PT Hưng Ca Gây Quỹ “Giải Truyền Thông Hưng Ca 2018
Hoàng Minh Thúy
(Tạp chí Xây Dựng – Năm Thứ 35 – Số 896 – phát hành 18-8-2018 tại Houston – Texas)
...Đừng khóc nữa bé thơ đừng khóc nữa
Đất nước này lắm điều đắng cay
Sông máu núi xương đấu tranh giải phóng
Rước giặc Tàu về tung hoành giữa quê hương
(trích trong Nhạc phẩm “Quỳnh Hoa Vẫn Nở “của Minh Huy).
* * *
Tháng 8, 2018, Houston vẫn còn rất nóng mặc dù đã cuối hạ. Dù nắng hay mưa, thành phố này vẫn luôn sôi động với rất nhiều sinh hoạt luân phiên tổ chức trong cộng đồng. Mỗi cuối tuần là những ngày đầy bận rộn cho những người làm truyền thông nhiệt tình, vì phải chạy “show” mệt nghỉ!
Tuần lễ đầu tháng 8, 2018, Houston hân hạnh đón tiếp nhiều khuôn mặt...lạ, nhưng lại rất quen trong môi trường đấu tranh chính trị, dùng phương tiện truyền thông như một vũ khí. Đó là các thành viên thuộc Phong Trào Hưng Ca VN (do ca nhạc sĩ Việt Dzũng, Nguyệt Ánh thành lập từ năm 1985). Họ đã đến trình diễn tại Houston nhiều lần. Các anh em giản dị trong bộ đồng phục Bà Ba đen. Việt Dzũng khập khểnh trong đôi nạng gỗ, thổi hùng khí vào bài ca mỗi lần anh cất tiếng. Người phụ nữ nhỏ bé mang tên Nguyệt Ánh là một biểu tượng sáng đẹp, in sâu trong lòng khán giả. Bàn tay đưa cao nắm đấm, thái độ quyết liệt trong màn hợp ca rực lửa đấu tranh, sát vai Hùynh Còng Ánh, Tuấn Minh: Trả ta Sông Núi. Em Vẫn Mơ một Ngày Về, Tình Ca cho Nguyễn thị Saigon, Một Lần Đi, Hưng Ca Hành Khúc:
Nào bạn ơi cùng đứng lên...
Đấu tranh cho một ngày về...
Năm 2013 ca-nhạc-sĩ Việt Dzũng đột ngột qua đời vì bệnh tim.
Hai năm sau, nữ-ca-nhạc sĩ Nguyệt Ánh lâm bạo bệnh.
Từ ngày đó, Houston không còn được nhìn thấy hai khuôn mặt thân quen, xuất hiện trong các chương trình ca nhạc của cộng đồng. Ai cũng biết, các chương trình văn nghệ của Phong Trào Hưng Ca VN, thường có nội dung hâm nóng tinh thần đấu tranh của đồng hương tị nạn CS. Tại hải ngọai, chúng ta rất cần những chương trình ca nhạc có tầm vóc, để hâm nóng khí thế cho người tị nạn, gián tiếp ủng hộ những nhà tranh đấu cho Nhân Quyền trong nước đang lần lượt bước vào nhà giam. Mấy năm vừa qua, tình hình chính trị tại VN diễn tiến ngày càng tệ hại. Bùn đỏ tràn ngập Tây nguyên, cá chết trên biển, VN đang sắp mất tên trên bản đồ thế giới, vì luật Đặc Khu 99 năm, một hình thức dâng đất cho Tàu Cộng. Trong nước, chánh quyền CS thẳng tay đàn áp dân lành. Luật An Ninh Mạng đã được Quốc Hội CSVN thông qua để bóp chết tiếng nói của người dân.
* * *
Chủ Nhật ngày 5 tháng 8, 2018:
Dưới sự hướng dẫn của con chim đầu đàn đương nhiệm là LS Nguyễn Xuân Nghĩa (cựu Chủ tịch Cộng Đồng Nam Cali hai nhiệm kỳ), phái đoàn Hưng Ca VN gồm 9 người ca-nhạc-sĩ, nhà báo, nhà văn từ các vùng Nam California, Bắc California, Dallas, Oklahoma.... đến Houston trong cái nóng ngột ngạt của mùa Hè (93 độ).
