Việt Nam trao thêm quyền cho thủ tướng
Có trên 87% đại biểu thông qua Điều 28 Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), theo đó, “trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, quyết định giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ”.
Ngoài ra, trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thủ tướng được phép “quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc dự thảo luật quy định Thủ tướng có trách nhiệm quản lý và điều hành hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương là phù hợp với quy định nêu trên của Hiến pháp.
Luật Tổ chức chính phủ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 19/6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Năm ngoái, Bộ Nội vụ Việt Nam đề xuất bổ sung thẩm quyền của thủ tướng sau khi có ý kiến cho rằng Luật tổ chức Chính phủ 2001 “hạn chế nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của chính phủ và thủ tướng”.
'Nhắm ghế tổng bí thư'
Việc thông qua trên được thực hiện trong khi Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội thứ 12 với việc bầu ban lãnh đạo chóp bu mới.
Hồi đầu năm, tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo thuộc cơ quan Ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài bình luận nhận định rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang "nhắm tới chiếc ghế Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam".
Tờ báo viết: “Thủ tướng đương quyền của Việt Nam có lẽ đang nhắm tới vị trí hàng đầu của đảng cầm quyền. Trong nền chính trị chia rẽ ở Việt Nam, ông Dũng, một đại diện của phe thân Mỹ, có lẽ sẽ mạnh mẽ thay đổi chiến lược quốc gia và chính sách ngoại giao của Việt Nam để hợp tác nhiều hơn với Mỹ”.
Tờ Hoàn cầu Thời báo thời gian qua có nhiều bài viết bị coi là công kích Việt Nam. Đáp lại, truyền thông trong nước cho rằng tờ báo này có những bài bình luận “sặc mùi cay cú”.
Theo VnExpress, Tiền Phong, VOA