Ngô Quốc Sĩ: Dân Chủ và Dân Ý
Ngô Quốc Sĩ
Dân chủ là dân làm chủ. Dân ý là ý muốn của dân. Dân chủ và dân ý là 2 ý niệm gắn liền với nhau như hình với bóng trong các xã hội dân chủ. Hai ý niệm đó không thể có được trong xã hội độc tài chuyên chế như Trung quốc, Bắc Hàn và Cộng sản Việt Nam. Riêng tại Hoa Kỳ, cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 8 tháng 11 vừa qua, đã thể hiện rõ rệt truyền thống dân chủ và dân ý của người Mỹ, vốn được coi kiểu mẫu của nền dân chủ chân chính.
Có thể nói cuộc chạy đua vào tòa Bạch Ốc năm nay tại Hoa Kỳ là cuộc chạy đua gay cấn nhất, hồi hộp nhất, tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhà tỷ phú Donald Trump, đã thắng bà Hillary một cách khá bất ngờ, ngoài dự đoán của các nhà phân tích chính trị chuyên nghiệp, cũng như giới truyền thông vốn có khuynh hướng thiên tả. Phải nói là bà Hillary Clinton và đảng dân chủ đã thua một cách đau đớn, như chính bà Hillary đã nhìn nhận “Đây là nỗi đau sẽ kéo dài mãi mãi”. Tuy là nỗi đau khôn nguôi, nhưng các phân tích hậu bầu cử đã nêu lên một điểm chung khá tích cực, đó là “ý dân đã toàn thắng.”
Thật vậy. So sánh 2 ứng viên Dân Chủ-Cộng Hòa, người ta ghi nhận bà Hillary có nhiều lợi thế hơn ông Trump và nắm chắc phần thắng. Nào là bà đã từng là Đệ Nhất Phu Nhân, đã từng là Thượng Nghị Sĩ, và nhất là từng Ngoại Trưởng Mỹ với kinh nghiệm chính trị đầy mình. Còn ông Trump chỉ là một nhà kinh doanh địa ốc, một nhà tài tử truyền hình, không liên hệ gì tới chính trị! Thế nhưng ông Trump đã thắng cử một cách vẻ vang, chính nhờ dân ý. Ông Trump đã đánh trúng tâm lý của người dân Hoa Kỳ đang chờ đợi một sự thay đổi, trong khi bà Hillary lại chủ trương tiếp nối con đường của Obama, giữ nguyên trạng “status quo” bị coi là một thất bại! Dân Mỹ muốn thay đổi vì thật sự cảm thấy lo âu trước tình trạng an ninh nội bộ và thế giới đang bị đe dọa trầm trọng bởi nạn khủng bố và bạo loạn cũng như tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Dân Mỹ cũng muốn thay đổi vì lo sợ kinh tế tuột dốc khi lợi tức và công ăn việc làm bị chuyển ra nước ngoài, khi nợ nần chống chất. Nhất là người Mỹ cũng không mấy an tâm trước khuynh hướng cấp tiến, cổ võ phá thai, hôn nhân đồng tính, được coi là đi ngược với Hiến Pháp và tuyền thống đạo đức cổ truyền của Hoa Kỳ. Đặc biệt nhất là người Mỹ không muốn thấy uy tín của nước Mỹ bị hạ thấp do lãnh đạo yếu kém, thiếu cương quyết và viễn kiến, được dư luận gọi là lãnh đạo “vuốt đuôi” (Lead from behind).
Tuy cuộc vận động tranh cử có những điểm tiêu cực, phơi bày đời tư của đối thủ, lời lẽ không mấy thanh tao, có cả mánh khóe và thủ đoạn, nhưng nói chung, ý dân đã thắng, và nhiều người còn coi đó là ý trời “Ý dân là ý trời”. Điểm đáng nói nhất, là sau khi ông Trump thắng cử, các đối thủ đã từng xỉ vả ông hết lời, tiêu biểu như bà Hillary, ông Obama, và cả gia đình Bush, John McCain, Mitt Romney đều tỏ ra hòa hoãn, chúc mừng chiến thắng và chúc cho ông Trump thành công trong sứ mệnh làm cho nước Mỹ vĩ đại hơn..