Họ đã có mặt trong buổi biểu tình do Uỷ Ban Chính Trị Cộng Đồng tổ chức trong khu vực toà Lãnh sự CSVN (khu Galleria) lúc 12 giờ trưa ngày 4 tháng 8, 2018. Phái đoàn 9 người, cũng có mặt tại Chợ Đêm Houston (khu Hồng Kông 4) trong đêm Thứ Bảy 4 tháng 8, cống hiến năm ba tiết mục hùng ca, có lời phát biểu của chiến sĩ Võ Đại Tôn (nhà thơ Hoàng Phong Linh). Hơn một ngàn khán giả đã nhiệt tình hoan hô cổ vũ, vì 10 năm rồi, hôm nay các anh chị em Hưng Ca VN mới tái xuất hiện.
Chương trình Văn Nghệ gây qũy mang tên “Giải thưởng “Truyền Thông Hưng Ca-Tưởng nhớ Việt Dzũng” với chủ đề “Nhận Định Bộ Phim Tài Liệu The Vietnam War” của nhóm Ken Burns, đặt dưới sự điều hợp của Trưởng ban tổ chức: Hưng ca BS Trần văn Thuần.
Hai MC của chương trình là bà Nguyễn Hoan, ca sĩ Hoàng Dũng (hậu duệ gia đình Võ Bị QGVN Houston) và Đỗ Quang Hưng (cảm tình viên Hưng Ca, đến từ miền Bắc Cali). Đỗ Quang Hưng (thế hệ một rưỡi) là khuôn mặt quen thuộc trong sinh hoạt gia đình Phật Giáo và cộng tác mật thiết với Biệt Đoàn Văn Nghệ Lam Sơn (Hoàng Mộng Thu) San Jose, trong công tác xây dựng Bức Tường Tưởng Niệm anh hùng Quân Lực VNCH tuẩn tiết tháng 4 đen, 1975.
***
Theo thông cáo phổ biến, đồng hương được biết nội dung của chương trình văn nghệ của Phong Trào Hưng Ca VN nhằm các mục đích sau đây:
-Tưởng nhớ ca sĩ Việt Dzũng, con chim đầu đàn của Phong Trào Hưng Ca VN đã qua đời 5 năm.
-Gây quỹ để trao giải thưởng cho các tác giả đã viết bài vạch trần sự xuyên tạc, đầy ác ý, phỉ báng các chiến sĩ VNCH của bộ phim “The VN War”, là bộ phim tài liệu về cuộc chiến VN từ năm 1954-1975 của đạo diễn Ken Burns.
-Kiếm ngân khoản để phổ biến Thư Ngỏ gửi đạo diễn Ken Burns trên các báo Hoa Kỳ, để các nhà làm phim khác trong tương lai sẽ cẩn trọng khi diễn giảng về cuộc chiến VN.
-Các bài viết được tuyển chọn sẽ được chuyển dịch song ngữ Anh Việt, nhằm giúp cho thế hệ nối tiếp có kiến thức trung thực về chiến tranh VN
* * *
Chương trình khai mạc dưới sự điều hợp của MC Đỗ Quang Hưng (Bắc Cali) lúc sáu giờ ba mươi, gồm chào quốc kỳ Mỹ Việt, phút mặc niệm, chào mừng của Trưởng ban Tổ chức (BS Trần văn Thuần) cám ơn và thông cảm thiếu sót.
6:38: Phát biểu của cố vấn Phong Trào Hưng Ca, nhà báo Hùynh Lương Thiện (ông đã có 3 nhiệm kỳ trong chức vụ Phong Trào Trưởng Phong Trào Hưng Ca VN kể từ ngày thành lập). Ông từng du học Nhật Bản, là
khuôn mặt nổi tiếng năng động và tích cực trong hàng ngũ đấu tranh của cộng đồng Việt miền Bắc Cali, sau tháng 4, năm 1975.
Rất nhanh và rất mau, ông Chủ nhiệm tuần báo Mõ San Francisco tường trình khái lược về những sai trái trong nội dung cuốn phim The VN War mà đa số dân chúng miền Nam VN nhận định đã xuyên tạc, đầy ác ý, bôi bẩn Quân lực VNCH (không có tinh thần chiến đấu) và cấp lãnh đạo (tham nhũng, bất xứng).
