Tại sao giới luật sư bị tấn công?
Luật sư Trần Thu Nam (phải) và luật sư Luân Lê bị hành hung khi rời khỏi nhà cháu Đỗ Đăng Dư |
Đài Á châu tự do liên lạc được với Luật sư Trần Thu Nam vào buổi chiều ngày 3 tháng 11 khi ông đang chuẩn bị vào bệnh viện để chữa trị vết thương. Ông nêu lên giả thuyết của ông về nguyên nhân tại sao ông bị đánh:
“Tôi đang khiếu nại công an Hà nội là không cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi người bị hại cho tôi. Tôi đang khiếu nại họ lên Viện kiểm sát và Liên đoàn luật sư, và Liên đoàn luật sư đã lên tiếng. Tôi không biết chắc chắn là tại sao họ lại đánh tôi vì tôi không có thù oán với ai cả. Nhưng trong quá trình bảo vệ vụ Đỗ Đăng Dư, tôi có khiếu nại công an thành phố Hà nội về việc gây khó khăn cho luật sư, và tôi đang làm một báo cáo gửi lên Ủy ban nhân quyền Liên hiệp quốc.”
Quyền lực của bộ máy công an
Trong nhiều năm qua, những luật sư đứng ra đại diện cho các tù nhân chính trị thường hay bị tấn công gây thương tích, thậm chí bị tù đày như các luật sư Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài,… Nhưng vụ án Đỗ Đăng Dư hoàn toàn không mang tính chính trị, vì nạn nhân phạm tội trộm cắp và bị đánh chết trong tù. Luật sư Võ An Đôn ở Tuy Hòa, người đưa tin rất sớm về vụ hành hung luật sư Nam nói với chúng tôi rằng:
“Nguyên nhân theo tôi nghĩ là có thể người ta trả thù cái việc mà luật sư Trần Thu Nam bảo vệ cho gia đình bị hại (Đỗ Đăng Dư). Những vụ án không liên quan đến chính trị nhưng lại liên quan đến ngành công an, công an thì liên quan đến chính quyền, người ta cầm bộ máy hành pháp, lực lượng rất là đông, và người ta trả thù.”
Luật sư Đôn cũng từng bị các viên chức cao cấp ở tỉnh Tuy Hòa đe dọa xóa tên ông ra khỏi luật sư đoàn của tỉnh. Các vụ án mà luật sư Đôn tranh biện ở tòa cho đến nay cũng không dính dáng đến chính trị.
Một luật sư từng bị tù vì có liên quan đến các vụ án chính trị là Luật sư Nguyễn Văn Đài ở Hà nội còn nêu một lý do khác đằng sau vụ hành hung luật sư Nam là ý muốn đánh lạc hướng của nhà cầm quyền. Ông cũng nói là hiện nay có nhiều luật sư đứng ra nhận lãnh những vụ án liên quan đến sự lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền.
“Gần đây có vụ án Đỗ Đăng Dư đã xuất hiện nhiều luật sư cảm mến tinh thần dấn thân của luật sư Nam mà tham gia cùng luật sư Nam trong các vụ án như vậy. Thì có thể đây là một điều làm cho chính quyền họ tức tối, và có thể dẫn đến vụ hành hung này. Lý do thứ hai mà tôi dự đoán là trên dư luận mạng người ta đang chú ý đến chuyến thăm của Tập Cận Bình vào ngày mùng năm mùng sáu tới đây. Thành ra vụ tấn công này là để làm giảm sự chú ý của mọi người trên cộng đồng mạng về Tập Cận Bình. Lý do thứ nhất thì có lý hơn nhưng tôi cũng nghĩ đến lý do thứ hai.”
Chính trị hay không chính trị? Đảng trị hay pháp trị?
Một trí thức đối lập nổi tiếng của Việt nam là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, hiện sống ở Đà Lạt, khi được hỏi tại sao vụ án mà luật sư Nam đang làm đại diện không có tính chính trị nhưng ông cũng bị quấy nhiễu, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu không đồng ý:
“Chuyện đó cũng là chính trị đấy anh ạ, vì công an hiện nay lộng hành như là một đội kiêu binh của đảng. Cho nên chạm vào nó cũng là chính trị đấy. Nó giết người như không đấy, chửi nó thì cũng như là chửi đảng vậy, mặc dù nạn nhân (vụ án) không liên quan đến chính trị.”
