Matt Mahan

ads header

Breaking News

Phim VIETNAMERICA Thành Công Rực Rỡ Tại Houston

Khách Việt Mỹ sắp hàng nối đuôi nhau vào xem phim
Phim VIETNAMERICA Thành Công Rực Rỡ Tại Houston
Phim chuẩn bị Ra Mắt Tại Đại Hội Thánh Mẫu Missouri và Denver, Colorado

• Khán giả đông đảo nhất thuộc thế hệ dưới 50
• Nhiều ý kiến của khán giả Mỹ Việt
                                   
*Bản tin của hội VAHF

Những khán giả đứng xem phim VIETNAMERICA

8.30 tối Chủ Nhật 26 tháng 7, 2015, nhiệt độ của một ngày hè nóng phỏng da của Houston tuy đã dịu xuống đôi chút, nhưng không khí còn rất oi bức. Trước cửa rạp chiếu bóng AMC số 2949 trên đường Dunvale Road thuộc thành phố Houston chật nứt khách đang chờ mua vé vào rạp để xem phim VIETNAMERICA. Ban Tổ Chức đã phải ra cáo lỗi vì đã bán hết 580 vé và rạp đã đầy nên không thể cho khách vào thêm. Một số khách đề nghị ban Tổ chức cho họ vào đứng để xem phim vì đây là buổi chiếu sau cùng của phim VIETNAMERICA tại Houston. Sau khi bàn thảo, Ban Tổ Chức đã đồng ý để cho gần 100 khách vào rạp đứng để xem phim và không lấy tiền vé, chỉ nhận đóng góp tuỳ tâm. Vì thế, đã có gần 2,500 đồng hương tham dự 4 buổi Ra Mắt phim VIETNAMERICA tại Houston trong hai ngày 25 và 26 tháng 7 vừa qua tại rạp AMC.

Ba xuất chiếu trước đó đã được sự chủ toạ của Hội Đồng Liên Tôn Houston gồm: Hoà Thượng Thích Huyền Việt, Linh Mục Phạm Hữu Tâm, Linh Mục Trần Ngọc Hùng, cư sĩ Hoà Hảo Nguyễn Anh Dũng, Nghị viên thành phố Houston Richard Nguyễn, các nhà bảo trợ, một số hội đoàn và cơ quan truyền thông, cùng một số thân hào nhân sĩ Mỹ Việt tại Houston.

Ngoài ra, trong hàng ngũ quan khách, chúng tôi ghi nhận được một số những yếu nhân như Thẩm phán Mc. Comb toà số 13 của Houston, Texas, nữ Thẩm Phán Kathy Hoàng (Hàn Bảo Khanh) toà số 14 và phu quân, bác sĩ Hoàng Ngọc Giao, cựu Thiếu tướng John Bailey, các cựu Đại tá Fred Glacier, Ray Rhodes, từng tham chiến tại Việt Nam. Ủy viên cảnh sát Texas Joe Pennington, một số tu sĩ Thiên Chúa giáo và Phật giáo, và còn nhiều những nhân vật quan trọng khác mà chúng tôi không ghi nhận được.

Những tiếng vỗ tay vang dội và những giọt nước mắt lăn dài

Mỗi xuất chiếu, dưới sự điều động của 3 MC đầy kinh nghiệm:  Trần Tiến Tinh và Nickie Trần vào ngày thứ bảy, Lê Phú Nhuận và Nickie Trần vào ngày Chủ nhật trên 500 khách đã đứng nghiêm chào quốc kỳ Việt Mỹ và phút mặc niệm đầy cảm xúc trước khi thưởng thức cuốn phim.
Trong suốt 90 phút xem phim, khách thưởng ngoạn đã 2 lần vỗ tay vang dội; lần đầu sau khi xem một người Hungary mắng những người Mỹ mang cờ Cộng sản và cờ Giải phóng miền Nam la hét đòi chấm dứt chiến tranh trong phong trào phản chiến tại Mỹ:

 “Các anh ngu xuẩn, dại dột và bị lừa nên đã đến đây biểu tình! Thật là xấu hổ, nhục nhã cho nước Mỹ!....Những người Nam  Việt Nam đang đấu tranh cho tự do và tương lai của con cái họ. Mỗi người lính Việt Nam Cộng Hòa là một anh hùng, họ xứng đáng được gắn huy chương cho lòng can đảm và hy sinh của họ..”

