Matt Mahan

ads header

Breaking News

Tìm hiểu về phong trào bảo vệ người lao động Việt Nam

Phỏng Vấn Ô. Nguyễn Quốc Khải về phong trào bảo vệ người lao động Việt Nam

26-3-2017

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm phát động phong trào bảo vệ người lao động Việt Nam (2006-2016), nhà báo Ca Dao (Lao Động Việt) đã phỏng vấn Ô. Nguyễn Quốc Khải, một trong những người khởi xướng ra phong trào này.

1- Xin anh có thể cho biết ý tưởng về Hội Nghị về Quyền Lao Động được khởi thuỷ từ đâu và trong dịp nào ?

Trong thời gian làm việc nhiều năm tại Ngân Hàng Thế Giới, tôi đã có dịp nghiên cứu về việc những người lao động ở những nước đang phát triển qua làm việc tại những nước công nghiệp hóa và gửi tiền về cho gia đình. Tiếng Anh gọi là workers’ remittances. Đây là nguồn tài chánh rất lớn. Vào đầu thập niên 2000, Việt Nam bắt đầu xúc tiến chương trình “xuất khẩu lao động”, tôi cũng đã nghiên cứu về số tiền do người lao động chuyển về Việt Nam. Nhân cơ hội này tôi đã khám phá ra rằng nhiều người lao động Việt Nam ở nước ngoài bị bóc lột như tại American Samoa, Mã Lai, Đài Loan, và Trung Đông. Do đó tôi nghĩ đến quyền lợi của công nhân Việt Nam và cần phải có một tổ chức để bảo vệ quyền sinh sống của họ.

Lý do thứ hai, sau nhiều lần tham dự sinh hoạt Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) hàng năm, mà lần họp mặt đầu tiên được tổ chức tại Dortmund, Đức Quốc vào 2002, tôi thấy cần phải làm một việc gì cụ thể hơn. Cuộc cách mạng dân sinh quan trọng không kém cuộc cách mạng dân chủ. Một trong những việc làm cấp thiết là cải thiện chế độ lao động tại Việt Nam. Quyền lao động cũng là một phần của nhân quyền. Về vấn đề nhân quyền tổng quát thì đã có Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) thành lập từ 1997 phụ trách.

2- Xin anh cho biết những nhân sĩ nào đã tham gia đầu tiên trong quá trình bàn thảo về Hội Nghị ?

Vì mục tiêu của bài phỏng vấn đòi hỏi và để minh bạch hóa vai trò của mỗi nhóm và mỗi cá nhân, tôi xin lỗi là tôi sẽ phải nói về cái tôi hơi nhiều. Ba người chủ động từ đầu là Nguyễn Quốc Khải, Nguyễn Cao Quyền, và Trần Nhật Kim. Chúng tôi cùng ở trong tổ chức Diễn Đàn Dân Chủ vùng Hoa Thịnh Đốn (DĐDC-HTĐ). Khi tôi đưa ra ý kiến vận động tổ chức một hội nghị lao động tại Ba Lan thì anh em trong DĐDC-HTĐ tán đồng ngay. Những anh Nguyễn Thanh Trang và Lê Minh Nguyên thuộc MLNQVN, và anh Lê Duy Cấn thuộc Liên Hội Người Việt ở Canada, là những người hỗ trợ nhiệt tình cũng ngay từ đầu. Tiếp theo là LS Nguyễn Tâm (không tham dự nhưng tài trợ), BS Lâm Thu Vân (Canada), chị Ca Dao (Pháp), chị Nguyễn Xuân Trang (Bỉ), các anh Nguyễn Minh Cần (Moscow), Nguyễn Chí Thiện (California), Trần Tử Thanh (VNQDĐ), Nguyễn Kim (Việt Tân), Trần Quốc Bảo (Phục Hưng).

Sau khi Hội Nghị Lao Động tại Ba Lan đã thành hình, nhiều anh chị em khác cũng tham gia như Đỗ Quý Toàn (Người Việt), Vũ Ánh (Người Việt), Đỗ Việt Anh (Người Việt),  Việt Hùng (RFA),  Bùi Mai Khanh (Việt Tide), Đinh Quang Anh Thái (Viet Tide), Trần Ngọc Sơn (Paris), Đỗ Mạnh Tri (Paris), Lý Thanh Trúc (Đức), Nguyễn Ngọc Hùng (Đức), Nguyễn Văn Tánh (Bỉ), Nguyễn Ngọc Bích (Nghị Hội Toàn Quốc Tại Hoa Kỳ), Trương Anh Thụy (Cành Nam), Trương Nhân Tuấn (Thông Luận), anh chị Ngô Chí Thiềng (California), Bùi Trọng Cường (Úc), v.v.