-Nhóm thực hiện phim đã tâng bốc Hồ Chí Minh là người yêu nước. Quân CS thiện chiến trong khi quân VNCH tiêu cực, thiếu tinh thần chiến đấu cho nên thất trận. Cuộc chiến nhuộm đỏ miền Nam của CS Bắc Việt là có chính nghĩa. Cho rằng Hoa Kỳ tham chiến để bảo vệ miền Nam là sai lầm, phi đạo đức...
-Cuốn phim tài liệu The VN War đã chiếu vào tháng 9 năm 2017, gây ra làn sóng phẩn nộ trong cộng đồng Việt tị nạn. Nhiều người viết bài phản đối, vạch ra sự sai trái của
cuốn phim. Nhưng phim vẫn tiếp tục chiếu khắp nơi kể cả Âu Châu, gây tổn thương đồng hương tị nạn CS.
Nhà báo Hùynh Lương Thiện kết luận:
-Phong trào Hưng Ca VN với chủ trương dùng văn nghệ và truyền thông làm vũ khí đấu tranh, quyết định tổ chức “Giải Truyền Thông Hưng Ca 2018 - tưởng nhớ Việt Dzũng” sẽ thực hiện nhiều chương trình, để giải độc dư luận qua việc đăng Thư Ngỏ trên báo Mỹ gửi đạo diễn Ken Burns và thực hiện tuyển tập Tài liệu Song ngữ in lại các bài viết phản đối của nhiều tác giả.
-Nhóm làm phim nói rằng, họ đã bỏ ra 10 năm sưu tầm và 30 triệu để thực hiện bộ phim, chúng ta lẽ nào kiếm không được 30 ngàn đô la để làm kinh phí giải độc bộ phim tai hại này hay sao?
Bảy phút ngắn ngủi trên sân khấu mà BTC dành cho vị cố vấn này, khiến cho ông phải nói rất mau, rất nhanh, khán giả nghe...không kịp. Bởi chương trình quá dài (35 tiết mục), nhiều chi tiết mà thời lượng rất ít (4 tiếng đồng hồ) cho nên phần trình bày của ông cố vấn Hưng Ca và Trưởng Phong trào (LS Nghĩa) cũng diễn tiến khá nhanh. Ai chậm tay chắc sẽ không ghi nhận kịp ý chính của mỗi tiết mục.
6:45: Chào mừng của Phong trào Trưởng Phong Trào Hưng Ca VN, LS Nguyễn Xuân Nghĩa (Nam Cali). Ông LS Nghĩa trạc tuổi 60, năng động và tích cực.
Ông đã nhiều lần đến Houston khi Phong Trào Hưng Ca vừa thành lập (1985), và là chuyên viên “múa cờ vàng” mỗi khi Hưng Ca viên trình diễn. Trong mấy phút ngắn ngủi, LS Nghĩa đã:
-Chào mừng quan khách, chia xẻ nỗi đau của các cựu quân nhân QL/VNCH về cuốn phim The VN War, rồi nói về ca nhạc sĩ Viêt Dzũng.
-Năm 2013, nhạc sĩ VD ra đi, chúng ta mất đi một chiến sĩ tranh đấu cho nhân quyền, với đôi nạng gỗ và những ca khúc tranh đấu cho nhân quyền, gợi nhắc quê hương. Sau khi anh tạ thế, tên của anh đã được đặt tên cho một con đường ở miền Nam Caifornia. Kể từ ngày đó, đến nay đã năm năm. Thời gian dài với biết bao biến chuyển đã xảy ra trên đất nước VN. Chúng ta đã mất đi một chiến sĩ tranh đấu cho Nhân Quyền. Nhạc sĩ Anh Bằng đã viết một bài hát tưởng nhớ Việt Dzũng. Hai năm sau Anh Bằng qua đời. Sau khi hội ý với nhiều Hưng ca viên, dựa theo ý thơ của chiến sĩ Võ Đại Tôn, Luật Sư Nghĩa đã sáng tác một nhạc phẩm mang tên: “Cánh Chim Bằng đã bay xa”, tặng cho cố nhạc sĩ Việt Dzũng và cố nhạc sĩ Anh Bằng. Sau đó ông vừa đàn vừa hát.
Khán giả ra về còn nhớ câu nói của ông:
... Cả một Quân lực oai hùng đã bị bức tử vào tháng Tư 1975...Do đó, một trong những mục đích chính của Giải Truyền Thông Hưng Ca 2018 là làm sáng tỏ và vinh danh Chính Nghĩa Việt Nam Cộng Hòa, cuộc chiến đấu hào hùng của Quân Lực VNCH để góp phần vào đại cuộc giải thể chế độ bạo tàn Cộng sản, một chế độ bán nước hại dân.