Lần thứ hai, tiếng vỗ tay như không muốn dứt sau khi Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh nói: “Tôi muốn đền ơn người Mỹ nên tôi đã cố gắng chế tạo loại vũ khí này để giúp các chiến sĩ Hoa Kỳ chiến đấu tại các chiến trường có thể trở về an lành với gia đình họ…”

Không khí trong rạp còn lại thật trang nghiêm, chỉ nghe tiếng của các nhân vật và nhạc lúc dặt dìu, khi vang dội từ màn ảnh. Khán giả ngồi yên im chăm chú, đâu đây nghe như  tiếng khóc xụt xùi thật nhẹ của khán giả trước những éo le của lịch sử, thảm cảnh của thuyền nhân hay những cảnh chết thảm khốc của người dân lành và trẻ em vô tội trong cuộc chiến thảm khốc trên 20 năm.

Một công trình mang tính cách nhân bản và nghệ thuật.

Hoà thượng Huyền Việt đã thật xúc động sau khi xem phim. Vị Hòa thượng cũng từng là thuyền nhân và sống tại Songkhla, Thái Lan những ngày tháng dài trước khi định cư tại Hoa Kỳ. Ông nghẹn ngào chia sẻ: ” Tôi không giữ được cơn xúc động vì hơn một tiếng đồng hồ qua, tôi đã nhìn lại cảnh đồng bào ta sau năm 1975 đã phải lang thang đến nhiều mảnh đất xa lạ để tìm tự do. Từ những  ngày đau thương đó, chúng ta tom góp nhau lại thành một cộng đồng người Mỹ gốc Việt với bao khó khăn để có ngày hôm nay…”

Riêng với Linh mục Bác sĩ Phạm Ngọc Tâm chia sẻ:” Khi hội VAHF kêu gọi tôi giúp vào việc quảng bá phim VIETNAMERICA, tôi đã nhận lời vì hai lý do: thứ nhất là vì quá trình làm việc của hội và sau đó là nghe và đọc những lời chia sẻ của những người đã xem phim. Nhưng thú thực trong lòng tôi chưa dám mạnh dạn để nói về cuốn phim. Nhưng sau khi xem phim, tôi thấy rằng mình đã có đủ lý do để quảng bá giúp hội VAHF bằng mọi cách vì cuốn phim này ngoài giá trị của bài học lịch sử, phim còn mang tính nhân bản và là một công trình nghệ thuật. Cuốn phim làm rất công phu và không thua gì những cuốn phim của nguời Mỹ đã làm mà mọi người chúng ta phải và cần xem…”. Vị Linh mục Bác sĩ này chỉ không giúp việc quảng bá, ông còn ký ngân phiếu và tặng hội VAHF $200.

Cuốn phim đã mở mắt cho em

Buổi chiếu phim chấm dứt, khán gỉa lần lượt ra về với gương mặt bùi ngùi, xúc động. Một số khán giả sau buổi chiếu đã nán lại để đóng góp ý kiến. Phần lớn các giới trẻ đã lên sân khấu để nói về những ngạc nhiên, thích thú và vui mừng về sự có mặt của VIETNAMERICA.

Nguyễn Thiên Phúc 21 tuổi, sang Mỹ lúc 8 tuổi và hiện đang học tại trường dạy nấu ăn chuyên nghiệp tại Houston đã phát biểu:
“ Em đến đây khi còn nhỏ và không nhớ gì nhiều, cám ơn những người đã làm phim VIETNAMERICA giúp em và những nguời trẻ hiểu được những khó khan và hy sinh của cha mẹ…”

Em Đàm Tôn Đắc Vinh là con trai duy nhất của anh chị Đàm Quang Tâm và Ca sĩ Thái Hà đến từ San José. Vinh 22 tuổi, sinh trưởng tại Canada, vừa tốt nghiệp cử nhân Triết Anh Ngữ và đang chuẩn bị vào trường Luật chia sẻ:
“Cuốn phim đã khiến cho em phải mở mắt (an eyes opening) nhìn vào cuộc đời khác với những suy nghĩ của mình truớc đây. Ba mẹ em là những thuyền nhân. Họ đã kể cho em về chuyến đi tìm tự do khó khăn của họ, nhưng cuốn phim này đã giúp em hiểu đầy đủ với những chi tiết đem lại nhiều xúc động em không thể quên…”

