Matt Mahan

ads header

Breaking News

Giao Chỉ điểm phim.: American Dream. Giấc mơ Hoa Kỳ.


Giao Chỉ điểm phim.: American Dream. Giấc mơ Hoa Kỳ.

Cuối tuần qua, chúng tôi có dịp đi xem một cuốn phim tựa đề Giấc mơ Mỹ, do nhóm trẻ từ Việt Nam thực hiện chung với các bạn tại Mỹ. Ngoại cảnh tại Việt Nam và miền Bắc CA. Tôi cũng không biết nhiều về thế giới tài tử trẻ và đám thượng lưu của Sài Gòn nên đi hỏi thăm mới biết câu chuyện như sau. Nam nữ tài tử chính là các khuôn mặt nổi tiếng tại Việt Nam. Thêm một anh Mỹ trẻ nói tiếng Việt lưu loát. Cả ba diễn xuất trung bình. Nhưng tên tuổi cũng đủ cho cuốn phim có khách tại Việt Nam. Cả ba tài tử chính đều vào vai bác sĩ, nhưng chỉ diễn xuất qua loa phần nghề nghiệp. 

Sơ lược chuyện phim. 

Phải khó khăn khán giả mới có thể sắp xếp lại chuyện phim như sau. Hai bác sĩ nam nữ cùng làm tại một bệnh viện. Rất đẹp đôi, lấy nhau và đời sống rất sang trọng. Anh chồng có chuyện tình ái với con gái tổng giám đốc. Cô vợ có liên hệ với anh bác sĩ Mỹ nói tiếng Việt. Cô nữ bác sĩ hành nghề gặp tai nạn bị nhà thương sa thải. Hai bên chia tay. Bác sĩ chồng đi với con gái giám đốc lên làm khoa trưởng. Cô bác sĩ vợ lấy anh bác sĩ Mỹ xuất ngoại. Qua Mỹ xung đột văn hóa, bỏ nhà ông Mỹ đi làm thợ nail và lại bị tai nạn. Anh chồng cũ nguyên là bác sĩ tại Việt Nam qua Mỹ đi bỏ báo. Anh chợt xuất hiện tại tiệm nail bên Mỹ   giải thoát cho vợ cũ. Nhưng rồi cả hai vẫn không tái hợp. Chồng cũ đi bỏ báo và vợ cũ lang thang tìm việc. Cô gặp ông Việt Nam ngoài đường cho về trông nom chuồng ngựa. Lúc đó anh chồng cũ lại xuất hiện và ngỏ ý kết hợp lại. Vị ân nhân đại gia có chuồng ngựa bèn nhận bảo trợ cho cô bác sĩ đi học đại học. Anh chồng Mỹ cũng vui vẻ đưa giấy ly dị cho cô được tự do. Sau cùng cô bác sĩ đỗ ra trường trong khi anh chồng cũ sau thời gian dài yểm trợ cho vợ đã bị bệnh qua đời. Màn cuối bi thương là đoạn mẹ con vào thăm người sắp ra đi. Đây là lần đầu người cha mới biết mình có con qua tinh trùng bà mẹ lưu giữ. Phim thực sự rất lộn xộn vô lý chứ không mạch lạc như đã ghi lại. Đây là một phim hoàn toàn thương mại và giải trí. Không phải phim thời sự hay nghệ thuật như phim Rồng Xanh, Ba Mùa đã từng chiếu tại San Jose. Cũng không như phim The fall of Sai Gon.

Nhận xét chung:

Với tựa đề American Dream rất hấp dẫn, tài tử trẻ đẹp biểu diễn thời trang thường trực và đã có tiếng tại Việt Nam. Phim có những đoạn xảo thuật điện ảnh tây phương . Đó là những yếu tố thành công thu hút một loạt khán giả trẻ Việt Nam trong giới trung lưu trở lên. Cũng có thế cả lớp khán giả Việt Nam tương tự tại hải ngoại.. Anh chị em làm phim đã bỏ ra công sức suốt một năm dài cho cuốn phim American Dream. Không biết tốn kém bao nhiêu nhưng quả thực đã đạt được giấc mộng làm phim nhưng  chưa hiểu được giấc mộng Hoa Kỳ. Cuốn phim không thực sự rõ ràng là đề cao giấc mộng Mỹ hay bầy tỏ thất vọng với American Dream. Nhiều đoạn phim không rõ  ở thời gian nào và không gian nào. Khán giả không theo kịp để biết diễn viên đang ở CA hay ở Sài Gòn.  Đặc biệt là từ đầu đến cuối chỗ nào cũng là các màn trình diễn thời trang. Lúc gian nan vất vả cũng ăn mặc và trang điểm rất đẹp. Ngoại cảnh cũng luôn luôn sang trọng  từ Việt Nam đến Hoa Kỳ.  Kết luận: Đây chỉ là ước mong của giới trẻ thành đạt tại Việt Nam muốn qua Mỹ chơi rồi trở về.

Hoa kỳ và America Dream.

America Dream là một đề tài và đồng thời là giấc mơ của cả thế giới từ rất nhiều năm qua. Đã có hàng trăm phim của Mỹ và nhiều sắc dân đưa lên màn ảnh đề tài vĩ đại và quen thuộc này. Phần lớn là các câu chuyện những di dân từ bốn phương trời, bỏ lại sau lưng những đau thương để đến Hoa Kỳ làm lại cuộc đời. Họ mơ ước đến đất Hứa vì lý do sắc tộc, vì tôn giáo, vì kinh tế, vì giáo dục và vì hàng trăm hoàn cảnh khác nhau. Người di dân vượt biển băng rừng, treo non lội suối để đến Hoa Kỳ làm lại cuộc đời. Họ xây dựng lại cuộc sống cho chính họ, và phần lớn là vì tương lai của con cháu cùng thế hệ tiếp nối.

