Matt Mahan

ads header

Breaking News

Thái Lan học cách trấn áp của các chế độ độc tài

Một sinh viên đối lập gắn lá phiếu tượng trưng lên một bức tượng để phản đối dự thảo Hiến pháp của chính quyền quân sự, 05/09/2015.  REUTERS/Jorge Silva
(RFI) Từ mời uống cà-phê đến bịt mắt thẩm vấn là biện pháp đã được tập đoàn quân sự Thái Lan thi hành hằng trăm lần kể từ 15 tháng nay để trấn áp những tiếng nói chỉ trích. « Học tập cải tạo » nói theo thuật ngữ của quân đội Thái không phải là sáng tác mới của tập đoàn tướng lãnh Thái Lan nhưng cho thấy họ bám quyền một cách tuyệt vọng, theo nhận định của giới phân tích.

Theo AFP, từ khi phe quân nhân lật đổ chính quyền dân sự của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, hàng trăm công dân Thái, trí thức, giáo sư đại học, nhà báo, cựu dân biểu đã bị « mời » đi « điều chỉnh thái độ ». Thời gian « học tập » có thể dài từ hai ngày đến một tuần.

Theo thuật ngữ của tập đoàn quân sự, cầm quyền từ tháng 5/2014, đây những đề nghị « mời trao đổi ý kiến » với nhà nước. Tuy vậy, trước khi được về nhà, « khách mời » phải ký vào một tờ cam kết từ nay không được « vi phạm ». Cho đến gần đây, nhiều « học viên cải tạo » kể lại, trong thời gian bị giam, họ được các quân nhân trách nhiệm thẩm tra, đối xử lịch sự.

Tuy nhiên, nhà xã luận cột trụ của nhật báo The Nation, Pravit Rojanaphruk, một trong những nhà báo hiếm hoi còn can đảm chỉ trích chính quyền quân sự, cho biết những hình thức dàn dựng, đóng kịch lễ phép trên đây đã biến mất.

Cuối tuần trước, Pravit Rojanaphruk được mời đi « cải tạo », lần thứ hai, trong hai ngày hai đêm, từ Chủ nhật cho đến thứ Ba. Ông thuật lại với AFP : tuy không phải là tra tấn, nhưng hai ngày đó là hai ngày kinh khiếp nhất trong đời, bị bịt mắt, bị thẩm tra như lấy khẩu cung trong một nhà tù bí mật của quân đội, nóng như thiêu đốt, cách Bangkok một giờ rưỡi xe hơi. Tội của nhà báo là « bình luận trên các trang mạng xã hội ».

Pravit Rojanaphruk cùng với hàng trăm nhà đối lập, trí thức, chính khách hàng đầu của Thái Lan, kể cả Thủ tướng bị đảo chính, đã bị giam giữ nhiều ngày vào tháng 5/2014. Tuần này, hai cựu dân biểu đã bị triệu tập. Một trong hai người là cựu Bộ trưởng Năng lượng Pichai Narithaphan, được mời lần thứ 7.

Sau khi được thả hôm thứ Ba, cựu Bộ trưởng Pichai Narithaphan đưa thông điệp lên Facebook, giải thích không trả lời phỏng vấn nữa. Về phần nhà báo Pravit Rojanaphruk, bị đe dọa truy tố ra tòa nếu tiếp tục công kích chế độ, ông đã xin ngưng cộng tác với The Nation.

Theo phát ngôn viên của tập đoàn quân sự, đại tá Winthai Suvaree, ba nhân vật vừa kể « bị câu lưu vì cung cấp thông tin không phù hợp với đường lối phát huy hòa bình và trị an của chính quyền ».

Tổ chức phi chính phủ bảo vệ luật pháp iLaw thống kê 782 công dân Thái đã bị « cải tạo » hay « điều chỉnh thái độ », nhiều người bị chiếu cố nhiều lần. Một thành viên của iLaw xin giấu tên nhận định là trong thời gian gần đây chính quyền quân sự đã gia tăng sức ép. Ngày hôm qua 18/09, tướng Chan-O-Cha còn lên giọng bắt đi cải tạo bất cứ người nào dám chỉ trích ông.

Giáo sư Puathong Pawakapan giải thích với AFP : các biện pháp nghiêm khắc này nhằm khuyến cáo công luận là chính quyền quân sự không còn dung thứ bất cứ một tiếng nói phản biện nào. Người nữ chuyên gia chính trị của Đại học Chulalongkorn cũng đã nhận được giấy mời.

Theo nhà nghiên cứu Paul Chambers của Viện Đông Nam Á Sự vụ tại Chiang Mai, cái mới ở Thái Lan là chính quyền quân sự thay đổi chiến thuật theo hướng tăng gia khủng bố tinh thần. Trong chiều hướng này, tòa án Thái Lan trong những ngày gần đây đã kết án nặng nề kỷ lục đối với những trường hợp gọi là « phạm thượng » hoặc một nhóm sinh viên bị kết tội « phản nghịch » vì tham gia biểu tình chống đảo chính.

Có lẽ đây là lần đầu tiên người dân Thái lan nếm mùi « mời uống cà-phê, học tập cải tạo » từ nhiều ngày đến nhiều năm đang được sử dụng ở Trung Quốc, Việt Nam hay ở Liên Xô trước khi bị sụp đổ. Thật ra, biện pháp trấn áp tinh thần này đã được mọi chế độ độc tài từ cộng sản đến quân phiệt, từ Âu sang Á, từ châu Mỹ la-tinh đến Trung Đông áp dụng để bám quyền.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng vì sợ dân mà một chính quyền phải dùng biện pháp hù dọa dân chúng ?

Theo chuyên gia Paul Chambers, đây là dấu hiệu cho thấy chế độ quân sự đang cố bám trụ một cách tuyệt vọng và điều này không phải là điềm tốt cho tương lai nhân quyền tại Thái Lan.