Cô Tiffany Zhang, con dâu của nhà bảo trợ Bạch Kim Stephen Le thuộc công ty Greatland Investments. Ngoài việc bảo trợ, ông Stephen Le còn mua trên 20 vé cho con cháu, dâu rể cùng đi xem. Cô Tiffany phát biểu:
“Tôi là một người Trung Hoa đã kết hôn với chồng tôi là người Việt Nam. Dù cùng là người Á Châu, nhưng tôi nhìn thấy sự chăm chỉ và cần mẫn của gia đình chồng khiến tôi rất kính phục, Hôm nay, sau khi xem cuốn phim, tôi mới hiểu được những đức tính của họ từ đâu mà có. Từ là những người tị nạn tay trắng, họ đã chăm chỉ và không quản ngại trước những khó khăn để thành công như ngày hôm nay….”

Không phải thất vọng

Phương Songkhla, người đã gắn tên của trại tị nạn Song Khla vào tên của mình cho biết em đã mua 20 vé cho gia đình và bạn bè đi xem. Sau khi xem, Phương Songkhla ký check tặng hội VAHF $200 đô la. Phương chia sẻ::” Em đã không cầm được nước mắt. Em đã khóc từ đầu tới cuối cuốn phim”.

Riêng nữ Thẩm phán người Mỹ gốc Việt Kathy Hoàng đã chúc mừng hội VAHFvà nhà sản suất. Bà phát biểu:” Cuốn phim đã rất thành công!”
Nha sĩ Chu Văn Cương và phu nhân Thùy Linh đã ký check ủng hộ hội VAHF $1,000 ngay sau khi bước chân ra khỏi rạp, Nha sĩ Cương chia sẻ:” Phim thật cảm động, chúng tôi thật hãnh diện để góp phần vào việc cổ động cho cuốn phim này”.
Bác sĩ Vũ Ban, Chủ nhân của Thẩm Mỹ viện Bích Ngọc và Đài truyền hình VAN TV trả lời câu phỏng vấn của đài VIETV trong khi đôi mắt còn ướt:” Chúng tôi đã mong đợi để được xem phim này từ lâu. Và quả thật chúng tôi đã không phải thất vọng sau khi xem phim. Tiếc rằng Ban Tổ chức không cho chiếu thêm nhiều ngày nữa để nhiều đồng hương được xem.”

Ý kiến của khán giả Hoa Kỳ:
Cuốn phim nói về tình người tuyệt đẹp!

Cựu Thiếu tướng John Bailey từng tham chiến tại Việt Nam phát biểu: “ Cuốn phim thật tuyệt vời!: ”. Ông còn tỏ ý mong mỏi có những cuốn phim nói lên tình đồng đội thắm thiết giữa người lính Hoa Kỳ và Nam Việt Nam vì ông đã có những kinh nghiệm tốt đẹp này.

Ủy viên Cảnh Sát Texas Joe Pennington nhận định: “Cuốn phim thật hay và cảm động, nếu nhà sản xuất cần bất cứ việc gì để có thể phổ biến cho đại chúng Hoa Kỳ, tôi sẵn sàng góp một tay.”

Nữ cựu quân nhân Treva Mott từng tham chiến tại Iraq và Afphanistan đã thật xúc đông khi cho ý kiến:
“VIETNAMERICA là cuốn phim đau buồn đáng nhớ và mọi người phải xem. Điều làm tôi cảm động nhất là được nghe và xem chính những nhân vật đã kể bằng chính ngôn ngữ của họ. Lòng quyết tâm bỏ trốn, sự bất công to lớn mà họ phải trải qua và họ sẵn sàng chết cho tự do là một điều vô giá. Đây là một phần của lịch sử và một câu chuyện mà mỗi người chúng ta có thể học hỏi”

Nữ Cảnh sát viên Elizabeth Balnton đang phục vụ tại sở cảnh sát Houston phát biểu qua một email gửi cho Tiến sĩ Đặng Thiệu, thuộc Ban Quản trị của hội VAHF:

"Tôi rất thích thú khi xem cuốn phim này vì nó là một cánh cửa sổ đưa vào lịch sử. Trước đây tôi không hề biết sau chiến tranh Việt Nam đã có nhiều người Việt bỏ trốn khỏi đất nước của họ nhiều đến như vậy. Mặc dù câu chuyện của Võ sư Hoá rất buồn, tôi nghĩ rằng cuốn phim đã làm rất tốt việc giải thích lịch sử của người Mỹ gốc Việt và sức mạnh, lòng can đảm và ý chí sống còn của h.”

