Matt Mahan

ads header

Breaking News

Những vụ án vu khống và phỉ báng liên quan đến người Việt


Bài học về pháp luật: vu khống và phỉ báng trong cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ 

Trong 15 năm vừa qua, tòa án Hoa Kỳ đã xử sáu vụ vu khống và phỉ báng lớn liên quan đến người Việt. Trong tất cả các vụ kiện này, các nạn nhân đều bị chụp mũ là Cộng Sản. Tòa đã phạt nặng nề các bị cáo như sau: 1*

1/ Vào 2003, tòa án Quận Denver, tiểu bang Colorado kết tội ban quản trị chùa Như Lai tại Colorado là đã vu khống và phỉ báng hai chị em Hồ Thị Thu và Hồ Thị Thi là Cộng Sản sau khi họ tố cáo một nhà sư của chùa này có hành vi tình dục bất chánh. Hai cô này được tòa xử thắng $4.8 triệu.

2/ Vào 2006, Tòa Thượng Thẩm của Minnesota tuyên bố ông Tuấn Phạm, một cựu quân nhân QLVNCH và chủ nhân ngôi chợ Capital Market tại Saint Paul, thắng kiện. Ông Tuấn được bồi thường $693,000 vì một số người Việt ở đây đã chụp mũ ông là Cộng Sản.

3/ Vào 2009, Tòa Thượng Thẩm của tiểu bang Washington phán quyết năm cá nhân trong Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng phải liên đới bồi thường $225,000 cho ông Tân Thục Ðức, 65 tuổi, cựu trung úy QLVNCH vì đã chụp mũ ông là Cộng Sản. Ngoài ra tòa cũng bồi thường $85,000 cho Cộng Đồng Việt Nam của Thurston County do Ô. Đức thành lập để giúp những người tị nạn.

4/ Vào 2011, tòa án của quận Montgomery, tiểu bang Maryland đã ra lệnh cho bà Ngô Thị Hiền thuộc Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, và ông Ngô Ngọc Hùng của đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại, phải bồi thường $1 triệu cho ông Hoài Thanh, cựu chủ nhiệm tuần báo Ðại Chúng tại Maryland. Phán quyết này dựa trên chứng cớ cho rằng bà Ngô Thị Hiền và người em Ngô Ngọc Hùng đã dùng hệ thống truyền thông của mình để chụp mũ ông Hoài Thanh là Cộng Sản.

5/ Cũng trong năm 2011, Tòa Án của Quận Travis thuộc tiểu bang Texas đã phán quyết Ô. Michael Do, tức Đỗ Văn Phúc, một doanh nhân ở vùng Austin, phải bồi thường $1.9 triệu cho Bà Nancy Bui, hội trưởng của Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation) vì Ô. Phúc đã phổ biến những bài viết vu khống Bà Nancy là Cộng Sản hay thân Cộng. Vụ án này kéo dài nhiều năm. Một số tổ chức của người Việt đã thành lập quỹ pháp lý để yểm trợ ông Phúc, nhưng không có kết quả.

6/ Vào cuối năm 2014, Tòa Thượng Thẩm của California tại Quận Cam sau hơn hai năm xử lý đã phán quyết Báo Saigon Nhỏ và Bà Hoàng Dược Thảo phải bồi thường cho Báo Người Việt, Bà Vĩnh Hoàng và Ô. Phan Huy Đạt một số tiền tổng cộng là $4.5 triệu bao gồm $1.5 triệu tiền phạt để làm gương. Trong một bài báo đề ngày 28-7-2012, Bà Hoàng Dược Thảo đã viết rằng: (1) Báo Người Việt, tờ báo tiếng Việt lớn nhất của thế giới tự do, đã bị Cộng Sản Việt Nam mua, và tổng giám đốc của công ty Người Việt, ông Phan Huy Đạt, chỉ là một người đứng làm vì; (2) Bà Hoàng Vĩnh, phụ tá tổng giám đốc, phụ trách thương vụ, không có khả năng trí tuệ, không đủ trình độ đảm nhận trách nhiệm của mình; (3) Bà Hoàng Vĩnh, một người đàn bà có chồng, là người có nhiều tai tiếng xấu về tình ái; và (4) Ông Phan Huy Đạt đã dối trá khi nộp đơn xin giấy phép hành nghề (business license) tại thành phố Westminster, một sự dối trá mà nếu bị khám phá, ông sẽ bị tước bằng luật sư. 2*