7:00: Lễ truy điệu ca sĩ Việt Dzũng bắt đầu bằng một bài thơ rất hay, qua giọng ngâm đầy cảm xúc của Hưng Ca Chi Huệ (Dallas). Xin ghi lại để chia xẻ cùng độc giả nỗi ngậm ngùi thương nhớ người nhạc sĩ trẻ đã sớm chia tay:
Con chim đầu đàn của chúng ta đã theo gót tiền nhân đi vào lịch sử
Gần 40 năm lưu vong không do dự
Hi hiến trọn đời cho đại sự đấu tranh
Dân Chủ cho Viet Nam, Tự Do cho Việt Nam, Nhân Quyền cho Viet Nam
Tiếng thét từ trái tim anh, hừng hực lửa đấu tranh
Ðã vang vọng trên khắp nẻo đường thế giới
Đường anh đi dầu chông gai chắn lối
Mặc gian khổ chập chùng
Mặc nguy hiểm vây quanh
Ðôi mắt anh vẫn chỉ thấy màu xanh
Lòng rộn ràng khi Cờ Vàng bay phất phới
Đường anh đi chỉ một đường tiến tới
Bằng con tim, Bằng khối óc, Bằng tình thương
Quyết một lòng quang phục quê hương
Anh, một đời viết lên trang sử
Việc anh làm bất tử với thời gian
Chế độ bạo tàn rồi cũng tiêu tan
Hoài bão cho Việt Nam sẽ trở thành hiện thực
Những viên gạch anh xây một đời cật lực
Đắp đường về giải phóng quê hương
Mang Công Bằng - Nhân Ái - Yêu Thương
Cho đồng bào anh còn đọa đày trong ngục tù Cộng sản
Tuổi trẻ của anh không đi vào dĩ vãng
Mãi là đuốc soi đường cho thế hệ hôm nay
Hàng vạn vạn trái tim, hàng triệu triệu bàn tay
Tiếp bước anh đi cho trọn con đường quang phục
Nhiệt huyết của anh không bao giờ ngưng sôi sục
Lửa đấu tranh mãi hừng hực cho thế hệ mai sau
Đồng bào anh mang món nợ lớn lao
Ðó chính là Việt Dzũng – đứa con yêu của Trời Nam đất Việt
Nhớ thương anh, đã 5 năm tiễn biệt
Bng hình xưa còn phảng phất đâu đây
Lời ca xưa vẫn anh dũng tràn đầy
Người ở lại mãi ngậm ngùi thương tiếc
Ðại bàng soải cánh tung bay
Chí hùng bất tử còn đây bóng hình
Mong cho Nước Việt thanh bình
Hưng Ca Việt Dzũng hiển linh phò trì ....
Sau đó các nhạc phẩm để đời của người chiến sĩ Nhân Quyền lần lượt được các ca sĩ và anh em trong Nhóm trình diễn: Hưng Ca Hành Khúc, Lời Kinh Đêm, Một Lần Đi, Một chút Quà cho Quê hương, Vùng Dậy Anh Em Ơi. Lời giới thiệu dõng dạc hùng hồn của cảm tình viên Trinh Mạnh Ái (Oklahoma), cộng thêm tiếng đàn Mandoline của nhạc sĩ Bão Tố (Bắc Cali), Tây Ban Cầm của Minh Huy (Dallas), Key board điêu luyện của nhạc sĩ Võ Đức Phương.. hoà quyện trong tiếng hát. Các khán giả cũng hào hứng đứng lên phất cờ vàng và hát theo.
Lúc này người ta mới cảm nhận được tình yêu nước nồng nàn được tác động, nhờ mãnh lực của âm nhạc.
Hình như có ai đó đã nói rằng: Chỉ có phường súc vật mới nhởn nhơ trước nỗi đau của đồng loại”.
Sau khi MC Nguyễn Hoan giới thiệu thành phần quan khách tham dự và tên các mạnh thường quân đã bảo trợ, phần phát biểu bắt đầu:
7:16: Đại diện Hội Đồng Liên Tôn (Linh Mục Phạm Hữu Tâm).