Thẩm Phán toà số 13, Houston Mc. Comb đã phát biểu ngắn gọn:
” Cuốn phim nói về tình người tuyệt đẹp!”

Những khán giả bất ngờ và ý kiến của người trong nước qua trang mạng đài VOA

Ví trình chiếu vào mùa hè nên phim VIETNAMERICA đã được một số khách từ Việt Nam sang Mỹ thăm gia đình hoặc lo công việc đã nghe nói về cuốn phim và đến xem.

Ý kiến dưới đây là của một nhà kinh doanh rất thành công tại Việt Nam, ông đến xem phim với toàn thể gia đình. Chúng tôi không ghi rõ tên vì không muốn những khán giả này gặp khó khan khi trở về nước. Vị khan giả từ trong nước đã nhận định:

“Một trong những bộ phim tài liệu hay, dài 90 p, nói về "Boat People". Một thân phận điển hình (võ sư Hoá) tháo chạy khỏi cộng sản khi miền Nam bị xâm chiếm. Sự mất mát quá lớn của một con người là cái giá phải trả cho việc đi tìm tự do. Và giá trị của sự tự do là sự đền bù xứng đáng cho hàng triệu người Việt Nam trong cuộc đào thoát vĩ đại của những thập niên 70, 80.”

Trước khi phim được chiếu khoảng một tuần, phóng viên Hoài Hương của đài VOA chương trình tiếng Việt đã phỏng vấn nhà sản xuất Nancy Bùi. Buổi phỏng vấn này đã gây được sự chú ý của số đông đảo độc giả và thính giả trong và ngoài nước. Chúng tôi xin ghi lại một vài ý kiến tiêu biểu để bạn đọc tiện theo dõi.


Ý kiến bởi: xyz từ: Việt Nam
24.07.2015 17:34
Trả lời
Tôi là người VN 100% và tôi vẫn đang sống trên mảnh đất này, tôi nghĩ Triều Giang đã rất đúng khi làm bộ phim này, tôi hy vọng phim sẽ được công chiếu rộng khắp hoàn cầu, để bất kỳ đâu cũng xem được...ngay cả ở Việt Nam.
Tôi cũng có ý nghĩ giống như 1 bạn 'không ghi tên' :

BỘ PHIM 'Vietnamerica' LÀ PHẦN QUAN TRỌNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ ĐẢNG CSVN.

bởi: Le từ: My
24.07.2015 01:23
Trả lời
Nguoi Viet o nuoc ngoai cung la mot thu di dan de kiem an nhu bao nhieu di dan khac chu co gi dau
Trả lời
bởi: Phú từ: Phú Yên
24.07.2015 16:35
Trả lời
Trước khi bạn phát ngôn như vậy, bạn có suy nghĩ tại sao họ phải đi ra nước ngoài để kiếm ăn không? Và phải đánh đổi cả tính mạng của mình chỉ vì miếng ăn?

Bạn đọc có thể vào link của trang chủ đài VOA dưới đây để đọc tiếp những ý kiến rất đáng suy nghĩ:

http://www.voatiengviet.com/content/vietnamerica-tham-canh-thuyen-nhan-vietnam/2870800.html

Những ý kiến đóng góp

Ngoài những lời khen ngượi và cám ơn nhà làm phim kể trên, phần hỏi và đáp có một số ý kiến đóng góp như vì sao phim không nói về TT. Ngô Đình Diệm, không có cảnh đấu tố, phim hay nhưng quá nhẹ nhàng, thiếu những cảnh của các trại tị nạn tại Hoa Kỳ như Forth Chaffy,v..v…
Ban tổ chức đã giải thích cuốn phim thời lượng chỉ có 90 phút thì khó có thể đưa tất cả những vấn đề của Việt Nam trong ¾ thế kỷ vào được. Cần phải có nhiều phim mới hoàn tất đưọc công việc này. Riêng về vấn đề phim thiếu những cảnh bạo lực như đấu tố, máu đổ thịt rơi, Nhà sản xuất Nancy Bùi cho biết mục đích của phim là giáo dục và muốn đưa cuốn phim vào các trường thì những cảnh tượng bạo lực không được đưa vào mà chỉ khéo léo diễn tả để không phải phơi bày các cảnh bạo lực đó.