7/ Gần đây nhất vào cuối năm 2015 là vụ tranh chấp tại Chùa Giác Hoàng giữa nguyên đơn là Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ, chủ nhân của Chùa Giác Hoàng, và bên bị cáo bao gồm các ông Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Linh, và Pháp Sư Giác Đức và một số người khác. Lý do: “Mạo nhận danh hiệu Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ.” 3*

Trong bối cảnh tranh chấp này, Ô. Nguyễn Ngọc Bích đã ám chỉ Ni Cô Nhất Niệm, là một “sư quốc doanh”, là “Cộng Sản”, và là một người “sỗ sàng”, “hỗn láo” và “hống hách”. Ni Cô Nhất Niệm được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới (World Vietnmese Buddhist Order), tiến cử về làm phụ tá cho Sư Cô Đàm Viên để đảm trách các Phật sự hàng tuần tại Chùa trong khi chờ đợi tiến cử một vị tôn đức hợp cách về trụ trì tại Chùa Giác Hoàng. 4* Trong một bài báo, ô. Nguyễn Ngọc Bích viết nguyên văn như sau về Ni Cô Nhất Niệm:

“Sư-cô Nhất Niệm này mới tu ba năm ở Việt-nam ra nên cách ăn nói vừa sỗ sàng, hỗn láo (đối với ngay sư-cô Đàm Viên là người đáng bằng tuổi bà của cô ta) vừa hống hách với chữ Ngã thật là to (‘Người đó là tôi đây’), không khác bao nhiêu sư quốc-doanh. Trên đường ra, cô còn hỏi một người quen: ‘Người ta nói em là Cộng-sản. Anh nghĩ sao?’ Một người đứng gần đó nói: ‘Cô có là CS hay không thì tự cô cô biết chớ’.” 5* Hiển nhiên, bài báo này có tiềm năng tạo thêm một vụ kiện về vu khống và phỉ báng.


Luật vu khống và phỉ báng ở Hoa Kỳ

Khi viết bài báo này với hi vọng giúp độc giả hiểu về tội vu khống và phỉ báng qua những thí dụ cụ thể, tôi đã tiếp súc với một số luật gia gồm chánh án và luật sư, và được một vài vị đã hồi âm, cung cấp cho những kinh nghiệm đáng quý.

Tại Hoa Kỳ, Tu Chánh Án số 1 (First Amendment) của Hiến Pháp bảo vệ Quyền Tự Do Ngôn Luận. Tuy nhiên luật Hoa Kỳ cũng bảo vệ mạnh mẽ chống lại những sự vu khống làm thiệt hại đến thanh danh của người khác. Vu khống là bịa chuyện xấu về người khác và loan truyền chuyện xấu để làm hại người này. Có hai hình thức loan truyền chuyện xấu: (1) phỉ báng bằng lời nói (slander) và (2) phỉ báng bằng bài viết hay hình ảnh (libel). Có hai cách trình bầy chuyện xấu: (1) rõ ràng (explicit) và (2) ám chỉ (implied).

Nạn nhân của vu khống chỉ cần chứng minh ba điều: (1) Chuyện xấu mang tính chất phỉ báng, có nghĩa là chê bai, chế nhạo, chửi rủa một cách thậm tệ; (2) Chuyện xấu được loan truyền; (3) Chuyện xấu gây tổn hại cho nạn nhân.

Một tin đồn sai sự thật, nhưng nếu được lập lại, sẽ bị coi là vu khống và phỉ báng theo luật của một số tiểu bang tại Hoa Kỳ. Đây là trường hợp Bà Hoàng Vĩnh vs Bà Hoàng Dược Thảo trong vụ kiện Người Việt vs Saigon Nhỏ. Bà Hoàng Dược Thảo trong một bài báo viết rằng “Bà [Hoàng Vĩnh] lại là một người nhiều tai tiếng về tình ái”. Bà Hoàng Dược Thảo kết luận như vậy vì bà khai trước tòa rằng bà phỏng vấn nhiều người trong cộng đồng, nhiều người trong nhà thờ, và trong nhiều tổ chức từ thiện. Những người này xác nhận rằng những lời đồn này là sự thật. Vì toàn là những tin đồn nên Bà Hoàng Dược Thảo không đưa ra được một bằng chứng nào cả. 6*

Người thường và người của công chúng

Luật vu khống và phỉ báng áp dụng hơi khác nhau đối với người thường (private figure) và người của công chúng (public figure).

