Matt Mahan

ads header

Breaking News

Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền: Khai dụng luật đã có

Báo cáo viên Ðặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo Heiner Bielefeldt phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hà Nội: “Tôi là nhân chứng của một số hành vi, mà tôi không muốn kể ra chi tiết ở đây, về sự hăm dọa, sách nhiễu và theo dõi các cuộc nói chuyện riêng tư.” (nguồn VOA- VVV trích)
Đã đến lúc chúng ta phải làm đúng cách
Ts. Nguyễn Đình Thắng

• Luật Hoa Kỳ đã có biện pháp chế tài các giới chức chính quyền vi phạm tự do tôn giáo

• Luật này, nếu khai dụng, có thể ảnh hưởng đến việc tham gia TPP của Việt Nam

• Muốn khai dụng luật chế tài, cần đầu tư vào huấn luyện và cần phối hợp trong-ngoài

(Ghi chú: Bài này thuộc Chương 3. Sách Lược Tạo Lực, trong loạt bài “10 năm dân chủ hoá Việt Nam”: http://www.machsongmedia.com/chinhtri/vandechinhsach/1009-pho-bien-ke-hoach-5-va-100.html )

Gần đây một số người ở trong nước tỏ ra phấn khởi với tin tức là dự luật chế tài các kẻ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam sắp sửa được đưa vào Quốc Hội Hoa Kỳ. Có lẽ họ sẽ phấn khởi hơn nữa nếu biết rằng luật Hoa Kỳ đã có sẵn biện pháp chế tài đối với những kẻ vi phạm tự do tôn giáo hay dung túng nạn buôn người, và có thể khai dụng ngay. Trong bài này, tôi tập trung vào lĩnh vực tự do tôn giáo.

Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua năm 1998 có 2 biện pháp chế tài: chế tài chính quyền của quốc gia nào bị chỉ định là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC), và chế tài cá nhân những giới chức chính quyền có hành động vi phạm tự do tôn giáo "một cách đặc biệt nghiêm trọng."

Năm 2007, chúng tôi đã khai thác điều khoản luật này bằng cách lập danh sách liệt kê một số giới chức cấp cao của Việt Nam liên can đến đàn áp tôn giáo và đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chế tài cá nhân. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho rằng không đủ thông tin để quy trách nhiệm các giới chức này về các hành vi đàn áp tôn giáo. Tôi đã viết bài giải thích về luật chế tài này và kêu gọi các tổ chức tôn giáo cung cấp thông tin bổ sung, nhưng không nhận được thông tin nào có thể dùng được.

Từ đó đến nay tình hình đã có nhiều thay đổi và đây là lúc chúng ta, người trong và ngoài nước, cần khai dụng triệt để điều luật chế tài cá nhân kể trên song song với việc vận động đưa Việt Nam vào danh sách CPC và trong khi Luật Chế Tài Kẻ Vi Phạm Tự Do Tôn Giáo Ở Việt Nam còn chưa được thông qua.

Biện pháp chế tài cá nhân kẻ vi phạm

Theo luật, bất kỳ giới chức chính quyền nào mà vi phạm tự do tôn giáo một cách "đặc biệt nghiêm trọng" thì sẽ bị từ chối visa nhập cảnh vào Hoa Kỳ, dù là đi công tác hay công du, trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Vợ hay chồng và con của họ nếu đang du lịch, du học, hay làm việc ở Hoa Kỳ lập tức bị trục xuất.

"Đặc biệt nghiêm trọng" là các hành động có hệ thống, đang tiếp diễn và trầm trọng như là:

- Tra tấn hoặc đối xử hay trừng phạt một cách tàn bạo, bất nhân hay hạ thấp nhân phẩm;

- Giam giữ lâu ngày mà không nêu tội trạng;

- Làm mất tích bằng cách bắt cóc hay giam kín;

- Thực hiện các hành vi trắng trợn nhằm tước đoạt quyền sống, tự do và an toàn của con người.

Năm 2014, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua tu chính án để bổ sung thêm một hành vi nữa: đập phá hay xúc phạm nghĩa trang tôn giáo (như trong vụ nghĩa trang của Giáo Xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng).