Hôm nay, Cha Tâm (khoảng 50 tuổi) phát biểu rất hay và ý nghĩa. Sau khi hát vài câu trong một nhạc phẩm của nữ ca sĩ Nguyệt Ánh mà Cha hãy còn nhớ lỏm bỏm mấy câu:
(Tôi muốn làm Triệu Trưng, chít khăn vàng ngồi trên lưng bạch tượng.... Nhi nữ cứu giang sơn...Giục trống Mê Linh...).
Trong 3 phút ngắn ngủi, Linh mục Phạm Hữu Tâm nhận định rằng văn nghệ đấu tranh của Phong trào Hưng Ca VN rất quan trọng trong tiến trình tranh đấu cho Dân chủ và Nhân quyền.
-Theo thánh Augustino, gia đình Công Giáo, hát là cầu nguyện 2 lần, vì khi mình hát, nó diễn tả tâm hồn của mình, rồi lời hát nó vọng vào lỗ tai mình. Riêng với Hưng Ca VN, khi hát là lời cầu nguyện 3 lần. Nó vọng vào tai, nó nâng cao tâm hồn của khán giả. Nó giục giã, khích động tấm lòng yêu nước, tình yêu quê hương, dân tộc...
-Cho nên, xin cám ơn anh chị em Hưng Ca VN, đã góp công sức và tiếng hát, để tiếp tục đấu tranh cho quê hương. Cầu xin ơn trên ban nhiều ơn lành cho các Hưng Ca.
Báo XD chúng tôi hoan hô tinh thần ông linh mục trẻ tuổi của thành phố Houston.
7:25: Phát biểu của Chiến sĩ Võ Đại Tôn. Ông từ giã vợ trẻ và con trai duy nhất tại Úc Châu, về nước năm 1981 qua ngả biên giới Lào, bị bắt. Không im lặng chết rủ trong tù. Ông gạt CSVN để họ đưa ông ra trình diện trong cuộc Họp báo Quốc Tế ngày 13 tháng 7, 1982 và ông đă phản cung, đề sau đó lănh nhận nhục hình.
Nhờ vậy mà chánh phủ Úc biết và can thiệp cho ông được trả tự do sau 10 năm tù (1981-1991)
Phần phát biểu của ông VĐT dài 11 phút, mặc dù theo chương trình chỉ có 8 phút.
* * *
Vẫn như bao nhiêu năm cũ (năm 1992 khi ông đến Houston ra mắt đồng hương), giọng nói vẫn hùng hồn, dù năm nay ông đã 83 tuổi.
Vết thương do bạo quyền CSVN hành hạ thân thể trong suốt 10 năm tù vẫn mỗi ngày một hoành hành khi ông trở bệnh, khi trái nắng trở trời, nhưng ý chí đấu tranh trong tâm tư ông không hề thay đổi. Gặp nhau, ông nắm chặt tay chúng tôi, trân trọng nhắc chuyện ngày xưa, khi ông đặt chân đến Houston sau 10 năm tù tội (ngày 13/5/1992). Gần một ngàn người tập trung nghe ông nói chuyện trong vũ trường Queen Bee và ông đă chinh phục cử tọa với tài hùng biện, khi ông kể chuyện 10 năm đắng cay.
Dịp này, ngòai tài chánh gíup phái đòan (4 vị từ Úc châu) di chuyển, mua hết các tác phẩm của ông còn dư lại; chúng tôi còn tặng ông riêng món quà, mua ở Foleys (Sharptown Mall).
Hôm nay, khi gặp nhau, ông nhắc chuyện bộ quần áo (vest) đã cũ, nhưng ông hãy còn giữ, như ông vẫn giữ lửa yêu quê hương trong trái tim mình.
Chiến sĩ Võ Đại Tôn là một biểu tượng chân dung của người lính VNCH, văn võ song toàn. Với bút hiệu Hoàng Phong Linh, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm Thơ, Văn, trước cũng như sau ngày ông ra khỏi nhà tù (Lời Viết cho Quê Hương, Đỏan Khúc cho Người Ra Đi, Tiếng Chim bên giòng Thác Champy, Tắm Máu Đen..), và sau những chuyến đi vòng quanh các nước, để cảm tạ ân tình của người Việt tị nạn đã vận động chánh giới để CSVN thả ông ra.
-Anh ơi “Không ai đem thành bại để luận anh hùng” ..
