Matt Mahan

ads header

Breaking News

Nhục nhã Shangri-La

Thượng tướng CSVN Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Đối thoại Shangri-la 2016. (Nguồn hình: vietinfo.eu)
Nhục nhã Shangri-La
Người Buôn Gió

Mấy năm gần lại đây, đại diện Việt Nam đến hội nghị Shangri-La càng ngày càng xuống cấp. Lần trước là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2013, năm 2014 là bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh. Năm 2015 là thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng, đến năm 2016 này vẫn là ông Nguyễn Chí Vịnh.

Ở năm 2013 và 2014 các ông Nguyễn Tấn Dũng và Phùng Quang Thanh đều có những bài phát biểu khá mạnh mẽ. Thậm chí ông Phùng Quang Thanh còn cụ thể đưa vấn đề giàn khoan của Trung Quốc vào phát biểu của mình.

Năm 2015 thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam đến Shangri-La không có bài phát biểu nào. Ông Vịnh nại ra lý do ông đi thay ông bộ trưởng Phùng Quang Thanh bận việc trong nước, nên đoàn Việt Nam không có phát biểu.

Quan điểm của tướng Vịnh trước sau như một, có thể khái quát trong những điểm lớn sau.

– Đối sách 3 không. Không liên minh, đồng minh quân sự với nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không dựa vào nước này chống nước kia.

Chính sách 3 không này được Nguyễn Chí Vịnh tôn thờ từ năm 2010 trong lần ông Vịnh đến Trung Quốc vào năm 2010. Chính sách 3 không được tuyên bố khi mà báo giới quốc tế lo ngại về sự gia tăng quân sự của Trung Quốc tại biển Đông và trông chờ vào phản ứng của Việt Nam.

Chính sách 3 không khiến người ta có cảm giác Việt Nam không hề có sự tranh chấp chủ quyền nào với Trung Quốc. Hay nói chính xác hơn Việt Nam không hề bị Trung Quốc xâm phạm về chủ quyền. Một chính sách bàng quan như không có gì.

Đến năm 2016 Nguyễn Chí Vịnh lại có mặt tại hội nghị Shangri-La, lý giải vẫn như lần trước ông đi thay bộ trưởng. Nhưng lần này ông Vịnh có bài phát biểu, nội dung bài phát biểu của ông Vinh được đăng lại toàn văn trên báo Đất Việt.

Trong bài phát biểu của mình, Vịnh không hề nhắc đến Việt Nam, cũng không nhắc đến thủ phạm gây hấn Trung Quốc. Vịnh khái quát khu vực có những tiềm ẩn mâu thẫn như Việt Nam không hề liên quan trực tiếp gì, có thiệt hại trực tiếp gì ở trong những xung đột, mâu thuẫn đó. So với bài phát biểu trước đó của bộ trưởng Phùng Quang Thanh, có thể thấy sự hời hợt, chiếu lệ của Nguyễn Chí Vịnh và thái độ 3 không mà ông ta tôn thờ.

Trong cuộc gặp bên lề với phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc, đô đốc Tôn Kiến Quốc. Vịnh cũng không đề cập gì đến biển Đông. Thay thế vào đó Vịnh nói viển vông về quân đội tham gia giữ hoà bình ở Liên Hiệp Quốc, khẳng định tình hữu nghị quân đội hai nước… cuối cùng Vịnh mời chiến hạm Trung Quốc đến thăm Việt Nam, như muốn để chứng minh lòng thành thật chính sách 3 không của mình.

Đền đáp lại sự chân thành của Nguyễn Chí Vịnh, vừa bước chân ra khỏi phòng hội đàm, lập tức Trung Quốc cho phát tờ rơi trắng trợn tuyên bố chủ quyền ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tố cáo Việt Nam đang xâm lược chủ quyền biển đảo của họ.

Một cái tát tráo trở và đầy bất ngờ của Trung Quốc vào mặt Nguyễn Chí Vịnh. Từ một kẻ xâm lược, Trung Quốc đã khôn ngoan tận dụng sự né tránh của Vịnh để biến Trung Quốc thành nạn nhân bị Việt Nam xâm lược.