Tình thế đã thay đổi

Để đối phó với tình trạng thiếu thông tin, đầu năm 2014 BPSOS cùng 2 tổ chức quốc tế ở Âu Châu mở chương trình huấn luyện, tổng cộng gồm 8 buổi cho mỗi đợt huấn luyện, về báo cáo vi phạm tự do tôn giáo theo đúng thủ tục và tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc. Đến nay trên 350 người thuộc một chục cộng đồng tôn giáo khác nhau từ Bắc chí Nam đã qua khoá huấn luyện này. Họ cung cấp khoảng 100 bản báo cáo mà chúng tôi đã nộp cho LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, một số bộ phận trong Quốc Hội Hoa Kỳ, và một số chính quyền Phương Tây. Các bản báo cáo này ghi rõ danh tính, chức vụ, cấp bậc, cơ quan, và đôi khi có cả hình ảnh của các thủ phạm trực tiếp đàn áp tôn giáo. Chúng tôi đang chuyển các thông tin này vào danh sách đề nghị chế tài.

Đầu tháng 9 năm nay, chúng tôi mở rộng chương trình huấn luyện với khoá học "hàm thụ". Mục tiêu của chúng tôi là tăng thật nhanh số người biết cách báo cáo vi phạm: 600 vào cuối năm nay, 2 nghìn vào cuối 2016 và 5 nghìn vào cuối 2019. Nguồn thông tin sẽ ngày càng phủ dày và kín cả đất nước.

Để khai dụng Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998 vào bối cảnh của TPP, năm 2014 chúng tôi vận động cài điều kiện tự do tôn giáo vào "Luật Về Quyền Đàm Phán Nhanh". Luật này, được ban hành cuối tháng 6 vừa rồi, ấn định rằng Hành Pháp Hoa Kỳ phải đặt tự do tôn giáo làm mục tiêu khi đàm phán mậu dịch với bất kỳ quốc gia nào. Tổng hợp 2 luật này lại sẽ tăng áp lực lên Hành Pháp Hoa Kỳ phải giải quyết tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam nếu muốn Quốc Hội ủng hộ TPP mà vẫn giữ Việt Nam ở trong đó.

Như vậy, chúng ta đang có lợi thế hơn bất kỳ lúc nào trong 40 năm qua để áp lực Việt Nam phải thực sự tôn trọng tự do tôn giáo vì Việt Nam đang cầu cạnh để tham gia TPP, vì theo luật định Hành Pháp Hoa Kỳ phải phát huy tự do tôn giáo khi đàm phán TPP, và vì chính quyền Việt Nam ngày càng khó che đậy các hành vi đàn áp tôn giáo khi ngày càng đông các cộng đồng tôn giáo biết cách báo cáo vi phạm.

Phải làm đúng cách

Muốn đạt hiệu quả, chúng ta phải có tầm nhìn chiến lược nghĩa là phải nhìn trước được 5 hay 10 bước, và phải nắm được thời cơ để thực hiện những bước ấy -- bước này dẫn đến bước kia để sao bước cuối sẽ dẫn đến thành quả mong muốn. Đó là cách chúng tôi hành động.

Năm 1996 BPSOS bắt đầu vận động cho Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, mà tác giả là cựu Dân Biểu Frank Wolf (Cộng Hoà, Virginia). Khi luật này được ban hành năm 1998, lập tức chúng tôi áp dụng nó vào Việt Nam. Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC năm 2005. Chính quyền Việt Nam cam kết sẽ tôn trọng tự do tôn giáo. Năm 2007 Hoa Kỳ tháo gỡ Việt Nam khỏi danh sách CPC dựa vào lời cam kết ấy.

Trong thực tế, Việt Nam dùng Pháp Lệnh Tín Ngưỡng và Tôn Giáo và nghị định thi hành để kìm hãm các hoạt động tôn giáo; đồng thời, họ dùng những tổ chức tôn giáo quốc doanh hay đã quy phục để trấn áp những cộng đồng tôn giáo độc lập. Ở những vùng xa xôi, hẻo lánh thì chính quyền tỉnh và địa phương vẫn thẳng tay đàn áp tôn giáo một cách thô bạo vì nghĩ rằng quốc tế không hay biết.