Chúng tôi đã nhấn mạnh, khi ông xiết chặt tay, thầm thì:
-Cùng lứa tuổi của anh, nhiều người đã bỏ cuộc. Kẻ vào viện Dưỡng Lão, người vào nhà thương...Còn anh vẫn tiếp tục làm hoài. Cuộc đời anh là một chuỗi...thất bại!
Đêm nay, cả hội trường lắng đọng nghe chiến sĩ Võ Đại Tôn tâm sự trong giọng nói rất hùng hồn, đầy cảm xúc (xin tóm lược):
-Rất vui khi gặp lại các Hưng ca viên, những người đã nuôi tâm hồn tôi trong từng lời ca tiếng hát.
-Việt Dzũng đặt đôi nạng gỗ trên ngực cuả tôi và nói với tôi (từ 38 năm trước), sau này xin hãy cõng em về quê hương. Nhưng nay Việt Dzũng đã miên viễn mù khơi!
Chiến sĩ Võ Đại Tôn từ Úc Châu đang phát biểu |
-10 năm tù tội, tôi đã bị 96 lần tra tấn, nằm trong vũng máu trong xà lim vì CSVN muốn biết các tên mà chúng cho là “biệt kích văn nghệ” Việt Dũng, Nguyệt Ánh. Mỗi lần âm thầm đổ máu trong xà lim, cảm thấy ngã lòng, để trả nợ ân tình tôi hay nhớ câu thơ:
Mỗi lần tôi ngã lòng. Tôi đã vịn ân tình của quí vị. Của những người yêu tôi mà đứng lên trả nợ cho mẹ VN.
-43 năm miệt mài đấu tranh, không màng bản thân, không màng hạnh phúc gia đình, chúng tôi xin quí vị mở lòng ra để giúp đỡ anh em chúng tôi đi trọn con đường chúng tôi đã chọn. Cuộc hành trình này gian khổ, gánh nặng sự nghèo nàn trong nỗi cô đơn. Cô đơn vì thiếu thốn vật chất, cô đơn vì sự chống phá của CS, cô đơn vì sự thờ ơ lãnh đạm của đồng bào chung quanh...Xin quí vị hãy gánh bớt giùm cho anh em Hưng Ca một vài nỗi cô đơn, và xin hãy chia xẻ nỗi cô đơn đó.
-Gần đây, cuốn phim VN War đã ngụy tạo, xuyên tạc, bôi đen lịch sử về sự chiến đấu của Quân Lực VNCH trong số đó có con em của quí vị, có chúng tôi.
-Chúng ta làm sao chấp nhận sự phỉ báng đó. Qua sự trình bày của văn nô Huy Đức - phe thắng cuộc - cho rằng Quân lực VNCH không có sự can đảm khi chiến đấu. Chúng ta phải đứng dậy đòi sự công bằng của lịch sử, đòi lại sự thật cho cuộc chiến VN. Chúng ta chiến đấu để bảo vệ quê hương và chúng ta cần đòi hỏi sự công bằng, không thể nào để cho họ bôi nhọ.
Cuối cùng chiến sĩ Võ Đại Tôn kết luận trong giọng nói chan hoà nước mắt:
Xin hãy cõng tôi về quê hương, để thưa với Mẹ VN rằng: Chúng con vẫn còn đây!
Trong hàng khán giả thầm lặng nghe chiến sĩ Võ Đại Tôn phát biểu, đã có nhiều vị không ngăn được giòng nước mắt, vì đa số tuổi đã cao, mà đường về quê hương hãy còn thăm thẳm! Những mái đầu bạc cúi xuống trong tiếng thở dài.
7:50 Sau phần phát biểu là phần trình diễn của các ca sĩ: Diễm Liên, Nguyễn Hoàng Quân, Gia Huy, Hoàng Dũng trong các nhạc phẩm đấu tranh. Cờ vàng, cờ Hoa Kỳ được khán giả phất cao theo lời ca tiếng nhạc. LS Nguyễn Xuân Nghĩa không màng tới khán giả, ông say mê trong vũ điệu múa cờ...Các nhạc sĩ của Phong Trào Hưng Ca như Minh Huy, Bão Tố thi nhau múa tay trên phím đàn. Chi Huệ tập trung biểu diễn nghệ thuật ca hát...Mỗi người mỗi vẽ trong khi khán giả hào hứng vỗ tay hát theo.
