Tiến sĩ Alan Phan ‘hôn mê’
TS Alan Phan nổi tiếng với nhiều bài viết và sách về Việt Nam -ảnh Bùi Văn Phú |
Nguồn: http://www.bbc.com
TS Alan Phan, doanh nhân và nhà bình luận kinh tế người Mỹ gốc Việt nổi tiếng, đã rơi vào tình trạng hôn mê và có thể không tỉnh lại.
Thông báo của gia đình ông nói “bác sĩ cho biết không có hy vọng hồi sinh”, vì vậy gia đình sẽ “chấp nhận rút ống dưỡng khí” vào ngày 26/10.
Theo thông báo này, ông Alan Phan được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Fountain Valley, bang California, tối thứ Ba ngày 14/10 trong tình trạng hôn mê.
Gia đình nói ông “vẫn không tỉnh lại”.
TS Alan Phan, năm nay 70 tuổi, được giới thiệu là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ năm 1987.
Ông cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn tại Trung Quốc trước khi về Việt Nam năm 2007.
Tuy vậy, ông được công chúng biết đến nhiều hơn qua trang blog Góc nhìn Alan với các bài bình luận, phân tích về kinh tế, xã hội Việt Nam.
Ông cũng ra mắt nhiều tập sách tại Việt Nam.
Trong một cuốn sách năm 2011, ông cho biết “thường xuyên về Việt Nam” từ 2007 sau 42 năm làm ăn ở Trung Quốc và Mỹ.
“Tôi muốn tìm một điều gì đó khác hơn và hy vọng Việt Nam sẽ là một ‘quê hương thực sự’ cho phần đời còn lại của mình.”
Sau những năm làm ăn tại Việt Nam, ông Alan Phan chia sẻ kinh nghiệm với báo Người Việt, California, trong cuộc phỏng vấn tháng Bảy năm nay.
“Thứ nhất là phải có quan hệ, phải có người chống lưng đỡ đầu thì mới đi xa được.”
“Thứ hai là phải có một sự kiên nhẫn, quan hệ với người Việt Nam mà muốn cho sâu đậm, cũng phải mất vài ba năm, chứ không phải đi vào làm ào một cái mà được, người ta chưa tin mình.”
“Sau đó thì là chuyện hên xui may rủi, nếu quan hệ đúng với người đang lên, có quyền lực chính trị quan trọng, thì tiền sẽ vào như nước. Còn đi nhằm một cái ông đang đi xuống, thì có thể bị tù tội dễ như chơi, đó là chuyện rất bình thường ở Việt Nam,” ông nói.
Theo cây bút Bùi Văn Phú, ông Alan Phan nhận định về các khu vực kinh doanh có triển vọng ở Việt Nam là IT và nông nghiệp.
IT không cần hạ tầng cơ sở và thành phần trẻ có đam mê và ao ước làm được cái gì đó tốt đẹp cho thương hiệu Việt Nam thay vì cứ sao chép hay ăn cắp bản quyền.
Ông nói: “Phát triển IT vì quan cán bộ ngu lắm, email không biết, software nói với mấy ông ấy như nói với vịt. Ít hạ tầng cơ sở nên mấy ông ấy không kiếm tiền được.”