Chúng tôi chủ trương mở rộng cửa đón mời tất cả các đảng phái quốc gia và báo chị tham dự, nhưng chúng tôi rất tiếc nhiều người đã vắng mặt. Tất cả những anh em trong HMDC được mời tham dự, nhưng chỉ có một số nhỏ tham gia vì HMDC cũng có hội thảo hàng năm. Anh Lê Duy Cần ủng hộ, nhưng bận thành lập Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở Canada nên không tham gia vào BTC và tham dự được. Chị Jackie Bông được mời nhưng không tham dự. Anh Lacy Wright, chồng chị Jackie Bông (Hội Cử Tri người Mỹ gốc Việt) giúp biên tập tiếng Anh cho đặc san của hội nghị.

3- Xin anh cho biết diễn tiến từ ý tưởng biến thành hành động ra sao ?

Vào cuối 2005 có dịp qua Âu Châu, tôi đã ghé Ba Lan và nhờ a. Trần Ngọc Thành cùng quý anh chị trong nhóm Đàn Chim Việt (ĐCV) đứng ra tổ chức hội nghị tại địa phương vào 2006. Tôi đã chọn khẩu hiệu "Cơm ăn Áo mặc và Tự Do" cho hội nghị. Danh xưng Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (Committtee to Protect Vietnamese Workers CPVW) do tôi đề nghị dựa theo tên của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (Committee to Protect Journalists - CPJ).

Ban tổ chức địa phương ngoài a. Trần Ngọc Thành ra còn có các chị Mạc Việt Hồng và Tôn Vân Anh, quý anh Đinh Trung Nghệ, Nguyễn Thanh Sơn, Ngô Văn Tưởng, Chữ Văn Đông, Đỗ Xuân Cang (Tiệp), Nguyễn Tiến Nam (Tiệp)  và một vài anh chị em khác lâu ngày không gặp nên tôi không nhớ hết. Tôi có gặp Nhà Báo Lê Diễn Đức tại tư gia của a. Trần Ngọc Thành ở Warsaw, nhưng rất tiếc anh không chính thức tham dự Hội Nghị Lao Động. Nhóm ĐCV đã đóng góp rất nhiều trong việc tổ chức Hội Nghị Lao Động tại thủ đô Ba Lan như vận động với chính phủ Ba Lan cho dùng hội trường của Quốc Hội Ba Lan để họp Hội Nghị và cho phép viếng thăm thành phố Gdansk, nơi sanh của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan (Solidarity Movement).

Chúng tôi gặp một số trở ngại đáng kể vì sự phản đối của chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Trước ngày khai mạc Hội Nghị Lao Động Việt Nam khoảng hai tuần, chúng tôi mới được chính phủ Ba Lan chính thức cho phép mượn trụ sở Quốc Hội Ba Lan làm nơi hội họp.

Một chi tiết quan trọng là vấn đề yễm trợ tài chánh $8,000 do anh em bên Mỹ vận động được. Số tiền này do các tổ chức sau đây đóng góp: Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc, Diễn Đàn Dân Chủ Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn, Liên Hội Người Việt tại Canada, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Phong Trào Giáo Dân Hải Ngoại, Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam,Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ,Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, Việt Nam Cộng Hòa Foundation, và Vietnam Review. Những vị mạnh thường quân yểm trợ tài chánh gồm có ô. Bùi Quỳnh, GS Tôn Thất Thiện, LS Nguyễn Tâm, ô. Nguyễn Thanh Trang. TS Nguyễn Lê Nhân Quyền, và BS Phạm Toàn. Nhờ sự đóng góp rộng rãi này mà BTC Hội Nghị Lao Động Việt Nam có thể tài trợ một số anh chị em với nguồn tài chánh eo hẹp có thể tham dự và mời LS Lê Thị Công Nhân qua Ba Lan.

Để cổ động cho Hội Nghị Lao Động Việt Nam tại Ba Lan, một số anh em tại vùng thủ đô Hoa Kỳ đã chủ xướng và thực hiện được đặc San “Quyền Lao Động trong Cách Mạng Dân Chủ” (Workers’ Rights in a Democratic Revolution), gồm 29 bài phân tách và tài liệu liên quan đến Quyền Lao Động. Hội Đồng Điều Hợp Cơ Sở VNQDĐ Hải Ngoại nhận in miễn phí đặc san “Quyền Lao Động trong Cuôc Cách Mạng Dân Chủ tại Việt Nam”. Phí tổn in ấn 1,000 cuốn lên đến US$4,000. Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Việt Nam phụ trách phần thiết kế mỹ thuật và sắp xếp bài vở cho đặc san. Anh em trong DĐDC-HTĐ phụ trách bài vở.

4- Xin anh cho biết quá trình từ ý tưởng Hội Nghị về quyền Lao Động đến thành lập Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động ?


