phương của thành phố San Jose. Xin hãy nâng cao tỷ lệ đi  bầu của người gốc Việt chúng ta.

XIN HÃY ĐI BẦU. ĐI BẦU ĐÔNG CỘNG ĐỒNG MẠNH.

Cám ơn quý đồng hương.

Cao thị Tình

Tái Bút: Xin dùng lại câu kết luận của bài Thấy gì qua các cuộc bầu cử được viết vào năm 2009 để gửi đến quý phụ nữ và cử tri khu vực 7:

Trước khi chấm dứt bài này, xin nhắc lại ngày 26-8-2009 vừa qua đánh dấu 89 năm phụ nữ Hoa Kỳ được quyền đi bầu, (bây giờ là 98 năm) để đạt được quyền này các bà các cô người Mỹ đã phải tranh đấu gian khổ ngay cả bị tù vì đi bầu khi chưa được phép. Vậy người Mỹ gốc Việt chúng ta phải biết tận dụng quyền hiến định của mình, phải ghi danh đi bầu khi đã trở thành công dân và tham dự vào những cuộc bầu cử lớn nhỏ để nói lên nguyện vọng lập trường, cũng như để chọn người xứng đáng có tài đức làm đại diện cho mình trong những cơ chế thành phố và quan trọng hơn hết là để nói lên sức mạnh cộng đồng và sự trưởng thành chính trị của người Việt tỵ nạn cộng sản.

Xin đừng để những lời lẽ mỵ dân, ca tụng tâng bốc  không đúng sự thật về một ứng cử viên nào đó, xin hãy sáng suốt nhận ra mưu đồ của những thế lực đen tối đàng sau những “con gà” của họ với những lời hứa hẹn hão huyền, những lời tử tế đầu môi chót lưỡi. Có như vậy chúng ta mới không hổ danh là những người rời bỏ quê hương, ngay cả hy sinh mạng sống, vì hai chữ Tự Do.