Nỗ lực của cả thành phố Houston cho sự thành công rực rỡ của VIETNAMERICA

Tiến sĩ Đặng Thiệu, trong Ban quản trị VAHF, người cùng với Dưọc sĩ Quế Phạm trong 2 tháng dài đã làm việc với các thân hữu và hội đoàn như Nha sĩ Chu Văn Cương, anh Đỗ Tĩnh, anh Văn Đình thuộc Cộng Đồng Ngưòi Việt Houston,, chị Phương Ninh, chị Ngọc Tân, chị Tuyết Mai, chị Trần thị Thu Vân và còn nhiều chị khác thuộc Gia Dinh Trưng Vương Houston, các chị Ngọc Sương, Yến La, Ngọc Hương, Thuý Phạm của hội Cựu Nữ sinh Gia Long Houston, và một số thân hữu khác như anh Hoàng Xuân Lý của Viet Travel, chị Thuý Hiệp, anh Trung thuộc nhóm Người Việt Tị Nạn Phi Luật Tân,  để lo bán vé, phân phát vé. Với sự hỗ trợ tối đa của đài phát thanh Sàigòn Houston 900 trong việc loan báo, hội thoại của Hội đồng Liên Tôn, các hội đoàn. Đài còn giúp bán vé ngay tại văn phòng. Các đài truyến hình VIETV, BYN, VAN TV cũng đã yểm trợ tối đa qua các buổi hội luận, những thông báo hầu như hàng ngày.

Còn phải kể đến sự đóng góp rộng rãi của các nhà bảo trợ như ông bà Stephen Le thuộc Greatland Investments, Christine Quỳnh AB Realty, HEB, VIETV, V247, Direct Furniture, Alpha Realtors, Caryn Trần Chicago Tittle, Pham Law Group và Milennium Tittle, Thắng Hưng Super Market, Singapoe Arlines, và DT Collagen. Riêng nhà bảo trợ Christin Quỳnh đã mở cửa nhà đón nhận gần 10 hội viên VAHF làm việc trong 5 ngày trước và sau buổi Ra Mắt phim.

Theo bản tổng kết của ban Tổ chức thì số tiền thu được từ sự ủng hộ của các nhà bảo trợ, thân hào nhân sĩ và tiền bán vé đã lên tới $70,000. Sau khi trừ chi phí, còn lại gần $60,000 đô la giúp hội VAHF trả được hơn 1/3 số nợ của hội cho cuốn phim.

Nhà sản xuất Nancy Bùi tâm sự: "Tất cả những nỗ lực kể trên, thêm vào sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của 3 MC gồm chuyên gia Tịnh Tiến Tinh, nhà báo Lê Phú Nhuận và nữ Luật sư trẻ Nickie Trần cùng những thiện nguyện viên có mặt để lo việc tiếp tân, bán vé, soát vé và những hội viên của hội VAHF làm việc trong âm thầm như anh chị Peter Hà Phạm, anh chị Cơ Nguyễn, anh chị Long Mai Nguyễn, chị Tuyết Linh, Chị Tuyết Trần, chị Ý Thơ đến từ Austin, anh Hoàng Hải Ban kỹ thuật hoặc chị Hoàng Dung, trưởng Ban Điều hành đã đóng góp tích cực vào sự thành công rực rỡ của 4 xuất chiếu phim. Hội VAHF xin chân thành cám ơn Houston và người của thành phố “ nắng ấm, tình nồng”  luôn quan tâm và nỗ lực cho những việc công ích của cộng đồng và của đất nước, dân tộc.
Niềm vui lớn nhất của anh chị em trong hội VAHF là nhìn thấy sự quan tâm đến lịch sử của những người trẻ. Hơn một nửa khán giả ở trong lứa tuổi 50 trở xuống. Tức là khi cuộc chiến tranh chấm dứt, họ còn rất trẻ hoặc họ sinh ra sau cuộc chiến. Đó là thế hệ mà cuốn phim nhắm vào để phục vụ. Thế hê của những người biết rất ít hoặc không biết gì cả về cuộc chiến tranh và cả thời hậu chiến. Mong ước kế tiếp của hội là những người trẻ trong nước có dịp để xem cuốn phim VIETNAMERICA, khi đó mục tiêu của hội mới đạt được kết quả mong muốn.”
.
Bà Nancy Bùi cũng cho biết địa điểm chiếu phim VIETNAMERICA kế tiếp là tại Đại Hội Thánh, Mẫu 2015 tại Missouri. vào hai ngày Thứ Tư mùng 5 và Thứ Năm mùng 6 tháng 8 tại Hội Trường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam với sức chứa trên 3,000 người của Nhà Dòng Đồng Công tại số 1900 Grand Ave. Carthage, MO. 64836. Mỗi ngày gồm 3 xuất lúc 10am, 2pm và 4pm.

