Matt Mahan

ads header

Breaking News

Đòi tài sản của người bị lấy nhà khi đi kinh tế mới hay ODP

Khu chung cư của gia định người Mỹ gốc Việt ở California và New York bị nhà nước Việt Nam chiếm đoạt
Đòi Tài Sản: người bị lấy nhà khi đi kinh tế mới hay giao nhà để đi ODP
Ts. Nguyễn Đình Thắng, Ngày 15 tháng 12, 2017
http://machsongmedia.com

Sau bài “Chương trình đòi tài sản: Hỏi & Đáp”, chúng tôi lại nhận thêm một số câu hỏi mà có lẽ là thắc mắc của rất nhiều người:

(1)    Làm sao để biết được nhà, đất của tôi bị quốc hữu hoá vào thời điểm nào?

(2)    Gia đình tôi bị ép đi kinh tế mới năm 1977; nhà nước lấy mất nhà. Lúc đó tôi chưa có quốc tịch Hoa Kỳ thì có được luật pháp Hoa Kỳ can thiệp?

(3)    Tôi bị ép phải ký giấy “hiến” nhà cho nhà nước thì mới được tham gia chương trình ra đi có trật tự. Bây giờ có đòi được không?

Chúng tôi xin trả lời chung dưới đây.

Thời điểm bị quốc hữu hoá

Muốn biết chính xác thì phải truy cứu lai lịch của từng bất động sản một. Điều này không dễ, nhưng vẫn có cách làm. Tuy nhiên, thời điểm chưa phải lúc để đổ công cho việc này. Việc quan trọng lúc này là vận động Quốc Hội Hoa Kỳ đồng ý mở chương trình đòi tài sản cho người Mỹ gốc Việt. Một khi chương trình đã được mở, thì các hồ sơ cá nhân mới được cứu xét – lúc ấy mới cần chứng minh rằng tài sản bị tịch thu sau khi chủ nhân đã trở thành công dân Mỹ.

Dựa vào sự nghiên cứu của chúng tôi, đa số các tài sản để lại ở Việt Nam của công dân Mỹ gốc Việt chỉ mới bị quốc hữu hoá từ năm 2005 trở lại đây. Trước đó, nhà nước “quản lý” chúng. Theo lời giải thích của Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước Nguyễn Hữu Thọ trong một văn thư đề ngày 14 tháng 11, 1989, quản lý “chỉ là một biện pháp tạm thời”. Trên nguyên tắc chủ nhân sau này có thể làm đơn đòi lại.

Năm 1991, Chính Phủ Việt Nam ban hành Quyết Định 297/QĐ-CP với ý định quốc hữu hoá các nhà, đất mà nhà nước đang quản lý từ ngày 1 tháng 7, 1991 trở về trước. Tuy nhiên, việc thực hiện nó lại khá lỏng lẻo và tuỳ tiện do có sự mâu thuẫn với Luật Hình Sự lúc ấy.

Trước tình hình đó, ngày 26 tháng 11, năm 2003 Quốc Hội Việt Nam thông qua Nghị Quyết 23/2003/QH11, tuyên bố rằng từ nay “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất.” Đồng thời, nghị quyết này chỉ thị uỷ ban nhân dân các cấp hoàn tất thủ tục quốc hữu hoá các tài sản mà họ đang quản lý. Thời gian thực hiện từ ngày 10 tháng 10, 2005 đến ngày 30 tháng 6, 2009, áp dụng cả cho các tài sản “vắng chủ” ở miền Bắc của các người di cư năm 1954, và tài sản của những người miền Nam bị nhà nước quản lý sau ngày 30 tháng 4, 1975.

Những người Việt ở Hoa Kỳ có tài sản đặt dưới sự quản lý của nhà nước phần lớn đã đến Hoa Kỳ trong khoảng 1975-1996 và đã có quốc tịch Mỹ trước khi Nghị Quyết 23/2003/QH11 ra đời. Nghị quyết này kêu gọi họ ủng hộ chính sách của chế độ: “Quốc hội kêu gọi đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích chung của toàn dân tộc, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội, coi đây là sự đóng góp thiết thực vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước.”

Lời kêu gọi này không hợp lý vì không nạn nhân nào lại ủng hộ việc ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của chính mình.