8:35: Chiếu một vaì đoạn trong cuốn phim tài liệu “The VN War” có nội dung bôi bẩn Quân lực VNCH. Những đoạn phim này mới xem qua, đã làm cho ta nổi giận!
8: 45: Sau phần chiếu phim để khán giả thấy sự xuyên tạc, bôi nhọ của đạo diễn Ken Burn và Lynn Novick cùng nhà sản xuất PBS, là phần trình bày của học gỉa Đỗ Thông Minh (đến từ Nhật Bản). Đây là khuôn mặt khá nổi tiếng trong văn giới. Trong khi nhiều người lo sáng tác chuỵên tình yêu, kể chuyện du lịch đó đây, thưởng thức cây kiểng, uống rượu ra sao để tỏ ra mình là dân chơi, trưởng gỉa, thì ông miệt mài sưu tra lịch sử Việt Nam trong chiều dài của cuộc chiến tranh Quốc Cộng.
Ông nêu ra 28 điểm sai lạc, xuyên tạc của bộ phim The VN War, nhưng vì thì giờ có hạn, nên vắn tắt trình bày sự dối trá của CSVN, khi cho rằng Hồ Chí Minh là anh hùng, là người cứu nước. Họ tuyên truyền láo khoét vô căn cứ mà nhà làm phim lại đưa chúng vào bộ phim The VN War. HCM đã làm tay sai cho đế quốc để kiếm sống. HCM đã làm bồi cho Pháp, Hoa Kỳ, Anh, Liên xô, Trung Quốc rồi thành đảng viên CS Quốc Tế, làm theo chỉ thị.
Tất cả dữ kiện này học giả Đỗ Thông Minh đã viết thành 18 cuốn, 4 cuốn về tình hình thời sự, tổng cộng 22 cuốn. Các sách hôm nay được bán đấu giá để yểm trợ buổi gây quỹ Phong trào Hưng Ca VN (đã thu được $500).
Xen vào các tiết mục là phần Văn nghệ hợp ca của Nhóm Hưng Ca, ca sĩ địa phương và hai danh ca đến Nam Cali (Diễm Liên, Gia Huy). Bài hát “Qùynh Hoa Vẫn Nở” do Hưng Ca Minh Huy (Dallas) sáng tác, Đỗ Quang Hưng (Bắc Cali) trình diễn. Lời ca thiết tha khiến người ta nhớ đến cảnh tù đày (ở Thanh Hoá, Bắc phần) của blogger Mẹ Nấm (Như Quỳnh). Người phụ nữ trẻ tuổi này, vì cất tiếng nói chống lại sự sai trái của bạo quyền, cô đã bị xử án 10 năm tù, để lại hai con thơ bơ vơ cô qụanh cùng với bà mẹ già (Nha Trang, Khánh Hoà):
Hưng Ca Chi Huệ (Dallas) xuất sắc trong tiết mục này:
Con đi biền biệt phương trời
Mẹ già ở lại chơi vơi một mình
Đêm đen nở một đóa Quỳnh
Hương thơm ngào ngạt thắm tình nước non
Bà mẹ già tay dắt bé thơ, đi vào nhà lao thăm bà mẹ trẻ
Một chiều buồn, trời thu quạnh quẽ. Một già một trẻ dắt dìu nhau
Đường mịt mù, chốn thâm u, cháu hỏi bà ơi sao mẹ cháu đi tù
Bà ngập ngừng ừ mẹ cháu nói. Nói những điều người ta không muốn nghe
Đất nước mình làm dân không được nói?
Thế giới này có nơi nào bịt miệng dân hở bà?
Đừng hỏi nữa bé thơ ơi! đừng hỏi nữa
Quê hương mình lắm điều trái ngang
Sau mấy mươi năm tàn cơn binh lửa
Nhà tù giam người lên tiếng vì tự do
Đừng khóc nữa bé thơ ơi đừng khóc nữa
Đất nước này lắm điều đắng cay
Sông máu núi xương đấu tranh giải phóng
Rước giặc Tàu về tung hoành giữa quê hương
Nhưng giữa đêm đen Quỳnh hoa vẫn nở
Hương thơm lừng cho mai này tưng bừng niềm vui.
10:00: Bán đấu giá gây qũy: Có rất nhiều cá nhân đã mở Sổ Vàng ngay khi BTC vừa thông báo. Bà Lê thị Thu Cúc $300 đô la, báo Xây Dựng $200 đô la... Mạnh thường quân, ông bà Điện- Mỹ Lệ đã tặng BTC $500, tặng riêng cá nhân chiến sĩ Võ Đại Tôn $500. Sau đó bà mua bức tranh Huy Hiệu Quân Lực VNCH $1,200.
