Matt Mahan

ads header

Breaking News

Các nghi can nổ súng ở California là ai?

Cảnh sát điều tra hiện trường quanh khu vực nơi chiếc SUV của hai nghi can bị bắn nát tại San Bernardino, California, ngày 3/12/2015.
(VOA) Các nghi can: Cảnh sát ở San Bernardino, California đã xác định Syed Rizwan Farook, 28 tuổi và Tashfeen Malik, 27 tuổi, là hai nghi can trong vụ nổ súng hôm thứ tư tại Trung Tâm Khu vực Inland, cung cấp dịch vụ cho những người bị khuyết tật về phát triển.

Tình trạng: Các nghi can bị giết chết trong một cuộc nổ súng với cảnh sát.

Quan hệ: Các thành viên trong gia đình cho biết Farook và Malik đã kết hôn, nhưng cảnh sát còn đang tìm hiểu tình trạng gia đình của họ. Cặp này có một đứa con gái 6 tháng tuổi, mà đã gửi cho mẹ của Farook giữ vào sáng thứ tư.

Thân thế: Farook sinh ở Illinois, cha mẹ là di dân từ Pakistan. Không rõ lai lịch của Malik; tuy nhiên, Hussam Ayloush, giám đốc điều hành Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo ở Los Angeles nói với báo Washington Post rằng Malik sinh ở Pakistan và đã có thời gian sống ở Ả Rập Xê-ut trước khi kết hôn với Farook.

Vũ khí: Nhà chức trách nói các nghi can mang 2 khẩu súng trường tấn công và 2 súng lục bán tự động, tất cả đều được mua một cách hợp pháp ở Hoa Kỳ, theo hãng tin Associated Press. Cảnh sát cũng phát hiện 3 thiết bị kiểu bom tự chế, đã được đội xử lý bom tháo gỡ. Cảnh sát cho hay cả hai đều mang thiết bị chiến thuật kiểu tấn công.

Nghề nghiệp: Farook làm việc cho Sở Y tế Công cộng Quận San Bernardino, làm công tác kiểm tra các hồ hơi công cộng và các nhà hàng ăn.

Sự hiện diện trên mạng: Trong khi một số nghi can nổ súng tập thể để lại những lý lịch chi tiết trên mạng, cặp vợ chồng này có sự hiện diện rất hạn chế trên Internet. Farook đã đăng những chi tiết cá nhân để hẹn hò trên mạng, trong khi Malik đã tạo một trang web nhận quà cho con nhỏ trên mạng.

Tôn giáo: Farook được biết là một tín đồ Hồi giáo thuần thành, nói trong chi tiết cá nhân để hẹn hò trên mạng rằng, “Tôi cố gắng sống như một người Hồi giáo tốt.” Các đồng nghiệp nói với báo Post rằng anh ta không bàn luận về tôn giáo ở nơi làm việc.

Động cơ: Không rõ. Cảnh sát còn đang điều tra, và giới hữu trách nói họ không loại trừ khả năng khủng bố. Những kẻ nổ súng đã “đến hiện trường sẵn sàng tiến hành điều họ đã làm”… có một “mức độ hoạch định nào đó” sau vụ tấn công, theo lời cảnh sát trưởng San Bernardino.

Ngày nổ súng: Các nhân chứng nói Farook đã giận dữ khi anh ta bỏ ra khỏi một bữa tiệc trưa tổ chức nhân ngày lễ ở trung tâm. Ngay sau đó, anh ta đã trở lại cùng với Malik.

Gia đình các nghi can: Người anh em rể của Farook tên là Farhan Khan nói rằng gia đình rất xúc động và không tin những gì đã xảy ra.

Điểm khác lạ: Nhà chức trách nói với báo Post rằng vụ tấn công ở San Bernardino mang tính bất thường vì nhiều lý do: Rất ít các vụ nổ súng tập thể có liên quan đến nhiều hơn 1 tay súng, và hiếm khi có sự tham gia của phụ nữ. Một báo cáo năm 2014 của FBI nói trong 160 vụ việc có liên quan đến các tay súng ở Hoa Kỳ từ năm 2000 cho đến năm 2013, chỉ có hai vụ liên quan đến hơn 1 tay súng. Và trong số 160 vụ đó, chỉ có 6 vụ có sự can dự của một người phụ nữ.