Nhà ở Hóc Môn của một gia đình người Mỹ gốc Việt hiện ở Maryland
Bị lấy nhà và bắt đi kinh tế mới

Sau ngày 30 tháng 4, 1975, những thành phần bị liệt kê là  “nguỵ quân nguỵ quyền”, “ác ôn”, “phản cách mạng”… phải trình diện đi “cải tạo” còn gia đình họ thì bị đuổi đi kinh tế mới. Cán bộ hay cơ quan nhà nước đã lấy nhà cửa, đất đai của họ. Tài sản của họ bị quản lý theo Quyết Định Số 111/CP, ban hành ngày 14 tháng 4, 1977. Đây là quyết định về chính sách “quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất ở các tỉnh phía Nam”. Theo đó, nhà nước “quản lý” nhà cửa, đất đai của  (trích nguyên văn):

- Sĩ quan nguỵ quân cấp từ thiếu tá trở lên.

- Sĩ quan cảnh sát từ cấp trung uý trở lên.

- Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của nguỵ quyền đã giữ chức vụ, từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty phó, Quận phó trở lên.

- Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng.

Ít lâu sau, Quyết Định Số 305/CP ngày 17 tháng 11, năm 1977 bổ sung 2 thành phần bị quản lý nhà cửa, đất đai (trích nguyên văn):

- Những người tham gia các tổ chức đảng phái phản động đã giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp huyện, quận trở lên thì tùy theo thái độ chính trị trước và hiện nay, tùy theo tội ác đối với nhân dân nhiều hay ít, và tùy theo nguồn gốc giá trị sử dụng nhà cửa đất đai của họ mà Nhà nước tịch thu, trưng thu, trưng dụng, trưng mua hoặc để cho họ sử dụng.

Đối với những người khác không thuộc diện Nhà nước xử lý nhà đất của họ nhưng vì thái độ chính trị của họ phản động, có nhiều nợ máu với nhân dân, quần chúng căm ghét, yêu cầu xử lý thì căn cứ vào chính sách chung mà quyết định.

Các tài sản trong trường hợp này, giống như nhà, đất “vắng chủ” của những người di cư, di tản hay vượt biên, bị quản lý chứ không bị tịch thu. Thời điểm tịch thu (quốc hữu hoá) giống như đã được giải thích ở trên.

Hiến nhà để được đi định cư Hoa Kỳ

Nhiều người cho chúng tôi biết là họ đã phải ký giấy “hiến” nhà cho nhà nước như là điều kiện để lên đường định cư Hoa Kỳ. Trường hợp này rất phổ biến trong chương trình HO, và cũng xảy ra trong những chương trình ra đi hợp pháp khác.

Thực ra, những người này đã “giao” nhà cho nhà nước tạm thời quản lý, chứ không phải là “hiến”. Giấy chứng nhận (xem ví dụ dưới đây) dùng ngôn ngữ mập mờ để tạo ngộ nhận cho chủ nhân rằng họ đã hiến nhà, đất và do đó sẽ không bao giờ nghĩ đến việc đòi lại.

Giấy chứng nhận giao nhà cho nhà nước tạm thời quản lý
Luật Việt Nam khi ấy không phép các đơn vị chính quyền nhận nhà, đất do công dân hiến tặng. Quyết Định của Thủ Tướng Chính Phủ 434/TTg, “chủ trương về việc tư nhân xin hiến tài sản cho Nhà Nước”, ngày 30 tháng 10, 1976 ghi rõ: “Đảng và Chính Phủ… không chủ trương nhận hiến một cách phổ biến, mà cần xét cụ thể từng trường hợp.” Các trường hợp được phép hiến tài sản phải là nhân sĩ trí thức, tư sản yêu nước,  tư sản có cổ phần trong xí nghiệp quốc doanh, tổ chức tôn giáo xin hiến cơ sở kinh doanh… Các thành phần “nguỵ quân nguỵ quyền”, “ác ôn”, “phản động”… không có quyền hiến tài sản.

Các tài sản được “giao” kiểu này cũng nằm trong diện nhà nước quản lý, mà thời điểm tịch thu đã được giải thích ở phần trên.

Tóm lại, những trường hợp bị đuổi nhà đi kinh tế mới và những trường hợp “giao” nhà để đi định cư cũng tương tự như trường hợp tài sản “vắng chủ” của những người di cư, di tản hay vượt biên: do nhà nước tạm thời quản lý. Đến năm 2003, Quốc Hội Việt Nam quyết định quốc hữu hoá chúng và không cho phép chủ nhân khiếu nại để đòi lại nữa.

Nhưng lúc ấy, phần lớn các chủ nhân nếu đang ở Hoa Kỳ thì đều đã là công dân Hoa kỳ. Tài sản của họ được luật Hoa Kỳ bảo vệ.