Sau đó, phim sẽ được trình chiếu tại Denver, Colorado tại Hội trường của Nhà Thờ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Địa chỉ: 4655 Harlan St. Wheat Ridge, CO. 80033 vào Chủ Nhật 20 tháng 9, 2015, gồm 2 xuất vào lúc 4pm và 7pm.Xin liên lạc với anh John Hùng Vũ.  Điện thoại số  (720) 217-3065 để biết thêm chi tiết.

Và khi bài báo này sắp lên khuôn, chúng tôi có nhận được video chip của VIETV tường trình về Buổi Ra Mắt phim VIETNAMERICA tại Houston, xin gửi tới quý độc giả dưới đây để kính tường:

https://youtu.be/FxN1UwS7qXg

Bản tin của hội VAHF
8/2015

Mặt khác, một số thân hữu và khán giả sau khi xem phim đã nhiệt tâm viết và gửi đến hội những bài viết nhận xét về phim, chúng tôi xin ghi nhận và gửi tới độc già dưới đây để kính tường:

Bài viết của Chị Nguyễn Thị Phương Ninh
Gia Đình Trưng Vuơng Houston

Tôi nghĩ cuốn phim Vietnamerica đã đạt được thành công lớn tại Houston khi xuất cuối cùng ngày Chủ nhật 26 tháng 7, 2015 đã không còn một chỗ trống và một số người đã xin được đứng xem vì những người đi xem trước đã hết lòng ngợi khen và dặn rằng :“nếu không đưa cả gia đình, con cháu đi xem phim này sẽ là một thiếu sót lớn”.

Phim có tính cách “Người Thật - Việc Thật” đầy bi ai đã đánh động vào giới trẻ và người bản xứ là những người không biết nhiều, biết đúng về chiến tranh Việt Nam, về cuộc di tản đau thương tháng 4-1975 đi tìm Tự Do, mọi người đã phải bỏ lại hết sau lưng, chỉ với hai bàn tay trắng cùng khối óc và sự cần mẫn, chịu đựng để xây dựng lại cuộc đời với đầy cam go, khó khăn của người tỵ nạn khi mới tới còn chân ướt chân ráo lại không nói được Anh ngữ! Thế mà họ đã vươn lên để có thế hệ thứ hai, thứ ba thành công vẻ vang làm rạng danh người Việt!

Người bản xứ đã phải xúc động rơi lệ khi chứng kiến nỗi khổ đau, sự chịu đựng bền bỉ của Thuyền Nhân vượt qua những cảnh chết chóc, cảnh gia đình ly tán khi vượt biển, vượt biên…. Giới trẻ đã hiểu biết thêm để biết ơn thêm về sự hy sinh của cha mẹ, ông bà….

Xin đồng hương hãy cố gắng thu xếp việc nhà để đi xem cho được cuốn phim này.

Xin chân thành cảm ơn Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa - VAHF và nhất là những nỗ lực vượt bực để cho ra mắt cuốn phim VIETNAMERICA đã từng được một số khán giả Houston “khó tính”ca ngợi là “Phim hay nhất trong các phim Việt Nam từ trước tới giờ!

