Matt Mahan

ads header

Breaking News

Bài phỏng vấn nhân chuyến ra mắt phim ở Montreal & Ottawa

Phỏng vấn Gs. Lê Thị Hiền Minh thuộc Đại học Quebec, Canada nhân dịp phim VIETNAMERICA về Ottawa
“ Họ Cười Vào Mặt Tôi Là Người Thiếu Hiểu Biết Và Ngây Thơ!”


LTG: Nhân dịp Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt, viết tắt (VAHF) đưa phim VIETNAMERICA tới trình chiếu tại Montreal vào lúc 1 giờ trưa thứ Bảy 29 tháng 4, 2017 tại rạp Theater Outremont số 1248 ave Bernard Ouest Montreal ĐT: (514) 495-9944 và tại Ottawa vào lúc 3 giờ chiều ngày 30 tháng 4, 2017 tại rạp Mayfair Theatre số 1074 Bank St Ottawa, ON, Canada K1S 3X3. ĐT: (613) 730-3403. Sau khi chiếu phim sẽ có phần gặp gỡ và thảo luận với Nhà sản xuất, đại diện hội VAHF và Ban Tổ chức. Đặc biệt suất chiếu tại Montreal sẽ có sự góp mặt của Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh, một trong những nhân vật chính trong phim, chúng tôi có thực hiện một số cuộc phỏng ngắn dành cho các nhà giáo, nhân sĩ và nhà hoạt động tại hai thành phố nói trên để tìm hiểu về những suy tư của họ về việc bảo tồn và nhất là truyền đạt cho giới trẻ về lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng như những mong đợi của họ khi phim VIETNAMERICA đến trình chiếu tại địa phương của họ.VIETNAMERICA, cuốn phim nói lên sự thực về chiến tranh Việt Nam và hành trình đầy máu và nước mắt của hơn 2 triệu người Việt đi tìm tự do sau khi đất nước rơi vào tay Cộng sản. Dưới đây là cuộc phỏng vấn với Giáo sư phụ khảo phân khoa Giáo Dục Sư Phạm Lê Thị Hiền Minh tại Đại học Université du Québec en Outaouais (UQO). Xin mời độc giả theo dõi.
• Triều Giang

Triều Giang: Chân thành cám ơn cô đã cho phép chúng tôi phỏng vấn cô trong dịp này. Xin cô cho biết sơ lược về thân thế và về truyền thống nhà giáo từ bao đời của gia đình cô?

Gs. Hiền Minh:  Vâng, cả hai bên nội ngoại của chúng tôi là nhà giáo. Bên nội: Bác Cả Lê Ngọc Huỳnh, dậy trường Chu Văn An từ khi còn là truờng Bưởi ở Hà Nội. Bên ngoại, Bác Cả và Dì, chị và em gái của mẹ, là cựu giáo sư trường nữ trung học Trưng Vương và Đaị Học Văn Khoa, ban Anh Văn. Chú rể, cố Gs. Đỗ Ngọc Long cũng là giáo sư triết trường trung học Trần Lục. Cả hai song thân ̣đều xuất thân là nhà giáo. Nói như vậy để chị thấy là việc làm nhà giáo tại Quebec này không chỉ là một nghề mà đã thành một cái nghiệp không những cho riêng chúng tôi mà cả đại gia đình với cô em họ bên ngoại cũng là giáo sư Pháp Văn tại Đai Học Merbourne, Úc Châu. Chúng tôi cũng được hân hạnh đóng góp vào việc đào tạo giáo sư dậy tiếng Pháp tại Đại Học Quebec, vùng Outaouais - Université du Québec en Outaouais.Điểm đáng nói nhất về truyền thống gia đình là từ bao đời, chúng tôi là những nhà giáo luôn có chí hướng học hỏi. Càng là thầy lại càng phải học và nêu gương tìm tòi học hỏi.  Đây là di sản của ông cụ chúng tôi cho chính con cháu mình sau một đời tận tuỵ  đóng góp xây dựng văn hóa Việt, con người Việt. Tinh thần hiếu học là điểm đáng nói nhất trong gia đình hai bên nội ngoại chúng tôi.