Nếu nạn nhân là một người thường khi ra tòa, nguyên đơn chỉ cần đưa bằng chứng rằng bị cáo chính là người vu khống, chuyện xấu gây thiệt hại được loan truyền ra và bị cáo không đưa ra bằng chứng là chuyện xấu đúng sự thật. Nạn nhân không có trách nhiệm phải chứng minh ngược lại những điều bị cáo nói về mình. Trong thí dụ về tranh chấp tại chùa Giác Hoàng, người tố giác sẽ phải chứng minh Ni Cô Nhất Niệm: (1) Tu ở Việt Nam trong ba năm (explicit); (2) Mới từ ở Việt Nam qua Mỹ (explicit); (3) Không khác sư quốc doanh (implied); (4) Một người Cộng Sản (implied); (5) Hỗn láo, hống hách và sỗ sàng (explicit). Trường hợp này có thể trở thành vu khống và mạ lỵ nếu người tố giác không đưa ra bằng chứng.

Luật Hoa Kỳ bảo vệ người thường khá chặt chẽ. LS Floyd Abrams ước tính rằng khoảng 75% nguyên đơn cá nhân thắng những vụ kiện vu khống và phỉ báng có bồi thẩm đoàn. Lý do là vì những người vu khống thường không có bằng chứng và lại thường thích phóng đại câu chuyện để gây tổn thương sâu sa cho nạn nhân.

Nếu nạn nhân là một người của công chúng (public figure), thì khi ra tòa, chính nguyên đơn phải chứng minh lời tố cáo là không đúng sự thật. Không những vậy, người đi kiện còn phải chứng minh là bị cáo có ác ý và thiếu thận trọng không phân biệt được thế nào là giả, thế nào là thật. 7*

Đây là trường hợp vụ kiện Hoàng Duy Hùng vs Nguyễn Văn Diễn tại Houston vào năm 2006.

LS Hoàng Duy Hùng là một người của công chúng. Ông từng làm chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam tại Houston. Sau này ông cũng từng ra tranh cử những chức vụ địa phương nhiều lần. Ông Hùng đứng đơn kiện Ô. Nguyễn Văn Diễn về tội vu khống và phỉ báng vì Ô. Diễn phổ biến một điện thư trong đó Ô. Diễn hỏi Ô. Hùng ba câu hỏi:

· Ông đã quyên góp tiền bạc ở tiểu bang California được $100,000 để tổ chức một Thiên An môn tại Việt Nam. Ông đã thực hiện được việc đó chưa? Nếu chưa làm, ông đã làm gì với số tiển đó?

· Ông đã nhận số tiền $5,000 từ Qũy pháp lý yểm trợ cho vụ kiện Lý Tống ở Thái Lan để bào chữa cho ông ta. Ông có làm việc này không? Nếu không, ông đã làm gì với số tiền đó?

· Ông cư ngụ tại Houston, nhưng lại chiếm đoạt chức vụ Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam Hải Ngoại, Trung tâm Georgia.

Sau khi thua kiện ở Tòa Sơ Thẩm ở Quận Harris, Texas vào năm 2006, Ô. Diễn đã kháng cáo lên Tòa Thượng Thẩm. Vào 2009, Tòa Thượng Thẩm đã hủy bỏ bản án của Tòa Sơ Thẩm và phán quyết Ô. Diễn thắng kiện vì LS Hoàng Duy Hùng, một người của công chúng, không chứng minh được Ô. Diễn hành động có ác ý. 8*

Ý kiến và dữ kiện

Bước đầu tiên của một vụ kiện vu khống là phải phân tách xem từ ngữ bên bị cáo sử dụng có làm hại thanh danh của nguyên đơn hay không. Thanh danh là một vấn đề riêng tư (personal) của cá nhân. Do đó, phỉ báng tấn công thẳng vào cá nhân thay vì tấn công vào ý kiến (idea) hay quan điểm (opinion) của cá nhân này.

