Bắc Triều Tiên buộc phải cải tổ kinh tế
Du khách dùng tiền Trung Quốc mua hàng Bắc Triều Tiên trên sông Áp Lục, đường biên giới Trung-Triều (Ảnh chụp ngày 01/04/2017) REUTERS/Damir Sagolj |
(RFI) Cho tới nay, về mặt chính thức, chế độ Bắc Triều Tiên vẫn đi theo chủ thuyết Juche (Tự chủ) do cố lãnh tụ Kim Nhật Thành đề ra. Thế nhưng, theo các nhà phân tích trên thực tế, đang có những thay đổi về mặt kinh tế, tuy chế độ Bình Nhưỡng vẫn không nhìn nhận đó là cải tổ kinh tế.
Theo hãng tin AFP, ở Bình Nhưỡng bây giờ người ta có thể mua cà chua từ những người buôn bán nhỏ, tìm được nước giải khát Coca Cola tại một số chợ, thậm chí có thể đổi ngoại tệ ở chợ đen.
Trong khi miền Nam Triều Tiên đã phát triển rất mạnh trong những thập niên qua, trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, thì miền Bắc, do ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, thường xuyên gặp nạn đói. Tuy nhiên, giám đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế, thuộc Viện Khoa học Xã Hội Bắc Triều Tiên, Ri Sun Chol vẫn khẳng định với AFP: “Chúng tôi là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, cho nên về mặt kinh tế, chúng tôi phải theo đúng các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi sẽ không tiến hành cải tổ kinh tế theo hướng thị trường”.
Trên thực tế, theo các nhà nghiên cứu ngoại quốc được hãng tin AFP trích dẫn, một số quyết định của lãnh đạo Kim Jong Un chính là theo hướng này. Cụ thể, nhiều nông trường tập thể đã bị giải thể, đất đai được phân chia lại cho các cá nhân, nhờ vậy mà sản lượng đã tăng đáng kể.
Ngoài chỉ tiêu sản xuất cho Nhà nước, các lãnh đạo nhà máy nay được quyền tự đi kiếm nguồn cung cấp và khách hàng, tức là có thể tự ký các hợp đồng. Các công chức thì được lệnh không ngăn cản tư thương làm ăn, cho dù luật pháp vẫn cấm. Một số chuyên gia thẩm định rằng khu vực tư nhân nay có thể chiếm đến 1/4, thậm chí phân nửa tổng sản phẩm nội địa GDP của Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo AFP, phải rất thận trọng với những số liệu đó vì chính phủ Bình Nhưỡng không bao giờ công bố những số liệu thống kê chuẩn xác. Ngay cả các chuyên gia Hàn Quốc cũng không thể nói chắc chắn là kinh tế Bắc Triều Tiên trong năm 2015 đã tăng hoặc giảm.
Dầu sao thì những thay đổi hiện nay khiến người ta nhớ đến Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình vào những năm 1980 hay Việt Nam vào thời kỳ bắt đầu bỏ bao cấp. Bắc Kinh, đồng minh của Bình Nhưỡng, đã nhiều lần khuyến khích Bắc Triều Tiên noi gương của họ, dứt khoát đi theo con đường cải tổ kinh tế.
Theo giáo sư Andrei Lakov, thuộc Đại học Kookmin ở Seoul, thì Bắc Triều Tiên “không bao giờ thừa nhận là họ phải học người khác”. Nhưng lãnh đạo Kim Jong Un “biết rất rõ” là nền kinh tế thị trường đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển của Bắc Triều Tiên.
Ông Marcus Noland, thuộc Viện Peterson về kinh tế quốc tế, nhấn mạnh: “ Chừng nào mà các hoạt động đó về mặt lý thuyết vẫn trái pháp luật, thậm chí trong một số trường hợp có thể lãnh án tù, thì Nhà nước vẫn có thể lùi bước, khi cần”. Mặt khác, thú nhận có cải tổ kinh tế chẳng khác gì công nhận chẳng có khác biệt gì với miền Nam tư bản, trong khi đây là một trong những lý do tồn tại của chế độ cha truyền con nối ở Bình Nhưỡng.
Ông Noland nhắc lại rằng, trước đây Đặng Tiểu Bình đã dám khẳng định rằng Mao chỉ đúng 70% còn 30% kia là sai. Nhưng Kim Jong Un còn lâu mới dám nói cha hoặc ông nội sai, dù chỉ là sai 1%. Nhà lãnh đạo trẻ này không có sự chọn lựa nào khác là duy trì ảo tưởng về một sự tiếp nối ý thức hệ, cho dù ông đã thay đổi chính sách 180 độ.