TG:  Xuất thân từ một đại gia đình mô phạm có truyền thống là nhà giáo và có quá trình hoạt động văn hóa lâu năm, thân phụ cô là giáo sư, nhạc sĩ, nhà biên khảo Lê Hữu Mục (*). Riêng cô đang giảng dạy môn Pháp Văn, đã từng đứng ra tổ chức Ngày Văn Hóa năm 2008 rồi Tuần Lễ Văn Hóa Việt Nam 2009, xin cô cho biết việc gìn giữ văn hóa Việt Nam tại hải ngoại có cần thiết hay không và tại sao?

Gs. Hiền Minh:  Chính trong tinh thần hiếu học của đại gia đình nói trên mà chúng tôi đã đứng ra tổ chức Ngày Văn Hóa Việt Nam - Vietnamese Cultural Day - đầu tiên tại Ottawa năm 2008 rồi tiếp đó là Tuần Văn Hóa Việt Nam - Vietnamese Cultural Week - năm 2009 với mục đích  huấn luyện giới trẻ trong Cộng Đồng VN tại Ottawa về kỹ năng chuyên môn cũng như tạo tinh thần phục vụ cộng đồng. Mỗi một tiết mục đã được trình bầy là một quá trình học hỏi có mục tiêu đào tạo rõ ràng.Giới trẻ Ottawa đã tham gia, đóng góp và phát triển rất nhiều khả năng cá nhân và tập thể. Các em đã tìm hiểu và thảo luận về căn tính - identity - Việt, cũng như đã cùng nhau tìm hiểu về Truyện Kiều trong năm 2008.

Năm 2009, các em đã trình diễn đàn tranh sau một năm trời tập luyện mỗi tuần với sự hỗ trợ của nhạc sĩ Sáu Trịnh (Ottawa) cũng như gs Trần Quang Hải và ca sĩ Bạch Yến đến từ Paris. Qua những gặt hái trông thấy, việc giữ gìn Văn Hóa Việt Nam rõ ràng có chỗ đứng không nhỏ trong tâm thức các bậc cha mẹ đã hết lòng ủng hộ, nâng đỡ, cũng như trong đời sống các em qua các sinh hoạt hàng tuần. Qua một video thực hiện cho buổi Thảo Luận về căn tính Việt dưới mắt người trẻ gốc Việt, tất cả các em đều cho thấy ý thức về những nét Việt Nam cần gìn giữ trong mỗi người Việt sống và lớn lên tại hải ngoại.

Giảng dậy tiếng Mẹ đẻ tại Quebec, chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hoá. 400 năm sau khi đặt chân đến mảnh đất này, cư dân gốc Pháp vẫn còn khắc khoải trong việc này cho chính họ, huống gì chỉ 40 năm cho Cộng đồng người Việt Nam.  Việc bảo tồn văn hoá gốc là một trong những mục tiêu cốt yếu trong chương trình giảng dậy tiếng Mẹ đẻ của Bộ Giáo Dục tỉnh bang Quebec.  Như vậy, so với nhu cầu của cư dân bản địa Quebec, gìn giữ văn hoá Việt Nam cũng là một nhu cầu sâu lắng trong đời sống hàng ngày của các em, song song với nhu cầu hội nhập vào văn hoá bản địa qua hai ngôn ngữ Pháp và Anh.  Được đóng góp hàng ngày vào công trình bảo tồn văn hoá tiếng Pháp tại Quebec qua việc giảng dậy, chúng tôi nhận thấy việc gìn giữ văn hoá Việt Nam là một phần không thể thiếu trong căn bản giáo dục cá nhân. Điểm rất quý là nhu cầu sống còn này được chính thức công nhận tại Quebec và Ontario, trong giới hạn của sự hiểu biết của chúng tôi, khi Bộ Giáo Dục chính thức ra chương trình dậy tiếng Việt như một sinh ngữ thứ ba (**) từ bậc tiểu học đến bậc trung học và cho phép các giáo viên giảng dậy tiếng Việt được chính thức hưởng lương ngạch của Bộ.

TG: Theo cô Lịch Sử Việt Nam, đặc biệt là Lịch sử của chiến tranh Việt Nam và người Việt hải ngoại có được phản ánh trung thực trong các sách báo, phim ảnh, sách giáo khoa tại Canada hay không? Xin cô cho ví dụ cụ thể.