Từ cuộc vận động tranh cử và sự thắng cử của ông Trump, chúng ta không khỏi ngậm ngùi khi nhìn về hiện thực chính trị đáng buồn tại Việt Nam. Tại Việt Nam, cụm từ “nhân dân” đang là khẩu hiệu nằm lòng trên đầu môi cửa miệng của cán bộ đảng viên cũng như tuyên truyền cộng sản. “Chính quyền nhân dân”, “ Quân đội nhân dân”, “Công an nhân dân”.Nhưng thực tế, nhân dân hoàn toàn bị đẩy ra khỏi hệ thống chính trị độc tài toàn trị, sống bên lề xã hội, nên mới có hiện tượng dân oan, giáo oan, trí thức oan, truyền thông oan và tuổi trẻ oan hôm nay..
Những cuộc bầu cử để chọn người lãnh đạo Việt Nam thì hoàn toàn vô nghĩa, vì người dân không có quyền góp ý, tham gia hay quyết định chọn lựa. Mọi nhân sự từ thấp lên cao đều do Đảng sắp xếp, “đảng cử dân bầu”, nên bầu cử chỉ là giả hiệu và dân chủ chì là bánh vẽ, dân ý chỉ là phỉnh gạt lừa dối. Nếu có một ai dám lên tiếng công khai góp ý thì liền bị lên án là “suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức” và sẽ bị khép vào tội phản động, phá rối trị an, bị kích động bởi các thế lực thù địch..Nguyễn Đắc kiên, Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm và Lưu Văn Vịnh là những trường hợp tiêu biểu.
Điều đáng nói nhất là tại các nước dân chủ, người dân có quyền phê bình lãnh đạo một cách công khai, bảo đảm sự trong sáng chính trị, đặt quyền lợi của đất nước trên quyền lợi cá nhân hay phe nhóm. Tại Hoa Kỳ, những cuộc rọi đèn vào Obama, Hillary Clinton, cũng như Donald Trump, là những động thái cần thiết giúp người dân nhận thức đúng đắn và xây dựng lãnh đạo xứng đáng. Cũng tương tự, tại các nước dân chủ khác, người dân cũng đang rọi đèn vào lãnh đạo, như Tổng Thống Phác Cân Huệ tại Nam Hàn, Thủ Tướng Angela Merkel tại Đức quốc, cũng như Shinzo Abe của Nhật Bản, là những thể hiện dân chủ và dân ý thật ý nghĩa đáng khích lệ và noi gương.
Thế giới là thế. Nhưng tại Việt Nam, không những người dân không có quyền phê bình lãnh đạo, mà còn phải tô bóng lãnh đạo bằng ngụy tạo, nịnh hót và nâng bi một cách bỉ ổi. Ngày nào, Hữu Loan trong Nhân Văn Giai Phẩm đã lột mặt bọn vong nô:
Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế đô Dân Chủ Cộng Hòa
Những thằng nịnh còn thênh thang đất sống
Không quần chùng áo thụng
Không thang đàn bà
Nhưng còn thang lưng thang lưỡi
Những mồm không tanh tưởi
Ngậm vòi đu đủ
Trợm mắt phùng mang
Thổi vào rốn cấp trên..
Ngày nay, bọn “con cháu Bác” cũng đang tiếp tục ngậm vòi đu đủ, trợn mắt phùng mang thổi vào tập đoàn lãnh đạo vừa ngu đốt, vừa phản bội, đến nỗi Bùi Minh Quốc đã phải thốt lên:
Và bạn bè văn chương một thuở
Đứa nhơn nhơn vác bút đi bồi
Thằng vênh vang chức tước ăn chơi
Thằng lon ton kiêm nghề mật vụ
Càng so sánh, càng nghĩ về Việt Nam, chúng ta càng cảm thấy tủi hổ. Không những tủi hổ vì những lố lăng trong xã hội băng hoại, tủi hổ vì bọn vong quốc vong bản phá hoại đất nước, mà cốt yếu là tủi hổ vì dân ý bị đè bẹp bởi đảng ý, dân chủ bị chà đạp bởi đảng chủ! Dân Việt phải đợi đến bao giờ mới có bầu cự tự do, mới thể hiện được dân ý trên con đuờng xây dựng dân chủ?
Ngô Quốc Sĩ