Dù sao, "luật chơi" cũng đã đổi, từ "bất chấp quốc tế" sang "cam kết nhưng ăn gian". Từ năm 2007 chúng tôi tập trung vào 2 biện pháp phòng chống "ăn gian".

Biện pháp thứ nhất là vô hiệu hoá các tổ chức tôn giáo quốc doanh. Sau nhiều năm thu thập thông tin và gần 1 năm chuẩn bị, năm ngoái BPSOS cùng với 2 tổ chức bạn ở Âu Châu tạo điều kiện để Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng tiếp xúc với các cộng đồng tôn giáo độc lập và luôn cả các thành phần tôn giáo quốc doanh trong chuyến thị sát Việt Nam. Qua cách hành xử của chính họ, các tổ chức tôn giáo quốc doanh đã tự phơi bày thực chất trước phái đoàn của LHQ. Bản phúc trình của phái đoàn LHQ về chuyến thị sát đã giúp cho các chính quyền Hoa Kỳ và Phương Tây nhìn thấu thực chất của các tổ chức tôn giáo quốc doanh. Từ đó, nhiều phái đoàn quốc tế đã tìm gặp những tổ chức tôn giáo độc lập khi đến Việt Nam.

Biện pháp thứ hai là vén tấm màn che đậy hành vi đàn áp ở những nơi mà quốc tế không biết đến. Đầu năm 2014 chúng tôi thực hiện chương trình huấn luyện cho thành viên của ngày càng nhiều cộng đồng tôn giáo độc lập ở trong nước về báo cáo vi phạm với quốc tế. Đến nay trên 350 người đã qua khoá huấn luyện và khoảng 100 bản báo cáo đã được thực hiện. Chưa bao giờ chúng ta lại có được lượng thông tin chính xác, cấp thời, và nhiều như vậy về hiện trạng tôn giáo ở Việt Nam để cung cấp cho quốc tế.

Hai biện pháp trên xây nền móng cho việc khai dụng các luật đã có của Hoa Kỳ để áp lực chính quyền Việt Nam thực thi lời cam kết tôn trọng tự do tôn giáo.

Những bước kế tiếp

Có 4 việc mà chúng tôi đang thực hiện hay đang chuẩn bị thực hiện.

Thứ nhất, chúng tôi sẽ phổ biến danh sách thủ phạm và yêu cầu chính quyền Việt Nam điều tra và truy tố. Các thủ phạm ở cấp thừa hành có lẽ chẳng nghĩ mình có bao giờ sẽ công tác ở Hoa Kỳ hay cho con cái du học Hoa Kỳ; do đó bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ không phải là điều quan tâm. Tuy nhiên, chắc họ sẽ phải dè chừng vì có tên trong "bảng phong thần" có nghĩa là các hành vi đàn áp tôn giáo của họ đã được cả thế giới biết đến và đang bị theo dõi -- trong con mắt của công luận quốc tế, họ là những thủ phạm bị lên án. Đồng thời, nếu cấp trên không hành động thì chính họ sẽ được đưa vào danh sách đề nghị chế tài vì đã dung dưỡng cho hành động đàn áp tôn giáo. Đó là cách để truy ra những giới chức ném đá dấu tây -- núp trong bóng tối và chỉ thị thuộc cấp thừa hành.

Thứ hai, danh sách thủ phạm này sẽ được dùng cho cuộc tổng vận động vào tháng 3 sang năm, khi mà gần môt nghìn đồng hương sẽ lại đổ về thủ đô Hoa Kỳ từ nhiều thành phố và tiểu bang trong ngày Vận Động Cho Việt Nam 2016. Một trong những trọng tâm sẽ là vận động Bộ Ngoại Giao lên danh sách chế tài những thủ phạm được nêu tên.

