Tập Cận Bình và hành trình tới đỉnh cao quyền lực
Tập Cận Bình tái nhiệm tổng bí thư đảng CSTQ hôm 25/10 |
(VOA) Từ "thái tử đảng" đến cảnh cơ hàn rồi trở thành Chủ tịch nước, việc ông Tập Cận Bình được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ 5 năm lần nhì trong tư cách Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 25/10 là đỉnh điểm của một chặng đường dài, vững chải vươn lên quyền lực.
Sinh năm 1953 và là con của Tập Trọng Huân, một trong những người sáng lập nước Trung Quốc Cộng sản, Tập Cận Bình bị buộc phải đi lao động khổ sai ở thôn Lương Gia Hà hẻo lánh thuộc tỉnh Thiểm Tây suốt bảy năm trong cuộc Cách mạng Văn hóa, sau khi cha của ông bị khai trừ khỏi đảng và bị giam cầm.
Ông Tập vượt qua trải nghiệm đó và theo học Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nơi ông lấy bằng kỹ sư hóa học vào năm 1979. Sau đó, ông gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng sản cầm quyền, khởi đầu với chức vụ phó bí thư tỉnh ủy Hà Bắc rồi sau này trở thành bí thư thành ủy ở trung tâm kinh tế Thượng Hải.
Thanh thế của ông tiếp tục nổi lên sau khi được bổ nhiệm vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị năm 2007, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc, rồi cuối cùng trở thành Tổng bí thư vào năm 2012 và Chủ tịch nước một năm sau đó.
Dưới thời ông Tập cầm quyền, Trung Quốc có thái độ quyết đoán hơn trong các vấn đề khu vực và thế giới, bao gồm quyết liệt tăng cường quân lực trên các bãi đá và đảo không người ở trên Biển Đông, phớt lờ những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các nước láng giềng Châu Á-Thái Bình Dương. Ông Tập cũng phát động một chiến dịch ráo riết chống tham nhũng trong giới quan thức, đưa tới việc trừng trị hơn một triệu quan chức Đảng Cộng sản.
Các nhà quan sát nói ông Tập củng cố quyền lực bằng cách nuôi dưỡng chủ nghĩa sùng bái cá nhân như người sáng lập nước Trung Quốc Cộng sản, Mao Trạch Đông, trong khi giám sát một cuộc đàn áp ngày càng tăng nhắm vào những người bất đồng chính kiến và các luật sư nhân quyền.
Hành trình vươn lên nắm quyền của ông Tập được củng cố đầu tuần này khi tên ông được ghi vào điều lệ Đảng Cộng sản, cùng với tên của ông Mao và nhà cải cách kinh tế Đặng Tiểu Bình. Điều này có nghĩa là bất kỳ thách thức nào đối với sự cai trị của ông đều có thể bị coi là hành động phản quốc.