Cuộc duyệt binh của TQ là 'quầy hàng' kỹ thuật ăn cắp
Phi đạn đạn đạo liên lục DF-5B được phô diễn trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh hôm 3/9/2015 để kỷ niệm 70 kết thúc Thế chiến thứ hai. |
Cuộc duyệt binh ồ ạt ở Bắc Kinh trong tuần này phô trương các loại vũ khí mới nhất của Trung Quốc, nhiều thứ lần đầu tiên ra mắt công chúng. Nhưng các chuyên gia vũ khí nói các hệ thống được đưa ra trưng bày cho thấy những đặc điểm lừng danh của Trung Quốc về việc ăn cắp kỹ thuật và điều chỉnh cho thích nghi với các yêu cầu của họ.
Cuộc trưng bày gồm các phi đạn tầm xa, tầm trung bình và tầm ngắn, một loạt xe tăng và 200 máy bay chiến đấu. Chính phủ Trung Quốc nói tất cả các thiết bị đã được chế tạo trong nước, để chứng minh cho thành quả của khả năng công nghiệp quân sự và ước tính chừng 145 tỷ đô-la dành cho quân đội vào năm 2015.
Ông Michael Raska, giảng viên kỳ cựu tại Viện Quốc phòng và Sách lược có trụ sở ở Singapore, nói: “Cuộc duyệt binh là một quầy hàng tài sản trí thức đánh cắp”. Nhà nghiên cứu này nói có thể nhận diện các bộ phận và thiết kế trong các thiết bị khác nhau, có nguồn gốc của các nước khác một cách khả nghi.
Viện dẫn một thí dụ cụ thể, ông Raska nói: “Những dàn phóng HQ-6A mà ta thấy trong cuộc diễn hành dựa vào khái niệm phi đạn Alenia Aspide của Italia được mô phỏng, tự nó lại dựa vào phi đạn RIM-7E/F Sparrow của Hoa Kỳ”.
Ông nói chiến hạm J-15 của Trung Quốc dựa vào một phiên bản Sukhoi Su-33 của Nga.
Cáo buộc của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc trong những năm gần đây là ăn cắp trên mạng kỹ thuật và các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ trên quy mô lớn. Các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ tố cáo chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc phần lớn dựa vào kỹ thuật đánh cắp từ chiếc F-35 của Hoa Kỳ.
Năm ngoái, Hoa Kỳ nói các tay tin tặc trong quân đội Trung Quốc đã đánh cắp những bí mật thương mại của 6 công ty hạt nhân, thép và năng lượng sạch của Hoa Kỳ, trực tiếp dẫn đến việc thất thoát đáng kể công ăn việc làm, lợi thế cạnh tranh và thị trường.
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ nói: “Đây là trường hợp cáo buộc các thành viên quân đội Trung Quốc làm gián điệp kinh tế… có lợi cho các công ty quốc doanh và các lợi ích khác của Trung Quốc.”
Điểm 'IDAR'
Nhưng ông Raska nói Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn mà họ là “những người bắt chước và sao chép” và đã đạt đến chỗ mà các chuyên gia mô tả là điểm “IDAR”, có nghĩa là nhận diện, tiêu hóa, thẩm nhập và tái đầu tư các kỹ thuật.
Các chuyên gia nói không dễ gì các nước và các công ty sản xuất kỹ thuật đặc biệt có thể chứng minh là kỹ thuật đó bị Trung Quốc đánh cắp. Các thiết kế bộ phận được pha trộn từ nhiều loại vũ khí khác nhau trước khi được tái tạo hình và sản xuất ở Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có thể sử dụng quan hệ ngoại giao với các nước đã thủ đắc vũ khí tây phương và không quan tâm đến việc truyền bá lại các kỹ thuật đã thủ đắc cho các khoa học gia Trung Quốc.
Nhưng ngay cả với kỹ thuật như thế được chia sẻ với các nước thân thiện với Trung Quốc, ông Jagganath Panda, một nhà khảo cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng, cho rằng các đầu tư của nước này dồn vào quân đội đã mang lại hiệu quả.
Ông nói: “Chúng ta cần phải chấp nhận rằng Trung Quốc đã hết sức thành công trong việc phát triển một khả năng sản xuất công nghiệp quân sự vững mạnh”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bán máy bay không người lái, chiến hạm, tàu ngầm và các hệ thống phòng không cho các nước đang phát triển và trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ ba trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Nga.
Thực vậy, một điểm quan trọng mà cuộc duyệt binh hôm thứ Năm có thể là để trưng bày các hệ thống tối tân nhất của nước này cho những khách hàng có ý mua và tăng cường uy danh của Trung Quốc trong tư cách một thế lực quân sự đang trỗi dậy.
Saibal Dasgupta
04.09.2015
Nguồn VOA