Matt Mahan

ads header

Breaking News

Việt Dzũng, tiếng hót chim sơn ca

Việt Dzũng 1958-2013
VIỆT DŨNG, TIẾNG HÓT CHIM SƠN CA

Ngô Quốc Sĩ

Việt Dũng thật là Nguyễn Ngọc Hùng Dũng, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1958 tại Sài Gòn. Cha là Nguyễn Ngọc Bảy, người Nghệ An, cựu dân biểu Hạ nghị viện thời Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam. Mẹ là cựu giáo sư Trường Nữ Trung học Gia Long.

Trước 75, anh đã sinh hoạt nhạc trẻ bên cạnh Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc.. Năm 1975, anh vượt biển đến Singapore, sau đó đến Philippines rồi sau sang Hoa Kỳ định cư.

Tại hải ngoại, Việt Dũng đã sáng tác một số bản nhạc rất phổ biến như "Một chút quà cho quê hương", "Lời kinh đêm", "Tình ca cho Nguyễn Thị Sài Gòn". Anh đã cùng Nguyệt Ánh, đi lưu diễn nhiều nơi ở Mỹ, Úc, Nhật Bản, Âu châu, mở đường cho Phong trào Hưng ca ở hải ngoại.

Do hoạt động tích cực trong phong trào chống Cộng, Việt Dzũng và Nguyệt Ánh bị nhà cầm quyền Việt Nam tuyên án tử hình khiếm diện.

Ca nhạc sĩ Việt Dũng đã đi vào lòng dân Việt với nhiều rung cảm sâu xa, từ niềm đau vượt biển, đến nỗi đau trại cấm, trại tù, cũng như những nỗi uất ức của dân oan và nói chung là nỗi xót xa của dân Việt bị cộng sản đày đọa.

Trước hết là thảm nạn thuyền nhân. Các nhà thơ Huy Lực Bùi Tiến Khôi, Lưu Văn Giỏi, Bùi Minh Hằng, Bảo Tuấn đã nói nhiều về thảm nạn vượt biên. Trong lãnh vực âm nhạc, ca nhạc sĩ Việt Dũng là một chứng nhân sống, đã cảm nghiệm nỗi đau chất ngất của nguời bỏ nước ra đi, tìm cái sống mong manh trên những con thuyền bé nhỏ như chiếc lá giữa đại dương mênh mông:

Thuyền trôi xa về đâu ai biết
Thuyền có về ghé bến tự do.
Trời cao xanh hay trời oan nghiệt.
Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ…
Trời chơ vơ ôi người bơ vơ.
Người vẫn ôm mảnh ván rũ mục.
Lời kinh cầu từng hồi nấc nghẹn.
Lời mẹ buồn giữa tiếng Amen.

Nhờ ơn trên, thuyền nhân đã vượt được trùng dương, thoát được sóng gió hiểm nguy, nhưng lại phải đối diện với những nghiệt ngã tại trại cấm. Người nhẫn tâm che khuất niềm vọng vừa chớm nở của những con người đã đem mạng sống đổi lấy tự do:

Bên em đang có ta, thống thiết kêu vang lương tâm thế gian
Cứu vớt em rời khỏi ngày u ám, giữa trại giam
Khóc trong lầm than
Khóc trong trại giam …
Khi con tim thế nhân, chưa thờ ơ, chưa lạnh lùng
Thì cùng nhau đêm nay hát lên, lời hát chung
Cho em tôi héo hon, đang ngửa tay xin tình người
Dòng lệ rơi trên đôi má khô trong lẻ loi...