Trong một xã hội tự do, ý kiến hay quan điểm thông thường được xem như là những đề tài được thảo luận và phê phán. Nếu bị cáo chỉ đề cập đến ý kiến hay quan điểm, thay vì dữ kiện (fact), khó có thể bị kết tội vu khống và phỉ báng. Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ phán rằng “Chiếu theo Tu Chánh Án thứ Nhất, không có điều gì gọi là ý kiến sai cả” (“Under the First Amendment, there is no such thing as a false idea”.) 9* Tự do ngôn luận cho phép người ta phát biểu “ý kiến” mà không bị kết tội phỉ báng. Ý kiến là một điều không thể chứng minh đúng hoặc sai. Trái lại dữ kiện có thể chứng minh được.

Sự phân biệt giữa ý kiến và dữ kiện không luôn luôn rõ ràng. Thông thường một từ ngữ miêu tả (descriptive word) ám chỉ dữ kiện và một từ ngữ thẩm định (evaluative word) ám chỉ quan điểm. Trong vụ kiện Người Việt vs Saigon Nhỏ, Bà Hoàng Dược Thảo ám chỉ công ty Người Việt là của Cộng Sản. Đây là một dữ kiện có thể chứng minh được.

Phê bình một người, nhất là đối với một tu sĩ, là sỗ sàng, hỗn láo, và hống hách là một ý kiến mà cũng có thể là một dữ kiện. Cũng như khi người ta nói người đàn bà này “mập.” Tĩnh từ “mập” vừa để mô tả một dữ kiện vừa thẩm định một ý kiến.

Đính chính

Ký giả Hà Giang của báo Người Việt giải thích rất rõ về vấn đề đính chính như sau:

“Ðể bảo vệ người cầm bút, một số tiểu bang có điều khoản về yêu cầu đính chính (retraction demand). Tại California, một nguyên đơn không yêu cầu tác giả đính chính, sau này khi đi kiện, sẽ chỉ nhận được bồi thường cho “thiệt hại đặc biệt” (special damages), nghĩa là thiệt hại bằng tiền cụ thể đã phải chi ra (chẳng hạn tiền trả cho bác sĩ khám bệnh, tiền mua thuốc, tiền lương bị trừ vì phải nghỉ làm ...)”

“Yêu cầu đính chính tạo thêm một cơ hội để giới cầm bút sửa chữa những sơ sót, nếu có, khi viết bài. Những cơ quan ngôn luận chuyên nghiệp xem xét rất kỹ lưỡng các yêu cầu đính chính, kiểm chứng lại mọi sự kiện, để bảo đảm không xúc phạm đến uy tín, thanh danh của người khác, và để tránh bị cáo buộc tội phỉ báng.” 10*

Trong vụ kiện Người Việt vs Saigon Nhỏ, bên nguyên đơn yêu cầu bên bị cáo đính chính, nhưng rất tiếc rằng Bà Hoàng Dược Thảo không những không đính chính, mà còn lập lại những lời tố cáo về LS Phan Huy Đạt, Bà Hoàng Vĩnh, và Nguoi Viet News.

Từ tiếng Anh “retraction” theo luật của Hoa Kỳ có ý nghĩa mạnh hơn từ “đính chính” trong tiếng Việt. Retraction có nghĩa là thu hồi, hủy bỏ, bác bỏ hay đảo ngược lại những lời tuyên bố nguyên thủy. Chữ “đính chính” chỉ có nghĩa là sửa chữa (correction hay alteration), trong khi ý chính của lời tuyên bố nguyên thủy có thể không thay đổi.

Vu khống là một tội hình sự

Luật vu khống và phỉ báng hơi khác nhau theo tiểu bang. Ở cấp liên bang, vu khống và phỉ báng không phải là tội hình sự. Nhưng tính đến cuối năm 2006, 28 tiểu bang Hoa Kỳ và Virgin Islands có thể xếp tội này vào loại hình sự. Nếu vi phạm luật vu khống và phỉ báng bị xếp vào tội hình sự, hình phạt sẽ nặng hơn. Ngoài phải nộp tiền phạt, bị can có thể đi tù (imprisonment) hoặc bị làm việc nặng (hard labor).