Khoảng trên 70 người từ Hoa Kỳ, Canada, Âu châu, và Úc châu đã tham gia Hội Nghị Lao Động Việt Nam. LS Lê Thị Công Nhân được mời tham gia, nhưng khi ra đến phi trường đã bị chính quyền Việt Nam chặn lại không cho lên máy bay. Vào ngày cuối cùng của Hội Nghị, chúng tôi đã họp lại để quyết định thành lập ra Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (UBBVNLDVN) và cử một số người vào Ban Chấp Hành. Anh Trần Ngọc Thành người được nhiều phiếu nhất được bầu làm chủ tịch. Hai đồng phó chủ tịch là a. Nguyễn Thanh Trang và và a. Nguyễn Ngọc Bích. Không ai tại Hội Nghị muốn làm Tổng Thư Ký, cho nên a. Đoàn Việt Trung (Úc), tuy không tham dự vào việc tổ chức Hội Nghị và cũng không đến dự Hội Nghị, đã được tiến cử vắng mặt vào chức vụ này theo ý muốn của anh. Rất tiếc là vài tháng sau Hội Nghị, a. Nguyễn Thanh Trang đã rút tên ra khỏi ban chấp hành của UBBVNLDVN-Ba Lan vì có mâu thuẫn giữa hai đồng Phó Chủ Tịch.

5- Ngoài ra, anh còn có điều gì chia sẻ thêm ?

Khi thuyết trình tại Hội Nghị Lao Động Việt Nam ở Ba Lan, tôi đã đưa ra kế hoạch thành lập ba Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, một tại Âu châu đặt tại Ba Lan, hai tại Mỹ châu đặt tại Hoa Kỳ và ba tại Úc châu. Sau đó ba ủy ban sẽ tập hợp thành một mạng lưới bảo vệ quyền lao động vì không gian rộng lớn, một ủy ban không thể làm có hiệu quả.

Do đó, khi về tới Hoa Kỳ, một số chúng tôi ở địa phương đã lập Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam tại đây. Một năm sau, UBBVNLDVN-HK cùng với Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), Ủy Ban Nhân Quyền tại Đức, và Liên Hội Người Việt ở Canada cùng nhau thành lập Liên Minh Bài Trừ Nô lệ Mới tại Á châu (Coalition to Abolish Modern Slavery in Asia – CAMSA) do sáng kiến của TS Nguyễn Đình Thắng.


Ngay khi vừa mới thành lập, CAMSA đã giải cứu được 3,200 công nhân làm việc và bị bóc lột trắng trợn tại Mã Lai trong đó có 1,600 công nhân Việt Nam và 1,600 công nhân. Một công ty tại Hồng Kông đã phải bồi thường khoảng $6,000 cho mỗi công nhân và trang trải tiền vé máy bay cho những công nhân muốn trở về nguyên quán. Sau đó, 176 công nhân Việt Nam bị bóc lột tại Jordan cũng đã được giải cứu với sự can thiệp trực tiếp của Vua Jordan Abdullah II và sự tiếp tay của Dân Biểu  Hoa Kỳ Christopher Smith.  CAMSA tiếp tục hoạt động cho đến ngày hôm nay.

Vào 2008, UBBVNLDVN-HK cũng đã vận động thành công với chính phủ Hoa Kỳ không chấp thuận cho Việt Nam hưởng Quy Chế Ưu Đãi Phổ Quát (Generalized System of Preference – GSP) vì Việt Nam chưa tuân theo Luật Lao Động Quốc Tế, đặc biệt vi phạm quyền thành lập công đoàn độc lập và quyền đình công. Theo luật Hoa Kỳ, những quốc gia nào thỏa mãn luật Lao Động sẽ được miễn thuế nhập cảng khoảng 6,000 món hàng vào Hoa Kỳ. Điều kiện này cũng áp dụng cho Việt Nam nếu muốn gia nhập Thương Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans - Pacific Partnership – TPP). Một phần vì Úc không thành lập được ủy ban BVNLĐ-UC, hai năm sau Ủy Ban BVNLD-HK sát nhập vào CAMSA.  Dưới danh nghĩa CAMSA, anh em chúng tôi đã quyên góp và gửi về Việt Nam những số tiền đáng kể để yểm trợ những anh chị em hoạt động về quyền lao động ở trong nước, nhất là những người bị tù đầy vì bênh vực quyền lợi của người lao động.

Việc a. Trần Ngọc Thành công khai chủ trương tuyên truyền, huấn luyện và sử dụng những người lao động để lật đổ chế độ độc tài CSVN là một sai lầm nghiêm trọng. A. Thành từng tuyên bố với báo chí “giới công nhân sẽ là lực lượng chủ yếu trong công cuộc đánh đổ chế độ độc tài toàn trị.” Chủ trương này không phù hợp với phong trào cách mạng dân sinh hiện nay. Tôi thiết nghĩ Lao Động Việt nên dứt khoát không đi theo đường lối của Trần Ngọc Thành trái với mục tiêu của cuộc Cách Mạng Dân Sinh. Việc hai anh Trần Ngọc Thanh và Đoàn Việt Trung không còn ở trong Lao Động Việt là một điều đáng tiếc nhưng hợp tình hợp lý để giữ cho tổ chức được trong sạch.