Sau khi Việt nam quyết định cải cách kinh tế vào năm 1986, qui chế luật sư đoàn cũng được thành lập thay cho chế độ bồi thẩm đoàn nhân dân do nhà nước chỉ định trong các phiên xử án trước kia. Tiếng nói của các luật sư đã ít nhiều mang tính độc lập, các phiên tòa đã có sự tranh luận với sự hiện diện của các luật sư.
Đồng thời các luật sư lại thường hay bị bắt bỏ tù hay bị hành hung.
Ông Hà Sĩ Phu nhắc lại rằng trong nguyên tắc cầm quyền của các đảng cộng sản, thì lực lượng công an dùng để trấn áp là vô cùng quan trọng, hơn nữa các chế độ này lại không xem trọng luật pháp.
“Anh có nhớ ngày xưa ông Phạm Văn Đồng có nói gì đấy không? Ông ấy nói rằng làm luật để nó trói tay mình à! Độc tài họ ghét luật lắm, vì luật là để bảo vệ dân quyền mà. Có hai giới mà họ ghét lắm, đó là giới luật sư và giới nhà báo.”
Tính đối kháng giữa đảng cầm quyền và giới luật sư thể hiện rõ nhất trong vụ luật sư Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng cộng sản vào tháng chín năm 2014, với lý do được báo chí nhà nước Việt nam nêu rõ là cản trở sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Điều thú vị là luật sư Trừng cũng là một người tham gia đảng cộng sản và góp phần làm cho cuộc cách mạng cộng sản thành công ở Việt nam.
Xã hội dân sự và công lý
Theo dòng diễn biến chính trị xã hội gần đây, nhiều người hy vọng là một xã hội dân sự ở Việt nam sẽ được cho phép hình thành. Và trong xã hội dân sự đó vai trò của giới luật sư sẽ ngày càng quan trọng hơn.
Tuy nhiên Tiến sĩ Hà Sĩ Phu không chia sẻ cái nhìn này. Ông liên hệ vụ hành hung luật sư Nam và vụ quấy nhiễu, hành hùng blogger Nguyễn Lân Thắng trong thời gian gần đây.
“Họ sẽ dùng cái xã hội dân sự láo của họ. Cái kiểu Trần Nhật Quang đấy. Kiểu dùng côn đồ không liên quan đến chính quyền. Đây là bọn côn đồ nhân danh quần chúng. Thế thì muốn cái đội ngũ đó công khai thì họ phải làm ra vẻ chấp nhận xã hội dân sự. Để cho xã hội dân sự láo của họ ra đời, chứ không phải xã hội dân sự thực sự tử tế và dân chủ! Cũng còn khó khăn lắm chứ không nên tưởng là họ cho ra là được đâu.”
Ông Trần Nhật Quang là nhân vật đứng đầu nhóm người đến quấy nhiễu gia đình blogger Nguyễn Lân Thắng.
Luật sư Trần Thu Nam vốn được nhiều đồng nghiệp nhận xét là một người thận trọng. Trong một lần trao đổi với chúng tôi ông có nói rằng nghề luật sư của ông là một nghề nhiều rủi ro. Luật sư Võ An Đôn cũng chia sẻ lo ngại này của luật sư Nam, và ông cho rằng muốn chấm dứt tình trạng này thì không có cách gì khác là phải để cho nền tư pháp của quốc gia được độc lập.
Sau khi vụ hành hung luật sư Nam xảy ra, luật sư Lê Công Định, người từng bị ở tù vì bảo vệ các bị cáo trong những vụ án chính trị, viết trên trang FB của ông rằng công tố và luật sư là hai trụ cột của nền công lý, việc tấn công luật sư sẽ đánh đổ một trong hai trụ cột đó, khiến cho nền công lý bị què quặt. Cũng qua FB, ông trao đổi với chúng tôi rằng Liên đoàn Luật Sư Việt Nam phải phản ứng mạnh mẽ, không đơn thuần vì hai đồng nghiệp bị đánh, mà còn vì nền công lý của Việt Nam.