Matt Mahan

ads header

Breaking News

Mỹ sẽ hoạt động bất cứ khi nào, nơi nào luật quốc tế cho phép

Chiến hạm USS Larsen có phi đạn dẫn đường đã tiến vào phạm vi 12 hải lý cách một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp.
WASHINGTON— VOA Một giới chức cấp cao trong quân đội Hoa Kỳ tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, kể cả Biển Đông. Các nhận định vừa kể của Tư lệnh bộ Chỉ Huy Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (PACOM), Đô đốc Harry Harris được đưa ra sau khi tin tức truyền thông nói rằng Hải quân Hoa Kỳ dự định tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên gần các đảo đang có tranh chấp mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Thông tín viên VOA Victor Beattie tại Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Phát biểu tại Trung tâm Stanford của trường Đại học Bắc Kinh tại thủ đô Trung Quốc, Đô đốc Harris nói hải và không phận quốc tế thuộc về tất cả mọi người và quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Ông nói Biển Đông không phải là một ngoại lệ.

Các nhận định của ông được đưa ra tiếp theo hoạt động tuần trước của chiến hạm USS Lassen có phi đạn hướng dẫn đi vào phạm vi 12 hải lý cách một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Hành động này bị Trung Quốc coi là một thách thức trực tiếp, và nước này đã gửi một kháng thư cho Đại sứ Hoa Kỳ. Tuần trước, giới chức đứng đầu hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, đã chỉ trích cuộc tuần tra đó là nguy hiểm và mang tính khiêu khích và có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột.

Đến Bắc Kinh để dự các cuộc đàm phán với các đối tác phía Trung Quốc, Đô đốc Harris tuyên bố không bao giờ nên diễn dịch các hoạt động thường lệ đó như một mối đe dọa cho bất cứ quốc gia nào, mà có tác dụng bảo vệ quyền lợi, các quyền tự do và việc sử dụng một cách hợp pháp hải phận và không phận được dành cho tất cả các quốc gia. Ông khẳng định lại chính sách của Hoa Kỳ là Washington không có lập trường nào về những tuyên bố chủ quyền đối với các đảo hay các bãi đá ở Biển Đông.

Tư lệnh bộ Chỉ Huy Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (PACOM), Đô đốc Harry Harris và Thượng tướng Trung Quốc Phòng Phong Huy tại Bắc Kinh, ngày 3/11/2015.
Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn thủy lộ quan trọng này, một tuyên bố mà ông Harris gọi là ‘hàm hồ’.

Trong các cuộc đàm phán tại Seoul hôm qua với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Han Min-goo nói Biển Đông rất quan trọng đối với nước ông vì Nam Triều Tiên gửi 1 phần ba số hàng xuất khẩu và phần lớn hàng nhập khẩu và năng lượng qua thủy lộ này. Ông nói quyền tự do đi lại trên biển và trên không phải được bảo đảm, và ông kêu gọi một thỏa thuận sớm về một quy ước ứng xử.

Hãng tin Reuters trích lợi một giới chức Hải quân Hoa Kỳ nói rằng Hoa Kỳ dự định tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên trong vùng biển có tranh chấp ‘khoảng 2 lần trong 1 quý hay thường xuyên hơn thế một chút.’ Giới chức không muốn nêu danh tính này nói đó là ‘mức độ đúng đắn mang tính thường xuyên, nhưng không phải là một cái gai liên tục trong mắt ai.’

Phát biểu tại một cuộc họp thượng đỉnh về quốc phòng ở Washington hôm qua, Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes cũng tuyên bố tương tự như thế.

“Sẽ có thêm các cuộc biểu dương sự cam kết của chúng tôi đối với quyền tự do hàng hải. Đó là quyền lợi của chúng tôi. Không thể nói rằng một nước có quyền tuyên bố chủ quyền và một nước khác thì không có, đó là để chứng tỏ chúng tôi sẽ tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải.”

Ông Rhodes nói mục tiêu là có một khung sườn ngoại giao và đa phương để giải quyết vấn đề.

“Thứ nhất, để ta có một quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN, tức Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, để tránh tình trạng vô tình leo thang, để có đối thoại, và thứ hai, để ta chuyển các tranh chấp về lãnh hải này vào các diễn đàn quốc tế có thể giải quyết những tranh chấp về lãnh hải.”

Được hỏi liệu các cuộc tuần tra như thế có rủi ro gây đối đầu với Trung Quốc hay không, ông Rhodes thừa nhận đó là một hành vi tương ứng.

“Một lần nữa, chúng ta phải chứng tỏ cam kết của chúng ta đối với một số nguyên tắc quốc tế. Chúng ta phải chứng tỏ ở phần này của thế giới, ta sẽ không có tình hình một quốc gia lớn hơn có thể bắt nạt một quốc gia nhỏ hơn về một vấn đề như chủ quyền lãnh thổ. Mặt khác, ta không muốn chính mình khiêu khích một cuộc xung đột.”

Ông Rhodes mô tả đường lối của Hoa Kỳ là rất thận trọng, đắn đo và minh bạch. Cả ông và ông Harris đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại với các giới chức Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích an ninh Denny Roy thuộc Viện Đông Tây ở Hawaii thừa nhận việc tìm ra một sự cân bằng đúng đắn cho các cuộc tuần tra như thế của Hoa Kỳ sẽ không phải là dễ dàng.

“Lẽ đương nhiên bất cứ phản ứng nào về phía Hoa Kỳ đều gây tức giận cho phía Trung Quốc. Bất cứ cử chỉ nào cũng có cái giá phải trả trong bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng đồng thới, phản ứng quá nhẹ về phần Hoa Kỳ có thể sẽ làm lung lay niềm tin của bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ, vẫn cho rằng Hoa Kỳ có cam kết đầy đủ với hậu thuẫn dành cho hệ thống quốc tế trong khu vực. Khả năng tốt nhất ở đây là cả hai bên làm quen với một sự sắp xếp liên tục. Nếu các cuộc tuần tra được thực hiện một cách gần như tương tự ở cả hai bên mỗi lần và có thể mang lại hiệu quả tạo sự ổn định tương tự những những gì đã xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh khi Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết chơi những trò chơi loại này.”

Ông Roy nói những sứ mạng như vậy mang theo rủi ro tính toán sai lầm và có thể gây tổn thất sinh mạng, nhưng nói thêm rằng rủi ro của việc không hành động cũng rất cao. Ông nói hy vọng là cả hai bên sẽ mưu tìm sự kiềm chế bởi vì không bên nào muốn xảy ra sự cố.

Ông Roy cũng nhìn thấy tình huống đó là một chiến thắng cho Trung Quốc trong khi họ tiếp tục gia tăng một cách khiêm tốn sự hiện diện sách lược trong khu vực. Ông nói các cuộc tuần tra của Hoa Kỳ sẽ không làm thay đổi sự kiện là có phần chắc Trung Quốc sẽ không đảo ngược các khẳng định chủ quyền.