Nguyễn Phương Ninh

VÀI Ý NGHĨ NHÂN XEM PHIM VIETNAMERICA

• Bùi Huy

Bài viết dưới đây của ông Bùi Huy, kỹ sư dầu hoả, đã có những khám phá mới giúp ngành khoan dầu của Hoa Kỳ đứng hàng đầu thế giới vì tính cách an toàn và đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Ông Bùi Huy đã mua 18 v é cho cả gia đình cùng đi xem phim.

Mỗi người Việt tỵ nạn giữ trong lòng mình những kỷ niệm riêng tư về chuyến hành trình vượt thoát địa ngục Cộng Sản. Không một câu chuyện nào có thể nói lên được hết những bộ mặt khác nhau của buồn tủi, nhọc nhằn, của đớn đau, kinh hoàng mà người Việt tỵ nạn đã gặp phải.

Tuy vậy, cuốn phim Vietnamerica, bằng cách lồng những đau thương cá nhân vào những thước phim tài liệu, những mẩu chuyện đầy nước mắt vào những lời phát biểu của những quan chức người Mỹ, cuốn phim ấy đã khéo léo vẽ lên được những nét chính của cuộc di cư vĩ đại và đau thương nhất trong lịch sử dân tộc.

Quả là trời thì xanh, mà khổ đau nói sao cho hết! Nhưng hơn thế nữa, không chỉ vẽ lên những uất hận ngập trời, Vietnamerica còn đưa ra những đóng góp đẹp đẽ của người Việt tỵ nạn vào xứ sở đã dung dưỡng họ, của những mảnh đời tuy đã bị quật vỡ nát như của võ sư Hóa, vẫn có thể vươn lên, vượt qua được nỗi ám ảnh về cái chết đau thương của vợ và hai con, để cống hiến cho đời bằng cách rao giảng, truyền dậy cho người già và thanh thiếu niên bản xứ tinh thần kỷ luật và võ thuật Việt Nam, của những người như bà Khúc Minh Thơ tranh đấu cho tù nhân còn bị giam cầm đày đọa, của những thế hệ thứ hai không chỉ đang lao động kiếm tìm miếng cơm manh áo mà còn đóng góp vào sự an toàn và phồn vinh của xã hội dưới nhiều hình thức.

Đây là một cuốn phim đáng xem, nên xem. Không chỉ cho các thế hệ trẻ để chúng hiểu thêm về lý do và hoàn cảnh đưa đến việc cha chú phải bỏ nước ra đi, mà còn cả cho chúng ta, thế hệ đã trưởng thành khi miền Nam bị cưỡng chiếm, để chúng ta có thể nhìn lại chính mình, nhìn lại những gì chúng ta đã làm, và từ đó khôn ngoan hơn trong những bước đi sắp tới, những bước đi từ một quá khứ đau thương vào một tương lai tươi sáng, trên đoạn đường còn lại của một cuộc sống có ý nghĩa.

Đây cũng là một cuốn phim nên rủ những người bạn Mỹ cùng xem. Niềm vui, nỗi buồn của người dân Việt đã không được nhắc đến trong các phim của người Mỹ. Người dân Mỹ nên xem để phần nào có thể hiểu được điều ấy, để biết chính quyền của họ, những người ngồi ở Bạch Cung và tòa nhà Quốc Hội trong mười mấy năm trước tháng Tư 1975, đã đối xử tồi tệ với người dân Việt như thế nào. Chúng ta biết ơn chính quyền và người dân Mỹ đã cưu mang chúng ta, nhưng chúng ta cũng cần phải cho họ biết họ đã sai lầm ra sao trong quá khứ, trong niềm hy vọng rằng một lỗi lầm tương tự có thể được tránh.