Người Việt và Giấc mơ Hoa kỳ.

Từ cuối thế kỷ 20 qua thế kỷ 21, người Việt Nam cùng chia xẻ Giấc mơ Hoa Kỳ với hàng triệu di dân Mỹ đã trải qua hơn 200 năm lập quốc. Tôi cho rằng cuốn phim của các bạn trẻ có cố gắng nhưng không đáp lại được với tựa đề vĩ đại là Giấc mơ Hoa Kỳ. Vấn đề chính là các bạn đã không có được một chuyện phim xứng đáng. Trải qua gần nửa thế kỷ từ 1975 đến 2018 hiện đã có gần 2 triệu người Mỹ gốc Việt hiện diện tại Hoa Kỳ. Tất cả đều đã từng mang giấc mơ Hoa Kỳ. Bao nhiêu người mà cuộc đời ước mơ đã thành sự thực. Bao nhiêu người đã chết đem theo giấc mơ xuống đáy biển. Bao nhiêu gia đình chia cắt. Nếu không kể đến những câu chuyện bi thảm của cuộc di tản 75, không cần kể đến những thảm kịch vượt biên. Không cần nói đến việc vượt biên đường bộ. Không cần đề cập đến giấc mơ Hoa Kỳ của những gia đình HO sau hơn 10 năm tù đầy oan khuất. Không cần kể đến American Dream của anh chị em con lai tìm về quê cha. Chỉ cần nói riêng đến các gia đình xin đoàn tụ. Lập hồ sơ với tờ đơn đầu tiên là bắt đầu sống với giấc mơ Hoa Kỳ. Từ đó là ngày đêm chờ đợi. Bao nhiêu năm.  Những thiếu nữ chờ đợi từ 10 đến 15 năm. Tuổi thanh xuân phải quyết định. Đi tới với tình yêu hay cố chờ để vào đất thiên đường. Những điếu kiện khắt khe của con đường di trú làm cho tuổi trẻ phải khoan yêu, khoan cưới và khoan đẻ.  Những phần số quay quắt thê lương trong những tháng năm chờ đợi. Rồi thì giấc mộng Hoa Kỳ sẽ dành cho ai. Những người cha HO già yếu với tờ giấy ra trại cũ rách được bọc plastic sẽ đến Mỹ để làm gì. Giấc mơ không dành cho chính người chủ gia đình mà người cha cải tạo đã ra đi để mơ giấc mơ cho đàn con trẻ. Đó mới chính là đề tài cần mở ra cho cuộc sống thực sự của con đường từ bên kia đến bên này Thái Bình Dương. Đó là đề tài thực sự của Giấc Mơ Hoa Kỳ. Cuốn phim chúng tôi xem không phải như vậy.   Các bạn có ước mơ, có nỗ lực, có khả năng thực hiện một phim đơn giản như vậy. Rất tiếc chúng ta có rất nhiều đề tài sống động nhưng thiếu những chuyện phim có chiều sâu. Thực vậy  các bạn hoàn toàn thiếu chuyện phim. Giấc Mơ Hoa kỳ là một đề tài vĩ đại, xin cẩn thận hơn. Hãy cố xem đây là bước đầu của cuộc đội làm phim lâu dài về sau. Rất mong có những lần sau.

Có bạn hỏi tôi,

Nên đi xem phim này không. Xin trả lời riêng. Phim Việt Nam, nói tiếng Việt , phụ đề Anh ngữ, hình ảnh đẹp đẽ, âm thanh rõ ràng. Phim chiếu tại rạp Mỹ gần nhà. Rất thanh lịch. Nên ghé coi để so sánh giấc mơ của các bạn trẻ Việt Nam có thực sự giống giấc mơ của chúng ta hay không? 

Đôi lời ghi thêm.

Tôi có coi những bài bình luận hết lời khen thưởng về cuốn phim này trên báo chí Việt Ngữ.  Rất tiếc ý kiến chúng tôi hoàn toàn khác biệt, dù rằng rất muốn khuyến khích các sáng tạo mới. Vẫn biết rằng hoàn cách chính trị tại Việt Nam không cho phép làm phim về giấc mơ Hoa Kỳ là từ bỏ cuộc sống đau thương để đi tìm cuộc sống hạnh phúc, Nhưng các bạn trẻ cũng có thể viết lại kịch bản tương đối hợp lý hơn. Từ một cô gái nghèo vươn lên thành bác sĩ. Gặp tai nạn nghề nghiệp mất bằng oan ức nhưng rồi lại ra đi phấn đấu làm lại cuộc đời để tốt nghiệp bác sĩ tại Hoa Kỳ. Cuộc đời căn bản như vậy thì vai chính có cơ hội thay đổi trang phục và vóc dáng theo hoàn cảnh. Thể hiện cụ thể giấc mơ Mỹ là làm lại cuộc đời và giáo dục là mục tiêu chính.

Đã là khán giả đi xem,

Không phải là nhà báo viết quảng cáo, chúng tôi phải viết lời chân thực. Nếu không sẽ rất có tội với hàng trăm ngàn người Việt trong gần nửa thế kỷ vừa qua đã thực sự mang giấc mơ Hoa Kỳ thiêng liêng đi vào cõi chết. Và cũng có ngàn người Việt còn sống trong cay đắng với American Dream. Còn các anh chị em, trong phim ảnh cũng như ngoài đời đang giàu sang phú quý nối danh sẵn có tại ngay quê hương Việt Nam khốn khổ. Giấc mơ Hoa Kỳ là một cuộc trình diễn nhan sắc, thời trang và hạnh phúc. Chỉ làm cho thiên hạ tủi thân.