Nhưng ông Võ Đại Tôn không nhận, tặng số tiền này cho Ban Tổ Chức.
Bức tranh thứ hai được ông Hoàng Bá Đa Lộc mua $400 đô la.
Bức tranh thứ ba của ông Lê Đức Tế (Bắc Cali tặng), được mua với giá $400 đô la
Riêng bộ sách 22 cuốn của Học giả Đỗ Thông Minh (Nhật), được một cựu sinh viên du học Nhật Bản hiện sống tại Houston, ông Nguyễn Anh Đào mua với giá $500 đô la.
Bà Tôn nữ Châu Anh bảo trợ các danh ca.
Tóm lại, nhìn tới nhìn lui qua nhiều tiểu bang có đông người Việt tị nạn định cư, người ta nhận thấy rằng Houston lúc này cũng đông đảo những bàn tay hào sảng. Họ sẳn sàng góp “củi” với các sinh hoạt đấu tranh, chống lại bạo quyền, bởi vì họ hiểu rằng:
Bạn bè anh giờ này đang nhóm lửa
Anh ngại gì không góp chút củi khô
(quên tên tác giả)
Chương trình chấm dứt lúc 10 giờ 30 tối, trong tinh thần yểm trợ anh em Phong Trào Hưng Ca VN.
* * *
Kết: Sau 10 năm, hôm nay PhongTrào Hưng Ca trở lại Houston. Họ đã thổi hùng khí vào hàng chục bài hát, bài thơ của anh em Hưng Ca sáng tác. Họ đã làm cho tấm lòng khán gỉa sục sôi, nhớ về quê nhà. Ai cũng mơ làm bà Trưng, bà Triệu, mơ làm người Quang Trung Nguyễn Huệ đánh đuổi ngọai bang, tiêu trử nội phản, quang phục quê hương. Buổi văn nghệ của Phong Trào Hưng Ca VN đã đi qua, nhưng dư âm sẽ còn đọng lại tâm tư cho những người có cơ hội tham dự, đã được may mắn góp phần chia xẻ “nỗi cô đơn” của anh em.
Chương trình của Phong Trào Hung Ca VN đã hâm nóng tinh thần của đồng hương tị nạn CS tại Houston, nhất là gần đây, sau khi có cuộc tổng biểu tình tại VN (10/6/2018). Hàng ngàn dân chúng mọi lứa tuổi tuần hành, la to khẩu hiệu phản đối, vì bạo quyền CS toan tính giao 3 khu vực quan trọng nhất của VN cho Tàu Cộng, qua việc cho thuê các Đặc khu 99 năm.
Việc chánh quyền thẳng tay đàn áp dân chúng khi họ tham dự biểu tình, quấy nhiễu gia đình, bắt giam, xử tội... đã khiến cho những ai còn tấc lòng nhớ đến quê hương, đều thổn thức, xót xa. Do vậy, công tác đem lời ca, tiếng hát làm vũ khí đấu tranh để thúc giục lòng người, nhắc nhở quê hương, dân tộc, quả là một việc làm rất đáng yểm trợ.
Phong Trào Hưng Ca VN đang kiện toàn nhân lực, sau ngày vắng bóng Việt Dzũng, Nguỵêt Ánh (lâm bệnh).
Hưng Ca rất cần sự chia xẻ (nổi cô đơn) - theo lời nhận định của chiến sĩ Võ Đại Tôn. Quí đọc giả có thể liên lạc qua địa chỉ email: Phong traohungcaVN@gmail.com hoặc vào trang nhà: www.phongtraohungca.org
Xin gọi số: 714-423-8888. Tại Houston, bạn đọc có thể liên lạc với BS Trần văn Thuần qua email: thuanvtran@yahoo.com hoặc số điện thoại: 832-620-1157. Xin chép lại hai câu thơ của nhà văn Hải Triều để chấm dứt bài Phóng sự này:
Chế độ này như nhà xiêu trên dốc.
Bạn bè ơi! Có sẵn gió trong lòng?
Hoàng Minh Thúy
(Tạp chí Xây Dựng – Năm Thứ 35 – Số 896 – phát hành 18-8-2018 tại Houston – Texas)