Bùi Huy

29 tháng 7, 2015


Tại bàn bán vé của Phim VIETNAMERICA trong rạp AMC Houston. Từ trái: cô Thu Mai, chị Hương Loan Nguyễn, bà Trịnh Tiến Tinh, và chị Long Mai đang chuẩn bị đón khán giả.
Chị Ý Thơ (áo dài) thuộc hội VAHF giúp việc soát vé.
Một số các anh chị trong Ban Tổ Chức chụp hình lưu niệm.
Nhà sản xuất Nancy Bùi chụp hình lưu niệm với ông bà Stephen Le, nhà bảo trợ Bạch Kim
Một số nam thành viên của hội VAHF. Từ trái: Bùi Ngọc Triễn, hỗ trợ kỹ thuật, ca sĩ Nguyễn Ngọc Long, trưởng Ban Văn Nghệ, và Tiến sĩ Đặng Thiệu, Trưởng Ban Nghiên Cứu.
Hội Đồng Liên Tôn Houston và một số nhà bảo trợ trong hàng ghế danh dự: Hàng trước từ trái: Ông Stephen Le, Greatland Investments, Linh mục Bác sĩ Phạm Hữu Tâm, Linh mục Trần Ngọc Hùng, Hoà Thượng Thích Huyền Việt. Hàng nhì từ trái. Ký giả Dươg Phục, Đài Saigòn Houston 900am, Luật sư Phạm Quốc Bảo, VIETV, ông Lân Ngô V247, Hàng thứ 3 từ trái: anh John Hoà Nguyễn Ban quản trị VAHF đến từ News Orleans, Bà Nancy Bùi, Andrew Bennett, nhà lắp rá (editor), ứng cử viên Thị Trưởng Houston Nguyễn Thái Học.
Từ trái: Ông Bùi Huy, Kỹ sư dầu hoả, nữ cảnh sát viên Elizabeth Blanton, bà Nguyễn Thị Phương Ninh thuộc Gia Đình Trưng Vương Houston.
MC Nickie Tran & Trịnh Tiến Tinh mời quan khách Mỹ Việt đứng lên chào quốc Kỷ Việt Mỹ và phút mặc niệm.
Đại diện các nhà bảo trợ từ trái: Luật sư Phạm Quốc Bảo, VIETV, Lân Ngô, Tổng Giám đố V247, Christin Quỳnh thuộc AN Realty & Mortgage, Tổng Giám đốc Stephen Le, Greatland Investments, Hai MC Nickie Tran và Trịnh Tiến Tinh.Hình phải: Christin Quỳnh phát biểu cảm tưởng và lý do khiến cô nhận lời bảo trợ VIETNAMERICA.
MC cho 2 buổi trình chiếu ngày Ch ủNhật 26 tháng 7: Luật sư Nickie Tran & nhà báo Lê Phú Nhuận.
Đại diện một số hội đoàn và cơ sở Truyền Thông bảo trợ: Từ trái Bác sĩ Vũ Ban thuộc VAN TV, Bà Yến Lã, Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long Houston, Cô Tân Trịnh, Gia đình Trưng Vương Houston và Anh Tịnh Độ, Tổng Thư Ký Cộng Đồng Người Việt Houston
Cựu Đại tá Fred Glacier (người cầm micro phone) từng tham chiến tại Việt Nam đóng góp ý kiến. Người đứng phiá trái là bà Nancy Bùi. Phiá phài Tiến sĩ Đặng Thiệu, Andrew Bennett, Võ sư Nguyễn Tiến Hoá, và ca sĩ Thái Hà đứng trên sâu khấu để trả lời những câu hỏi của khán giả.
Rạp đầy ắp khán giả. Có nhiều người ngồi trên những bậc của lối đi
Những người trẻ không màng phải ngồi trên lối đi.
Và những người khách nhẫn nại đứng dọc hành lang.suốt 90 phút để xem phim.

Điểm đến kế tiếp của phim VIETNAMERICA: Đại Hội Thánh Mẫu Missouri 2015.

Phim sẽ đươc chiếu vào hai ngày: Thứ Tư mùng 5 và thứ Năm, mùng 6 tháng 8. Mỗi ngày 3 xuất lúc 10am, 2pm và 4pm. Kính mời khách hành hương tới xem.

Sau đó, phim sẽ được trình chiếu tại Denver, Colorado tại Hội trường của Nhà Thờ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Địa chỉ: 4655 Harlan St. Wheat Ridge, CO. 80033 vào Chủ Nhật 20 tháng 9, 2015, gồm 2 xuất vào lúc 4pm và 7pm.Xin liên lạc với anh John Hùng Vũ. Điện thoại số: (720)217-3065 để biết thêm chi tiết.