Gs. Hiền Minh: Năm 1989, tôi lấy một lớp về truyền thông tại đại học Montreal và đã có dip phân tích phim Killing Fields với các bạn đồng môn người Quebec. Khi bàn cãi về chiến tranh VN, tôi đã có dìp thấy rõ sự hiểu biết sai lệch về cuộc chiến mà chính mình và tất cả đôǹg bào đã trải qua mối ngày trong suốt mấy chục năm qua: tất cả đều chắc như bắp đó là cuộc chiến của người VN chống lại sự xâm lăng của người Mỹ. Họ cười vào mặt tôi là người thiếu hiểu biết và ngây thơ.Những gì chúng ta đã biết là tuyên truyền xuyên tạc thì tại Châu Mỹ, đó là sự thật có phim ảnh là chứng cớ hiện thực.

TG: Lời khuyên của cô cho các bậc phụ huynh và nhất là các bạn trẻ muốn đi tìm nguồn gốc của mình cũng như những kinh nghiệm và hy sinh của các bậc cha ông để các em được sống tự do như ngày hôm nay.

Gs. Hiền Minh: Tôi chỉ xin nhắc lại những gì đã trả lời trong câu 1: Ý thức về thân phận và nguồn gốc của một người di dân rất quan trọng trên một mảnh đất mà mỗi người quanh mình đều có ý thức khá rõ ràng về gia sử tương tự của họ. Mỗi một người di dân được ví như một giống cây được đem đi trồng lại trên một mảnh đất mới, phải tự tranh đấu để sinh tồn với phong thổ mới. Mỗi một người, một thế hệ, đều trải qua một cuộc chiến riêng, không ai giống ai.Vì vậy càng có nhiều hiểu biết về chính mình và những người có hoàn cảnh giống mình thì càng bớt phạm những lỗi lầm đáng tiếc sau này. Con đường tìm hiểu về nguồn g̣ốc của chính mình là cả một quá trình học hỏi riêng tư mà mỗi chúng ta nên trân quý và nếu được thì chia sẻ rộng rãi, để mong giúp ích cho bao người khác cũng cần tìm hiểu và học hỏi.

TG: Lý do khiến cô tham gia buổi trình chiếu phim VIETNAMERICA tại Ottawa trong ngày 30 tháng 4, 2017 sắp tới (***)?

Gs. Hiền Minh: Với ý thức trên, tôi tham gia buổi trình chiếu với tâm tình của một người mẹ muốn biết con đường tìm về nguồn của chính con trai tôi qua một quá trình khả dĩ tương tự. Con tôi đã có rất nhiều trăn trở về căn tính VN của nó trong nhiều năm qua và trong vai trò của một người mẹ, tôi đã từng cảm thấy bất lực nên biết mình cần học hỏI về nhu cầu và kinh nghiệm của giới trẻ.

Một lần nữa, xin cám ơn đã cho chúng tôi có dịp phát biểu.

TG: Chân thành cám ơn cô một lần nữa về cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

______________________________________________________________________________
(*) Thông tin về Giáo sư, Nhạc sĩ, nhà Biên khảo Lê Hữu Mục: http://cothommagazine.com/ index.php?option=com_content& task=view&id=1234&Itemid=1

(**) Cư dân Việt Nam tại Quebec thường nói 2 thứ tiếng; Pháp và Anh. Do đó, học sinh phải học cả hai thứ tiếng tại các nhà trường. Khi học tiêng Việt trong lớp, đó là ngôn ngữ thứ 3 mà các em phải học.

(***) Độc giả muốn mua vé xem phim VIETNAMERICA tại Montreal: vé có bán tại Diễm Mi (514) 279-2466, Giáng Tiên (514) 274-6266, Saigon Video (514) 733-4320. Mọi chi tiết xin liên lạc với Thái Hà (707) 529-1868.Giá vé $20/1vé. Tại Ottawa: vé có bán tại Chợ Sài Gòn. Giá vé: $20/1vé. Mọi chi tiết xin liên lạc với: Thái Hà (707) 529-1868, Tony Nguyễn: (613) 355-5338, Hà Quyên  (613) 853-3395

Triều Giang thực hiện (04/2017)