Những ngọn cờ trắng tại San Jose.
Giao Chỉ, San Jose
Tháng 11 năm 1997, cách đây 20 năm quận hạt Santa Clara ghi dấu ngày cựu chiến binh Hoa Kỳ khai mạc một khu công viên ngay cạnh đại hý viện của thành phố San Jose. Dân Việt hàng tháng vẫn tham dự các chương trình văn nghệ tại CPA, nhưng không mấy ai quan tâm đến cả rừng cờ tại khu tưởng niệm đặc biệt này. Thật là một ý kiến lạ lùng của tác giả nào đã thuyết phục các viên chức chính quyền bỏ ra hàng trăm ngàn để dựng nên một khu tưởng niệm gồm có 72 lá cờ trắng. Phía trước là những tấm kính dày liệt kê các tài liệu về chiến tranh từ đệ nhất, qua đệ nhị cho đến cả lá thư chiến trường viết bởi chiến binh tại Việt Nam. Người ta giải thích những lá cờ trắng là biểu tượng của hòa bình và tự do. Vào những buổi trưa hè, gió thổi mạnh, hàng cờ trắng bay trên hàng cây cao và nền trời xanh. Thực sự là hòa bình và tự do. Không ai nghĩ đó là những lá cờ thua trận, đầu hàng. Từ những ý nghĩa can đảm của những lá cờ trắng, chúng tôi viết chuyện hầu quý vị về truyền thống của một quân trường.
Tự Thắng để chỉ huy: Các quân trường và trung tâm huấn luyện thường đưa ra những khẩu hiệu làm khuôn vàng thước ngọc. Trung tâm huấn luyện Quang Trung có khẩu hiệu: Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Huấn luyện gian khổ để khi ra chiến đấu không tổn thất. Trường bộ binh Hoa Kỳ Fort Benning có khẩu hiệu Follow Me rất oai hùng. Các thiếu úy trẻ tuổi mới ra trường luôn luôn dẫn đầu trung đội tiến lên. Trường Võ Bị Đà Lạt có khẩu hiệu xuất sắc vô cùng: Tự thắng để chỉ huy. Nhưng tiếc thay tôi có điều phàn nàn gửi các bạn. Từ nhiều năm nay Bắc CA có 2 ban đại diện cộng đồng được lãnh đạo bởi hai sỹ quan gốc Võ Bị. Cả hai lại là người ngoài ta. Đây là tiếng gọi của các bà mẹ di cư khi nói đến người Bắc từ thời kỳ 54 mới vào Nam. Tôi cũng là người một thời của Hà Thành thanh lịch. Chúng ta đã vào Nam cùng người Sài Gòn xây dựng 2 nền cộng hòa. Bây giờ đem nhau qua đây lại tiếp tục đứng đầu 2 phòng tuyến hữu danh vô thực để làm gì. Các anh là cấp chỉ huy, nên tự thắng để chỉ huy. Xin đến công viên cờ trắng bắt tay nhau để cùng chấm dứt việc đối đầu. Bên nào kéo cờ trắng chịu thua là bên đó chiến thắng. Cả hai chiến hữu đều là người rất hiền lành, nhưng bao năm vẫn bị những người đằng sau chỉ huy. Bây giờ hãy một lần thực sự chỉ huy bằng cách tự thắng. Nên Lắm.
Lại nói chuyện cao hơn một cấp. Tháng 5-2018 có đại hội Võ Bị toàn quốc tại San Jose. Tháng 6-2018 có đại hội Võ Bị toàn quốc tại quận Cam. Phần lớn các thành viên võ bị trẻ tuổi thụ huấn từ 3 đến 4 năm. Vào trường tú tài, ra trường cử nhân. Văn võ toàn tài. Thành phần giường cột của quốc gia. Hoặc ít nhất cũng là tinh hoa của cộng đồng hải ngoại. Nhưng giường cột và tinh hoa đang chia 2 phe đánh nhau. Ba ông cựu chỉ huy trưởng võ bị danh tiếng là trung tướng Trần Văn Trung , bên Pháp. Trung tướng Lâm Quang Thi tại CA và đại tá Đỗ Ngọc Nhận bên Texas. Cả ba vị đều khuyên hai phe võ bị nên ngồi lại với nhau. Nước đổ lá khoai. Chưa bao giờ các thành viên võ bị lại hoạt động hăng hái như hiện nay. Bắc Nam Cali chia đôi ngả. Các ban tổ chức ra quân hết sức khoa học và mãnh liệt. Vận động sự tham dự từ các quốc gia và các tiểu bang. Phát huy tối đa khả năng chỉ huy nhưng hoàn toàn không Tự thắng. Bên nào cũng quyết thắng võ bị đối phương nhưng không tự thắng được chính mình. Vô cùng đáng tiếc.
