Thiếu hợp tác, các cường quốc không thể ngăn chận Triều Tiên
Truyền hình Hàn Quốc chiếu cảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hoan ngênh vụ bắn thử tên lửa từ tầu ngầm. Ảnh chụp tại Seoul ngày 25/08/2016. JUNG YEON-JE / AFP |
Hôm qua, Bắc Triều Tiên đã bắn thử nghiệm thành công một tên lửa từ tàu ngầm, bay được đến 500 km về phía Nhật Bản. Cuộc thử nghiệm này khẳng định một bước tiến lớn trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, vì cho tới nay vì các tên lửa phóng từ tàu ngầm của Bắc Triều Tiên không vượt quá khoảng cách 30 km.
Trước vụ thử nghiệm hôm qua, ngày 03/08, chế độ Bình Nhưỡng cũng đã bắn thử hai tên lửa đạn đạo, trong đó một tên lửa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, tên lửa kia đã phát nổ sau khi được phóng đi.
Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng đã bắn một tên lửa tầm xa vào tháng 2, bắn một tên lửa tầm trung vào tháng 6, bắn 3 tên lửa đạn đạo vào biển trong tháng 7. Ấy là chưa kể vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư, được tiến hành vào tháng Giêng.
Như vậy, Bắc Triều Tiên là mối đe dọa ngày càng lớn về an ninh đối với khu vực cũng như thế giới, bởi vì công nghệ tên lửa gắn liền với khả năng hạt nhân của nước này.
Theo Uỷ Ban Quốc Gia về Bắc Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, Bình Nhưỡng được cho là đang nắm trong tay hơn 1000 tên lửa các loại, bao gồm cả những tên lửa đạo đạo liên lục địa, có thể được sử dụng để bắn đầu đạn nguyên tử.
Hôm nay, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un còn kêu gọi các nhà khoa học của nước này nỗ lực làm việc để tiến tới trang bị đầu đạn hạt nhân cho toàn bộ các tên lửa đạn đạo để chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh toàn diện và chiến tranh hạt nhân với bọn đế quốc Mỹ”.
Thành công của cuộc bắn thử tên lửa hôm qua một lần nữa khiến công luận quốc tế phải đặt câu hỏi : Vì sao cho tới nay các cường quốc vẫn không thể ngăn chận được Bắc Triều Tiên, mặc dù quốc gia này đã vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ?
Câu trả lời rất đơn giản : Hiện giờ chỉ có ba cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc (và cũng là ba trong số năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an) là có thể ngăn chận được Bắc Triều Tiên leo thang, thế mà ba cường quốc này vẫn không hợp tác với nhau, do hiện giờ lợi ích của họ không tương đồng với nhau. Đó là nhận định của ông Michael Ivanovitch, chủ tịch hãng nghiên cứu MSI Global, được đài truyền hình Mỹ CNBC hôm nay trích dẫn.
Theo giải thích của ông Ivanovitch, ba cường quốc nói trên đã từng là các phe đối nghịch nhau trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và cho tới nay những hệ quả của cuộc xung đột quốc tế này vẫn chưa được giải quyết xong.
Tranh cãi gay gắt về hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Hoa Kỳ sẽ đặt ở Hàn Quốc phản ánh những căng thẳng dằng dai giữa ba cường quốc. Seoul và Washington muốn dùng THAAD để đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh và Matxcơva lại phản đối, cho rằng chính hệ thống này mới là mối đe dọa cho an ninh khu vực.
Sư phản đối quyết liệt hệ thống THAAD làm giảm đi hy vọng là Trung Quốc sẽ giúp chặn đứng chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mặc dù chính Bắc Kinh nay cũng lên án những vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Về phần mình, nhà phân tích Harry Sa, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cũng thấy rằng ba nước Mỹ, Nga, Trung Quốc vẫn có lợi ích địa chính trị khác nhau trên bán đảo Triều Tiên và điều này cản trở khả năng ba cường quốc đi đến đồng thuận về các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng.