TQ tẩy chay hội nghị QT về Bắc Triều Tiên do Mỹ chủ trương
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với ngoại trưởng Rex Tillerson và đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 18/09/2017. REUTERS/Kevin Lamarque |
(RFI) Ngày 16/01/2018, ngoại trưởng từ 20 quốc gia trên thế giới sẽ tập hợp về thành phố Canada Vancouver để bàn cách gia tăng áp lực ngoại giao, và nhất là kinh tế lên Bắc Triều Tiên nhằm kềm chế tham vọng hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, vấn đề là tác nhân hàng đầu cho phép sức ép quốc tế đạt kết quả là Trung Quốc lại không đến dự, làm dấy lên nghi vấn về hiệu quả thực thụ của hội nghị.
Bối cảnh hội nghị về Bắc Triều Tiên tại Vancouver do Canada và nhất là Mỹ chủ tọa khá đặc biệt, vì mở ra vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu giảm nhiệt hẳn đi. Bình Nhưỡng và Seoul đã nối lại đối thoại, lần đầu tiên từ hai năm nay, trong lúc Bắc Triều Tiên liên tiếp tỏ cử chỉ hòa dịu, cho biết sẽ gửi vận động viên qua Hàn Quốc để tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang.
Thế nhưng, bất chấp các tín hiệu đó, một số nước, và đặc biệt là Mỹ, đã cho rằng quốc tế vẫn phải đẩy mạnh việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đánh vào chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, để đạt được mục tiêu tối hậu là buộc chế độ Kim Jong Un phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Đối với Mỹ, thái độ cứng rắn trong thời gian qua đang phát huy tác dụng, Bắc Triều Tiên đang lung lay, do đó cần phải thừa thắng xông lên. Trong cuộc họp báo tại Washington, ông Brian Hook, quan chức chuyên trách chính sách ở bộ Ngoại Giao Mỹ tiết lộ rằng hội nghị Vancouver sẽ xem xét cách siết chặt cấm vận hàng hải xung quanh Bắc Triều Tiên, ngăn chận mọi con tàu đang cố gắng chống lại trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, đồng thời cắt đứt nguồn tài trợ nước ngoài cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Thế nhưng, theo Reuters, hội nghị ở Vancouver sẽ thiếu vắng Trung Quốc, nước có ảnh hưởng đáng kể trong hồ sơ Bắc Triều Tiên trong tư cách là đồng minh duy nhất và là đối tác thương mại chủ chốt của Bình Nhưỡng. Chính quyền Bắc Kinh đã tẩy chay, thậm chí còn đả kích cuộc họp ở Vancouver, viện lẽ rằng sự kiện đó chủ yếu tập hợp các quốc gia đã đưa quân vào đánh Bắc Triều Tiên, và đồng minh Trung Quốc, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Một nguồn tin ngoại giao cấp cao không ngần ngại cho là : "Nếu không có Trung Quốc, kết quả hội nghị chắc chắn bị hạn chế". Bản thân tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng cho rằng Trung Quốc đóng vai trò thiết yếu trong việc kềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và lúc thì ca ngợi, lúc thì chỉ trích Bắc Kinh thiếu hợp tác trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng.
Câu hỏi đặt ra là dù biết rằng Bắc Kinh có vai trò quan trọng trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tại sao Hoa Kỳ không nỗ lực hơn nữa để mời Trung Quốc - và cả Nga, một nước vắng mặt khác - cùng đến Vancouver bàn về Bắc Triều Tiên?
Trên vấn đề này, ông Triệu Thông, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Trung Tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho rằng có lẽ Mỹ không muốn Nga và Trung Quốc khuấy động hội nghị bằng cách nhắc lại các yêu cầu đình chỉ các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, mà Bình Nhưỡng cho là để chuẩn bị xâm lăng Bắc Triều Tiên.
Cho dù vậy, theo lời quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ Brian Hook, Trung Quốc và Nga sẽ được thông báo đầy đủ về kết luận của hội nghị.