Chuyện từ Nghĩa Trang. Tôi đi đưa 2 đám tang. Bác trung tá không quân Trần Đỗ Cung ra đi lúc 95 tuổi. Rất đông con cháu toàn áo đen đội khăn trắng. Trên bàn di sản có ba tác phẩm của tác giả để biểu quan khách. Nhưng quan khách không có nhiều. Bạn bè của bác Cung phần lớn đã ra đi từ lâu rồi. Ông đã sống một cuộc đời hết sức phong phú và quá đầy đủ. Từ Việt Nam qua Hoa Kỳ. Từ binh nghiệp qua thương trường dân sự. Sau cùng con cháu chịu tang đông đảo. Những ngày cuối cùng chúng tôi có dịp gặp ông. Kỷ niệm đáng nhớ là mời được bà bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và bác Trần Đỗ Cung lên sân khấu IRCC và Dân Sinh tổ chức. Bà Hoàn ngày xưa là cô nữ sinh Sài Gòn ra Hà Nội lên sân khẩu lần đầu tiên hát bài sinh viên hành khúc. Cậu sinh viên Trần Đỗ Cung đứng nghe. Trên sân khấu San Jose 60 năm sau, cả hai hội ngộ hát bài quốc ca từ lời kêu gọi Này sinh viên ơi đã trở thành này công dân ơi. Những kỷ niệm ngày cũ thật vô cũng đẹp đẽ. Nhưng chúng tôi lại tham dự đám tang khác. Rất nhiều chiến hữu đông đảo tiễn đưa đại úy Thủy quân Lục chiến Trần văn Loan. Anh Loan ra đi cô đơn trong hoàn cảnh gia đình. Không một thân nhân đội khăn tang. Anh cô đơn trong đời sống và khi ra đi chỉ còn toàn chiến hữu chung quanh. Tôi có những kỷ niệm hết sức đặc biệt với Trần văn Loan. Ngày xưa khi liên hội chia đôi với sáng kiến tổ chức ban đại diện cộng đồng thay thế. Để đơn giản hóa chuyện cũ xin kể vắn tắt là phe chống đối họp bàn tấn công cơ quan IRCC bằng mọi cách. Anh Loan được đề cử lãnh đạo đấu tranh. Dù trực diện đấu tranh dữ dội như Loan vẫn gọi tôi là niên trưởng. Tinh thần Võ Bị vẫn tràn đầy trong lòng người sinh viên khóa 23. Năm năm sau, chuyện đã qua, anh Loan tổ chức bữa cơm thân hữu mời vợ chồng tôi và một vài bạn đấu tranh ngồi trong bàn tiệc thân mật. Bữa ăn chúng tôi còn nhớ mãi. Cho đến 20 năm sau nhân chứng đã lên tiếng dựng chuyện tố cáo là anh Thiện Thành trở về nhờ Cali Today chính thức gửi lời xin lỗi. Câu chuyện đánh phá long trời lở đất nhẹ nhàng trôi qua như những làn gió thổi tụng bay 72 ngọn cờ trắng ở công viên hòa bình San Jose. Tiếp theo vào một buổi chiều mưa, giữa lúc câu chuyện Little Sài Gòn bùng nổ, cô nghị viên Madison vào gặp bác Lộc trong Viet Museum.
Cô hỏi rằng ngày xưa bác bị tấn công dữ dội làm sao thoát; Tôi trả lời. Bác kéo cờ trắng. Cháu ra bên cạnh CPA mà coi giữa thành phố San Jose của cháu có một công viên 72 cờ trắng. Cháu xin thua là cháu sẽ tồn tại vĩnh viễn. Tiếc thay, Madison không đồng ý. Cô hết sức cứng rắn can trường nhưng cuộc chiến đấu của cô rất vất vả. Dù tôi đã kể lại chuyện cũ. Ngay trong lúc bị đánh phá quyết liệt. Hàng trăm người biểu tình ngày đêm. Sáu người tuyên bố tuyệt thực cho đến chết. Lý do hết sức mơ hồ.Vào một đêm trời mưa, hơn 15 xe cảnh sát và một trung đội dã chiến có mặt. Tôi yêu cầu cảnh sát cho vào thăm đồng bào tuyệt thực. Anh Loan chỉ huy phòng tuyến ngăn cản không cho vào. Sĩ quan cảnh sát hỏi rằng Ông định vào gặp họ làm gì. Trả lời. Tôi là người trách nhiệm một cơ quan lo cho di dân. Những người biểu tình và tuyệt thực là khách hàng của tôi. Không cần biết đúng hay sai. Để cho chuyện này xảy ra, tôi là người trách nhiệm. Tôi đến xin lỗi họ. Để đưa các bạn tuyệt thực vào nhà thương. Rồi chuyện đâu còn có đó. Lập một ủy ban điều tra gồm chính quyền và tòa án cùng với những người phản đối. Kết quả ra sao tôi sẽ nhận lãnh. Anh Loan nhận được lệnh từ bộ chỉ huy tối cao trên đài phát thanh, nhất quyết không cho chúng tôi vào khu chiến. Loan nói riêng với tôi. Tình thế gay go lắm. Niên trường vào sẽ thêm nguy hiểm. Chúng tôi ra về và ngay sau đó sở cảnh sát họp bàn và đem toàn lực ra dẹp cuộc biểu tình. Câu chuyện thực sự phức tạp và dài dòng. Xin tóm tắt như thế. Những nhà tranh đấu về sau lại trở thành thân hữu hoặc lờ đi như không có chuyện gì. Phần riêng tôi xin tự ghi nhận là người đứng đầu cơ quan dịch vụ, không đề phòng cẩn thận đã để ra chuyện đáng tiếc hoàn toàn lỗi tự mình. Tự Thắng để chỉ huy trong trường hợp này là xin kéo cờ trắng đầu hàng để hạ hồi phân giải. Vì đây là một cuộc chiến tranh vô nghĩa. Đơn giản chỉ cần theo lời tiền nhân. Một sự nhịn là chín sự lành. Anh Loan và cháu Thiện Thành. Những người trong cuộc đánh phá. Tôi đã nhịn nhục vì biết các bạn chỉ là phương tiện. Sau đó anh em đã hiểu ra vấn để trước khi quá muộn. Còn những người khác, có thể đã hiểu ra nhưng cố quên đi. Trải qua biết bao gian khổ, kẻ thù còn lại chính là đang ở trong ta. Loan và Thiện Thành. Một người ra đi và một người còn ở lại. Xin cảm ơn các bạn. Những cây cờ trắng ở San Jose vẫn bay bay hướng dẫn cho chúng ta nhiều đường lối xử thế ở đời.