Nhà hai vợ chồng tay súng California có chứa bom




Cặp vợ chồng hai kẻ tấn công bắn chết 14 người tại một buổi liên hoan dịp lễ cuối năm ở bang California đã bắn tới 75 phát súng trong vụ xả súng kinh hoàng và để lại một chiếc xe hơi đồ chơi điều khiển từ xa có gắn ba quả bom ống không phát nổ, cảnh sát cho biết hôm thứ Năm.

Cảnh sát trưởng thành phố San Bernardino Jarrod Burguan cho biết hai người này, chồng làm thanh tra y tế của chính phủ địa phương sinh ra ở Mỹ và người vợ gốc Pakistan của anh ta, đào tẩu bằng một chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) thuê hôm thứ Tư, trước khi cảnh sát bắn chết họ trong cuộc đấu súng dữ dội cách hiện trường ba km, trên một con đường ở thành phố Redlands gần đó.

Ông Burguan cho biết người đàn ông, Syed Rizwan Farook 28 tuổi, và vợ của anh ta, Tashfeen Malik 27 tuổi, đã bắn 76 phát súng trường nhắm vào cảnh sát và cảnh sát bắn trả 380 viên đạn nhắm vào họ. Khi cuộc đấu súng kết thúc, ông Burguan cho biết cảnh sát tìm thấy 1.600 viên đạn trên thi thể của họ hoặc trong xe của họ.

Ngoài ra, ông Burguan cho biết các nhà điều tra phát hiện 12 quả bom ống trong nhà của hai vợ chồng này, vật liệu chế tạo bom và thêm 4.500 viên đạn hoặc nhiều hơn.

David Bowdich, quan chức của Cục Điều tra Liên bang (FBI), cho biết Farook đã từng đi nước ngoài và trở về Mỹ với Malik vào tháng 7 năm 2014. Người phụ nữ này tới Mỹ bằng hộ chiếu Pakistan. Ông Bowdich nói rằng hai người này sau đó kết hôn và rằng cô ta ở Mỹ bằng thị thực.

Các nhà điều tra hôm thứ Năm nói rằng còn quá sớm để nói động cơ của cặp vợ chồng này là gì trong vụ thảm sát.

Tổng thống Barack Obama nói khủng bố hay tranh chấp tại nơi làm việc có thể đã thúc đẩy cặp vợ chồng này thực hiện vụ tấn công, cũng làm 21 người khác bị thương.

Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc , Tổng thống Obama nói: "Có thể đây vụ này có liên quan tới khủng bố, nhưng chúng ta không biết. Cũng có thể là có liên quan tới nơi làm việc."

Ông Obama nói thêm: "Tôi có thể bảo đảm với người dân Mỹ rằng chúng tôi sẽ làm rõ tới cùng chuyện này," trong lúc những nhà điều tra đang tìm kiếm đầu mối liên quan tới những động cơ. Ông Bowdich của FBI cho biết những nhà điều tra đang rà soát những thiết bị kỹ thuật số của hai vợ chồng này để tìm bằng chứng.

Ông Obama đã ra lệnh hạ cờ Mỹ xuống nửa cột ở những tòa nhà chính phủ, đại sứ quán và căn cứ quân sự cho đến thứ Hai tuần sau để vinh danh những nạn nhân của vụ xả súng.

Ông nói rằng cuộc tấn công nhắm vào một trung tâm dịch vụ của chính quyền địa phương cho những người bị khuyết tật trong quá trình phát triển phải thúc giục các nhà lập pháp ở Washington "thực hiện những bước cơ bản làm cho việc thủ đắc vũ khí khó khăn hơn chứ không phải dễ dàng hơn."