Dư luận quốc tế sẽ nghĩ gì khi thấy Vịnh không hề một câu lên án Trung Quốc tại diễn đàn Shangri-La, trái lại Vịnh còn ca ngợi tình hữu nghị hai bên, mời tàu Trung Quốc đến thăm Việt Nam. Và hơn cả Việt Nam không cần liên minh, đồng mình với ai để giữ chủ quyền cả. Chỉ có kẻ đi ăn cướp mới hành xử không cần ai giúp, chứ người bị cướp ắt hẳn đã la lối và nhờ vả khắp nơi.

Dường như Nguyễn Chí Vịnh đang âm thầm biến Việt Nam trong con mắt quốc tế thành một kẻ đi ăn cướp. Càng rõ ràng điều ấy hơn, là sau cuộc hội đàm với Trung Quốc được Vịnh cho là hữu nghị. Thì chính Trung Quốc phát tờ rơi tố cáo Việt Nam xâm lược chủ quyền của họ.

Nhục nhã và muối mặt, Vịnh trả lời báo chí về việc Trung Quốc rải truyền đơn như sau: “Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ không làm như vậy. Vì Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn mở, công khai và minh bạch. Tại đây, tất cả các nước đều tôn trọng, lắng nghe nhau.Nếu ai đó muốn tuyên truyền về chủ quyền của mình, theo lý lẽ của mình, thì họ nên lên diễn đàn và nói công khai, minh bạch. Điều đó tốt hơn rất nhiều so với việc phát những tờ rơi với nội dung như vậy”

Nếu là tôi, tức Vịnh nói mình. Một kiểu nói bất nhất hèn hạ. Chính Vịnh đã lên diễn đàn phát biểu, điểm lại trong toàn văn bài phát biểu của mình. Có đoạn nào Vịnh dùng lý lẽ để tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam hay không? Không hề có một từ về chủ quyền Việt Nam, không hề lên án biển đảo Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược. Vậy mà Vịnh còn mở mồm nói nếu là tôi sẽ thế này, thế kia…

Cả một phái đoàn quân đội thêm cả phái đoàn an ninh do Bùi Văn Nam dẫn sang hội nghị. Mà không biết ai là người phát truyền đơn? Việc phát truyền đơn của Trung Quốc là công khai ở nhiều hội nghị, không phải ở Shangri-La mà ở nhiều hội nghị khác trên thế giới có nội dung liên quan đến biển Đông, kể cả là hội nghị chỉ chuyên môn về dầu khí hay môi trường, khai thác thuỷ hải sản. Trung Quốc cho người phát truyền đơn bằng tiếng Anh, những người phát đứng đó sẵn sàng đại điện chính phủ họ trả lời mọi câu hỏi họ là ai và phát truyền đơn vì sao.

Nếu như không biết là ai phát truyền đơn, có lẽ không nên để Vịnh và Nam làm tướng lĩnh nữa làm gì. Việc như thế còn không biết thì biết được việc gì. Một ông tướng từng là chủ bộ phận tình báo quân đội, một ông tướng chủ bộ phận tình báo công an. Nói là không biết thì quá nhục cho ngành tình báo nước nhà.

Thực ra Vịnh giả vờ không biết, vì biết, Vịnh sẽ phải lên án Trung Quốc, đó là điều Vịnh không dám làm.

Trích bài báo: “Hôm 4/6, trả lời câu hỏi của báo chí quốc tế về việc đoàn Trung Quốc phát các tài liệu xuyên tạc vấn đề Biển Đông nói trên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói rằng, ông không biết cụ thể người nào đã phân phối những tài liệu này”.

Sau cú tát trắng trợn của Trung Quốc qua việc rải truyền đơn tố cáo Việt Nam xâm lược này, liệu Nguyễn Chí Vịnh còn nuốt nổi nhục nhã để nêu cao đề nghị hơp tác hữu nghị với quân đội Trung Quốc nữa hay không? Liệu Vịnh còn tin tưởng vào tình hữu nghị để trông cậy hay không?

Tất nhiên là còn, nếu như Vịnh vẫn được cử làm người phụ trách ngoại giao của quân đội Việt Nam.

Nếu muốn chứng minh Việt Nam kiên quyết giữ vững chủ quyền, bằng nhiều sức mạnh tổng hợp và toàn diện, nhiều biện pháp… như Đảng CSVN tuyên truyền. Việc ngay bây giờ là thay thế Nguyễn Chí Vịnh, kẻ vừa mang về cho Việt Nam một sự nhục nhã ở hội nghị Shangri-La vừa qua.

Nguồn: Blog Người Buôn Gió