Điểm nổi bật trong ca nhạc Việt Dũng là khát vọng tự do. Anh đã hiến dâng thân xác, khối óc và con tim cho công cuộc vận động cho tự do dân chủ cho Việt Nam. Trên các làn sóng truyền thông, anh là tiếng nói dân chủ bất khuất. Trên sân khấu văn nghệ, anh là nghệ sĩ của tình người. Còn trong âm nhạc, anh xứng đáng là một chiến sĩ văn hóa:

Tôi là người chiến sĩ đã xông pha chiến trường
Tuổi trẻ xin dâng hiến cuộc đời cho quê hương
Bỗng một ngày mất nước
Dĩ vãng là đau thương…
ước mơ sẽ có ngày được làm chim xoải cánh
Ra biển trời tung bay
Hãy cho tôi tự do
Hãy cho tôi tự do

Việt Dũng luôn luôn cánh cánh bên lòng sứ mệnh làm một cái gì cho quê hương để đền ơn cưu mang của mẹ Việt Nam. Nếu Hoàng Phong Linh đã hứa mẹ: “Mẹ Việt nam ơi! Chúng con vẫn còn đây, không phản bội dòng sữa thơm nuôi dưỡng”, thì Việt Dũng cũng hứa sẽ về với mẹ như máu chảy về tim, như cánh nhạn mang tin vui về cho mẹ đang thoi thóp mong chờ:

Từng đứa con như dòng suối nhỏ
Chảy về đâu trong cuộc đời đó
Từng đứa con như mạch máu đỏ
Từ con tim của mẹ vô bờ
Bao ngày con đi
Bao năm mẹ chờ
Chờ hè tới thu qua
Chờ đông đến xuân sang

Chờ những gì? Hẳn là Mẹ Việt Nam mòn mỏi mong chờ tin vui. Đó là tin về những thành đạt của đàn con tha hương, nhưng luôn luôn hướng về Tổ Quốc, dành trọn con tim cho quê hương, với uớc mơ tự do dân chủ cho trên 90 triệu dân Việt đang bị đày đọa:

Chờ nghe những tin vui
Những đứa con của mẹ từ phương xa hay gần bên ấy
Những đứa con sẽ về để mẹ tôi trông đứng trông ngồi
Từng đứa con như dòng suối nhỏ
Chảy về đâu trong cuộc đời đó
Từng đứa con như mạch máu đỏ
Từ con tim của mẹ vô bờ

Biết mẹ đang mòn mỏi trông chờ, người con yêu Việt Dũng chỉ biết dâng về mẹ một chút qùa, nhưng là chút qùa cay đắng nghẹn ngào, như lời ru não nuột, vỗ về thân phận đọa đày của dân tộc:

Gửi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đày
Gửi về cho mẹ dăm gói chè xanh
Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn

Quê hương Việt nam dấu yêu hôm nay chỉ còn là những dòng nước mắt. Nước mắt của tinh hoa đất Việt rũ liệt trong trại tù. Nước mắt của những thiếu nữ phải bán thân nuôi miệng. Đó cũng là nước mắt của tín hữu nghẹn ngào nhìn thánh đường chùa chiền bị san bằng, hay nước mắt của người trẻ trước tương lai ngõ cụt, không được quyền yêu nước, yêu tự do dân chủ! Và tiêu biểu nhất là những dòng nước mắt uất nghẹn của dân oan, bi cuớp nhà cướp đất:

Hãy trả tôi tiếng nói của vạn người dân oan
Cuộc đời khao khát một chút bình yên
Sẽ vùng lên bất khuất vì một ngày Việt Nam
Sẽ đập tan áp bức vì một ngày Việt Nam...

Thế đó! Nước mắt mẹ đã khô, tim mẹ đã héo, nhưng mẹ ơi! Chúng con vẫn còn đây, vẫn mơ ước ngày về bên mẹ thanh bình:

Gửi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước 1 ngày quê hương sẽ thanh bình

Một ngày Việt Nam thanh bình. Một ngày Việt Nam mơ ước, không có bóng dáng bọn đao phủ không tim không óc, không còn mã tấu dao găm, gông cùm xiềng xích của bọn qủy đỏ. Một ngày Việt Nam nhất định sẽ tới, nhưng thương thay cho Việt Dũng! Anh đã ra đi khi mộng chưa thành! Anh đã lìa mẹ về Đất! Con chim sơn ca đã ngừng tiếng hót! Thương anh và nhớ anh vô vàn..