Matt Mahan

ads header

Breaking News

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Thắng lợi ngoại giao của Obama

Tổng thống Mỹ Obama phát biểu ngay sau tin đạt được thỏa thuận về hạt nhân Iran. Ảnh tại Nhà Trắng ngày 14/07/2015.Reuters    
(RFI) Sau 12 năm khủng hoảng, thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran vào sáng nay 14/07 tại Vienna là bước đầu kéo Iran ra khỏi vòng cô lập. Thỏa thuận này còn tránh cho Hoa Kỳ sử dụng giải pháp quân sự với những hệ quả khó lường trong một khu vực bất ổn, là một thành công to lớn của tổng thống Obama, Nobel Hòa bình 2009.

Ủy ban Nobel Hòa bình của Na Uy đã không chọn lầm người. Năm 2009, khi vừa mới đắc cử Tổng thống Mỹ được một năm, ông Barack Obama được trao giải thưởng cao quý thường để vinh danh những cá nhân hay tổ chức cống hiến cho hòa bình thế giới. Ý thức bị chỉ trích chưa có công lao gì mà được thưởng, tân tổng thống Mỹ tuyên bố : Tôi chỉ mới ở bước đầu trên sân khấu chính trị thế giới.

Thế nhưng, gần sáu năm sau, với thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran kèm theo các biện pháp chế tài, tổng thống Obama đã dành được một chiến tích ngoại giao xuất sắc theo như nhận định của các chuyên gia quốc tế.Hiệp định chính trị này đẩy lùi nguy cơ can thiệp quân sự vào Iran, với những hậu quả khó lường tại vùng Vịnh nhiều bất ổn .

Đương nhiên là thỏa thuận với Iran bị công kích từ nhiều phía, bên ngoài như Israel và các vương quốc Su-ni, bên trong là đối lập Cộng hòa kiểm soát Quốc hội. Dù cho thỏa thuận cuối cùng được phê chuẩn và ban hành thì cũng phải mất nhiều năm, sau khi ông rời Nhà Trắng, mới có thể đo lường được kết quả.

Tuy vậy, theo AFP, vị tổng thống thứ 44 của Mỹ có quyền hãnh diện vì một trong những nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của ông đã được thực hiện cụ thể : đó là dành cơ may cho đối thoại, kể cả với kẻ thù của nước Mỹ.

Khi nhận giải Nobel Hòa bình , tổng thống Obama tuyên bố phải luôn luôn tìm một « quân bình giữa cô lập và hợp tác, giữa áp lực và khuyến khích ». Ông giải thích : nếu chỉ trừng phạt mà không có cử chỉ thân thiện, nếu chỉ lên án mà không thảo luận thì chắc chắn sẽ gặp thất bại.

Trong khi người tiền nhiệm lập danh sách các nước « côn đồ » thì ông Obama tìm cách tiếp cận, cởi mở thậm chí vượt làn ranh đỏ. Ông đã không do dự gọi điện thoại cho tân tổng thống Iran Hassan Rohani vào tháng 9 năm 2013 dẫn đến vòng đàm phán kéo dài 21 tháng và thỏa thuận 14/07 tại Vienna.

Tiến trình « sưởi ấm » quan hệ ngoại giao này đã được thực hiện nhờ một sự ngẫu nhiên của chính trị. Barack Obama lên cầm quyền tại Washington với sách lược hòa giải với các kẻ thù của nước Mỹ, đọan tuyệt với chính sách vũ lực của George Bush. Tại Teheran, Hasan Rohani, một nhân vật có tiếng « ôn hòa » được bầu lên, sang trang thái độ thù hằn của người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.

Cũng như đối với Cuba, chính quyền Obama đã ưu tiên dùng mật đàm để giải tỏa những nghi kỵ của kẻ thù, mà 35 năm trước đây, trong thế chiến thắng của cách mạng Hồi giáo đã từng bắt toàn bộ nhân viên sứ quán Mỹ làm con tin suốt 400 ngày. Cuối cùng hai nước, cùng với các thành viên khác của lục cường, đã đồng ý trên một văn kiện ngăn chận Iran chế tạo bom đổi lấy ngõ ra hội nhập vào cộng đồng thế giới.

Theo nhận định của chuyên gia Aaron David Miller, thuộc Trung tâm nghiên cứu Wilson : dù ủng hộ hay chống thỏa thuận, chúng ta phải công nhận một sự thay đổi cơ bản, sau nhiều thập niên thi hành chiến lược « đê điều » không một lần hợp tác trên một vấn đề nào đó. Thỏa thuận hạt nhân rất có ý nghĩa.

Nhà phân tích Trita Parsi của National Iranian American Council, một cơ quan nghiên cứu Mỹ-Iran cũng xem thành quả ngoại giao này là chiến tích quan trọng nhất trong hai nhiệm kỳ của ông Obama. Nếu bình thường hóa bang giao với Cuba là sự kiện cụ thể đối với đa số công dân Mỹ thì ngược lại thỏa thuận với Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ có tác động địa chính trị quan trọng hơn nhiều.

Vấn đề là liệu thỏa thuận 14/07 sẽ mở đầu cho một trang sử mới trong quan hệ Mỹ-Iran như tổng thống Richard Nixon đã hòa giải với Trung Quốc của Mao Trạch Đông.

Giới chuyên gia cho rằng không thể so sánh như vậy vì Iran là nguồn cội can thiệp gây căng thẳng trong khu vực, ủng hộ chế độ Al Assad ở Syria, Hezbollah ở Liban, Hamas ở Gaza và Houthi ở Yemen.

Theo bà Suzanne Maloney của Brookings Instituton, thành quả của tổng thống Obama có thể so sánh với nỗ lực ngoại giao của cố tổng thống Ronald Reagan, tài giảm binh bị với Liên Xô của Mikhail Gorbachev : thỏa thuận chiến lược quản lý một hồ sơ cực kỳ nguy hiểm.

Ý thức bị chỉ trích từ nhiều phía nghi ngờ ông nhượng bộ Iran, tổng thống Obama đặt hết uy tín và chổ đứng trong lịch sử để trấn an công luận : Tên của tôi ghi vào hiệp định. Hơn ai hết tôi có lý do để bảo đảm thỏa thuận này được tôn trọng.