Giao Chỉ, San Jose viết về chuyện 2 ban đại diện cộng đồng
Hai ông Chủ tịch Ban Đại Diện Cộng Đồng tại Bắc Cali. Ô. Nguyễn Ngọc Tiên (trái) & Ô. Phạm Hữu Sơn (photo VVV) |
Vấn nạn của con người.
Lới nói đầu: Thân gửi quý độc giả và thân hữu. Các bạn xa gần sống trong các cộng đồng Việt lớn mạnh nhiều năm qua đều đã nghe nói hoặc có suy tư về đề tài đại diện cộng đồng. Phần lớn bên ngoài đều có những ý kiến xây dựng, nhưng không nhập cuộc. Quý vị đã tham dự bên trong cũng không có cơ hội nói hết chuyện nội bộ. Chúng tôi thiển nghĩ, mình biết chuyện đại diện cộng đồng, nên nhân dịp năm cùng tháng tận. bèn viết ra. Bây giờ không viết, bao giờ. Nếu mình không viết, ai viết. Không chê trách, không phê phán. Đơn thuần chỉ là tin tức và ý kiến. Nếu không đồng ý, xin miễn chấp. Tác giả không có điều gì phải tranh luận.
Bác sĩ Trần Công Luyện bao năm trăn trở về việc San Jose có hai ban đại diện cộng đồng. Hai ngày quốc hận và hai lễ chào cờ. Phải chăng thiếu sự đoàn kết. Ông thành lập một "Ủy ban hòa giải dân tộc". Sau nhiều ngày tháng khổ công thuyết phục cả hai bên, xin hai ông chủ tịch gốc Võ Bị Đà Lạt ngồi xuống hợp nhất. Tâm huyết xây dựng tình đoàn kết của các vị cao niên thất bại. Thêm một nghị hội cộng đồng vừa tổ chức để khai triển thêm giấc mơ đoàn kết cũng không đi đến đâu. Vốn có chút kinh nghiệm và tin tức về việc đoàn kết và thống nhất hội đoàn chúng tôi xin thưa chuyện như sau.
Thứ nhất: Chuyện tình cảm
Xin quý vị yên tâm. Không phải tất cả mọi hoàn cảnh đều bắt buộc phải thu về một mối. Chúng ta không đoàn kết thành một tổ chức vì chúng ta quá đông đảo, quá mạnh, vì chúng ta có nhiều khuynh hướng khác biệt. Tại các cộng đồng Việt Nam nơi xa xôi hẻo lánh và ít người thường chỉ có một ban đại diện không chính thức. Họ sống với nhau hòa thuận. Nam Bắc CA là nơi đông đảo, có nhiều nhân tài và có nhiều nhân lực nên có nhiều quan niệm khác biệt. Vì vậy đã có hai và đôi khi 3 tổ chức đại diện. Ngay trong gia đình, khi con cái trưởng thành cũng phải chia năm xẻ bẩy. Không thể nào mãi mãi đoàn kết một nhà như chuyện ngày xưa: Tam đại đồng đường. Ba đời còn ở chung một nhà. Bây giờ không phải là lối sống lý tưởng. Hợp nhất cũng tốt mà không hợp nhất cũng OK. Nếu coi như cộng đồng Việt là một quốc gia nhỏ bé trong đại xã hội Hoa Kỳ mà chỉ có một ban đại diện như là một chính phủ duy nhất thì tưởng như độc tài độc đảng hay sao. Chúng ta nghe tin tức trên truyền thông Việt Ngữ đều biết rằng hiện đang có hai tổ chức đại diện cộng đồng Việt Nam tại toàn quốc Hoa Kỳ. Cả hai ông chủ tịch đều họ Đỗ. Bác Sĩ Đỗ Văn Hội và ông Đỗ Văn Phúc. Như vậy có nhiều đại diện không hẳn là tai nạn cho cộng đồng, miễn là tất cả đều cạnh tranh phục vụ và không tạo chiến tranh. Phương ngôn mới đã ghi rằng: Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm thấy thừa hai cây. Khi thừa 2 cây là đủ cho ban đại diện thứ hai, thứ ba.
Thứ hai: Chuyện pháp lý.
Luật pháp Hoa Kỳ cho tự do lập hội. Lập hội thực ra không cần xin phép miễn là không hành động vi phạm luật pháp. Muốn xin phép để được chính danh, để được luật pháp bảo vệ quyền sinh hoạt và đặc biệt được miễn thuế lợi tức khi thu tiền niên liêm hay nhận tiền ủng hộ thì làm đơn xin tại tiểu bang và sở thuế liên bang. Hồ sơ căn bản lập cơ quan bất vụ lợi thường chỉ có các mẫu đơn giản dành cho tổ chức tôn giáo, xã hội hay văn hóa giáo dục. Không có mẫu đơn dành cho tổ chức chính trị. Hầu hết các ban đại diện cộng đồng lớn nhỏ đều nộp đơn theo mẫu hoạt động xã hội. Trong hồ sơ căn bản của tổ chức không ghi cho phép hoạt động chính trị và cũng không có chỗ nào ghi cấm hoạt động chính trị. Tất cả đều hiểu rằng hoạt động chính trị là chuyện cá nhân dù theo đảng Cộng Hòa, Dân Chủ Hoa Kỳ hay theo chính nghĩa cờ Vàng VNCH chống Cộng. Không có tổ chức nào được coi là mặc nhiên đại diện cho tất cả mọi người. Tùy theo tiểu bang, mỗi hội chỉ cần chủ tịch, thư ký và thủ quỹ. Thêm hai người để thành hội đồng quản trị. Ghi danh, điền mẫu đơn, khai địa chỉ, đóng lệ phí là xong. Mỗi năm báo cáo sinh hoạt, khai thuế lợi tức là hội lại tiếp tục. Nếu điều lệ tự làm ra cho phép các chức vụ không thay đổi, thời hạn chức vụ tùy nghi. Nội bộ tự thu xếp, bầu lại hay tái tín nhiệm tiếp tục, chính phủ không quan tâm. Nếu tổ chức chủ trương mở rộng có các hội viên mà làm ăn đứng đắn, tất cả các hội viên đều phải ghi danh, ký tên chấp nhận điều lệ, phải đóng lệ phí tối thiểu và phải tham dự sinh hoạt thường niên. Khi thi hành đầy đủ bổn phận mới là cử tri hợp lệ tham dự bầu cử. Ban lãnh đạo làm đúng hay sai, chỉ có các hội viên mới có quyền phê phán. Hội nào sinh hoạt theo hội đó. Muốn giải tán hay sáp nhập vào hội khác phải có sự chấp thuận của đại hội đồng các hội viên chính thức. Nếu là hội thu hẹp không có hội viên chính thức, có khai miễn thuế và báo cáo thường niên, sẽ tiếp tục hiện diện hợp pháp. Sinh hoạt có thể không có gì đáng kể hay tung ra những chương trình đội đá vá trời. Hoàn toàn là nội bộ. Đó là sơ lược về luật hội đoàn tại Mỹ.