California và Texas không xem vi phạm luật vu khống và phỉ báng là tội hình sự. District of Columbia bãi bỏ luật hình về vu khống và phỉ báng vào năm 2001. Virginia vẫn duy trì luật này. 11*

Điều § 18.2-209 của Bộ Luật Virginia nói như sau:

“Bất cứ ai hiểu biết và cố ý tuyên bố, phân phát hay loan truyền bằng bất cứ phương tiện nào đến bất cứ một nhà xuất bản hay nhân viên của nhà xuất bản, bất cứ tờ báo, tạp chí, hay ấn phẩm, hay bất cứ chủ nhân hay nhân viên của một đài phát thanh, một đài truyền hình, hãng tin hay dịch vụ truyền thông dây cáp, bất cứ lời tuyên bố sai trái và không đúng sự thật, biết rõ rằng điều này sai trái và không đúng sự thật, liên quan đến bất cứ người nào hay một đoàn thể nào, với mục đích rằng lời tuyên bố này sẽ được phổ biến, phát thanh, hay loan truyền, sẽ bị phạm tội nghiêm trọng cấp 3 (class 3 misdemeanor). “

Theo Điều § 18.2-417 của Bộ Luật Virginia, quy tội một phụ nữ thiếu trong trắng bằng lời nói hay công bố qua truyền thông cũng sẽ phạm tội nghiêm trọng cấp 3. Nếu bị can chứng minh được là không có ác tâm, hình phạt sẽ được giảm, nếu bị kết án có tội. Tuy nhiên không có ác ý không phải là cách để bào chữa cho tội ác. 12*

Ở Việt Nam trước 1975, vu khống và phỉ báng là một tội hình sự. Một người phạm tội có thể bị phạt tiền hay phạt tù, nhưng nguyên đơn chỉ được bồi thường một đồng danh dự mà thôi. Ở Hoa Kỳ, vi phạm luật vu khống và phỉ báng ít khi bị tù, nhưng tiền bồi thường thiệt hại (compensatory damage hay special damage) rất cao như chúng ta đã thấy qua sáu vụ kiện liên quan đến người Việt ở trên. Ngoài tiền bồi thường thiệt hại, tòa còn buộc bị cáo trả tiền phạt làm gương (punitive damage hay exemplary damage) để ngăn cản bị cáo và những người khác tái phạm. Tiền phạt làm gương có khi cao hơn tiền bồi thường thiệt hại. Thí dụ trong vụ kiện Nancy Bui vs Đỗ Văn Phúc, bị cáo bị phạt $800,000 tiền thiệt hại và $1.1 triệu tiền phạt làm gương. Trên nguyên tắc, tiền phạt làm gương không phải để bồi thường cho nguyên đơn, nhưng trên thực tế, nguyên đơn thường được hưởng một phần hay toàn phần số tiền phạt này.


Kết luận

Trong vụ kiện Người Việt vs Saigon Nhỏ, tòa án chỉ thuần túy xét xử trên căn bản luật vu khống và phỉ báng và xem bị cáo có vi phạm những luật này không. Trong khi đó, tòa không xem xét đến lập trường chánh trị của cả hai tờ báo. Điều này đúng với những vụ kiện khác. Những cách thức chống Cộng và chống tờ báo Người Việt của Bà Hoàng Dược Thảo đã phơi nầy những lỗi lầm của bà này theo luật vu khống và phỉ báng dưới con mắt của bồi thẩm đoàn.

Một thực tế đáng chú ý là con số khoảng 150 cá nhân và đoàn thể ủng hộ Saigon Nhỏ khá khiêm nhường so với khoảng bốn triệu người Việt ở hải ngoại. Không những thế theo cuộc điều tra của SBTN, danh sách này không đáng tin cậy, vì có một số người có tên trong danh sách mà chính họ không hay biết gì cả. Ngoài ra, đoàn thể ở hải ngoại rất nhiều, nhưng không thiếu gì những hội đoàn hữu danh vô thực. Kiến nghị của 150 cá nhân và đoàn thể trở thành vô giá trị. Tổng cộng số tiền đóng góp cho quỹ pháp lý ủng hộ Saigon Nhỏ chỉ vỏn vẹn có khoảng $15,000. Số tiền này quá ít oi so với chi phí luật sư và tòa án trong hơn hai năm, có thể lên tới vài trăm ngàn Mỹ kim. Nhìn vào những con số này, chúng ta hiểu rõ hơn về thực lực và tầm ảnh hưởng của quần chúng Việt.