Thứ ba, hàng trăm hồ sơ vi phạm và danh sách thủ phạm sẽ được cung cấp để Quốc Hội đánh giá sự tuân thủ của Hành Pháp đối với điều kiện trong "Luật Về Quyền Đàm Phán Nhanh". Đối mặt với lượng lớn hồ sơ vi phạm và danh sách dài về thủ phạm, Hành Pháp sẽ ở thế khó giải thích cho Quốc Hội là họ đã tuân thủ ra sao điều kiện về tự do tôn giáo khi đàm phán mậu dịch với Việt Nam, và tại sao chưa áp dụng các biện pháp chế tài đối với chính quyền và thủ phạm.

Thứ tư, chúng tôi đang dùng các hồ sơ vi phạm để vận động quốc tế áp lực Việt Nam phải cải tổ luật nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, vì bằng không thì sự vi phạm sẽ tiếp tục xảy ra.

Tác dụng của cả 4 bước này tuỳ thuộc vào mức độ tham gia có phối hợp của người ở trong và ngoài nước.

Trong-ngoài phối hợp

Hành trình gần 20 năm vận động cho tự do tôn giáo có thể tóm tắt thành 2 bước chính. Bước thứ nhất là đổi luật chơi từ "dùng bạo lực bất chấp sự lên án của quốc tế" sang "cam kết nhưng tìm mọi cách ăn gian". Bước đổi luật chơi này đang ở giai đoạn cuối.

Bước thứ hai là tạo "sân chơi mới" mà trong đó chế độ sẽ khó ăn gian vì chúng ta biết luật chơi, có ưu thế, có bản lĩnh và quốc tế là vị trọng tài công tâm.

Trong sân chơi ấy, khả năng báo cáo vi phạm một cách nhanh chóng, chính xác và đúng thủ tục LHQ sẽ giúp cho các cộng đồng tôn giáo độc lập nắm được ưu thế để tự bảo vệ quyền tự do tôn giáo của mình. Do đó, tôi kêu gọi các cộng đồng tôn giáo độc lập hãy ưu tiên sắp xếp nhân sự tham gia học hàm thụ (đường dẫn được ghi ở cuối bài) về báo cáo vi phạm tự do tôn giáo, mà trong đó có thông tin của các giới chức chính quyền trực tiếp vi phạm. Khi đã có khoảng 20 thành viên hoàn tất khoá học hàm thụ, xin liên lạc với chúng tôi nếu muốn được huấn luyện chuyên sâu hơn. Địa chỉ email để liên lạc: elisephuong.ho@bpsos.org.

Thu thập thông tin và viết báo cáo mới chỉ là một nửa công việc. Nửa kia là nộp báo cáo và vận động sự can thiệp của quốc tế. Do đó, tôi kêu gọi các cá nhân, nhóm và tổ chức ở hải ngoại, nếu quan tâm đến quyền tự do tôn giáo của đồng bào ở trong nước, hãy hỗ trợ cho đồng bào ở trong nước về nhuận văn và phiên dịch sang tiếng Anh các bản báo cáo vi phạm; còn những ai có thể tham gia quốc tế vận thì xin chọn ra một cộng đồng tôn giáo để "kết nghĩa" và vận động quốc tế can thiệp mỗi khi xảy ra sự vi phạm đối với họ. Chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn và huấn luyện trong cả 2 lĩnh vực kể trên. Xin liên lạc với chúng tôi qua: elisephuong.ho@bpsos.org.

Sự phối hợp trong-ngoài này càng bền chặt và càng lan toả thì càng giúp chúng ta chiếm lĩnh sân chơi mới và dồn chế độ vào thế phải thực thi những gì mà họ đã cam kết với quốc tế về tự do tôn giáo.

Chúng tôi áp dụng các nguyên tắc đổi luật chơi, chọn sân chơi và phối hợp trong-ngoài theo dạng "kết nghĩa" song đôi này trong nhiều lĩnh vực nhân quyền khác mà sẽ đuợc bàn đến ở những bài khác.


Bài liên quan:

Khi Tôn Giáo Quốc Doanh Rớt Mặt Nạ
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2939

Tạo lực cho các cộng đồng tôn giáo ở trong nước
http://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1013-to-lc-cho-cac-cng-ng-ton-giao.html

Đường dẫn đến chương trình học hàm thụ về báo cáo vi phạm tự do tôn giáo:
http://dvov.org/religious-freedom/ (phần "Training Materials" ở cuối trang)