Vấn đề hai ban đại diện.
San Jose cũng như nhiều nơi quần cư khác của người Việt đều đã có 2 tổ chức. Đã có lần San Jose có đến 3 ban đại diện cộng đồng. Mỗi tổ chức đều có một số người thân hữu tham dự vào các ngày lễ hội. Ngày tết, chào cờ đầu năm, tưởng niệm 30 tháng tư v,,v,, Gần như không hội nào có danh sách hội viên chính thức, có giấy gia nhập hội, đóng niêm liễm...Phần lớn chỉ có điện thoại hay địa chỉ liên lạc. Cả hai tổ chức hiện nay đều không phải đại diện chính thức cho toàn thể cộng đồng. Nhưng cả 2 đều hợp lệ với chính phủ. Mỗi bên chỉ có vài trăm thân hữu. Nếu bắt buộc phải ghi danh gia nhập tổ chức con số còn lại rất ít. Không thể so sánh với hơn 100 ngàn dân Việt tại đây. Vì vậy cả hai bên đều là đại diện không chính thức. Nên để các bên yên nghỉ tiếp tục làm những chuyện như họ vẫn thường làm. Sự hiện diện của 2 bên là thể hiện hình ảnh của tự do. Gián tiếp thi đua phục vụ cộng đồng. Hai bên chính là các thành phần giám sát lẫn nhau. Hai bên cùng phát huy sáng kiến và cùng tìm cách mở rộng vòng tay thân hữu để phát huy tổ chức.
Cộng đồng thống nhất.
Nếu chúng ta mơ ước một cộng đồng thống nhất, phải chăng là muốn có một ban đại diện cộng đồng duy nhất như một chính phủ VNCH. Chính phủ thống nhất này sẽ tài trợ và chỉ huy các trường Việt Ngữ. Chỉ huy các cơ quan bất vụ lợi, các hội đoàn dân sự và quân đội. Chỉ huy các cơ quan truyền thông Việt Ngữ..Các tổ chức xã hội tư nhân...Sẽ nói chuyện với các giới chức dân cử Hoa Kỳ như một quốc gia đồng minh...Nghe qua tưởng chuyện lạ lùng nhưng sự thực tại San Jose hơn 20 năm trước các nhà tổ chức cộng đồng tiền phong đã vẽ ra con đường ảo vọng như thế. Nhân danh tìm đường chống Cộng, quý vị đã tìm cách đánh phá để chiếm đóng cơ quan IRCC ngõ hầu mở đường cho một ban đại diện cộng đồng thống nhất, lý tưởng và kiểu mẫu tại miền Bắc CA. Chuyện đánh phá đã xảy ra nhưng việc hoàn tất giấc mộng lớn ngày nay đã trở thành kỷ niệm đắng cay.
Đề nghị cho hiện tại:
Xin hãy để cho cả hai bên yên nghỉ. Nếu chúng ta còn ngọn lửa đấu tranh. Muốn sinh hoạt xin chọn để tham dự vào một bên thích hợp. Coca Cola hay Pepsi Cola. Đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa, đảng nào cũng xây dựng nước Mỹ. Không chọn được, hãy tìm đi theo tổ chức khác. Nếu còn đủ sức ta mở con đường mới mà làm việc.
Nhân Quyền ở Việt Nam có cả trăm chuyện cần làm. Dân Sinh tại Hoa Kỳ có các ngàn nhu cầu. Nếu cứ vất vả lo nghĩ vì ở đây có đến hai lễ chào cờ và hai ngày quốc hận, chúng tôi xin can. Hiện nay, hai phe cộng đồng đều biết rõ khả năng và giới hạn của mình, hai ông chủ tịch chỉ đại diện cho những người ủng hộ mỗi bên để làm việc công ích hàng năm. Theo luật pháp Hoa Kỳ, chúng ta không trong hội đồng quản trị, không phải là hội viên, chỉ là người ngoài. Chúng ta đã bầy tỏ ý kiến, như vậy là quá đủ. Viết về đề tài này với lời tâm huyết qua vấn nạn của khắp mọi nơi, nếu quý vị không thông cảm, xin bỏ qua. Tác giả sẽ không có ý muốn tranh luận thêm.
Trân Trọng.
Giao chỉ, San Jose.