Bẩy năm về trước, Ô. Tân Thục Đức, cựu Trung Úy QLVNCH, bị chụp mũ là thân Cộng. Sau khi đã thắng vụ kiện vu khống và phỉ báng ở Olympia, Washington, ông được tòa bồi thường $310,000 vào 2009, ông đã nói rằng ông hi vọng vụ án này sẽ là một bài học cho những toan tính vu khống người khác là Cộng Sản. Nhưng rất tiếc tệ nạn vu khống và phỉ báng vẫn xẩy ra. Tiền vẫn mất tật vẫn mang. Thật là dại dột. Sự thật phũ phàng của 40 năm qua là chưa một tên VC nằm vùng nào ở Hoa Kỳ bị tóm cổ. Do đó, người ta phải đặt ra nghi vấn: những người chụp mũ người khác là Cộng Sản có thật sự chống Cộng Sản hay vì một tư thù hoặc một động cơ nào khác?

Để kết thúc bài phân tách này, tôi xin mượn lời khuyên của LS Lê Duy San: “Hãy vạch mặt chỉ tên bọn Việt gian Cộng Sản, nhưng đừng chụp mũ ai là Việt Cộng hay Cộng Sản nằm vùng.” 13*

Cũng về vấn đề này, Bà Khúc Minh Thơ, Chủ Tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam có một nhận định chí lý: “Mạo danh lý tưởng chống cộng cao đẹp để chụp mũ người quốc gia là Cộng Sản là một trọng tội đối với đất nước, dân tộc. Vì việc làm này gây chia rẽ, hoang mang, nghi kỵ trong cộng đồng. Từ đó, nó làm giảm tiềm năng đấu tranh của người Việt tự do của chúng ta, và nó làm người trẻ chán ngán, xa lánh sinh hoạt cộng đồng.” 14*

Chú thích:

1* Hà Giang, “Tội phỉ báng và vu khống bị xử như thế nào tại Hoa Kỳ,” Người Việt.

2* Hà Giang, “Người Việt vs Saigon Nhỏ: trận đấu dài trước phiên xử chính,” Người Việt, 10-1-2015.

3* Thanh Lương Đỗ Đình Lộc, “Thông Báo về việc mạo nhận Tổng Thư Ký Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo tại Mỹ,” Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo tại Mỹ, 16-12-2015.

4* Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, “Quyết Định số 1001/VP/HĐLĐ/Q.CT về việc đặc cử Sư Cô Thích Đàm Viên và Ni Cô Nhất Niệm đảm nhiệm việc tri sự tại Chùa Giác Hoàng,” Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới, 27-11-2015.

5* Tâm Việt, “Bổn cũ soạn lại: Liệu Chùa Giác Hoàng Có Biến Thành Chùa Ni Không?”

6* Hà Giang, “Người Việt vs. Saigon Nhỏ: Bà Hoàng Dược Thảo Nói Chỉ Đăng Tin Đồn,” Người Việt, 15-1-2015.

7* Steven Pressman, “Libel Law in the United States,” September 30, 2012.

8* Phúc Linh, “Khái Niệm Về Sự Phỉ Báng, Mạ Lỵ, Vu Khống,” Saigon Echo, 14-1-2011.

9* Steven Pressman, “Libel Law in the United States,” September 30, 2012.

10* Hà Giang, “Người Việt vs Saigon Nhỏ: Yếu Tố Pháp Lý Trong Kiện Phỉ Báng,” Người Việt, 8-1-2015.

11* Bill Kenworthy, “Criminal libel statues, State by State,” First Amendment Center, August 10, 2006.

12* Thomas H. Roberts, “Summary of Virginia Law on Slander, Defamation, and Libel,” Thomas H. Roberts & Associates.

13* Lê Duy San, “Đừng Sợ Bị Kiện Về Tội Phỉ Báng Hay Vu Cáo. Hãy Vạch Mặt Chỉ Tên Những Tên Thân Cộng Nhưng Đừng Chụp Mũ,” Ba Cây Trúc, 22-11-2015.

14* Hà Giang, “Những Vụ Án ‘Chụp Mũ Cộng Sản’ Giữa Người Gốc Việt Ở Mỹ,” Người Việt, 25-11-2011.